Những biện pháp cải tạo hai hồ lấy nước nội thành đã không thể thực hiện được trong thời chiến. Việc mượn các xáng cạp từ miền Tây kéo lên cao nguyên để nạo vét hồ được tính đến từ năm 1965, nhưng bất thành.
[links()]
Một kịch bản bất thành
Những biện pháp cải tạo hai hồ lấy nước nội thành đã không thể thực hiện được trong thời chiến. Việc mượn các xáng cạp từ miền Tây kéo lên cao nguyên để nạo vét hồ được tính đến từ năm 1965, nhưng bất thành.
|
Hồ Xuân Hương vào năm 1968 trong không ảnh của Bill Robie. Ảnh tư liệu |
Trong bối cảnh rộng
Về bối cảnh, sự kết thúc của Đệ nhất Cộng hòa, kéo theo những bất ổn về an ninh, sự khu biệt về địa lý đã khiến cho một việc tưởng chừng đơn giản đó là mượn phương tiện thủy lợi chuyên dụng để vét bùn sình, làm đẹp cho hình ảnh trung tâm thành phố thơ mộng, lại vô cùng nhiêu khê.
Mọi chuyện bắt đầu từ việc Chuẩn tướng Vĩnh Lộc, Tư lệnh Quân đoàn II, vùng 2 Chiến thuật kiêm Đại biểu Chính phủ Việt Nam Cộng hòa gửi trích yếu, thông báo với Ủy viên Giao thông Công chánh về việc tỉnh Tuyên Đức xin mượn máy xáng vét hồ Xuân Hương(1).
Ông Vĩnh Lộc viết: “Thị xã Đà Lạt là một trung-tâm du-lịch, thường được các phái-đoàn thượng khách ngoại-quốc tới thăm viếng, nên cần bảo-vệ một thắng-cảnh ở ngay trung-tâm thành-phố vì thể diện Quốc-gia.
Vì chỉ nhìn về một khía cạnh cần nước, Nha Thủy-vận có ý-kiến nên nghiên-cứu sự dự-trữ nước trong hồ Đà Lạt hay lập thêm một hồ chứa nước tại phía thượng lưu để có một giải-pháp hữu hiệu và lâu dài. Trái lại, Tòa tôi cũng như tỉnh Tuyên Đức nhận thấy hồ Đà Lạt có 1/3 diện tích coi như bãi lầy nhơ nhớp, cần phải nạo vét cho thêm phần thẩm mỹ và việc tăng dung-tích nước hồ chỉ là điểm thứ yếu”.(2)
Khó tin, trong bối cảnh đó, sự vụ “mượn xáng nạo vét hồ” kéo dài ròng rã hai năm với một bó hồ sơ hàng trăm trang.
Trong đó, có các công văn năm lần bảy lượt của Nha Thủy vận đề nghị và giải thích gửi đến Bộ Giao thông Công chánh tại Sài Gòn xin cứu xét. Ban đầu, Nha Thủy vận đưa ra sáng kiến mượn chiếc xáng 12” Dragon - Model Canal - Protable Dredge, loại có thể tháo rời để dùng xe vận tải chuyên chở lên Đà Lạt.
Loại xáng này có cả thảy 3 chiếc. Riêng 2 xáng Lợi Nông và Đồng Tháp vì tình trạng thiếu nhân viên nên phải tạm giao cho tỉnh An Giang và Kiến Phong khai thác. Chỉ còn lại xáng U Minh là có thể cho tỉnh Tuyên Đức mượn thực hiện việc nạo vét hồ Xuân Hương.
Như vậy, sự việc cải tạo một thắng cảnh quy mô nhỏ trên cao nguyên đã phải cậy đến các phương tiện chuyên dụng nằm ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Việc di chuyển tốn kém và cồng kềnh với hoàn cảnh chiến tranh, đường sá vận chuyển phức tạp, đó là những trở lực khó hiện thực hóa.
Nha Thủy vận đã nhận ra những khó khăn ngay từ ban đầu. Trong một văn bản phúc đáp, Nha này cho rằng, loại xáng nằm tại U Minh đang trong tình trạng bị “phiến loạn phá hoại tại Tân An đến nay vẫn chưa sửa chữa lại vì lý do ngân khoản và thiếu nhân viên”. Và thông tin thêm rằng, việc đại tu phải mất hai tháng, tốn khoảng 1.500.000 đồng, chưa thể sửa chữa ngay vì thiếu phụ tùng nhập cảng. Ngoài ra, việc tháo rời, vận chuyển lên Đà Lạt thì phải mất 3 xe remorque dài cỡ 10 mét và một đoàn xe vận tải hạng nặng gồm 18 chiếc.
(Đoàn xe này, nếu có, cũng khó lòng “rồng rắn” đi qua các chặng đèo ngoằn ngoèo như đèo Chuối, Bảo Lộc, Di Linh hay Prenn trong tình trạng an ninh không đảm bảo!).
Ngoài ra, bảng tính ước lượng tiết phí di chuyển xáng 12” Dragon - Model Canal - Protable Dredge và ống nổi - ống bờ cân thiết cho công tác nạo vét hồ Đà Lạt tổng cộng là 170.000 đồng. Chi phí đó được tính với giá phương tiện của chính phủ chứ không phải biểu giá tư nhân.
Về cơ bản, Tổng Thư ký Bộ Công chánh và Giao thông Phạm Hữu Vinh thuận với cách áp giá của chính phủ(3).
Nhưng sau đó, chính Nha Thủy vận rút lại đề nghị, không cho thị xã Đà Lạt mượn xáng vì bận thi hành công tác khẩn cấp(4) khiến ông Vĩnh Lộc - Tư lệnh Quân đoàn II, vùng 2 chiến thuật nằm ở Ban Mê Thuột lại một lần nữa lên tiếng với Ủy viên Giao thông Vận tải xin được cứu xét.
Cần, nhưng không khả thi
Một cuộc khảo sát do Ban Kiều lộ đã diễn ra đầu năm 1967. Ông Bửu Đôn, Tổng trưởng Bộ Công chánh đưa ý kiến trong công văn gửi Bộ trưởng Bộ Công chánh Phủ Thủ tướng Sài Gòn ngày 28/11/1967, nêu ý kiến rằng, việc nạo vét hồ Xuân Hương cần có tìm hiểu chỉ số về lưu lượng nước. Nha Thủy vận tỏ ra thận trọng khi vẫn lưu ý cụ thể rằng, việc thổi bùn bằng xáng có thể ảnh hưởng nhiều đến mực nước của hồ và cho biết nếu có lời yêu cầu chính thức, Nha này sẽ cho nhân viên nghiên cứu kỹ hơn, tìm biện pháp thích nghi. Ngoài ra, Nha này cũng đưa ra một chọn lựa khác: “Việc vét hồ sẽ cần phải thực hiện nhiều lần trong tương lai vì lý do hồ bị bồi lấp luôn, mà không thể hoặc dành riêng hẳn một chiếc xáng cho nơi nầy, hoặc chuyên chở và tháo ráp khi cần đến. Bộ tôi thiển nghĩ có thể dùng phương tiện khác tiện lợi hơn như gàu cạp (dragline) di động trên dây căng giữa hai trụ trồng trên bờ hồ, hoặc gàu xúc (clam shell) đặt trên xà lan”, và yêu cầu có sự phối hợp giữa Nha Thủy vận và Tổng Nha Kiều lộ, dù áp dụng giải pháp nào thì cũng phải nhờ công binh về phương tiện cơ giới.
Không mượn được xáng U Minh, lại gặp ý kiến bất lợi từ Ban Kiều lộ, phía Bộ Công chánh và Giao thông sau đó tìm một giải pháp khác cứu vãn tình thế - phát công văn gửi Tổng Giám đốc Kiều lộ đề nghị mượn một trong hai xáng Đồng Tháp và Lợi Nông thay thế. Nhưng sau đó, Nha Đổng Lý, Bộ Giao thông Vận tải có phản hồi rằng, hai xáng Lợi Nông và Đồng Tháp loại 12” tại hai tỉnh Kiến Phong và An Giang “sẽ còn thực hiện nhiều công tác quan trọng hầu phát triển hai tỉnh lỵ này trong một thời gian khá lâu”.
Sau đó, sự kiện Tết Mậu Thân 1968 khiến tình hình an ninh chính trị khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là Đà Lạt rối ren; làm cho ý định xoay xở tìm phương tiện nạo vét hồ Xuân Hương tạm gác lại.
Trong khi đó, hiện tượng sa bồi, đóng bùn phía vườn Bích Câu tạo nên những bãi lau sậy ngày càng rộng lớn. Tuy nhiên, gần như một điều may mắn, dân số Đà Lạt vào thời điểm này chưa phải là quá tải, nông nghiệp ở vùng thượng nguồn chủ yếu là không gian nhà vườn, thượng nguồn vẫn còn những hồ với thảm thực vật khá phong phú tạo thành những “trạm lọc” tự nhiên, giữ cho không gian hồ về phía trung tâm luôn trong xanh êm đềm.
Năm năm sau đề xuất của ông Vĩnh Lộc, vấn đề nạo vét hồ Xuân Hương lại được xới lên. Nha Thủy vận thuộc Bộ Giao thông và Bưu điện đã có khảo sát và dự trù chi phí lên đến trên 240 triệu đồng tiền Việt Nam Cộng hòa. Chi phí trên được đưa vào ngân sách năm tài khóa 1974. Thị trưởng Đà Lạt lúc bấy giờ là Đại tá Nguyễn Hợp Đoàn tỏ ra lo lắng về một vấn đề thiết thực hơn: “phù sa do các dòng suối sẽ lấp đầy hồ và dân chúng sẽ không có nước uống”(5).
Trong khi đó, Nha Cấp thủy (thuộc Bộ Công chánh) lại đề nghị dự trù 350 triệu đồng cho việc lấy nước hồ Dankia dẫn về hồ Xuân Hương cho dân Đà Lạt dùng (số tiền này dự kiến vay của Đan Mạch). Nhưng lúc bấy giờ, lấy lý do “tài nguyên của ngân sách quốc gia eo hẹp”, ngân sách 1974 sẽ chuyển cho Nha Cấp thủy tập trung giải quyết chỉ 150 triệu đồng để “tùy nghi sử dụng sao cho đúng với nhu cầu của dự án”(6).
Việc khơi thông nguồn nước diễn ra chẳng bao lâu thì phải dừng lại vì chiến tranh và bất ổn. Hồ Xuân Hương được coi là thơ mộng giữa trung tâm đô thị đã có lúc có nguy cơ trở thành một đầm lầy. Một cuộc nạo vét lần đầu với quy mô lớn phải chờ đến thời bình. Cụ thể, việc vành đai kè bờ, thảm cỏ vùng đệm, vét sâu đáy hồ... thì phải đợi đến một cuộc đại chỉnh trang của 30 năm sau.
(1) Bản Trích yếu số 1859/KT/2, phát đi ngày 31/8/1965. Phông Bộ Công Chánh. Hồ sơ số 942. TTLTQG II.
(2) Hồ sơ v/v Nghiên cứu nạo vét hồ Xuân Hương năm 1966-1968. Phông Bộ Công Chánh. Hồ sơ số 942. TTLTQG II.
(3) Công văn ngày 18/10/1965. Phông Bộ Công Chánh. Hồ sơ số 942. TTLTQG II.
(4) Theo Công văn số 2902/ NTV ngày 20/9/1967. Phông Bộ Công Chánh. Hồ sơ số 942. TTLTQG II.
(5) Công văn số 708/HC/I ngày 4/9/1973. Đại tá Nguyễn Hợp Đoàn gửi Bộ trưởng tại Phủ Thủ tướng. Phông Bộ Giao thông và Bưu điện. Hồ sơ số 1957. TTLTQG II.
(6) Công văn số 3454/TT/NSNV/CT ngày 15/9/1973 do Phụ tá giám đốc Ngân sách và Ngoại viện Nguyễn Văn Nghĩa ký, gửi Tổng Thư ký Bộ Giao thông và Bưu điện. Phông Bộ Giao thông và Bưu điện. Hồ sơ số 1957. TTLTQG II.
Đón đọc kỳ cuối: KHỦNG HOẢNG NGUỒN NƯỚC VÀ CUỘC TÌM KIẾM
NGUYỄN VĨNH NGUYÊN