Những năm cuối thập niên 40 của thế kỷ XX, từ núi rừng Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đang lãnh đạo toàn quân, toàn dân bước qua giai đoạn phòng ngự, tiến tới tổng phản công...
[links()]
KỲ II: NHÀ VUA TRỞ VỀ
Những năm cuối thập niên 40 của thế kỷ XX, từ núi rừng Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đang lãnh đạo toàn quân, toàn dân bước qua giai đoạn phòng ngự, tiến tới tổng phản công. Trong khi đó, tại vùng biển Cannes xinh đẹp của nước Pháp, vị hoàng đế bị phế truất lưu vong đang từng bước chuẩn bị cho ngày “hồi loan”. Pháp thực hiện âm mưu chia rẽ đất nước, hòng bóp chết Nhà nước VNDCCH non trẻ, lấy lại địa vị thống trị ở xứ sở nhiệt đới mà suốt hơn tám thập kỷ qua chúng xâm lược, làm chủ. Còn Bảo Đại, ông ta đang thực thi vai trò con bài cuối cùng phục vụ mục đích của kẻ thù dân tộc trùng với tham vọng chính trị trong canh bạc cá nhân đã đến hồi tàn vong…
|
Bảo Đại trong một cuộc lễ tân. Ảnh tư liệu |
Từ cuộc sống lưu vong ở Hồng Kông, sau khi ký văn bản thỏa hiệp Vịnh Hạ Long là đến ngôi biệt thự xa hoa 12 phòng bên bờ biển Cannes. Cuộc đời của Bảo Đại đã bước sang một hướng khác. Cùng với sự thỏa mãn đời sống vật chất của một thượng khách vương giả được đài thọ bởi ngân khố Pháp, tham vọng chính trị viển vông của ông ta càng ngày càng dâng cao khi được những kẻ thực dân mồi chài và dàn hầu cận thực dụng bơm mớm mỗi ngày.
Từ Cannes, hằng ngày Bảo Đại nhận tin tức từ trong nước gửi sang, chủ yếu là những tường trình về sự nhộn nhạo của các phe nhóm chính trị, các luồng dư luận của đám quan binh cai trị Pháp, của báo chí và các thành phần xã hội sau ngày công bố Hiệp ước Vịnh Hạ Long mà ông ta là kẻ đồng ký. Tất nhiên, dân chúng thừa hiểu, đã không có một nền độc lập nào được công nhận và thực thi sau văn bản thỏa hiệp tiếp tục bán nước ấy. Lý lẽ của quốc dân hết sức đơn giản: Nếu Việt Nam có nền độc lập thực sự thì quân đội Pháp phải rút đi, không còn lý do gì để chiến tranh nữa. Một số phần tử trung gian thì cho rằng, nếu Việt Nam đã độc lập như lời tuyên bố thì tại sao Bảo Đại lại không về nước? Cũng ở trong nước, lúc này, Tổng bộ Việt Minh phát đi thông điệp: “Cố vấn Vĩnh Thụy” đã bị thực dân lường gạt. Một bản án tử hình vắng mặt “Thủ tướng Chính phủ lâm thời Quốc gia Việt Nam” Nguyễn Văn Xuân cũng đã được tuyên cáo. Trong khi nhận quá nhiều những thông tin thể hiện sự rối ren giữa các luồng quan điểm, các phe nhóm, đảng phái, thì Bảo Đại lại được nghe người Pháp thể hiện đúng bản chất “ông chủ”. Tổng trưởng Bộ Pháp quốc Hải ngoại Coste Floret, nói tại Quốc hội Pháp: “Hiệp ước Vịnh Hạ Long không có nghĩa là vãn hồi ngay, mà chỉ đánh dấu một bước quan trọng tiến tới việc bình định Việt Nam. Để tránh hết mọi sự hiểu lầm, tôi đã nhiều lần nhắc nhở Cao ủy tại Đông Dương về ý chí của chính phủ là duy trì sự thống nhất về ngoại giao và quốc phòng của Liên hiệp Pháp. Tôi đã cho Cao ủy hay là những lực lượng Việt Nam là lực lượng cảnh sát trông nom trật tự trong xứ. Về quy chế của Nam Kỳ, các tài liệu ký kết ở Vịnh Hạ Long không có điểm nào liên quan đến việc Pháp mặc nhiên thừa nhận sự thống nhất ba kỳ. Quy chế của ba xứ nói tiếng Việt, như đã định trong những hiệp ước ký kết với triều đình An Nam, vẫn không thay đổi”. Có nghĩa là, quan điểm của nước Pháp vẫn giữ nguyên quy chế “Nam Kỳ thuộc địa”, không thống nhất ba kỳ Việt Nam như mong muốn của Bảo Đại.
Đến lúc này thì càng rõ hơn về sự trao trả “độc lập” giả hiệu và sự vô thừa nhận của Hiệp ước Vịnh Hạ Long. Có quan điểm ủng hộ “giải pháp Bảo Đại” nhưng các nhân vật cánh hữu trong phong trào Cộng hòa Bình dân Pháp như Schuman, Bidault…muốn ông ta phải về Việt Nam chấp chính để làm “người đại diện”. Nhưng hơn hết, chính người Pháp cũng rõ là ở thời điểm này, vai trò đại diện của Bảo Đại đã hết sức nhạt nhòa. Sự can thiệp của các thế lực ngoại bang, cuộc xâu xé quyền lực và đối kháng lợi ích của các phe nhóm, đảng phái trong nước và những cay đắng trong quãng đời của một phế đế lưu vong đã làm cho Bảo Đại chỉ còn là cái xác “thiên tử” vô hồn…
* * *
|
1939 - Hoàng đế Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu thăm Điện Elysee |
Một bước ngoặt quan trọng là chính phủ Paris bất ngờ đưa ra quyết định theo chủ trương của Cao ủy Bollaert: Chính phủ lâm thời của Nguyễn Văn Xuân phải tùy thuộc Bảo Đại và Cựu hoàng vẫn đứng ra ngoài, giữ chức Hoàng đế để thi hành hiệp ước Vịnh Hạ Long. Lại thêm một thách thức về “sự tín nhiệm” của người Pháp đối với con bài của họ. Nhưng rồi một ngày cơ hội cũng đã được mở ra cho Bảo Đại khi ông ta nhận được sự ưu ái của Tổng thống Pháp. Trong “Con rồng Việt Nam” (Le Dragon d’Annam, hồi ký Bảo Đại, Nhà xuất bản Plon -Pháp, năm 1990), ông ta đã mô tả lại cuộc ký kết một thỏa thuận giữa phái đoàn Việt Nam và phái đoàn Pháp ngày 8 tháng 3 năm 1949 tại điện Ellysee, Văn phòng Tổng thống Vincent Auriol. Theo Bảo Đại, tại buổi ký kết này, về phía người Việt có các nhân vật: Hoàng thân Vĩnh Cẩn, Hoàng thân Bửu Lộc, Thủ tướng Trần Văn Hữu (đại diện cho tướng Nguyễn Văn Xuân) và bác sĩ Nguyễn Mạnh Đôn…
Tại buổi ký kết có tính chất vỗ về này, Bảo Đại đọc một bài diễn văn. Theo ông ta kể lại trong hồi ký, sau khi đáp từ ngắn để tỏ lòng tri ân đối với người Pháp đã trao trả “nền độc lập và thống nhất” cho Việt Nam, Bảo Đại đã bày tỏ sự xúc động trước các quan thầy: “Từ nay, thỏa ước này sẽ thay thế tất cả các hiệp ước do tổ tiên tôi đã ký kết, và tôi nhấn mạnh, tôi sẽ đặt chân lên đất nước tôi, sống chung với nhân dân nước tôi, đã có một lãnh thổ và biên giới lịch sử. Và tôi cam đoan đặc biệt đảm bảo quyền lợi vật chất và văn hóa Pháp.” Nghe ra, chẳng khác nào lời hứa của một tôi tớ trước ông chủ của mình. Sau lời hứa này, Bảo Đại đã lên đường về nước và với sự giúp sức của các quan chức thực dân, ông ta đã dựng lên một thể chế chính trị chắp vá, giả hiệu, kiểu như rồng rắn lăng nhăng trên chiếc đèn kéo quân. Bản chất của thể chế được dựng non và bị chết yểu này chỉ là một nơi “giải ngân” hợp pháp từ tiền Pháp, tiền của các tư bản thân hữu góp vào nhằm phục vụ cho các trò tiêu khiển của Quốc trưởng và đám quan chức thuộc quyền. Cái chính thể, như Bảo Đại thừa nhận trong hồi ký: “Giá dụ bét đi, tôi có thể là chư hầu của Quốc vương Pháp, nhưng chắc chắn không phải là chư hầu của Tổng thống Cộng hòa Pháp quốc” - một lập luận ngụy tín cho hành động của mình hoặc thể hiện sự ấu trĩ chính trị trong con người ông Cựu hoàng mất ngai vàng phải đi tìm salon…
Quá hoan hỉ về sự ủng hộ mới mẻ này, tại Cannes, ngày 24 tháng 4 năm 1949, Bảo Đại đã tổ chức một cuộc họp báo. Sau khi phét lác về sự mong chờ Hoàng đế trở về như ruộng hạn chờ mưa của dân chúng Việt Nam, ông Cựu hoàng đã dành những lời tán dương cho các quan thầy của mình. Đây là lời của chính Bảo Đại ghi lại trong hồi ký: “Tôi rất sung sướng được ca tụng nhãn giới cao rộng và tinh thần dân chủ rất Pháp và rất nhân ái của ngài Coste Floret, Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại. Tôi cũng nói lên tình cảm nồng nhiệt đối với ngài Leon Pignon, Cao ủy Pháp ở Đông Dương, mà dân chúng Việt Nam vô cùng khâm phục những đức tính cao cả”. Ông ta cũng không cảm thấy nhục nhã khi thốt ra những lời này: “Đó chính là sự liên tục của một nền chính trị thân hữu, được đặt vào tay những nhà lãnh đạo siêu việt, để đem lại tình hữu nghị giữa hai nước chúng ta, và góp phần vào sự củng cố hòa bình và thịnh vượng cho toàn thể Liện hiệp Pháp”. Đó là những lời nói phản bội lại hành trình không mệt mỏi chống giặc Pháp ngoại xâm của biết bao thế hệ Việt Nam, trong đó có cả những bậc tiền vương của Bảo Đại, kể từ ngày giặc Pháp nổ những phát đại bác đầu tiên lên bờ biển Đà Nẵng. Không biết khi nói những lời cảm kích đầy hàm ý mang ơn trước kẻ thù của dân tộc mình, nhân dân mình, ông cha mình, Bảo Đại có thấy xấu hổ khi ngước nhìn di ảnh của vua Hàm Nghi với “Chiếu Cần vương” kêu gọi tha thiết lòng ái quốc trung quân và các Hoàng đế Thành Thái, Duy Tân. Ông ta có đau lòng trước linh vị liệt oanh của các tướng quân Trương Định, Hoàng Diệu, Nguyễn Trung Trực, Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng…và hàng vạn chiến sĩ trận vong. Với sự tính toán mưu cầu cho quyền lợi của cá nhân và phe nhóm, Bảo Đại cũng phản bội lại cả dân tộc Việt Nam đang kề vai sát cánh dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Mặt trận Việt Minh, đang tận hiến sông máu núi xương đánh đuổi kẻ thù để giành lại nền độc lập, tự do thật sự cho Tổ quốc và nhân dân Việt Nam…
* * *
Tiếp tục thực hiện giấc mơ viển vông của bản thân mình và đáp ứng yêu cầu của bọn thực dân, một ngày cuối tháng 4 năm 1949, Bảo Đại đã trở về nước trên chiếc chuyên cơ DC-4 của Tổng thống Pháp. Bà Nam Phương và các con của ông ta như Bảo Long, Phương Mai, Phương Liên, Phương Dung, Bảo Thắng vẫn ở lại lâu đài Thorenc tại Cannes và qua lại trang trại ở Chabrignac. Cùng tháp tùng “Hoàng đế hồi loan” có bác sĩ Nguyễn Mạnh Đôn và Hoàng thân Vĩnh Cẩn. Không lựa chọn Sài Gòn, Bảo Đại lấy phi trường Liên Khương ở Đà Lạt thuộc cao nguyên Trung phần để hạ cánh, có thể là ông ta muốn một không gian tạm coi là an lành cho giấc mơ quyền lực của mình. Đón Cựu hoàng ở cầu thang máy bay lại là Cao ủy Pháp Pignon và cận thần Phan Văn Giáo.
Đặt chân tới Đà Lạt, trò hề đầu tiên được Bảo Đại diễn là tạo ra một sắc lệnh với nội dung là tự đảm nhiệm vai trò Quốc trưởng, “cho đến lúc mà hòa bình đã vãn hồi, dân chúng trong sự khôn ngoan, sáng suốt, tự quyết định được chế độ mà họ mong muốn.” Sắc lệnh thứ hai của Bảo Đại với vai trò Quốc trưởng là lập ra cơ cấu hành chính cho ba tỉnh lớn: Bắc Việt, Trung Việt và Nam Việt. Mỗi “tỉnh lớn” Bảo Đại cho một tên tâm phúc của mình (và của người Pháp) đứng đầu với chức vị Thủ hiến. Và, thực thi ý tưởng mà các quan thầy gợi ý, Bảo Đại đã thiết lập một định chế đặc biệt, ghi nhận sự cai quản của cá nhân ông ta với vai trò Hoàng đế, đối với các sắc dân thuộc các dân tộc thiểu số Việt Nam. Định chế này được khoác lên cái tên mỹ miều là “Hoàng triều Cương thổ”. Thực chất, nó giống như một tấm bản đồ tự vẽ, tự ngắm về “đất của vua” mà “thủ phủ” là đô thị mộng mơ Đà Lạt. Cũng trùng với tuổi thọ của cái chính thể bù nhìn Bảo Đại do người Pháp dựng lên và giật dây, “Hoàng triều Cương thổ” cũng tồn tại trong khoảng thời gian không đến năm năm…
(Kỳ 3: “Đất của vua”)
UÔNG THÁI BIỂU