(LĐ online) - "Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng, độ dài 400 dặm, rộng 20 dặm đứng dựng giữa biển...
[links()]
Bài 2: Hoàng Sa - Trường Sa bằng chữ Nôm trên bản đồ cổ
(LĐ online) - “Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng, độ dài 400 dặm, rộng 20 dặm đứng dựng giữa biển. Từ cửa biển Đại Chiêm, đến cửa Sa Vinh mỗi lần có gió tây nam thì thương quyền các nước đi ở phía trong trôi giạt ở đây, đều cùng chết đói hết cả. Hàng hóa thì đều để nơi đó. Họ Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối mùa đông đưa 18 chiếc thuyền đến đây lấy hàng hóa, được phần nhiều là vàng bạc tiền tệ súng đạn”.
Mặt khắc 6, quyển 50 mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ kể về việc vua Gia Long sai người ra Hoàng Sa thăm dò, đo đạc thủy trình năm 1815 |
Trên đây là đoạn văn được viết bằng chữ Hán in trên bản đồ vẽ xứ Quảng Nam trong “Toản tập thiên nam tứ chi lộ đồ” do Đỗ Bá - tự Công Đạo biên soạn vào năm 1686. Điều đặc biệt là tuy đoạn văn này được viết bằng chữ Hán, nhưng riêng ba chữ “Bãi Cát Vàng” thì được ghi bằng chữ Nôm, là thứ chữ riêng của người Việt. Điều này thêm một lần nữa khẳng định, từ cuối thế kỷ XVII, người Việt đã hoàn toàn làm chủ Hoàng Sa và đã đặt tên cho quần đảo này một cái tên thuần Việt là Bãi Cát Vàng.
Cũng trong tờ “Bản quốc địa đồ” trong sách “Khải đồng thuyết ước”, được biên soạn và khắc in lần đầu vào năm 1853, dưới triều vua Tự Đức, vẽ vị trí của các tỉnh và các ngọn núi lớn từ ải Nam Quan đến vùng đất Biên Hòa - Vĩnh Long. Trên tờ bản đồ này, ở ngoài khơi vùng biển miền Trung có ghi chú ba chữ Hán: Hoàng Sa chử, tức Bãi Hoàng Sa.
Đại Nam thống nhất toàn đồ năm 1838 |
“Khải đồng thuyết ước” là sách giáo khoa tiểu học dưới triều Nguyễn. Việc địa danh Hoàng Sa chử được đưa vào sách giáo khoa để dạy học sinh, đã chứng tỏ, ngay từ thời bấy giờ, triều Nguyễn đã coi trọng việc giáo dục ý thức chủ quyền quốc gia cho trẻ em đương thời.
Một trong những đồ bản quan trọng nhất trong các bản đồ cổ của Việt Nam chính là “Đại Nam thống nhất toàn đồ”. Đây là bản đồ được vẽ theo lệnh của vua Minh Mạng và hoàn tất vào năm 1838. Trên bản đồ này đã thể hiện hình vẽ hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trong lãnh hải Việt Nam, ghi chú là Hoàng Sa và Vạn lý Trường Sa. Tuy nhiên, trên thực tế, lúc đầu những người đi khám phá Hoàng Sa và Trường Sa đã nghĩ rằng hai quần đảo này là một. Họ gọi tên là Bãi Cát Vàng, hay Cồn Vàng, rồi gọi là Hoàng Sa. Về sau thì họ tách quần đảo thành hai phần, gọi là Hoàng Sa và Bắc Hải. Kế đến họ gọi Bắc Hải là Vạn lý Trường Sa như trong Đại Nam thống nhất toàn đồ. Sau cùng thì mới phân biệt rõ ràng là quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa như hiện nay.
Điều này cũng tương tự như cách gọi Hoàng Sa - Trường Sa của các nhà hàng hải phương Tây. Lúc đầu họ gọi chung hai quần đảo này là Pracels hay Paracels. Về sau họ mới phân biệt Pracels hay Paracels để chỉ quần đảo Hoàng Sa và Spratlys để chỉ quần đảo Trường Sa.
Tuần tra, canh gác ở đảo Trường Sa |
“Đại Nam thống nhất toàn đồ” là bản đồ hành chính đầu tiên của triều Nguyễn được vẽ gần giống với các bản đồ Việt Nam sau này, tức trên bản đồ này, vị trí núi sông, biển đảo được vẽ với tọa độ địa lý gần như chính xác như hiện nay. Đáng chú ý, là hai địa danh Hoàng Sa và Vạn lý Trường Sa được thể hiện đầy đủ và rõ ràng. Như vậy, sau khi vua Gia Long cử người ra Hoàng Sa cắm cờ để xác lập chủ quyền theo kiểu phương Tây vào năm 1816, thì việc thể hiện hai địa danh Hoàng Sa và Vạn lý Trường Sa trên bản đồ hành chính triều Minh Mạng đã chứng tỏ nhà Nguyễn thể hiện rất rõ chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Không chỉ có bản đồ của Việt Nam. Các nhà hàng hải, phát kiến địa lý và thương gia ở phương Tây khi vẽ Hoàng Sa và Trường Sa từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX cũng đã miêu tả hai quần đảo này giống như “lưỡi dao” dài, kéo dọc suốt ngoài khơi đối diện với bờ biển Việt Nam. Tên của các đảo và quần đảo được ghi khá rõ trên các tấm bản đồ “East India” (do Petrus Plancius vẽ năm 1952); bản đồ “Đông Ấn” (do Jodocus Hondius vẽ năm 1613); bản đồ “Asia noviter delineata” (do Willem Janszoon Blaeu vẽ năm 1967); bản đồ “India Orientalis” (do Gerard Mercator vẽ năm 1630). Đầu của “lưỡi dao” thường được ghi: “I. De Pracels hay Paracels Islands” ... Điểm cuối của “lưỡi dao” thường ghi là “Pulo Sissir hay Pulo Cescir”, gồm hai đảo: “Pullo Sissir da Terra” (Cù Lao Câu) và “Pullo Sissir do Mar” (Cù Lao Thu) ở vùng biển Bình Thuận ngày nay.
Vùng bờ biển Việt Nam đối diện với quần đảo mà phương Tây ghi là Pracel hay Paracel, hoặc Coster de Pracel, tức là bờ biển Hoàng Sa, hay là Costa de Campa (tức là bờ biển Champa). Cách ghi này chứng tỏ các nhà hàng hải, các nhà địa lý phương Tây lúc bấy giờ đã mặc nhiên thừa nhận hai quần đảo này thuộc về Việt Nam lúc bấy giờ mà họ gọi là: Cochinchine, Cauchy-Chyna, Cochi – China, Cauchim Chynan, Annam...
Người dân sinh sống trên đảo Trường Sa |
Đặc biệt, cuối thế kỷ XVI xuất hiện hàng loạt các bản đồ của các nhà hàng hải về khu vực Biển Đông và Pracel (Hoàng Sa), trong đó có bản đồ của anh em nhà Van Langren (Hà Lan) vẽ năm 1595 là tiêu biểu nhất.
Bản đồ vẽ khá chi tiết, trình bày đẹp, phong phú, hình vẽ Hoàng Sa rõ ràng và điển hình, ghi rõ “I.de.Pracel”. Quần đảo Hoàng Sa cùng với dải bãi đá ngầm và bãi cát Hoàng Sa được phân biệt rõ ràng với các đảo Pulo S.polo (Cù Lao Chàm), Pulo Catam (Cù Lao Ré), Pulo Cambir (Cù Lao Xanh) ...ở ven bờ. Đặc biệt hơn, trong đất liền về phía Việt Nam, khoảng khu vực bờ biển tỉnh Quảng Ngãi ngày nay, bản đồ có đánh dấu Costa de Pracel, khẳng định mối quan hệ hữu cơ giữa I.de.Pracel (đảo Hoàng Sa) ở giữa Biển Đông và Costa de Pracel (bờ biển Hoàng Sa) ở vùng Quảng Ngãi. Đây là cơ sở xác nhận chủ quyền tự nhiên và lâu đời của Vương quốc Champa và Chúa Nguyễn đối với Hoàng Sa trước và trong thời điểm vẽ bản đồ.
Còn trên tờ bản đồ “An Nam đại quốc họa đồ” do Giám mục Jean Louis Taberd vẽ năm 1838 có ghi rõ ràng dòng chữ Latin: “Paracel seu Cát Vàng”. Cũng trong bài viết in trong tạp chí “The Journal of the Asiatic Society of Bengal” (số 6, năm 1837) xuất bản tại Calcuta của Giám mục Taberd là tác giả đã khẳng định: “Paracels, hay Pracel, tức Hoàng Sa – Cồn Vàng, thuộc về Cochinchina”, tức thuộc về Việt Nam. Bản gốc của tấm bản đồ này hiện nay vẫn còn đang được lưu giữ tại Thư viện quốc gia Pháp Richelieu tại Paris.
Tất cả những bản đồ cổ phương Tây được trưng bày hay lưu giữ tại các Viện Bảo tàng trên thế giới, có niên đại trải dài từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX đều có thể hiện bằng hình vẽ hoặc bằng ghi chú vị trí của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở trong vùng biển của nước ta với nhiều tên gọi khác nhau. Điều này có nghĩa, từ thế kỷ XVI, nhiều người phương Tây đã biết đến vùng biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa và ghi nhận hai quần đảo này là một phần lãnh thổ của Việt Nam lúc bấy giờ.
Không chỉ có những bằng chứng thừa nhận trên các tấm bản đồ. Ngay trong các tư liệu cổ của phương Tây xuất bản từ thế kỷ XVII đến XIX, đều miêu tả chi tiết hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như ghi rõ lại quá trình của người Việt đến đây để khai thác hải sản và cắm mốc chủ quyền cũng như thực thi chủ quyền.
Chiến sĩ Hải quân và trẻ em vui chơi trên đảo Trường Sa |
Trong đó, đáng chú ý có cuốn “Oriental Herald and Colonial Review” (tập 1) xuất bản ở London (Anh Quốc) năm 1824. Trang 30 của sách này có đề cập đến sự kiện Đại úy Daniel Ross được phái đến Cochinchina (tên mà người Anh gọi Việt Nam lúc đó) để khảo sát quần đảo Paracels (Hoàng Sa) với một bức thư ủy nhiệm rất thân thiện trình lên vua Cochinchina (tức vua Gia Long). Sự kiện Đại úy Daniel Ross trình thư ủy nhiệm để xin phép khảo sát rõ ràng cho thấy nước Anh thời đó đã thừa nhận Paracels thuộc về Cochinchina, tức chủ quyền của Việt Nam lúc bấy giờ.
Tạp chí “The Journal of the Asiatic Society of Bengal” xuất bản tại Calcuta (Ấn Độ) năm 1837 có in bài viết của Giám mục Jean Louis Taberd khẳng định: “Quần đảo Paracel ha Paracels là một khu vực chằng chịt những hòn đảo nhỏ, đá ngầm và bãi cát ...Những người dân xứ Cochinchina gọi khu vực đó là Cồn Vàng”. Bài viết còn ghi rõ: “Mặc dù hình như loại quần đảo này chỉ có độc những tảng đá ngầm mà không có gì khác, và độ sâu của biển hứa hẹn những điều bất tiện hơn là sự thuận lợi, nhưng vua Gia Long vẫn nghĩ rằng ông đã tăng cường được quyền thống trị lãnh thổ của mình bằng sự sáp nhập tội nghiệp đó. Vào năm 1816, nhà vua đã tới long trọng cắm lá cờ của mình và đã chính thức giữ chủ quyền ở các bãi đá này, mà chắc chắn là sẽ không có một ai tìm cách tranh giành với ông”.
Bên cạnh cuốn “Tableau de la Cochinchine” của hai tác giả Cortambert và Léon de Rosny xuất bản tại Paris năm 1862 đã chắc chắn “Paracels tức là Kats Vàng” thuộc về Cochinchina. Thì cuốn “Traité élé mentaire de géographie: contenant un abrégé méthodique du précis de la gesographie universelle” (Tập 2) của Malter-Brun, xuất bản tại Paris năm 1831, trang 221 của sách này còn như một lời ấn định: “Nằm cách bờ biển Cochinchinna và Đảo Hải Nam một khoảng cách bằng nhau, quần đảo Paracels thuộc vương quốc An Nam”.
LAM ANH