Ngày 22 tháng 12 cách đây 75 năm là mốc son chói lọi trong lịch sử khi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của lực lượng vũ trang cách mạng và Quân đội nhân dân Việt Nam, được thành lập.
[links()]
Những cánh bay quả cảm
Ngày 22 tháng 12 cách đây 75 năm là mốc son chói lọi trong lịch sử khi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của lực lượng vũ trang cách mạng và Quân đội nhân dân Việt Nam, được thành lập.
|
Máy bay của ta xuất kích tiêu diệt địch. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Vượt bao gian khó, thử thách, chiến đấu hy sinh, Quân đội ta đi từ nhỏ đến lớn, từ thô sơ đến hiện đại, càng đánh càng lớn mạnh, trưởng thành, làm nên truyền thống "Quyết chiến - Quyết thắng", cùng toàn Đảng, toàn dân tộc lập nên những chiến công hiển hách.
Từ những tháng ngày lịch sử hướng tới tương lai, những người lính Cụ Hồ đang tiếp bước cha anh trong sứ mệnh giữ gìn một dải bờ cõi, tiền tiêu của Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và góp sức vào sự nghiệp xây dựng đất nước.
Tháng 12. Mùa Đông miền Bắc gió lạnh tê người. Tốp phi công của Không quân nhân dân Việt Nam bước lên buồng lái, điều khiển những chiếc tiêm kích đa năng siêu âm Su-30MK2 lăn ra đường băng sân bay Kép (Bắc Giang). Sau tiếng động cơ rền vang kiêu hãnh xé tan không gian tĩnh lặng, “Hổ mang chúa” tăng lực kéo theo đuôi lửa đỏ rực lao vụt lên bầu trời Tổ quốc...
Đã bao lần thực hiện những chuyến tuần tra trên biển trời quê hương, song mỗi lúc khoác lên người bộ đồ bay và rảo bước về phía hangar (nhà để máy bay) trong vang vọng khúc quân hành “Phi đội ta xuất kích”, Thiếu tá Lê Hoài Nam, Phi đội trưởng Phi đội 1 Trung đoàn 927 (Đoàn Không quân Lam Sơn), vẫn xốn xang.
Trào dâng trong anh là niềm tự hào khi được tiếp nối truyền thống những cánh bay tinh nhuệ, anh hùng của Không quân nhân dân Việt Nam và Đoàn Không quân Lam Sơn nói riêng. Từ chính vùng trời Đông Bắc này, trong những năm tháng chống Chiến tranh phá hoại miền Bắc của Không quân Mỹ, những chiếc MiG - 21 đã làm nên huyền thoại khi xuất kích 209 lần, đánh 63 trận, bắn rơi 43 máy bay các loại, trong đó có 1 pháo đài bay B-52.
Ngắm nhìn những chiếc tiêm kích siêu âm đang nhỏ dần trên nền trời xanh, Thiếu tá Lê Hoài Nam cho biết, để cất cánh loại máy bay chiến đấu hiện đại này và hoạt động trên không, làm chủ bầu trời thì ngoài sự hợp lực của rất nhiều thành phần, đòi hỏi phi công lái Su-30MK2 phải kết hợp lý thuyết với vận dụng kinh nghiệm thực tiễn linh hoạt trong mỗi tình huống, mỗi điều kiện cụ thể mới có thể làm chủ được vũ khí, trang bị kỹ thuật.
“So với MiG-21, máy bay Su-30MK2 được tích hợp kỹ thuật số, ứng dụng công nghệ tác chiến hiện đại nên đòi hỏi rất khắt khe trong vận hành cũng như huấn luyện. Trước mỗi chuyến bay, những người trong phi đội đều phải tiến hành các bài bay giả định ở sa bàn khu vực ngoài trời với đầy đủ sơ đồ hóa địa hình địa vật, đường bay, không vực hoạt động, sân bay dự bị… nhằm hệ thống các khẩu lệnh, động tác sẽ phải thực hiện trong quá trình bay”, Thiếu tá Lê Hoài Nam nói.
Cũng niềm xúc động, tự hào mỗi khi nhận nhiệm vụ cho các chuyến tuần tra trên bầu trời Tổ quốc như người đồng đội là Trung tá Đỗ Trung Dũng, phi công cấp 2 của Lam Sơn. Thuần thục nhiều loại chiến đấu cơ như Su-22, MiG-21, Su-30 MK2 với số giờ bay tích lũy lên đến hàng trăm giờ nên cùng nhiệm vụ trực ban sẵn sàng chiến đấu song người phi công quê gốc Hải Dương này còn được phân công kèm cặp, hướng dẫn các phi công mới, phi công trẻ của Đoàn Không quân Lam Sơn.
Đỗ Trung Dũng thổ lộ, lái Su-30MK2 đòi hỏi phải có trình độ cao bởi trang thiết bị của loại máy bay này rất hiện đại với nhiều hệ thống tự động, thiết bị ngắm mục tiêu gắn trên mũ bay, các hệ thống radar, dẫn đường cũng rất tân tiến. Muốn thực sự làm chủ loại phương tiện chiến đấu này, phi công cần bỏ nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu sâu về các thiết bị, chức năng trên máy bay.
“Trong mỗi tình huống, mỗi điều kiện cụ thể lại có một cách xử lý khác nhau nên phi công phải tập trung cao độ từ khi lên buồng lái đến khi rời buồng lái. Tất cả những động tác, hành trình của phi công đều được ghi lại bằng thiết bị chuyên dụng. Sau khi kết thúc bài bay, ban bay sẽ xem lại để đánh giá và rút kinh nghiệm. Nào đâu có được khoảnh khắc lãng mạn ngắm đất nước thân yêu từ trên cao, trong buồng lái, như lời ca: Anh phi công bàng hoàng ngỡ mình bay trên gấm vóc”, Trung tá Đỗ Trung Dũng cười. nói vui.
Chia sẻ về nhiệm vụ của Đoàn Không quân Lam Sơn, Phó Chính ủy Trung đoàn 927 Lê Xuân Minh tự hào nói: Trải qua hơn 46 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Đoàn Không quân Lam Sơn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, bảo đảm an toàn bay, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên đất, trên không, trên biển và vùng thềm lục địa, Trung đoàn 927 được Đảng, Nhà nước, Quân đội trang bị dòng máy bay Su-30MK2, một trong những loại tiêm kích hiện đại bậc nhất nhằm thay thế những chiếc máy bay MiG-21 huyền thoại. Hiện nay, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã từng bước làm chủ phương tiện, vũ khí, trang bị, sẵn sàng cất cánh trong mọi tình huống.
“Để góp phần canh giữ, bảo đảm sự bình yên vùng trời của Tổ quốc, Đảng ủy, Chỉ huy Trung đoàn cùng cán bộ chiến sỹ luôn phát huy truyền thống đơn vị anh hùng; đoàn kết - quyết tâm giáo dục tốt cho bộ đội, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật, làm chủ vũ khí trang bị, đặc biệt là sử dụng thành thạo mọi trang bị đáp ứng tốt yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ. Mỗi cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn luôn xác định ý chí quyết tâm, nỗ lực học tập để nâng cao trình độ và trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ”, Phó Chính ủy Trung đoàn 927 Lê Xuân Minh khẳng định.
Bài 2: Điểm tựa vùng biên
(Theo TTXVN)