Lâm Đồng là một vùng đất cổ và đã có dấu vết sinh sống của con người từ thời tiền sử đến sơ sử. Điều đó đã được minh chứng qua các phát hiện khảo cổ học bất ngờ và thú vị với các di chỉ khảo cổ được khai quật và nghiên cứu.
Khách tham quan những vết tích kiến trúc và nghệ thuật tôn giáo ở Khu Di tích khảo cổ Cát Tiên. Ảnh: P.Nhân |
Lâm Đồng là một vùng đất cổ và đã có dấu vết sinh sống của con người từ thời tiền sử đến sơ sử. Điều đó đã được minh chứng qua các phát hiện khảo cổ học bất ngờ và thú vị với các di chỉ khảo cổ được khai quật và nghiên cứu.
Những di chỉ khảo cổ thời tiền sử được phát hiện và khai quật tại Lâm Đồng tính đến thời điểm này có các di chỉ: Phù Mỹ (Cát Tiên), Hoàn Kiếm, Thôn 4 - Gia Lâm và Phúc Hưng (Lâm Hà).
Di chỉ Phù Mỹ
Di chỉ Phù Mỹ nằm trên địa bàn Thôn 3, xã Phù Mỹ, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng trong tầng đất bồi tụ của sông Đồng Nai. Qua hai đợt khai quật năm 1998 và 2006, đã làm xuất lộ hàng ngàn di vật đa dạng về loại hình và chất liệu. Trong đó có những di vật bằng đá như: rìu, chày và hòn nghiền; khuôn đúc rìu; bàn mài cùng với hàng trăm tiêu bản bàn xoa gốm; bình, vò, nồi...
Đặc biệt, trong quá trình khai quật tại di chỉ này còn phát hiện được dụng cụ rót đồng, khuôn đúc rìu “nghi trượng”, lưỡi rìu đồng lưỡi xòe, hạt chuỗi hình đốt trúc và hạt đá để làm đồ trang sức của người xưa.
Dựa trên số liệu các di vật gốm xuất lộ dày đặc trong tầng văn hóa, đồng thời qua một số lượng lớn bàn xoa gốm và các mảnh hạt chuỗi, có thể nhận định đây là nơi cư trú xen kẽ với di chỉ xưởng gốm, xưởng đúc đồng, chế tác đồ trang sức của con người thời tiền sử có niên đại khoảng 2.200 - 2.500 năm cách ngày nay.
Di chỉ Hoàn Kiếm
Di chỉ Hoàn Kiếm thuộc thôn Hoàn Kiếm, xã Nam Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Di chỉ nằm trong một khu vực địa hình thung lũng có độ cắt xẻ rất sâu, hẹp và lượn quanh co theo chiều Đông Bắc - Tây Nam. Di chỉ được người dân địa phương phát hiện trong khi đào ao nuôi cá trong vườn.
Cuộc khai quật được tiến hành vào tháng 1/2008. Hiện vật thu được trong lòng di chỉ là các di vật được làm bằng đá opal, bao gồm: Mảnh tước, phiến tước (là sản phẩm của quá trình ghè trên đe với công cụ hỗ trợ là đục). Có nhiều hình dạng, kích cỡ khác nhau như: hình đa giác, dạng hình vỏ sò, hình oval, hình tứ giác, hình tam giác, hình bán nguyệt, hình cánh chim. Cùng với đó là một tập hợp công cụ hơn 10.000 phác vật và phế vật bằng đá opal như: phác vật dạng dao hái, phác vật dạng rìu - cuốc tứ giác.
Từ việc xuất lộ những di vật là các mảnh tước, phác vật, hạch đá tập trung với mật độ dày đặc trong hố khai quật, đồng thời cùng với việc phát hiện một lượng lớn đá opal tại khu vực xung quanh là cơ sở để có thể nói Hoàn Kiếm là một khu vực chế tác công cụ sản xuất như một công xưởng với quy trình trọn vẹn của cư dân cổ ở Lâm Đồng có niên đại khoảng 4.000 năm cách ngày nay.
Di chỉ Thôn 4 (Gia Lâm)
Di chỉ Thôn 4 nằm trên một gò đất nổi giữa Ngã ba suối Cam Ly hạ, nơi ông Thạch Văn Sơn khai hoang làm rẫy cà phê, thuộc địa bàn xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà. Di chỉ được thầy trò Khoa Sử Trường Đại học Đà Lạt phát hiện năm 2005 và được Đại học Đà Lạt, Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Lâm Đồng phối hợp khai quật vào năm 2006. Di vật thu được chủ yếu là đồ đá và đồ gồm. Có hơn 7.000 tiêu bản là rìu đá, bàn mài, hòn ghè, cưa, phác vật, hạch đá, thổ hoàng, đá in hình lá cây, nhóm phế liệu đá opal, đá basalt, đá phtanite.
Về di vật gốm, ở đây phát hiện được 127 mảnh, chủ yếu là các mảnh vỡ từ các nồi đất, không có hoa văn, được chế tác với kỹ thuật bàn xoay.
Từ những hiện vật được phát hiện đã qua sử dụng, như rìu, bàn mài, đồ gốm, vòng trang sức, đã cho thấy đây là một di chỉ cư trú cổ, có cả yếu tố công xưởng. Niên đại ước định khoảng 3.000 đến 3.500 năm cách ngày nay.
Di chỉ Phúc Hưng
Di chỉ Phúc Hưng nằm trên một đỉnh đồi cao, bao quanh là một dãy đồi hình vòng cung thuộc địa phận thôn Phúc Hưng, xã Tân Hà, huyện Lâm Hà. Di chỉ được phát hiện và khai quật vào năm 2009. Di vật phát hiện ở đây cũng chủ yếu là các mảnh tước, phiến tước. Qua quá trình khai quật với kết quả thu được, các nhà khảo cổ học đã đi đến nhận định đây cũng là “một di chỉ xưởng mang tính chất công xưởng chế tác công cụ đá thời tiền sử với nguyên liệu là đá opal. Niên đại ước định cùng giai đoạn với các khu vực Lâm Hà như Thôn 4, Hoàn Kiếm và giữa các di tích có mối liên hệ với nhau về chất liệu, loại hình công cụ, kỹ thuật chế tác đá”. (theo Bùi Chí Hoàng, Nguyễn Khánh Trung Kiên, Lê Hồng Phong).
Sự phát hiện các di chỉ khảo cổ thời tiền sử trên đất Lâm Đồng, với hàng ngàn công cụ,vật dụng bằng đá cùng với những sưu tập “Thạch cầm” (hơn 100 thanh) được chôn giấu một cách huyền bí trong lòng đất đã cho thấy Lâm Đồng - dải đất Nam Tây Nguyên là một vùng đất cổ, nơi cư trú sinh sống của con người từ thuở hồng hoang lịch sử.
ĐOÀN BÍCH NGỌ