Phế đế "hồi loan" và ký vãng về "Hoàng triều Cương thổ" (kỳ 3)

05:11, 25/11/2020

(LĐ online) - Trong những ngày mở đầu làm đoạn đời "rồng đất" sau khi về nước, bên cạnh thiết lập bộ máy chính phủ bù nhìn, Bảo Đại nhớ lại lời giáo huấn của Tổng thống đồng thời là Chủ tịch Liên hiệp Pháp Vincent Auriol...

[links()]
 
KỲ III: “ĐẤT CỦA VUA” 
 
(LĐ online) - Trong những ngày mở đầu làm đoạn đời “rồng đất” sau khi về nước, bên cạnh thiết lập bộ máy chính phủ bù nhìn, Bảo Đại nhớ lại lời giáo huấn của Tổng thống đồng thời là Chủ tịch Liên hiệp Pháp Vincent Auriol, trong văn thư đề ngày 8 tháng 6 năm 1949 và đó cũng là ý tưởng của Cao ủy Pháp tại Đông Dương đương nhiệm Leon Pignon. Hai quan thầy nói trên đã gợi ý Bảo Đại thiết lập cái gọi là “Hoàng triều Cương thổ”. Cái định chế “đất của vua” đầy ảo vọng đó là gì, và nó đã tồn tại thực chất ra sao trong những năm tháng ấy?...
 
Bảo Đại cùng Đại tá Pierre Didelot - chồng của Agnes Nguyễn Hữu Hào với thần dân Hoàng triều cương thổ. Ảnh tư liệu
Bảo Đại cùng Đại tá Pierre Didelot - chồng của Agnes Nguyễn Hữu Hào với thần dân Hoàng triều Cương thổ. Ảnh tư liệu
 
Văn thư của Vincent Auriol, nói rằng: “Sự cai trị các sắc dân không phải người Việt Nam, mà vị trí và địa dư vốn nằm trong lãnh thổ của nước Việt Nam, và từ xưa vẫn thuộc quyền Hoàng đế An Nam, sẽ được cứu xét bằng quy chế riêng, do Hoàng đế định đoạt. Các quy chế này phải được sự thỏa thuận của đại diện Chính phủ Cộng hòa Pháp quốc, vốn có những trách nhiệm đối với họ. Quy chế này vừa phải đảm bảo cho những quyền hạn chính đáng của Việt Nam, vừa phải bảo đảm sự tiến triển của dân tộc ấy, với sự tôn trọng phong tục, tập quán của họ”. Cùng với “chiếu thư” của Tổng thống Pháp như trên, theo ông Hoàng Trọng Miên trong sách “Cựu hoàng Bảo Đại”, Bảo Đại thành lập “Hoàng triều Cương thổ” còn bởi đáp ứng lời thở than của bà Từ Cung, thân mẫu của ông ta: “Rồi đây, có lúc mẹ con tôi sẽ không còn đất trú chân trên đất nước này!” Còn trong hồi ký của chính mình, Bảo Đại lại viết: “Lập ra một khu vực gọi là Hoàng triều Cương thổ dành cho các sắc dân miền núi. Xưa kia, đất này không được coi là đất của Hoàng triều…Vì vậy, các dân tộc sống lâu đời trên đất ấy, vẫn bị gạt ra ngoài, thì từ nay được sát nhập hẳn vào quyền hạn của Quốc trưởng và được che chở bởi Quốc trưởng. Vị trí này đã do ông Léon Pignon gợi ý cho tôi, trong một cuộc gặp gỡ ở Paris, nhằm để hoàn tất sự thống nhất dân chúng của nước Việt Nam.” Bảo Đại cũng bộc lộ: “Tôi rất chú trọng đến quyết định cuối cùng này, bởi vì tôi đặt niềm tin cho công tác của tôi vào sự trung thành của các sắc dân này, mà tôi từng hài lòng về sự thẳng thắn và niềm tôn kính của họ đối với cá nhân tôi, trong những dịp đi nhàn tản lẻ loi trước khi xảy ra chiến tranh…”.      
     
Ngày 30 tháng 5 năm 1949, người Pháp trao quyền quản lý vùng Cao nguyên Trung phần với Xứ Thượng nam Đông Dương cho Chính phủ Quốc gia Việt Nam. Ngày 15 tháng 4 năm 1950, với tư cách Quốc trưởng, Bảo Đại ra Dụ số 6/QT/TG, tách riêng phần Cao nguyên Trung bộ ra và lập quy chế hành chính đặc biệt có tên là “Hoàng triều Cương thổ” (Tiếng Pháp: Domaine De La Couronne). Tại vùng này, thì Bảo Đại ngoài danh nghĩa Quốc trưởng ra vẫn giữ vai trò Hoàng đế. Theo Dụ số 6, năm tỉnh thuộc Xứ Thượng nam Đông Dương chuyển giao thành “Hoàng triều Cương thổ” ở Trung phần là: Đồng Nai Thượng, Lâm Viên, Pleiku, Darlac, Kontum. Ngoài ra, Dụ này còn ấn định các khu vực sơn nguyên khác ở Bắc phần cũng thuộc “Hoàng triều Cương thổ”, gồm các tỉnh: Hòa Bình (khu tự trị Mường), Phong Thổ (khu tự trị Thái), Lai Châu (khu tự trị Thái), Sơn La (khu tự trị Thái), Lào Kay (khu tự trị Mèo), Hà Giang (khu tự trị Mèo), Bắc Kạn (khu tự trị Thổ), Cao Bằng (khu tự trị Thổ), Lạng Sơn (khu tự trị Thổ), Hải Ninh (khu tự trị Nùng) và Móng Cái (khu tự trị Nùng). Đứng đầu Hoàng triều Cương thổ là vị Khâm mạng Hoàng triều do Quốc trưởng Bảo Đại bổ nhiệm, Khâm mạng đầu tiên là Nguyễn Đệ, người đang giữ chức Đổng lý Văn phòng Quốc trưởng.
         
Dụ số 6 cũng xác định, Đà Lạt là thủ phủ của “Hoàng triều Cương thổ” và toàn Cao nguyên miền Nam. Có thể nói, Đà Lạt là một đô thị có số phận đặc biệt. Trở lại với lịch sử, sau cuộc du thám lần thứ hai của nhà bác học A.Yersin thành công, đô thị này được hình thành dựa trên yếu tố tiên quyết là tài nguyên thiên nhiên, với núi rừng hùng vĩ, bầu khí hậu mát mẻ, một ốc đảo khác biệt giữa vùng nhiệt đới. Từ đó, Đà Lạt được xác định từ đầu là một thành phố phục vụ nghỉ dưỡng. Người Pháp cũng muốn và đã tạo nên một phố thị mang dáng dấp châu Âu giữa vùng Á Đông nhằm giúp những người da trắng thực dân khuây khỏa phần nào nỗi nhớ chính quốc. Được kiến tạo trên ý tưởng đó, Đà Lạt là tác phẩm của các kiến trúc sư lừng danh dưới sự chỉ đạo sát sao của các viên Toàn quyền Đông Dương qua các thời kỳ như Paul Doumer, Jean Baea, Albert Sarraut, Jean Decoux…nhằm khai thác khí hậu, cảnh quan miền cao nguyên này phục vụ cho mục đích cai trị. Các nhà thực dân cũng muốn tạo nên một đô thị xứng tầm cho “đại dự án” đầy tham vọng là lấy Đà Lạt làm thủ phủ cho Liên bang Đông Dương vào thập niên 1940. Công năng của Đà Lạt thay đổi liên tục theo tiến trình và những biến động lịch sử. Từ giấc mơ không thành về một thủ đô Liên bang của Paul Doumer đến “giấc mộng kê vàng” thủ phủ “Hoàng triều Cương thổ” của Bảo Đại là một ký ức khá tương đồng, liền mạch nhưng đứt rời cảm xúc của Đà Lạt. Cuộc trở về của Bảo Đại đã làm cho Đà Lạt buộc phải thay đổi ít nhiều gương mặt của mình, nhất là khi nó được lựa chọn làm trung tâm thực thi quyền lực của một chính thể tồn tại trong nửa thập kỷ. Trong Dụ số 4/QT-TG, ngày 10 tháng 11 năm 1950, Bảo Đại cũng đã cho tách Đà Lạt ra khỏi tỉnh Lâm Viên, trở thành thị xã độc lập và chức Thị trưởng đô thị đặc biệt này do đích thân Quốc trưởng bổ nhiệm. Đà Lạt trong giai đoạn này tạm coi như là một nơi chốn dung thân an toàn nhất của phế đế “hồi loan”. Phố núi này được coi là “một ốc đảo thanh bình trong một thế giới hỗn loạn”, như cách nói của một học giả phương Tây đương thời… 
 
 Trong buổi lễ nhận đất “Hoàng triều Cương thổ” tượng trưng. Ảnh tư liệu
Trong buổi lễ nhận đất “Hoàng triều Cương thổ” tượng trưng. Ảnh tư liệu
 
* * *
        
Các sử liệu về giai đoạn này cho biết, theo thỏa hiệp của Tổng thống Pháp Vincent Auriol khi giải tán Xứ Thượng nam Đông Dương và nhường quyền lại cho Quốc gia Việt Nam thì quy chế tự trị của các sắc tộc thiểu số sẽ có thể lệ riêng và Chính phủ Pháp vẫn có bổn phận tham nghị nên mỗi khi ban bố luật pháp thì Chính phủ Quốc gia Việt Nam phải có sự thỏa thuận của Pháp. Theo đó, trên cơ sở đồng ý của người Pháp, ngày 21 tháng 5 năm 1951, Bảo Đại đã ban hành “Quy chế 16” với chín điều khoản đặt nền móng cho việc cai trị “Hoàng triều Cương thổ”. Nội dung bản Quy chế này bao gồm: 1/Quyền lợi tối cao của Quốc gia Việt Nam được đảm bảo cùng với quyền lợi của các sắc tộc thiểu số. 2/Cao nguyên trực thuộc Quốc trưởng. 3/Người Thượng cần tham gia vào việc phát triển cao nguyên. 4/Tôn trọng hệ thống bộ lạc và chức sắc kế truyền của người Thượng. 5/Thành lập Hội đồng kinh tế. 6/Thành lập Tòa án Phong tục Thượng. 7/Bảo đảm quyền sở hữu đất đai của người Thượng. 8/Phát triển cơ cấu dịch vụ xã hội ở cao nguyên như y tế, giáo dục. 9/Thành lập đơn vị quân sự riêng biệt cho người Thượng với ưu tiên phục vụ ở Cao nguyên…) 
 
Sau khi ban hành “Quy chế 16”, ngày 30 tháng 5 năm 1951, Bảo Đại cùng Cao ủy Leon Pignon, đã đến dự một buổi lễ tại Buôn Mê Thuột, để nhận tượng trưng đất “Hoàng triều Cương thổ” và nhận tuyên thệ của các vị tù trưởng vùng Cao nguyên miền Nam. Từ lâu, Bảo Đại đã bị ngộ nhận về lòng trung thành đối với các sắc dân miền Thượng. Trong hồi ký, ông ta ghi lại: “Riêng tôi, tôi được họ tôn sùng, vì Hoàng đế là vua của các vị thần che chở cho rừng núi và bình nguyên của họ”. (Theo “Con rồng Việt Nam”. Bảo Đại)…   
 
Trong quá trình thực hiện loạt bài này, chúng tôi đã tham khảo một số tài liệu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 4 tại Đà Lạt, để hiểu thêm về cái gọi là “Hoàng triều Cương thổ”, trong đó có các bài viết của báo chí đương thời. Theo đó, “Quy chế 16” sau khi ban hành đã bị dư luận chỉ trích dữ dội vì đã nhượng bộ quyền lợi cho Pháp quá lớn, nhất là việc thành lập Hội đồng kinh tế phần lớn do các chủ đồn điền người Pháp thao túng và người Pháp nắm hầu hết các quyền hành chính. Trong số năm tỉnh ở Cao nguyên Trung phần thì ba tỉnh Kontum, Pleiku và Darlac vẫn do tỉnh trưởng người Pháp cai quản. Đặc biệt, Khâm mạng Hoàng triều, kẻ đại diện cho Hoàng đế - Quốc trưởng Bảo Đại tại Cao nguyên (tiếp sau Nguyễn Đệ) lại là một tên thực dân cáo già, đại tá Pierre Didelot, chồng của Agnes Nguyễn Hữu Hào, tức anh rể của bà cựu Hoàng hậu Nam Phương… 
 
Giấy chứng minh lý lịch công dân do khâm mạng Hoàng triều Cương thổ cấp. Ảnh tư liệu
Giấy chứng minh lý lịch công dân do khâm mạng Hoàng triều Cương thổ cấp. Ảnh tư liệu
 
* * *
 
“Hoàng triều Cương thổ” là một định chế luôn gây tò mò cho những ai thích việc tìm hiểu những gì liên quan về nó, bản thân chúng tôi cũng vậy. Rất tiếc, tư liệu về thời kỳ này hiện lưu giữ không nhiều. Trong khi thực hiện loạt bài này, với sự gợi ý của nhà biên khảo Nguyễn Vĩnh Nguyên, chúng tôi đã tiếp cận với một văn bản nêu lên khá rõ nét những định hướng kiến thiết khu vực miền núi, nơi cư ngụ đông đảo các dân tộc thiểu số trong khuôn khổ “Hoàng triều Cương thổ”. Đó là bản “Kế hoạch hành động xã hội cho khu vực cao nguyên phía nam của Hoàng triều Cương thổ”, ấn bản của Phái đoàn Đại diện Hoàng gia của Hoàng triều Cương thổ. Bản Kế hoạch bao gồm bốn chương này được hoàn thành vào tháng 6 năm 1953. Trong khuôn khổ loạt bài ngắn, chúng tôi không thể dẫn đầy đủ về văn bản này, chỉ xin trích phần nội dung nói đến mục tiêu chung: “Chính phủ chống lại sự suy giảm dân số ở các vùng miền núi phía Nam và tìm cách thức chuyển đổi trạng thái bộ lạc, sống dựa vào rừng sang trạng thái xã hội với cộng đồng định cư ổn định với nền nông nghiệp và chăn nuôi hiện đại”. Và, “Chính phủ, mặt khác, tổ chức phát triển vùng định cư trên trên các miền cao nguyên của quốc gia Việt Nam để họ có cuộc sống ở đó tốt hơn, những yếu tố liên quan tới việc nhập cư từ các khu vực quá đông dân cư ở Trung bộ và Bắc bộ Việt Nam”. Như chúng ta đã rõ, do nhiều yếu tố, bản kế hoạch này chưa được thực tiễn hóa, nhưng dù sao thì đó cũng là một tư liệu rất đáng tham khảo, để có cái nhìn rõ hơn đôi chút về một định chế còn lắm sự mù mờ. Chúng tôi sẽ trở lại với những sử liệu này và phản ánh sâu hơn, đầy đủ hơn khi có dịp thích hợp.                    
 
Trong khi mọi câu chuyện đang ở lúc dở dang, thì ngày 24 tháng 3 năm 1955, đại diện Quốc trưởng Bảo Đại đã đọc tuyên bố chấm dứt chế độ “Hoàng triều Cương thổ” tại buổi lễ tổ chức trước Tòa hành chính Kon Tum, với sự hiện diện của hàng ngàn đồng bào dân tộc thiểu số. Như vậy, “Hoàng triều Cương thổ” chỉ tồn tại vỏn vẹn 4 năm 11 tháng. Nhưng điểm mốc này chỉ là chính thức kết thúc trên giấy tờ hành chính, còn thực ra nó đã đặt dấu chấm hết kể từ ngày Quốc trưởng Bảo Đại lên chuyến bay bốn động cơ từ phi trường Liên Khương bay đi Pháp vào trung tuần  tháng 4 năm 1954…
 
Đó là diễn biến kết thúc của “vương triều” Bảo Đại sẽ kể kỹ hơn trong kỳ cuối loạt bài. Còn tiếp theo, chúng tôi xin phép bạn đọc được phác thảo đôi nét về Đà Lạt, những ngày được mang danh là thủ phủ của “Hoàng triều Cương thổ”…
 
(Kỳ 4: Vài dòng ký ức về “Thủ phủ Hoàng triều”)
 
UÔNG THÁI BIỂU