Cuốn sách "Chiến lược sống còn của Bắc Việt Nam" (North Vietnam strategy for survival) do Nhà xuất bản Pacific Book Pub (Mỹ) xuất bản năm 1972...
Cuốn sách “Chiến lược sống còn của Bắc Việt Nam” (North Vietnam strategy for survival) do Nhà xuất bản Pacific Book Pub (Mỹ) xuất bản năm 1972. Dưới ngòi bút của giáo sư John Van Dyke, người đọc có thể nhận thấy một miền Bắc Việt Nam vẫn tăng cường nội lực dưới bom đạn Mỹ và một quân đội nhân dân (QĐND) càng đánh càng mạnh. Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng trích dịch một phần cuốn sách này.
|
Không quân Việt Nam đã trưởng thành sau hai năm không chiến vô cùng quyết liệt. Ảnh tư liệu |
Trong hình thức chiến tranh nhân dân, người lính QĐND Việt Nam phải có được một nhiệt tình cách mạng để sẵn sàng cống hiến, hy sinh. Để quán triệt tinh thần này, Đảng đã thuyết phục các bà mẹ động viên con tình nguyện nhập ngũ. Các bà mẹ có nhiều con tham gia quân đội được vinh danh như những người anh hùng của cuộc cách mạng. Báo đăng câu chuyện một thanh niên con độc nhất, bố là liệt sĩ, đã viết đơn xin gia nhập quân đội tới 17 lần, lần cuối cùng đơn viết bằng máu…
Kể từ đầu năm 1968, một phương thức mới để chăm sóc gia đình neo đơn có chồng con đang phục vụ quân đội, đồng thời tăng cường sự tôn vinh người quân nhân trong mắt thanh niên đã được triển khai. Các học sinh cấp III tới thăm hỏi các gia đình thương binh, liệt sĩ. Các học sinh này bày tỏ sự biết ơn và đã giúp đỡ gia đình thương binh, liệt sĩ trong việc nhà, như cắt cỏ cho trâu, trông trẻ nhỏ. Các thiếu niên cũng được khuyến khích viết thư động viên các quân nhân tại mặt trận.
Từ khi Mỹ mở rộng chiến tranh, nhiều thanh niên dù chưa đến 18 tuổi nhưng đã khai tăng tuổi để được nhập ngũ. Tháng 1-1967, Báo QĐND đã thảo luận vấn đề này và yêu cầu các đơn vị huấn luyện phải mềm mỏng hơn với tân binh. Báo này viết: “Đa số tân binh quen với đời sống gia đình, làng xóm. Cuộc sống quân đội với họ là mới và sẽ gây buồn chán nếu không có những hoạt động tích cực. Tân binh thường nhớ nhà, nhất là những chiến sĩ từ các vùng cao”…
Các cấp ủy đảng có sứ mạng chung là duy trì cho đơn vị một tinh thần chiến đấu cao. Có vị chính ủy luôn đọc “Lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đơn vị vào mỗi sáng. Một cán bộ chính trị khác khơi dậy lòng yêu nước của chiến sĩ bằng cách kể cho họ lịch sử của chiếc cầu mà đơn vị bảo vệ, các thành tích chiến đấu của những đơn vị khác tại địa bàn đang đóng quân, những gương hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ đất nước của địa phương này…
Cán bộ không phải ai cũng là đảng viên, nhưng họ được huấn luyện đặc biệt và phải rõ ràng về lập trường. Là thành viên của đơn vị, họ được trông đợi sẽ khuyến khích được các thảo luận về cách đánh và về tư tưởng trong đội ngũ, phát hiện những vấn đề và báo cáo lên trên, động viên tinh thần của binh lính (Báo QĐND ngày 21-7-1967). Người cán bộ được trông đợi hy sinh vì quyền lợi của chiến sĩ và luôn phải nêu gương, như Hồ Chí Minh đã huấn thị: “Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt…”.
Cán bộ được yêu cầu không ngừng nâng cao hiểu biết về các nguyên lý Mác-Lênin để có thể giải thích cho người khác hiểu. Họ cần rèn luyện mình trong “các hoạt động chiến đấu và xây dựng lực lượng tỉ mỉ, chính xác, có một lối sống cần cù, đơn giản, trong sạch và lành mạnh để làm gương cho những người khác trong đơn vị. Quan trọng nhất, họ phải học cách lãnh đạo. Các cán bộ chính trị dẫn dắt các cán bộ trẻ. Đa số trong họ nhận thức được tầm quan trọng của chức trách của mình và sẵn lòng gánh vác nó” (Báo QĐND ngày 15-8-1967).
Hội đồng quân nhân là một nhóm được bầu thông qua bầu cử, hoạt động như một “người môi giới” giữa binh lính và người chỉ huy. Các thành viên của hội đồng quân nhân tham gia tổ chức các kỳ huấn luyện của đơn vị, tham gia kiểm định khâu mua sắm của đơn vị…
Đảng đã thành lập đoàn thanh niên từ rất lâu trước khi cuộc chiến tranh của Mỹ bắt đầu. Vì rất nhiều thành viên của đoàn thanh niên nay đang phục vụ quân đội, Đảng cho rằng sẽ là hữu ích nếu duy trì điều lệ của Đoàn tại các đơn vị. Mục tiêu của đoàn thanh niên là đề cao lý tưởng đúng đắn trong thanh niên, điều này rất quan trọng trong thực hiện điều lệnh quân đội. Đoàn có nhiệm vụ tổ chức các buổi lên lớp, kẻ khẩu hiệu, đưa các sản phẩm văn hóa đến cho đơn vị mình, quyết định các loại báo và tạp chí nào sẽ dành cho đơn vị, bảo đảm một số thực phẩm cho bếp nuôi quân. Tổ chức này được Báo QĐND mô tả như cánh tay phải, đội hậu bị của chi bộ đảng trong đơn vị, một lực lượng tiên phong trong bất cứ sứ mạng nào (Báo QĐND ngày 16-3-1967).
Công cụ về tổ chức giúp quân đội thiết lập kỷ luật ở tầng dưới cùng là tổ 3 người, được mô tả chính thức như sau: Họ chăm lo cho nhau như anh em, từ ăn ở, sinh hoạt và các hoạt động cá nhân khác đến việc phấn đấu vào Đảng, Đoàn. Thư nhà được đọc chung, những ước muốn được chia sẻ cùng nhau. Khi đau ốm, họ chăm sóc nhau; khi hiểm nguy, họ nghĩ tới đồng đội trước và sẵn sàng hy sinh vì tình đồng đội. Người này tìm thấy ở người kia một đồng chí chân thành (Báo QĐND ngày 22-2-1967).
Kể từ năm 1965 khi Mỹ đổ quân vào miền Nam Việt Nam, đã có sự tăng quân số rõ rệt từ miền Bắc chi viện cho chiến trường này. Tình báo Mỹ ước tính có 2.000 binh sĩ người miền Bắc năm 1964 ở miền Nam, đến năm 1965, con số này là 26.600 người, năm 1966 là 46.400 người và tới quý III năm 1967 lên tới 54.000 người…
QĐND Việt Nam đã không nề hà những bước tiến lên gánh vác các nghĩa vụ của một quân đội chính quy. Người thăm viếng đến từ các nước XHCN viết rằng có những phi công Việt Nam phải dậy từ 4 giờ sáng trước khi xuất kích đánh trả máy bay Mỹ… Tuy nhiên, QĐND Việt Nam đã cung cấp nhân lực đủ cho nhiều ngành của kinh tế quốc dân. Như đã đề cập ở phần trước, bộ đội công binh đã đóng vai trò chủ đạo trong xây dựng đường ở miền Bắc và Đường Hồ Chí Minh. Quân đội cũng điều hành 60 nông trường, các đơn vị pháo cơ động cũng được khuyến nghị chăn nuôi gà và lợn ở nơi đóng quân bất kỳ (báo cáo của Chính phủ do Phó thủ tướng Lê Thanh Nghị đọc, Tạp chí Học tập, tháng 1-1967)…
Các gánh nặng nhiều loại đè lên vai quân đội kể từ năm 1965 khiến cho đời sống người lính trở nên cực kỳ gian khó. Đa số các đơn vị phải cơ động thường xuyên, chẳng hạn, một đơn vị cao xạ báo cáo vào năm 1967 là trong 3 năm, họ đã hành quân tổng cộng tới 2.000 cây số. Khi một thanh niên vào quân đội, anh ta bị cắt rời khỏi gia đình và quê hương mình trong một quãng thời gian không hạn định. Việc được đi phép, đi nghỉ lễ là không phổ biến trong thời chiến, ngay cả với các binh sĩ ở miền Bắc. Để bù đắp cho những thiếu vắng thường xuyên trong đời sống tình cảm, Đảng đã khuyến khích thành lập tại các địa phương một tổ chức được gọi là hội mẹ chiến sĩ. Tất cả những người mẹ, nhất là những ai có con đã lớn tham gia vào tổ chức này sẽ cư xử như mẹ của bất kỳ binh sĩ nào tới đóng quân tại địa phương của họ. Các thành viên hội mẹ chiến sĩ đón chiến sĩ về nhà mình, nuôi các chiến sĩ, vá quần áo cho họ.
Sự giúp đỡ của nhân dân đối với bộ đội trong điều kiện thời chiến khá là đắt giá. Khi đóng quân ở gần một địa bàn có dân cư, bộ đội Việt Nam dựa vào chính quyền và dân địa phương để xây dựng doanh trại và nuôi quân. Nhưng như chúng ta đã biết, các đơn vị Việt Nam phải thường xuyên cơ động qua các vùng sâu, vùng xa, thậm chí đóng quân tại các vùng này. Binh lính thường mang theo một số nhu yếu phẩm, gồm gạo, muối, nước mắm, thịt hộp, nhưng nếu họ muốn một chế độ ăn cân bằng về dinh dưỡng, họ phải “biến chiến trường đầy những hố bom và mảnh đạn thành vườn rau và chuồng trại chăn nuôi” (Báo QĐND ngày 12-9-1967).
Các đơn vị ít cơ động hơn thì trồng khoai lang, ngô, sắn, lúa… và nuôi bò, trâu, ngỗng, cá. Một số đơn vị phải cơ động như pháo phòng không nuôi gia cầm và lợn, trồng các loại rau thu hoạch nhanh. Các đơn vị đang tác chiến bẫy chim, thú và bắt cá, đồng thời tìm nguồn rau để cải thiện bữa ăn…
Tìm kiếm nhiên liệu cũng là một khó khăn thường kỳ. Các đơn vị được yêu cầu thường xuyên sử dụng than là thứ có nhiều trên khắp đất nước. Nhưng ngay cả than cũng cần tiết kiệm. Bếp lò cần được xây sao cho luồng nhiệt đi thẳng tới đáy chảo và việc nấu ăn phải tính sao cho ngọn lửa bao giờ cũng được sử dụng. Các bếp lò kiểu Hoàng Cầm được Quân đội Việt Nam sử dụng không để thoát khói và che ngọn lửa theo một cách làm nó không lộ ra ngay cả ban đêm (Tạp chí Học tập, tháng 6-1967).
(Theo qdnd.vn)