Việt Nam - 90 mùa Xuân có Đảng

06:01, 31/01/2020

Đất nước rộn ràng bước vào Xuân Canh Tý 2020, hương sắc mùa Xuân đang tràn ngập khắp nơi, lòng người phấn khởi chờ đón những điều tốt đẹp nhất đang tới, và càng thấy tự hào hơn khi thế và lực của đất nước ta đang ngày một lên cao.

Đất nước rộn ràng bước vào Xuân Canh Tý 2020, hương sắc mùa Xuân đang tràn ngập khắp nơi, lòng người phấn khởi chờ đón những điều tốt đẹp nhất đang tới, và càng thấy tự hào hơn khi thế và lực của đất nước ta đang ngày một lên cao.
 
 
Tết này, Đảng ta tròn 90 Xuân, đất nước ta cũng tròn 90 năm có Đảng.
 
Trải qua 90 năm có Đảng, đất nước ta từ một nước nhược tiểu, nghèo đói, đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao, có nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế không ngừng rộng mở, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư được tăng cường. Việt Nam đã tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế và thiết chế hợp tác kinh tế đa phương, có vai trò, tiếng nói quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
 
Thực tiễn phong phú của cách mạng Việt Nam từ ngày có Đảng đến nay đã chứng minh rằng, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta, làm nên nhiều kỳ tích trên đất nước Việt Nam. Đồng thời, chính trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta được tôi luyện, thử thách và không ngừng trưởng thành, dày dạn kinh nghiệm để ngày càng xứng đáng với vai trò và sứ mệnh lãnh đạo cách mạng, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân.
 
Vậy tại sao lại nói 90 mùa Xuân có Đảng, là bởi vì Đảng ta ra đời và chiến đấu không vì lợi ích của riêng mình mà là vì lợi ích chung của đất nước và dân tộc, vì độc lập của Tổ quốc, tự do hạnh phúc của nhân dân, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giai cấp và con người.
 
Không hề ngẫu nhiên mà trong suốt 90 năm qua, Mùa Xuân - Đất nước - Dân tộc và Đảng ta luôn hòa quyện với nhau làm một, cùng làm nên những kỳ tích, viết lên những trang sử vẻ vang trong lịch sử nước nhà.
 
Ngược dòng thời gian 90 năm, hãy cùng điểm lại những trang sử hào hùng của đất nước, của dân tộc kể từ khi có Đảng.
 
 
Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
 
Cho đến đầu thế kỷ 20, các phong trào đấu tranh vũ trang chống xâm lược do các sĩ phu lãnh đạo đã thất bại. Thực dân Pháp đã đặt xong ách cai trị ở Việt Nam, bắt đầu tiến hành khai thác thuộc địa và tạo ra những chuyển biến sâu sắc trong xã hội Việt Nam. Những trào lưu cứu nước theo tư tưởng dân chủ tư sản cũng đã tỏ ra bế tắc trong một xã hội thuộc địa nửa phong kiến.
 
Ngày 6-5-1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành, với tên Văn Ba, rời bến Nhà Rồng (Sài Gòn) ra đi tìm một con đường mới cho cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc.
 
Qua nhiều năm tháng bôn ba, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã trở thành một chiến sĩ cách mạng giàu kinh nghiệm thực tiễn trong phong trào đấu tranh của các dân tộc thuộc địa những năm đầu thế kỷ 20. Từ chủ nghĩa yêu nước, Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và tìm được con đường cách mạng giải phóng cho dân tộc.
 
Với tinh thần: Cách mệnh muốn thành công trước hết phải có Đảng cách mệnh... Đảng có vững cách mệnh mới thành công, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nỗ lực không ngừng xúc tiến công việc chuẩn bị về mọi mặt để thành lập một Đảng Cộng sản chân chính để có thể đảm nhận vị trí lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh giải phóng dân tộc.
 
Người đã chọn những hạt nhân đầu tiên cho cách mạng là những thành viên trung kiên của nhóm Tâm tâm xã - tổ chức yêu nước của thanh niên Việt Nam thành lập tại Quảng Châu (Trung Quốc) từ cuối năm 1922. Từ những hạt nhân đầu tiên, Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, sáng lập báo Thanh niên - tờ báo đầu tiên của cách mạng Việt Nam và tổ chức các lớp huấn luyện cán bộ.
 
Hình ảnh tư liệu
Hình ảnh tư liệu
 
Giai đoạn năm 1925-1930, với sự hoạt động sôi nổi mạnh mẽ của lớp cán bộ được Nguyễn Ái Quốc huấn luyện ở Quảng Châu rồi trở về nước hoạt động, phong trào cách mạng Việt Nam đã có bước phát triển nhảy vọt so với thời kỳ trước đó. Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng Việt Nam đòi hỏi phải có một Đảng Cộng sản đảm nhiệm vai trò lãnh đạo cách mạng thay cho Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.
 
Tháng 3-1929, những người tích cực nhất của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Bắc Kỳ đã thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên tại nhà số 5D phố Hàm Long (Hà Nội). Từ hạt nhân này, những cán bộ cấp tiến của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Bắc Kỳ đã tích cực xúc tiến thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng ngày 17-6-1929. Tổng bộ thanh niên và Kỳ bộ Nam Kỳ cũng cải tổ thành An Nam Cộng sản Đảng vào tháng 8-1929. Tháng 9-1929, những đại biểu Tân Việt đã ra Tuyên đạt chính thức lập ra Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Cả ba tổ chức này đều tự nhận mình là cộng sản. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động, các tổ chức này chưa thống nhất trong cách thức hoạt động gây ảnh hưởng tiêu cực cho phong trào cách mạng chung.
 
Với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã kịp thời triệu tập và chủ trì Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản để lập ra một Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam.
 
Hội nghị bắt đầu họp ngày 6-1-1930, ngày 8-2-1930, các đại biểu trở về nước.
 
NGUYỄN ÁI QUỐC - Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản (ngày 18-2-1930)

Hội nghị họp tại Hương Cảng đầu năm 1930 gồm 5 đại biểu: Các đồng chí Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Đức Cảnh đại diện cho Đông Dương Cộng sản Đảng; Các đồng chí Nguyễn Thiệu và Châu Văn Liêm đại diện cho An Nam Cộng sản Đảng; Nguyễn Ái Quốc - đại diện của Quốc tế Cộng sản. Đông Dương Cộng sản Liên đoàn không kịp cử đại biểu đi dự.

Các đại biểu đã nhất trí hợp nhất hai tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ tóm tắt của Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo.
 
Ngày 24-2-1930, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn đề nghị Ban Chấp hành lâm thời kết hợp tổ chức này vào Đảng. Việc hợp nhất ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam đã được hoàn thành trên thực tế.
 
Sự kiện thành lập Đảng đã chấm dứt tình trạng khủng hoảng về đường lối cứu nước ở Việt Nam trong mấy chục năm. Từ đây cách mạng Việt Nam chuyển sang một trang mới.
 
Cương lĩnh cách mạng đầu tiên của Đảng ta do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo đã nêu được những vấn đề cơ bản về đường lối của cách mạng Việt Nam.
 
Cương lĩnh xác định chiến lược cách mạng của Đảng là tiến hành cuộc “tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”.
 
Cương lĩnh đã xác định rõ sự lựa chọn con đường tiến lên của cách mạng Việt Nam là thực hiện chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc, dân chủ, tiến lên theo định hướng xã hội cộng sản. Luận điểm cách mạng này đã giải quyết đúng đắn, sáng tạo mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trong quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam.
 
Hội nghị thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam năm 1930. Tranh của họa sĩ Phan Kế An
Hội nghị thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam năm 1930. Tranh của họa sĩ Phan Kế An
 
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam.
 
Một yếu tố hoàn toàn mới xuất hiện đã làm thay đổi hoàn toàn về “chất” cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam giành lại độc lập tự do cho chính mình, ghi lại tên Tổ quốc trên bản đồ thế giới.
 
Một tổ chức hoàn toàn mới với Cương lĩnh cách mạng đúng đắn, với một đội ngũ chiến sĩ trung kiên, quả cảm đã được chính thức xác lập, chính thức đảm nhiệm vai trò lịch sử lãnh đạo cuộc đấu tranh của dân tộc. Đó là tiền đề tốt đẹp để đưa cách mạng Việt Nam tiến lên giành những thắng lợi vang dội trong những giai đoạn lịch sử tiếp theo.
 
 
Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đất nước ta bước vào Thời đại Hồ Chí Minh
 
Tháng 9-1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Chính phủ Đa-la-đi-ê thi hành chính sách đàn áp những lực lượng dân chủ ở Pháp và phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa của Pháp. Trước những chuyển biến nhanh chóng của tình hình, Đảng Cộng sản Đông Dương cũng kịp thời có những quyết sách mới.
 
Hội nghị Trung ương của Đảng tháng 11-1939 nhấn mạnh: Tất cả mọi hoạt động phải hướng vào khẩu hiệu “Phản đế, giải phóng dân tộc”, hướng đến mục tiêu “Quyền lợi dân tộc cao hơn hết”.
 
Tháng 9-1940, trong bối cảnh chiến tranh thế giới thứ hai lan rộng, quân Nhật tràn vào Đông Dương buộc chính quyền thuộc địa ở đây đầu hàng và trở thành công cụ. Tháng 11-1940, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục khẳng định nhiệm vụ trước mắt của Đảng là chuẩn bị cuộc “võ trang bạo động giành lấy quyền tự do, độc lập”.
 
Ảnh tư liệu
Ảnh tư liệu
 
Sau ba mươi năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc (ngày 28-1-1941) trực tiếp cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
 
Tháng 5-1941, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tám do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì họp tại Pác Bó (Cao Bằng) đã bàn và quyết định những vấn đề quan trọng về chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam trong cuộc vận động giải phóng dân tộc, tiến tới giành chính quyền, tập trung ở những điểm sau:
 
1- Nhiệm vụ cấp bách, trên hết là giải phóng dân tộc.
 
2- Xúc tiến chuẩn bị các điều kiện để khởi nghĩa vũ trang thắng lợi, giành chính quyền trong cả nước.
 
Tháng 5-1945, phát xít Đức bị tiêu diệt ở châu Âu. Trên chiến trường châu Á, quân Nhật ngày càng bị đẩy lùi và đến tháng 8-1945 đã đứng trước bờ vực sụp đổ trước sức tấn công mãnh liệt của lực lượng Đồng minh.
 
Ngày 13-8-1945, nhận thấy những dấu hiệu sắp đầu hàng của Nhật Bản, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã kịp thời quyết định triệu tập Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng tại Tân Trào (Tuyên Quang).
 
Ngày 15-8-1945, Nhật Bản tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh. Ngày 16-8, Đại hội Quốc dân Tân Trào họp và quyết định thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam và Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch.
 
Người đã gửi “Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa” tới toàn thể quốc dân Việt Nam và nhấn mạnh: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta... Chúng ta không thể chậm trễ”.
 
Chớp thời cơ lịch sử, cả dân tộc đã cùng đứng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
 
Khẳng định ý nghĩa lịch sử vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta”.
 
Ảnh tư liệu
Ảnh tư liệu
 
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đất nước ta bước vào thời đại mới, thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc - Thời đại Hồ Chí Minh.
 
Nhân dân Việt Nam đã thực sự làm chủ vận mệnh của mình, thực sự là người chủ đất nước để đón tiếp lực lượng Đồng minh vào thu vũ khí của quân Nhật. Toàn dân tộc đồng lòng đoàn kết bảo vệ Chính quyền cách mạng non trẻ, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng lúc chống ba thứ giặc “Giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”.
 
Ảnh tư liệu
Ảnh tư liệu
 
Cuộc Tổng tuyển cử dân chủ đầu tiên ngày 6-1-1946 đã bầu ra Quốc hội và Chính phủ hợp hiến, hợp lòng dân. Ngay tại kỳ họp thứ hai (tháng 11-1946), Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trang trọng khẳng định quyền độc lập của dân tộc, quyền tự do dân chủ của nhân dân.
 
Tuy nhiên, thực dân Pháp vẫn không từ bỏ âm mưu đặt lại ách cai trị ở Việt Nam và đã gây ra cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương lần thứ hai, dù cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã hết sức nhân nhượng để giữ hòa bình và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai dân tộc Việt - Pháp.
 
Các mốc thời gian
 
 Ngày 19-8, khởi nghĩa thành công ở Hà Nội.
 
 Ngày 23-8, lực lượng cách mạng nắm chính quyền ở kinh đô Huế.
 
 Ngày 25-8, nhân dân Sài Gòn, Nam Bộ giành chính quyền thắng lợi.
 
 Ngày 30-8, Bảo Đại tuyên bố thoái vị, từ bỏ ngai vàng và trở thành công dân Vĩnh Thụy.

 

Chiến thắng Điện Biên Phủ - kết thúc  cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược
 
Từ khi thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, với quan điểm nhân đạo và hòa bình, Chính phủ Việt Nam chủ trương giải quyết xung đột thông qua thương lượng, chủ động đàm phán và nhân nhượng cho thực dân Pháp nhiều quyền lợi, thể hiện qua Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946 và Tạm ước ngày 14-9-1946. Những nỗ lực ngoại giao của Việt Nam đã không được đáp ứng. Toàn thể dân tộc Việt Nam đã kiên quyết đứng lên kháng chiến vì độc lập tự do với tinh thần “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
 
“Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”

Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam từng bước giành thắng lợi, nhất là từ Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950, nhận được sự giúp đỡ của Trung Quốc, Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân, phối hợp với Đảng Cộng sản Pháp, kết hợp với phong trào bảo vệ hòa bình thế giới và phong trào phản chiến ở Pháp.

Sau tám năm, cuộc chiến tranh thuộc địa của Pháp ở Đông Dương ngày càng đi sâu vào “đường hầm không lối thoát”. Cuộc chiến tranh trở thành một gánh nặng về tâm lý và kinh tế cho người Pháp, bị dư luận nước Pháp và quốc tế lên án mạnh mẽ.
 
Chính phủ Pháp buộc phải tìm một giải pháp chính trị thông qua thương lượng. Tuy nhiên ý đồ muốn “thương lượng trên thế mạnh” đã dẫn tới Kế hoạch quân sự Nava ra đời và được thông qua. Trong Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, kế hoạch đó không thể thực hiện được theo dự kiến, mà bị đảo lộn hoàn toàn trước những đòn tiến công của ta.
 
Trước nguy cơ kế hoạch Nava bị phá sản, thực dân Pháp gấp rút điều động lực lượng nhảy dù, chiếm Điện Biên Phủ, tăng cường lực lượng, xây dựng nơi đây thành Tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương để thu hút, “nghiền nát chủ lực của Việt Minh”.
 
Chiều 7-5-1954, lá cờ
Chiều 7-5-1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nắp hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng
 
Đầu tháng 12-1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Với những nỗ lực cao nhất, Việt Nam đã dồn hết sức người, sức của cho chiến thắng.
 
Sau 56 ngày đêm chiến đấu quyết liệt, ngày 7-5-1954, Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt. Quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
 
Đó là thắng lợi của khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, của ý chí tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam; thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc, dân chủ nhân dân trên thế giới và của lương tri thời đại.
 
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, mở ra trang mới cho cách mạng Việt Nam. Đồng thời là một sự kiện quan trọng báo hiệu sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.
 
Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 và Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký ngày 20-7-1954 là hai sự kiện kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam, góp sức cùng nhân loại làm cho thế kỷ 20 trở thành Thế kỷ giải trừ chủ nghĩa thực dân.
 
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, hòa bình được lập lại ở Việt Nam và trên toàn bán đảo Đông Dương. Miền bắc Việt Nam được giải phóng, và tiếp tục được xây dựng vững mạnh, thành căn cứ địa chung của cách mạng cả nước, thành hậu phương chiến lược của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược sau này.
 
Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký ngày 20-7-1954, hòa bình được lập lại tại Việt Nam
Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký ngày 20-7-1954, hòa bình được lập lại tại Việt Nam
 
Mặc dù các điều khoản của Hiệp định Giơ-ne-vơ chỉ quy định một giới tuyến tạm thời trong hai năm ở vĩ tuyến 17, nhưng các thế lực thực dân, đế quốc không muốn thấy một nước Việt Nam độc lập, thống nhất và giàu mạnh.
 
Chúng quyết tâm chia cắt Việt Nam, xâm lược và biến miền nam thành thuộc địa kiểu mới. Đế quốc Mỹ đã buộc nhân dân Việt Nam phải tiếp tục tiến hành cuộc đấu tranh gian khổ để thống nhất đất nước.
 
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (tháng 9-1960) nhận định:
 
“Việc lập lại hòa bình ở Đông Dương, hoàn toàn giải phóng miền bắc Việt Nam, và đặt cơ sở pháp lý cho việc thống nhất nước Việt Nam là một thắng lợi to lớn của nhân dân ta; đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng xã hội chủ nghĩa, hòa bình và dân chủ trên thế giới. Nó phản ánh tình hình lực lượng so sánh ở Đông Dương và trên thế giới lúc bấy giờ. Thắng lợi to lớn đó không những tạo ra khả năng để thực hiện hòa bình thống nhất nước ta trên cơ sở độc lập và dân chủ, mà còn tạo những điều kiện thuận lợi cho cách mạng ở miền bắc tiến lên một giai đoạn mới”.
 
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thống nhất đất nước
 
Với việc ký kết và thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ (tháng 7-1954), nước Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền. Theo Hiệp định này, sau 2 năm quân đội Pháp phải rút hết khỏi Việt Nam và nhân dân Việt Nam sẽ tổng tuyển cử thống nhất đất nước.
 
Nhưng đế quốc Mỹ vào thay Pháp ở miền nam, thực thi chính sách chia cắt lâu dài nước Việt Nam, biến miền nam thành một quốc gia riêng biệt, thân Mỹ. Dựa vào Mỹ, chính quyền Sài Gòn không hiệp thương với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhằm chia cắt lâu dài nước Việt Nam.
 
Ảnh tư liệu: Đại hội lần thứ III của Đảng
Ảnh tư liệu: Đại hội lần thứ III của Đảng

Đại hội lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam (tháng 9-1960) xác định và quyết tâm thực hiện đường lối tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng ở hai miền: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà ở miền nam.

 
Trước tình hình Mỹ và chính quyền Sài Gòn thẳng tay dùng bạo lực đàn áp quần chúng, Trung ương Đảng quyết định lãnh đạo nhân dân miền nam sử dụng bạo lực cách mạng chống lại những chính sách khủng bố của kẻ thù.
 
Cuối năm 1959 và năm 1960, phong trào Đồng khởi bùng nổ và lan rộng khắp các vùng nông thôn miền nam, chuyển cách mạng miền nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, từ khởi nghĩa từng phần tiến lên chiến tranh cách mạng.
 
Từ thắng lợi của phong trào Đồng khởi, ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam ra đời, giương cao ngọn cờ đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân miền nam chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn; phấn đấu thực hiện một miền nam Việt Nam độc lập, hòa bình, dân chủ, trung lập, tiến tới hòa bình, thống nhất Tổ quốc.
 
Ảnh tư liệu TTXVN:
Ảnh tư liệu TTXVN: "Đội quân tóc dài" tỉnh Bến Tre biểu tình phản đối Đế quốc Mỹ
 
Từ năm 1965, đế quốc Mỹ ngày càng tăng cường chiến tranh xâm lược bằng chiến lược “chiến tranh cục bộ” ở miền nam và chiến tranh phá hoại ở miền bắc.
 
Trung ương Đảng xác định chống Mỹ cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của quân và dân trên cả hai miền nam-bắc. Sự nghiệp giải phóng miền nam, bảo vệ miền bắc, tiến tới hòa bình thống nhất đất nước là sự nghiệp cách mạng chung của cả dân tộc.
 
Miền bắc là hậu phương lớn, miền nam là tiền tuyến lớn, quân dân cả hai miền đều kiên trì đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn với những khẩu hiệu hành động “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người!”.
 
Trên những tuyến đường chi viện chiến lược, nhất là trên “Đường Trường Sơn huyền thoại”, ngày đêm diễn ra cuộc chiến đấu hy sinh dưới mưa bom bão đạn của quân xâm lược Mỹ để nối đường chi viện cho chiến trường, tất cả vì sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
 
“Nắm thắt lưng địch mà đánh”, quân dân miền nam anh dũng phát triển thế tiến công bằng sự kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang; kết hợp ba mũi giáp công: quân sự, chính trị và binh vận; kết hợp ba vùng chiến lược: nông thôn rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị, quyết tâm “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.
 
Giữa lúc cuộc chống Mỹ cứu nước của dân tộc đang diễn ra quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, để lại trong bản Di chúc thiêng liêng điều mong muốn cuối cùng là: “Toàn Đảng toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Người căn dặn phải “chuẩn bị mọi việc để thống nhất Tổ quốc”.
 
Trong tình thế phải “xuống thang” trên chiến trường nhưng muốn “thương lượng trên thế mạnh”, buộc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải chấp nhận những điều khoản do Mỹ áp đặt để tiếp tục kéo dài chiến tranh ở Việt Nam, từ tháng 4-1972, Mỹ phát động trở lại cuộc chiến tranh phá hoại miền bắc bằng không quân và hải quân. Chiến dịch với mật danh là Linebacker I nhằm: Tiêu diệt ý chí chiến đấu của Bắc Việt; đánh phá tối đa các mục tiêu quan trọng và có giá trị nhất; gây khốn khó tối đa cho người dân... với Hà Nội, Hải Phòng và các đô thị lớn khác ở miền bắc là các mục tiêu chính.
 
Những ngày cuối năm 1972, Mỹ thực hiện chiến dịch Linerbacker II, dùng máy bay B52 ném bom hủy diệt Hà Nội, Hải Phòng. Trong chiến dịch tổng lực này Mỹ đã sử dụng tới gần 50% số lượng máy bay ném bom chiến lược B52 (197/400 chiếc) với 729 lượt ném bom; khoảng 30% số lượng máy bay chiến thuật với 3.920 phi vụ.
 
Riêng khối lượng bom được Mỹ sử dụng tại khu vực Hà Nội trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 là hơn 10.000 tấn, làm hơn 1.600 người dân Hà Nội thiệt mạng; nhiều cơ sở vật chất quan trọng: nhà ga, trường học, bệnh viện, khu dân cư, các tuyến đường giao thông… bị phá hủy.
 
Không chịu khuất phục, quân và dân Hà Nội đã kiên cường bất khuất cùng quân dân cả nước đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của không quân Mỹ, làm nên một trận “Điện Biên Phủ trên không” vang dội.
 
Ảnh tư liệu
Ảnh tư liệu
 
“Điện Biên Phủ trên không” đã làm Mỹ thiệt hại 81 máy bay, trong đó có 34 “pháo đài bay” B52; 43 phi công Mỹ bị bắt sống... Nếu tiếp tục chịu tổn thất như trận "12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội" thì Mỹ sẽ hết máy bay chiến lược B52 trong vài tháng, và trầm trọng hơn là tổn thất to lớn về lực lượng phi công lái B52 - thứ còn khó thay thế hơn B52.
 
Cho đến nay, Việt Nam vẫn là nước duy nhất trên thế giới đã đánh thắng máy bay ném bom chiến lược B52 của không lực Hoa Kỳ.
 
Cùng với thất bại của các chiến dịch ném bom, làn sóng phản đối cuộc chiến ở Việt Nam trên thế giới và trong nước Mỹ càng bùng lên mạnh mẽ.
 
“Toàn Đảng toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”
 
DI CHÚC - Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 2-1-1973, với 154/75 phiếu, Hạ viện Mỹ ra Nghị quyết đòi cắt tất cả các khoản ngân sách cho chiến tranh Đông Dương, trừ các chi phí cho việc rút quân và hồi hương tù binh.

Trận “Điện Biên Phủ trên không” ở Hà Nội đã quyết định kết cục của cuộc đàm phán ở Paris, và Mỹ đã thua ở Paris sau khi B52 đã thua trên bầu trời Hà Nội.
 
Lực lượng vũ trang, chính trị của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa miền nam Việt Nam vẫn giữ nguyên. Mỹ buộc phải thừa nhận miền nam Việt Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát, ba lực lượng chính trị; Mỹ phải rút khỏi miền nam Việt Nam toàn bộ quân đội, cố vấn và nhân viên quân sự (kể cả nhân viên kỹ thuật quân sự và nhân viên quân sự liên quan đến chương trình bình định), thu hồi và rút bỏ vũ khí, dụng cụ chiến tranh của Mỹ và các nước ngoài khác trong thời hạn 60 ngày, trong khi quân đội của miền bắc Việt Nam vẫn ở tại vị trí của mình.
 
Sau những thất bại nặng nề trên cả hai miền nam-bắc, Mỹ buộc phải xuống thang chiến tranh, đi vào đàm phán và ký kết Hiệp định Paris (ngày 27-1-1973), thừa nhận các quyền dân tộc cơ bản của nước Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Nhưng Mỹ và chính quyền Sài Gòn rắp tâm phá hoại Hiệp định, nhân dân Việt Nam vẫn phải tiếp tục đấu tranh.
 
 Xe tăng Quân Giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975. Ảnh tư liệu
Xe tăng Quân Giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975. Ảnh tư liệu
 
Bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân đội và nhân dân Việt Nam đã kết thúc cuộc trường chinh hơn một thế kỷ chống chủ nghĩa thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thu non sông về một mối, mở ra kỷ nguyên cả nước độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội.
 
Chiến thắng 30-4-1975 là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam, là Ngày hội thống nhất non sông.
 
Đất nước Việt Nam đã liền một dải, Đảng tiếp tục sứ mệnh lãnh đạo nhân dân Việt Nam vững bước tiến vào thời kỳ xây dựng đất nước mặc dù còn phải vượt qua nhiều khó khăn thử thách.
 
 Thả bóng bay trên cầu Hiền Lương trong Ngày hội thống nhất non sông
Thả bóng bay trên cầu Hiền Lương trong Ngày hội thống nhất non sông
Tiến hành công cuộc đổi mới - Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn
 
Sau tháng 4-1975, cả dân tộc bước vào giai đoạn lịch sử mới với niềm phấn khởi, tự tin về sự toàn thắng của cách mạng Việt Nam.
 
Nhưng do nôn nóng muốn có ngay nền kinh tế thuần nhất xã hội chủ nghĩa, đã dẫn đến việc đẩy nhanh việc thực hiện cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh và tập thể hóa nông nghiệp ở miền nam một cách ồ ạt, vội vã ngay sau ngày giải phóng.
 
Kết quả thu được không như mong muốn. Mô hình, cơ cấu kinh tế không phù hợp được đặt trên cái nền sản xuất xã hội nghèo nàn lạc hậu và bị chiến tranh tàn phá nặng nề, bị bao vây cấm vận đã dẫn Việt Nam đến cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội sâu sắc.
 
 Đại hội lần thứ VI của Đảng. Ảnh tư liệu
Đại hội lần thứ VI của Đảng. Ảnh tư liệu
 
Đảng đã thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân cuộc khủng hoảng là:
 
Duy trì quá lâu những cơ chế điều hành nền kinh tế đã tỏ ra mất sức sống, không thừa nhận sản xuất hàng hóa và cơ chế thị trường, không thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần, muốn nhanh chóng xóa bỏ sở hữu tư nhân, triệt tiêu các động lực kích thích sản xuất do ít quan tâm đến lợi ích cá nhân, bao cấp tràn lan gây tâm lý thụ động, ỷ lại… Nhiều chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 1976-1980 thực hiện không đạt, nhất là chỉ tiêu về sản lượng lương thực.
 
Trước thực tế đó, Đại hội lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986) đề ra đường lối đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy, với phương châm “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật”, mạnh dạn và nhất quán đổi mới trên lĩnh vực kinh tế, từng bước đổi mới hệ thống chính trị, đưa đất nước thoát khỏi khó khăn, khủng hoảng để phát triển về mọi mặt.
 
Đại hội lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986) đề ra đường lối đổi mới
 
 “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật”
 
 Mạnh dạn và nhất quán đổi mới trên lĩnh vực kinh tế
 
 Từng bước đổi mới hệ thống chính trị
 
 Đưa đất nước thoát khỏi khó khăn, khủng hoảng để phát triển về mọi mặt

Công cuộc đổi mới đã trải qua nhiều bước đột phá có hệ thống:

- Bước đột phá khai mở chấp nhận kinh tế tư hữu và thị trường tự do tồn tại bên cạnh và đồng hành với “thị trường có tổ chức”;
 
- Bước đột phá chuyển hẳn sang chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần có sự điều tiết của Nhà nước và đổi mới tổng thể chính sách kinh tế từ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI (tháng 12-1986);
 
- Hoàn thiện chính sách kinh tế mới, chấm dứt chế độ thống nhất quản lý thu mua phân phối cũ, chuyển nền kinh tế vào cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước với Nghị quyết Trung ương 6, khóa VI (năm 1989).
 
Đó là quá trình khai mở đường lối phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, đổi mới quản lý nhà nước về kinh tế, tự chủ mở rộng quan hệ kinh tế đa phương, từng bước hội nhập kinh tế thế giới và khu vực.
 
Sau Chỉ thị 100 của Ban Bí thư (năm 1981) và Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (năm 1988), người nông dân đã được giải phóng khỏi những ràng buộc của chế độ tập thể công hữu, chuyển sang chế độ hợp tác kiểu mới. Sức sản xuất trong nông nghiệp đã thật sự được giải phóng bằng việc thực thi chế độ tự chủ của kinh tế hộ nông dân. An ninh lương thực của đất nước được bảo đảm, Việt Nam từ chỗ thiếu lương thực đã trở thành nước xuất khẩu gạo và nhiều loại nông sản thực phẩm.
 
Từ nhận thức đến hành động tháo gỡ những cơ chế ràng buộc, phá bỏ những rào cản để giải phóng sức sản xuất, thực chất là sự trở lại với những nguyên lý đúng đắn về mối quan hệ biện chứng giữa sự phát triển của lực lượng sản xuất với trình độ của quan hệ sản xuất.
 
Giai đoạn lịch sử từ Đại hội IV (năm 1976) đến hết nhiệm kỳ Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1991) ghi nhận một Đảng Cộng sản cầm quyền từ chỗ vấp sai lầm, thất bại nặng nề, đã nhận thức được tình thế và có được giải pháp thuận theo quy luật để vượt qua khủng hoảng, chuyển nền kinh tế đi vào ổn định và phát triển đúng hướng, đạt nhiều thành tựu trong hoàn cảnh khó khăn.
 
Cùng với việc đổi mới kinh tế, Việt Nam cũng đạt những thành tựu ngoại giao, đối ngoại ngoạn mục - đã phá thế bao vây cấm vận, mở rộng các quan hệ ngoại giao song phương và đa phương, tham gia nhiều diễn đàn khu vực và thế giới, ngày càng nâng cao vị thế của đất nước, mở ra những cơ hội hợp tác để cùng phát triển. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là một nhân tố quan trọng góp phần giữ gìn hòa bình và ổn định chung trên toàn cầu.
 
Thành công của sự nghiệp đổi mới cũng được đánh giá là “cao nhất có thể đạt được, xét theo những khả năng hiện thực trong điều kiện lịch sử”.
 
Thành công này thuận với ý nguyện của nhân dân và hợp với xu hướng phát triển của thời đại.
 
Qua gần 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
 
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
"Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đó đã góp phần quan trọng tạo nên cơ đồ, vị thế và uy tín của đất nước ta như ngày nay"
 
TỔNG BÍ THƯ, CHỦ TỊCH NƯỚC - Nguyễn Phú Trọng
Việt Nam ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
 
Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Văn hóa - xã hội có bước phát triển; bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi.
 
Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị được đẩy mạnh.
 
Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.
 
Những thành tựu to lớn trên tạo tiền đề quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển trong những năm tới; khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử để chúng ta vững bước trên con đường xã hội chủ nghĩa.
 
Có được những thành tựu trên đây là do Đảng ta nhìn thẳng vào sự thật, xây dựng đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo, phù hợp lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ, tích cực thực hiện.
 
Đảng ta đã nhận thức, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam; có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đồng thời nhạy bén, sáng tạo, kịp thời đưa ra những chủ trương, quyết sách phù hợp cho từng giai đoạn cách mạng, khi tình hình thế giới và trong nước thay đổi.
 
Đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đã nỗ lực phấn đấu, tận dụng thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện đường lối đổi mới. Sự nghiệp đổi mới của Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
 
Thắng lợi của sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng bắt nguồn từ truyền thống vẻ vang của Đảng, từ ý chí quyết tâm và tinh thần sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm từ cấp ủy các cấp.
 
Bài học xuất phát thực tiễn để điều chỉnh đường lối cách mạng đúng đắn hơn, phù hợp với quy luật vận động và phát triển của xã hội đã được Đảng nhiều lần vận dụng thành công trong suốt lịch sử đấu tranh 90 năm vẻ vang của mình.
 
Những bài học và kinh nghiệm đó vẫn tiếp tục được Đảng không ngừng vận dụng và phát huy sáng tạo để lãnh đạo nhân dân tiến lên đạt những thành tựu mới.
 
90 năm dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, Thời đại Hồ Chí Minh là Thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc. Đất nước ta từ lầm than, nô lệ, đã vùng lên làm chủ vận mệnh của mình, lớn mạnh không ngừng, sánh vai với năm châu.
 
Năm nay Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, thể hiện vai trò và vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
 
Tự hào biết bao về Đảng quang vinh, về dân tộc anh hùng!
 
(Theo nhandan.com.vn)