TS Nguyễn Thị Tình - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho biết, giá trị văn hóa trong Di chúc còn thể hiện rất rõ ở việc Bác Hồ mong muốn mỗi người Việt Nam phấn đấu trở thành những người có văn hóa để xây dựng một xã hội văn hóa.
TS Nguyễn Thị Tình - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho biết, giá trị văn hóa trong Di chúc còn thể hiện rất rõ ở việc Bác Hồ mong muốn mỗi người Việt Nam phấn đấu trở thành những người có văn hóa để xây dựng một xã hội văn hóa.
|
Di chúc của Bác Hồ mong muốn mỗi người dân Việt trở thành người có văn hóa. (Ảnh tư liệu). |
Mới đây, tại hội thảo khoa học "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn (1969-2019" diễn ra tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội), TS Nguyễn Thị Tình - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho biết: Giá trị văn hóa trong Di chúc còn thể hiện rất rõ ở việc Bác Hồ mong muốn mỗi người Việt Nam phấn đấu trở thành những người có văn hóa để xây dựng một xã hội văn hóa. Người chỉ rõ để làm việc này thì trước hết phải xây dựng văn hóa của người lãnh đạo. Đọc Di chúc việc Bác nói về Đảng chúng ta lại nhớ đến việc Bác bồi dưỡng lớp cán bộ đầu tiên ở Quảng Châu, Trung Quốc.
TS Nguyễn Thị Tình phân tích tiếp, ngay từ thời đó Bác đã nêu lên những nguyên tắc cơ bản để xây dựng con người cách mạng chân chính để từ đó xây dựng một chính Đảng cách mạng. Người viết: Người cách mạng phải “Cần kiệm. Hoà mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo…”. Đảng nhất thiết phải bao gồm những con người như thế mới xứng đáng là đại biểu của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn dân tộc.
Một bài học lớn Bác nhắc lại trong Di chúc là Đảng ta phải xứng đáng là một Đảng cầm quyền. “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Trong bài trình bày của mình tại hội thảo, TS Nguyễn Thị Tình cho biết thêm: Hơn ai hết Bác Hồ thấy rõ việc xây dựng văn hóa của chính đảng cầm quyền là vô cùng quan trọng để giá trị của văn hóa được lan tỏa, hòa vào đời sống của nhân dân, thúc đẩy xã hội phát triển như Người đã khẳng định: Lấy văn hóa soi đường cho quốc dân đi. “Phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”- là câu nói có ý nghĩa vô cùng sâu sắc về vai trò của Đảng ta đối với đất nước, dân tộc. Như Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói tại cuộc mít tinh trọng thể kỷ niệm 80 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Câu đó phải được tất cả chúng ta, nhất là những người có trách nhiệm từ trên xuống dưới trong bộ máy của Đảng và của Nhà nước suy nghĩ. Đó là quan điểm cách mạng vô sản, một luận điểm có ý nghĩa cơ bản và sâu sắc về quan hệ giữa cơ quan lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của quần chúng.
"Văn hóa lãnh đạo của Đảng quan trọng bậc nhất là văn hóa nêu gương. Nói cách khác nêu gương chính là giá trị đích thực của văn hóa. Vừa qua Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 khóa XII đã thông qua “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng”. Quy định này là việc làm rất thiết thực của Đảng ta nhằm bồi dưỡng, giáo dục cán bộ, đảng viên và xây dựng Đảng nói chung theo gương Bác và theo Di chúc của Người" - TS Nguyễn Thị Tình cho biết.
Theo TS Nguyễn Thị Tình, trong Di chúc Bác nói sẽ đi gặp Mác-Lênin. Không phải ngẫu nhiên mà Bác viết như vậy, Người muốn bày tỏ lòng biết ơn của dân tộc Việt Nam đối với cội nguồn thắng lợi của cách mạng Việt Nam là do Người đã gặp được Mác-Lênin trong đường lối của Đảng, trong cuộc đấu tranh cách mạng. Đó cũng là thể hiện một tâm hồn cao đẹp, một nhân cách văn hóa lớn Hồ Chí Minh chuẩn bị lên đường gặp lại những ân nhân của mình. Từ câu nói đó của Bác, với tâm hồn của một nhà thơ lớn, Tố Hữu đã tưởng tượng cuộc gặp rất đẹp của Bác với Mác-Lênin và thế giới người hiền: “Bác đã lên đường, nhẹ bước tiên/ Mác-Lênin thế giới người hiền/ Ánh hào quang đỏ thêm sông núi/Dắt chúng con cùng nhau tiến lên”. Văn hóa Mác-Lênin, văn hóa Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục dẫn dắt dân tộc ta tiến về phía trước.
|
Bản Di chúc được Bác Hồ viết, chỉnh sửa trong giai đoạn từ năm 1965 đến 1969. |
Với ý nghĩa đặc biệt về lịch sử và văn hóa, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ dành riêng cho dân tộc Việt Nam mà cho cả nhân loại. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Nhiều nhà lãnh đạo của các nước trên thế giới cũng đã cho rằng: “Lời Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là dành cho nhân dân Việt Nam mà cho tất cả các dân tộc”.
Có nhà lãnh đạo không phải là cộng sản cũng nói lên niềm xúc động của mình và cho rằng: “Lời Di chúc của con người vĩ đại ấy là cho tất cả loài người, việc gì Người chưa làm, tất cả chúng ta đều có nhiệm vụ tiếp tục làm”. Con người Bác trong mắt của thế giới là như vậy. Thật là một con người của thế kỷ, hơn nữa của thời đại”.
(Theo dantri.com.vn)