Chiến thắng Kỷ Dậu 1789: Bản hùng ca bất hủ

02:01, 28/01/2020

(LĐ online) - Ngày 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu 1789, người anh hùng dân tộc áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ dẫn đầu đoàn quân bách chiến bách thắng vào giải phóng kinh thành Thăng Long sau khi đã đập tan hàng vạn quân xâm lược Mãn Thanh...

(LĐ online) - Ngày 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu 1789, người anh hùng dân tộc áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ dẫn đầu đoàn quân bách chiến bách thắng vào giải phóng kinh thành Thăng Long sau khi đã đập tan hàng vạn quân xâm lược Mãn Thanh. Nhà thơ nổi tiếng đương thời là Ngô Ngọc Du đã khắc họa khung cảnh tưng bừng, náo nhiệt của Nhân dân kinh thành Thăng Long khi ấy: 
 
Mây tạnh mù tan trời lại sáng
Đầy thành già trẻ mặt như hoa
Chen vai thích cánh cùng nhau nói:
Cố đô vẫn thuộc núi sông ta.
 
Năm Mậu Thân (1788), Lê Chiêu Thống, ông vua đã được Hoàng Lê nhất thống chí khắc họa là “Nước Nam ta từ khi có đế, có vương đến nay chưa có ông vua nào luồn cúi đê hèn như thế” đã cúi đầu, quì gối rước 29 vạn quân Thanh vào xâm lược nước ta. Những ngày giáp tết năm ấy, Nhân dân Thăng Long đã chứng kiến biết bao tội ác của quân thù: “Kiếm mọi cách vu hãm những người lương thiện, áp bức, cướp bóc những nhà giàu có, thậm chí giữa chợ, giữa đường cũng cướp giật của cải, hãm hiếp đàn bà”. Trước tình cảnh ấy, ngày 25 tháng 11 năm 1788, sau khi nhận được tin cấp báo, ở Phú Xuân, Bắc Bình vương Nguyễn Huệ đã hội các tướng sĩ bàn việc đánh giặc. Ngày 25 tháng 12 năm ấy, Nguyễn Huệ chính thức lên ngôi hoàng đế ở Phú Xuân với niên hiệu Quang Trung và cùng ngày thống lĩnh đại quân kéo ra Thăng Long diệt giặc.
 
 
Đêm giao thừa Tết Kỷ Dậu (1789), quân Tây Sơn bất ngờ tấn công tiêu diệt đồn tiền tiêu của giặc ở Gián Khẩu, cách Thăng Long gần 90 km, mở đầu cuộc phản công đại phá quân Thanh. Nửa đêm ngày mùng 3 tết Kỷ Dậu, khi quân giặc còn say ngủ, quân Tây Sơn đã vây làng Hạ Hồi nơi giặc đóng đồn và thu được thắng lợi nhanh chóng. Sáng ngày 5 Tết Kỷ Dậu, quân Tây Sơn đến làng Ngọc Hồi và tiêu diệt toàn bộ quân giặc ở Ngọc Hồi - Đầm Mực. Cùng lúc ấy, cánh quân do đô đốc Long chỉ huy bất ngờ diệt đồn Đống Đa đánh thọc sâu vào đại bản doanh của tướng giặc Tôn Sĩ Nghị. Sự phối hợp ăn ý và tấn công thần tốc của quân ta đã làm Tôn Sĩ Nghị trở tay không kịp và hoàn toàn thất bại. Đại Nam chính biên liệt truyện chép: "Tôn Sĩ Nghị đóng trên bãi cát, được tin bại trận vội vàng cưỡi ngựa một mình chạy về Bắc. Tướng sĩ thấy vậy tranh nhau qua cầu mà chạy, cầu đứt, lăn ngã cả xuống sông, chết đến vài vạn người, làm cho nước sông không chảy được".
 
Trưa ngày 5 Tết Kỷ Dậu 1789, hoàng đế Quang Trung với áo bào còn nhuộm đen thuốc súng dẫn đầu đội quân chiến thắng tiến vào Thăng Long trong không khí tưng bừng của mùa Xuân và háo hức của Nhân dân 36 phố phường Thăng Long khi ấy.
 
 Sơ đồ diễn biến trận Ngọc Hồi Đống Đa
Sơ đồ diễn biến trận Ngọc Hồi Đống Đa
 
Đại thắng mùa Xuân Kỷ Dậu 1789 là một trong những chiến công hiển hách nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta và mãi mãi là niềm tự hào của mọi người dân Việt Nam. Chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, hàng chục vạn quân xâm lược Mãn Thanh đã bị đánh bại và quét sạch khỏi bờ cõi nước ta. Bằng cách hành quân thần tốc, táo bạo, chỉ trong 35 ngày đêm hành quân thần tốc với quãng đường dài hơn 500 km từ Phú Xuân ra Tam Điệp và chỉ trong 5 ngày đêm tiến công tổng lực tính từ đêm 30 Tết đến sáng ngày mùng 5 Tết. Đây là kỷ lục về hành quân thần tốc và là nghệ thuật quân sự đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn.
 
Ngay sau khi giải phóng Thăng Long, với tinh thần nhân đạo và hòa hiếu, vua Quang Trung đã hạ lệnh chiêu nạp, nuôi dưỡng tất cả tù binh và hàng binh quân Thanh: “Phàm những người Tàu trốn tránh ở đâu ra thú tội đều được cấp cho áo mặc, lương ăn” (Việt Nam sử lược). Nhà vua lại sai thu nhặt xác giặc trên các chiến trường chôn thành 12 gò và lập đàn cúng tế với bài văn tế thấm đẫm tinh thần nhân văn, đạo lý dân tộc Việt: 
 
Nay ta cho thu nhặt xương cốt chôn vùi.
Bảo lập đàn bên sông cúng tế. 
Lòng ta thương chẳng kể người phương Bắc. 
Xuất của kho đắp điếm đống xương khô. 
Hồn các ngươi đừng vất vưởng dưới trời Nam. 
Hãy lên đường quay về nơi hương chỉ. 
 
Kể từ cuộc xâm lăng của Triệu Đà (207 TCN) đến chiến thắng Kỷ Dậu khi Quang Trung đại phá quân Thanh, dân tộc ta đã trải qua nhiều cuộc kháng chiến chống xâm lăng bảo vệ đất nước. Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại ấy, biết bao thế hệ người Việt đã chiến đấu, hi sinh để bảo vệ giang sơn, đất nước. Trải biết bao gian khổ hi sinh, nhưng ý chí dân tộc, lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần tự lực, tự cường đã hun đúc nên tâm hồn và khí phách Việt Nam để dân tộc ta vượt lên gian khổ, hi sinh, đạp bằng mọi gian lao thử thách, giữ vững nền độc lập thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Chiến thắng của dân tộc ta mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789 mãi mãi được ghi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta như một bản hùng ca bất hủ, thể hiện hoài bão khát vọng ngàn đời của dân tộc Việt Nam là được sống trong hòa bình, độc lập và thống nhất Tổ quốc.
 
        VŨ TRUNG KIÊN