Nguồn nước nào cho Đà Lạt? (Kỳ cuối)

05:11, 28/11/2019

Nhận thấy vai trò của hệ thống hồ nước mang lại cho môi sinh của thành phố, việc bảo vệ hồ thượng nguồn đã được chính quyền Sài Gòn lưu ý đặc biệt từ trong những năm chiến tranh...

[links()]
Tìm nước sạch ở thượng nguồn
 
Nhận thấy vai trò của hệ thống hồ nước mang lại cho môi sinh của thành phố, việc bảo vệ hồ thượng nguồn đã được chính quyền Sài Gòn lưu ý đặc biệt từ trong những năm chiến tranh. Điều này gợi nhắc lại “lý thuyết” ban đầu mà bác sĩ, nhà thám hiểm Alexandre Yersin và các kỹ sư công chánh Pháp đã nêu ra vào đầu thế kỷ XX: nếu chọn Đà Lạt là trung tâm, thì Đankia - Suối Vàng là vùng sinh thái đặc hữu có vai trò quan yếu - là nguồn nước, bộ lọc không khí cho đô thị tương lai.
 
Nông trại bò sữa của Dandevco bên Suối Vàng. Ảnh ghi nhận năm 1976. Tài liệu Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 2, TP HCM.
Nông trại bò sữa của Dandevco bên Suối Vàng. Ảnh ghi nhận năm 1976. Tài liệu Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 2, TP HCM.
 
Ngược về thượng nguồn
 
Trước tình hình các hồ cung cấp nước nội thị bị uế nhiễm vào cuối thập niên 1960, một giải pháp được các kỹ sư công chánh, giao thông và thủy cục thời Việt Nam Cộng hòa đưa ra, đó là một hệ thống dẫn nước từ Đankia về thành phố cho dân sử dụng. Theo đó, là chương trình bảo vệ môi trường lưu vực thung lũng Suối Vàng - Đankia.
 
Cuộc họp Hội đồng Nội các sáng 14/6/1973 diễn ra tại Sài Gòn đã đi đến những thông tin quan trọng liên quan đến vấn đề trên, đó là ngân sách quốc gia hai năm 1974-1975 sẽ có một ngân khoản cần thiết để thực hiện dự án đem nước hồ Đankia về cung cấp cho thành phố Đà Lạt. 
 
Trong bản Điệp văn từ Văn phòng Tổng trưởng Bộ Công chánh và Giao thông gửi Giám đốc Quốc gia Sản cấp Thủy cục được gửi đi cùng ngày với phiên họp trên, có nêu mấy ý chính: “đề nghị Ông giám đốc Quốc gia Sản cấp Thủy cục dự thảo sắc lệnh trình Thủ tướng chỉ định khu vực thượng lưu hồ Đankia được dành một khu thắng cảnh thiên nhiên, cấm mọi khai thác không có phép của Thủ tướng, bảo vệ tinh khiết của nước trong hồ Écologie [sinh thái học] của khu vực”; “sớm chọn và tống đạt khế ước lập đồ án hệ thống dẫn nước cho Đà Lạt để hãng kỹ sư khởi công và hoàn tất vào cuối năm 1973”; “liên hệ với Bộ Kế hoạch và Phát triển Quốc gia để trong trường hợp có viện trợ Hòa Lan hay Đan Mạch về việc này, bớt gánh nặng cho ngân sách quốc gia”; “theo Bộ Công chánh, nên ra lệnh giảm thiểu việc trồng trọt trong 3 tháng mùa nắng 1974-1975 để đỡ nạn thiếu nước cho dân chúng trong thành phố”.
 
Điệp văn trên cũng đề nghị kinh phí cần thiết cho dự án lấy nước tại hồ Đankia là 2.064,6 triệu đồng (tiền Việt Nam Cộng hòa), thực hiện thành hai giai đoạn: giai đoạn 1 nhằm cung cấp số lượng nước cần thiết cho 2 nhà máy hiện hữu được ước lượng là 1.090 triệu đồng trong hai năm; số kinh phí còn lại để thực hiện giai đoạn 2 nhằm tinh lọc hữu hiệu trong 2 năm kế tiếp. Hội đồng Nội các thông qua bản dự án và chấp thuận kinh phí cần thiết vào ngân sách quốc gia năm 1974 (kể cả kinh phí vét hồ Xuân Hương nhằm tăng khả năng chứa nước và phát triển du lịch trong tương lai).
 
Về phía địa phương, ngày 30/5/1973, Hội đồng Tái thiết Phát triển Tuyên Đức - Đà Lạt gửi Ty Hành chánh Tuyên Đức thi hành bút phê của Đại tá Tỉnh trưởng, Thị trưởng Đà Lạt Nguyễn Hợp Đoàn, yêu cầu cấm chặt cây và canh tác xung quanh hồ Đankia. Bán kính vòng đai cấm canh tác là 200 thước, được tính từ bờ hồ. Lập tức, Nha Tổng Thư ký Bộ Công chánh sau đó có phản hồi trong công văn ngày 25/6/1973: “Cấm 200 thước từ bờ hồ đâu có được, phải coi bassin versant (thung lũng lưu vực) rồi cho tỉnh hay” và yêu cầu một dự thảo gấp Sắc lệnh bảo vệ lưu vực”. 
 
Một bản Sắc lệnh được ban bố bảo vệ nghiêm ngặt vùng lưu vực hồ Đankia được đưa ra sau đó. Sắc lệnh quy định lưu vực hồ Đankia được chia làm hai vùng: “Vùng bất khả xâm phạm” cấm dân chúng xâm nhập, xây cất gia cư, thiết lập cơ sở kỹ nghệ, thương mại, chăn nuôi, trồng tỉa, đốn cây, đào ao nuôi cá v.v... có thể uế nhiễm trực tiếp cho nước hồ và vùng “Kiểm soát” để giới hạn việc đổ tháo nước dơ hoặc sử dụng nguồn nước. Diện tích vùng “bất khả xâm phạm” gồm các phần đất cần bờ hồ và hai bên suối sẽ do Ủy ban Liên bộ Bảo tồn nước hồ Đankia, gồm Đại diện Bộ công cánh, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Phát triển Nông nghiệp và Điền địa, Tòa Hành chánh tỉnh Tuyên Đức, Quốc gia Sản cấp Thủy cục quản lý. Chủ tịch Ủy ban này do Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa bổ nhiệm; văn phòng được đặt tại Đà Lạt. 
 
Không gian xây dựng trong khu vực hồ Đankia được kiểm soát nghiêm ngặt, theo Sắc lệnh: “Các kiến trúc đang thực hiện, sắp thực hiện, hoặc các dự án trồng cây, thiết lập cơ sở kỹ nghệ, chăn nuôi, các nông trại, nếu có, trong phạm vi vùng bất khả xâm phạm nói trên, phải đình chỉ, kể từ ngày ban sắc lệnh này” (Điều 4). Và theo đó, các điều 5, 6 của bản Sắc lệnh đưa ra quy chế chặt chẽ: đất đai thuộc quyền sở hữu của tư nhân hay hiệp hội (thể nhân hay pháp nhân) trong phạm vi vùng bất khả xâm phạm sẽ được chuyển nhượng lại cho chính phủ, đất vô chủ sẽ được chính phủ trưng thu. Trong thời hạn sáu tháng, kể từ ngày ban hành Sắc lệnh nêu trên, tất cả các kiến trúc, cơ sở kỹ nghệ, chăn nuôi, đồn điền, nông trại, vườn tược, hoa màu, nhà cửa hiện hữu trong phạm vi vùng bất khả xâm phạm đều phải di chuyển đi nơi khác và sẽ được Chính phủ Việt Nam Cộng hòa bồi thường giải tỏa.
 
Bất khả xâm phạm
 
Năm 1974, một Ủy ban Liên bộ Bảo vệ nước hồ Đankia được thành lập theo Công văn khán duyệt số 443-NĐ/CCGT ngày 28/5/1974 do Phó Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa, ông Trần Thiện Khiêm ký. Hai tháng sau, ông Nguyễn Văn Thông - Kỹ sư Thủy lợi, Kỹ sư Công chánh, Tổng Thư ký của Ủy ban Quốc gia Thủy lợi, đại diện Bộ Công chánh và Giao thông của Chính phủ Việt Nam Công hòa chính thức giữ chức vụ quản lý Ủy ban này. 
 
6 cuộc họp diễn ra tại Sài Gòn và Đà Lạt, thảo luận về các giải pháp ngay sau đó. Các chuyên gia và người đứng đầu Bộ Canh nông, Viện Khảo cứu Nông nghiệp, Tổng Cục Phát triển Du lịch, Nha Y tế, Bộ Nội vụ, Nha Thủy cục lúc đó đã ngồi lại, soạn ra một bản dự thảo xác định ranh giới các vùng thuộc lưu vực hồ Đankia, bổ túc các định nghĩa vùng và dự phòng các nguy cơ gây ô nhiễm cho vùng này và đưa ra một viễn kiến về các dự án có thể được phê duyệt trong tương lai trên lưu vực hồ Đankia (di dân lập ấp, canh nông, du lịch).
 
Vào năm 1974, hồ Đankia được xác định đặc tính lưu vực bao gồm đồi núi mà phần lớn chưa được khai khẩn, trừ một sở đất canh tác dọc theo các con suối phía nam lưu vực, kể cả đập nước và hồ Đa Thiện. Hồ này chiếm một khoảng đất rộng khoảng 4 km2 thuộc quận Lạc Dương, tỉnh Tuyên Đức. Bản Dự thảo xác định: “Việc phân chia lưu vực hồ Đankia được giới hạn bằng một đường nối liền các đỉnh núi để làm thành một diện tích trên đó nước mưa sẽ chảy vào hồ Đankia. Mọi nguồn gốc ô nhiễm xảy ra trên diện tích tiếp giáp bờ hồ sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến phẩm chất nước hồ và là một đe dọa thường xuyên, vì lẽ sự ô nhiễm sẽ không đủ thời gian để tự tiêu hủy và nước hồ sẽ không đủ điều kiện để tự thanh hóa nên cần dành riêng một diện tích tiếp giáp bờ hồ gọi là “Vùng bảo vệ”, trên đó sẽ loại bỏ hẳn các nguồn ô nhiễm. Phần còn lại của lưu vực được gọi là “Vùng kiểm soát” để đặt dưới sự kiểm soát, tránh gây ô nhiễm và xói mòn. Trong “Vùng bảo vệ”, cần triệt để “cấm trồng trọt cây ăn trái và hoa màu, cấm việc chăn nuôi, cấm xây cất ngoại trừ các cơ sở tiện ích công cộng dưới sự kiểm soát, cấm mọi hoạt động ngoại trừ các nơi được phép xây cất hoặc chỉnh trang cho mục tiêu sử dụng rõ rệt”.
 
Bản Dự thảo tháng 11 của Ủy ban này cũng xác định rằng: “Hồ trước kia được sử dụng trữ nước cho thủy điện và có sức chứa khoảng 15.000.000 m 3; trong tương lai hồ sẽ được sử dụng cung cấp nước uống cho thị xã Đà Lạt”. Nước hồ Đankia được cung cấp từ hai nguồn chính: nguồn phía bắc và nguồn phía đông nam, các dòng suối nhỏ phía tây không đáng kể. 
 
Các khảo sát được ghi nhận: đất ở vùng hồ này thuộc nhóm Podzolic và vàng đỏ, dễ bị xói mòn và có độ đục, hòa tan trong nước vào mùa mưa (trung bình 50 đơn vị Jackson) nên dòng nước chảy qua có tên Suối Vàng. Vào thời điểm này, nhiệt độ trung bình ở Đankia là 18oC, mưa nhiều, vào buổi chiều từ tháng 4 đến tháng 11, vũ lượng trung bình 1504,8 mm/m. Lưu lượng nước hồ Đankia qua đập tràn vào mùa mưa từ 3,57 m 3/giây hay 12.850,8 m 3/giờ. Dọc nguồn nước phía bắc là vùng bằng và ẩm đã được đồng bào Thượng (ấp Đăng Gia Đít) khai khẩn và canh tác 150 mẫu với dân số 670 người. Nguồn phía tây được khai khẩn nhiều hơn với khoảng 10 ấp gồm Kinh và Thượng khoảng 6.000 dân, với diện tích canh tác khoảng 530 mẫu lúa, hoa màu và 550 mẫu trồng rau cải. Số lượng gia súc nuôi ngoài đồng hay trong nhà trong toàn thể lưu vực vào lúc bấy giờ khoảng 850 trâu bò ngựa, 380 heo, 6.000 gà vịt. Với quy mô chăn nuôi đó Ủy ban này xác định chưa tạo ra mức độ ô nhiễm cho hồ “về phẩm và lượng”, có thể dùng nước hồ làm dự án cấp thủy cho Đà Lạt.
 
Dự án sẽ được lập đồ án và có thể khởi công vào cuối năm 1975, trù liệu hoàn tất vào cuối năm 1977. Xuất lượng nhà máy là 20.000 m 3/ngày với kinh phí khoảng 3 tỷ bạc VN, trong đó khoảng 1,3 tỷ bằng ngoại tệ vay của Quỹ tín dụng Đan Mạch và 1,2 tỷ sẽ do ngân sách quốc gia tài trợ”.
 
Ủy ban này cũng xác định nguồn nước Đankia chưa bị ô nhiễm, nên tránh gây trở ngại cho dân chúng, nhất là đồng bào sắc tộc, đề nghị giữ nguyên tình trạng hiện hữu về mọi mặt.
 
Xung đột quyền lợi
 
Tuy nhiên, cũng vào thời điểm 1974, việc đề nghị “giữ nguyên tình trạng hiện hữu về mọi mặt” mà Ủy ban Liên bộ Bảo vệ nước hồ Đankia nêu ra đã gặp phải nhiều phản ứng dữ dội từ một doanh nghiệp đang mở mang trang trại tại vùng này.
 
Doanh nghiệp đó chính là Dandevco của bà Nguyễn Thị Xuyến, trụ sở đóng tại số 29, đường Tự Do, Sài Gòn (nay là Đồng Khởi, Q1, TP HCM). Bà Xuyến nhiều lần gửi bạch thư, bình luận về các điều khoản của bản phúc trình, đặc biệt là tấn công vào các điều khoản bảo vệ hồ Đankia sẽ làm thiệt hại kinh tế cho nhà đầu tư nông trại như bà. Công ty của bà này nạp đơn xin khẩn đất công sản ở Đankia để khai thác dự án nuôi bò kiểu mẫu (từ ngày 7/9/1973) và phải đương đầu với nhiều khả năng vi luật. 
 
“Cấm hẳn mọi hoạt động chăn nuôi” là điều khoản đánh vào lợi ích doanh nghiệp của bà Xuyến. Trong khi đó, một công ty khác từ ngoại quốc là Sanyei Hong Kong đăng ký một dự án khai thác khách sạn tại Suối Vàng với quy mô lớn thì lại được Đại tá Nguyễn Hợp Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Tái thiết và Phát triển Đà Lạt kiêm Thị trưởng Đà Lạt thời bấy giờ cổ xúy trong một công văn vào ngày 26/11/1974 gửi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Trong thư này, ông Đoàn cho rằng “dự án của tập đoàn này sẽ phát triển kỹ nghệ du lịch cùng các ngành liên quan kỹ nghệ này, tạo dựng một thị trường tiêu thụ nhân công, chuyên viên và các sản phẩm địa phương, lôi cuốn được khu khách ngoại quốc cũng như chỉnh trang được thắng cảnh Suối Vàng, do đó, sẽ tăng thâu lợi tức cho ngân sách quốc gia và địa phương, chuyển hướng mức sinh hoạt của Tuyên Đức Đà Lạt từ một khu vực đang suy giảm bề kinh tế vì thiếu thị trường tiêu thụ rau hoa thành một trung tâm du lịch quốc tế”. Ông Đoàn cũng “nâng quan điểm” khi đề cập đến phương diện an ninh. Ông cho rằng dự án Sanyei Hong Kong sẽ tạo “niềm tin về an ninh” - vì có “an ninh thì tư bản ngoại quốc mới đầu tư vào, hy vọng đem lại sự thịnh vượng cho dân chúng, cho thấy sự cường thịnh của Đà Lạt và miền Nam”... 
 
Việc xây khách sạn, casino của nhà đầu tư nước ngoài đã được ông Đoàn cơ bản đồng ý, song việc chăn nuôi súc vật cho du khách tiêu thụ theo ông “không những sẽ làm mất vẻ mỹ quan mà còn có thể gây ô nhiễm cho hồ Đankia đang được nghiên cứu để thực hiện hệ thống cung cấp nước uống cho thị xã Đà Lạt” và quyết liệt “đề nghị không cho phép chăn nuôi”.
 
Trước đó, dự án này cũng vấp phải sự “làm khó” của Ủy ban Liên bộ Bài trừ Uế nhiễm Môi sinh vì lo ngại hệ thống chất chải dịch vụ cơ sở du lịch và chăn nuôi sẽ ảnh hưởng nặng nề đến nguồn nước. Nhưng bằng một cách nào đó mà các tài liệu không soi tỏ manh mối, Sanyei Hong Kong đã đưa ra thông tin họ được duyệt 350 mẫu đất làm “home farm” (nông trường, với chức năng hoạt động lấy sữa, trồng rau hoa...). Ngoài ra, theo phác thảo thì dự án này, sẽ có một “đại khách sạn” tại Suối Vàng.
 
Các thư từ “tấn công” vào sự “thiên vị” của địa phương với nhà đầu tư của bà Xuyến gửi thẳng về Phủ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa dày đến gần trăm trang đã chìm vào quên lãng sau những diễn tiến lịch sử tháng 4 năm 1975.
 
Những tài liệu cho thấy Dandevco vẫn hoạt động đến năm 1976, dù dự án xây khách sạn của Sanyei đã bị ngưng từ đầu do chiến tranh.
 
Môi trường “sống còn” của Đà Lạt
 
Câu chuyện dân Đà Lạt uống nước Suối Vàng được chính quyền mới tiếp tục sau đó, với một phần nguồn vốn vay của Đan Mạch. Một công trình cấp nước sạch Suối Vàng - Đankia được khởi công xây dựng từ năm 1980-1984. Nhà máy xử lý nước thô từ hồ Đankia được dẫn về đồi Tùng Lâm có dung tích 5.000 m3 và đi đến các bể chứa trong thành phố. Trước đó vài năm, công trình cấp nước hồ Chiến Thắng cũng được xây dựng bổ sung nguồn nước sinh hoạt cho Đà Lạt.
 
Như vậy, đến nay nguồn nước sinh hoạt trong thành phố Đà Lạt được lấy từ hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, hồ Chiến Thắng và phần lớn từ hồ tự nhiên Suối Vàng - Đankia.
 
Môi trường trong lành cho hồ nước Suối Vàng - Đankia đã là một câu chuyện dài chuyển tiếp qua hai thời kỳ chính trị nhưng chung một cách nhìn: cần bảo vệ bền vững chất lượng sống của người dân Đà Lạt ngay từ dòng nước tinh khiết đầu nguồn và rừng sinh thái đặc hữu. Cần cân nhắc kỹ những dự án phát triển có nguy cơ can thiệp, phá vỡ môi trường của khu vực này.
 
Tài liệu tra cứu: 
 
1/ Phông Bộ Công chánh Và Giao thông, tài liệu số 868, 826 của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 2, TP HCM.
 
2/ Địa chí Đà Lạt; Link: http://w3.lamdong.gov.vn.
 
NGUYỄN VĨNH NGUYÊN