Cũng giống như đồng bào các dân tộc thiểu số khác ở vùng Tây Nguyên, say mê âm nhạc là một truyền thống lâu đời của người K'Ho ở Lâm Đồng. Ngoài những bộ cồng chiêng được mua hoặc trao đổi với các dân tộc lân cận, người K'Ho đã biết sử dụng những nguyên vật liệu tự nhiên sẵn có như cây lồ ô, tre, nứa, quả bầu khô và sừng trâu,... để tạo ra những nhạc cụ rất độc đáo.
Cũng giống như đồng bào các dân tộc thiểu số khác ở vùng Tây Nguyên, say mê âm nhạc là một truyền thống lâu đời của người K'Ho ở Lâm Đồng. Ngoài những bộ cồng chiêng được mua hoặc trao đổi với các dân tộc lân cận, người K'Ho đã biết sử dụng những nguyên vật liệu tự nhiên sẵn có như cây lồ ô, tre, nứa, quả bầu khô và sừng trâu,... để tạo ra những nhạc cụ rất độc đáo.
Khèn bầu trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng |
Điển hình về nhạc cụ hơi của người K'Ho là khèn bầu một ống và khèn bầu 6 ống. Khèn bầu 6 ống được đồng bào gọi là Pơ - nông - pro. Khèn được kết cấu theo lối bè gồm 6 ống nứa chia làm hai tầng được gắn vào các lỗ khoét của trái bầu khô, xung quanh được trét kín bằng sáp ong ruồi, nhằm khuyếch đại âm thanh. Khèn một ống cũng được chế tác tương tự.
Khèn bầu thường được đồng bào sử dụng trong các dịp lễ hội và đặc biệt là những lúc sinh hoạt ngoài trời, ngoài rừng khi nghỉ ngơi bên suối và cả khi đi săn. Khi thổi ý nhạc như thúc giục, khuyến khích sự cố gắng vượt qua khó khăn, trở ngại để đi đến đích. Đồng thời nó cũng giúp mọi người thư giãn giữa những cuộc hành trình vất vả. Tiếng khèn bầu còn góp phần làm tăng thêm sự vui nhộn, rộn ràng trong các lễ hội cộng đồng.
Tù và (Pơ - nông - kơ -yơi) cũng là một nhạc cụ hơi độc đáo được làm bằng sừng trâu, nó thường được sử dụng trong các dịp ăn trâu mừng lúa mới, nhà mới. Âm thanh của tù và rất hùng tráng thường để báo hiệu, mời gọi thần linh về dự lễ hội. Nó đóng vai trò cho phần âm nhạc mở đầu và kết thúc lễ hội.
Tiêu là nhạc cụ mà người K'Ho Chil còn gọi là “Muốt” hoặc “Rơ - om - buốt”, là một dạng giống sáo nhưng dài hơn, được làm bằng nứa hoặc lồ ô. Một đầu ống có phần lưỡi gà, khi sử dụng người ta sẽ ngậm vào đầu có lưỡi gà và thổi dọc.
Thường vào sáng sớm, người cha trong gia đình lấy tiêu ra thổi để đánh thức con gái dậy nấu cơm, con rể, con trai trong nhà dậy để chuẩn bị đi rẫy. Ngoài ra, tiêu còn được dùng trong những buổi đi chơi tối của thanh niên, trai tráng trong làng.
Khèn môi còn được gọi là “Gũoc”. Khèn môi là loại nhạc cụ được cấu tạo bằng 3 lá đồng mỏng ghép vào nhau, có hình thon nhỏ dần như chiếc lá. Khèn thường được trai gái K'Ho sử dụng khi đi chơi với bạn tình hoặc vào những buổi sáng sớm khi người vợ dậy nấu cơm, người chồng cũng thức dậy ngồi bên bếp lửa lấy khèn ra thổi, để được gần gũi, chia sẻ nỗi vất vả, nhọc nhằn của vợ, đồng thời góp vui cho mái ấm gia đình của mình.
Ching pró (Cing - pró) là loại nhạc cụ được tạo bởi các ống nứa, một bộ gồm 6 cái có kích thước dài ngắn khác nhau, mỗi ống tạo ra một âm thanh riêng biệt. Nó thường được các thanh niên K'Ho Chil, K'Ho Nộp sử dụng hòa tấu cùng nhau trên đường đi nương rẫy lao động, sản xuất, đôi khi cũng được sử dụng trong sinh hoạt cộng đồng.
Gòng - kơr - la của người K'Ho |
Đàn ống tre (Gòng - kơr - la) rất giống với cây đàn Cha pi của người Raglai. Đàn có cấu tạo khá độc đáo: Một ống tre lớn thẳng, xung quanh được tách ra 6 sợi cật xanh với khoảng cách đều nhau. Các sợi cật tre được kê kích ở hai đầu thật căng để làm dây gẩy, phần chính của thân ống còn để nguyên mấu ống tre bít kín hai đầu làm thân đàn và bầu âm. Người K'Ho thường chơi Gòng - kơr - la trong những cuộc vui gặp gỡ bạn bè hoặc những lúc nghỉ ngơi, rảnh rỗi sau khi đi làm về. Buổi tối, khi cả nhà đã về đông đủ, quây quần bên bếp lửa hồng, người chủ gia đình đem Gòng - kơr - la ra gẩy để tìm cảm giác khoan khoái sau một ngày lao động mệt nhọc. Âm điệu lúc trầm, lúc bổng của đàn gợi thêm không khí yên bình hạnh phúc của đại gia đình trong những ngôi nhà dài.
Ngoài các nhạc cụ nói trên, người K'Ho còn có một loại nhạc cụ gọi là Cing - dinh được làm bằng hai ống lồ ô dài thẳng, một đầu còn để mấu bít kín, thân ống có khoét lỗ vát ở giữa. Khi sử dụng, người ta cầm 2 ống lồ ô dùng phần mấu bít kín để giã vào nhau, tạo nên những âm thanh trầm ấm vui tai để hòa âm cùng vui với các loại khèn và cồng chiêng trong lễ hội.
Hiện nay, với nhịp sống hiện đại, môi trường sinh hoạt kinh tế, văn hóa đã có nhiều thay đổi, những loại nhạc cụ này phần lớn đã bị mai một. Người thuộc các bài nhạc biết sử dụng Gòng - kơr - la, Cing - pró, khèn môi (Gũoc) không còn nhiều, chỉ có một số nhạc cụ như khèn bầu, Cing - ding, Tù và còn được sử dụng cùng hòa tấu với cồng chiêng trong sinh hoạt văn nghệ, lễ hội tổ chức ở các thôn, buôn và các đội cồng chiêng tại các khu du lịch văn hóa, sinh thái ở Đà Lạt, Lâm Đồng.
ĐOÀN BÍCH NGỌ