Nơi ấy là một phần máu thịt của Tổ quốc (Bài 3)

06:12, 31/12/2020

(LĐ online) - Trong tất cả các tấm bản đồ cổ của Trung Quốc, do họ vẽ hay nhờ phương Tây vẽ thì lãnh thổ cực nam của Trung Quốc thời kỳ này chỉ giới hạn ở đảo Hải Nam, hoàn toàn không có hình vẽ về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

[links()]
Bài 3: Bản đồ cổ Trung Quốc không có Hoàng Sa và Trường Sa
 
(LĐ online) - Trong tất cả các tấm bản đồ cổ của Trung Quốc, do họ vẽ hay nhờ phương Tây vẽ thì lãnh thổ cực nam của Trung Quốc thời kỳ này chỉ giới hạn ở đảo Hải Nam, hoàn toàn không có hình vẽ về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
 
 Đại Thanh Đế quốc toàn đồ
Đại Thanh Đế quốc toàn đồ
 
Đáng chú ý là tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” (Địa dư toàn đồ tới các tỉnh của triều đình nhà Thanh) do nhà Thanh xuất bản năm 1904 được TS. Mai Hồng - cán bộ Viện Hán Nôm sưu tầm và trao tặng cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam vào năm 2012. 
 
Nhà Thanh từ đầu thế kỷ XVIII đã nhiều lần thuê các giáo sĩ và chuyên gia địa lý phương Tây vẽ bản đồ Trung Quốc. Đặc biệt, đến năm 1711, vua Khang Hy đã “sai các giáo sĩ đi tới khắp 13 tỉnh, đo lường đất đai tạo bản đồ” và “Trải qua một năm bốn lần độc duyệt, quy mô bắt đầu định hình. Các giáo sĩ được triệu tập về kinh đô để họ múa bút họa vẽ, sau hai năm công việc cáo thành bèn đem bức Toàn đồ 15 tỉnh, tấu trình lên vua ngự lãm, ngài vui khuyến khích bằng nghi lễ long trọng”. Trên cơ sở bộ bản đồ này, các chuyên gia Trung Quốc và phương Tây còn sưu tập khảo cứu các dư đồ Trung Quốc, gia cố bồi tập thêm vào các nguyên cảo của các giáo sĩ đã soạn thảo trước đây, “xem chỗ nào thiếu thì bổ sung, chỗ nào nhầm lẫn thì đính chính sửa sang, nhằm làm bớt sai suyễn và làm sáng sủa hơn để nay khi nhìn vào đó thấy rõ ràng như nhìn vào lòng bàn tay, tại các cửa biển ở các miền diên hải đều phỏng họa các đường tàu thủy tàu thuyền ra khơi vào cảng”.
 
Bản đồ Trung Quốc do Thủ tướng Agela Maken tặng Chủ tịch Trung Quốc năm 2014 không có Hoàng Sa Trường Sa
Bản đồ Trung Quốc do Thủ tướng Agela Maken tặng Chủ tịch Trung Quốc năm 2014 không có Hoàng Sa Trường Sa
 
“Địa dư toàn đồ tới các tỉnh của triều đình nhà Thanh” hoàn thành vào năm 1904 theo cách thức như thế, là bản đồ chính thức của Trung Quốc, phản ánh một cách đầy đủ và khách quan phạm vi địa dư của nước Trung Quốc trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ XVIII cho đến đầu thế kỷ XX. Cũng như tất cả các bản đồ Trung Quốc cho đến đầu thế kỷ XX do Trung Quốc hay do phương Tây vẽ đều xác định một cách rõ ràng và chuẩn xác ranh giới phía nam của Trung Quốc chỉ đến cực nam của đảo Hải Nam hay vùng biển đảo phía dưới cực nam của đảo Hải Nam hoàn toàn nằm ngoài lãnh thổ, lãnh hải Trung Quốc.
 
Và trong 4 atlas xuất bản tại Trung Quốc thời nhà Thanh và thời Trung Hoa Dân Quốc, bao gồm: “Atlas of the Chinese Empire (Trung Quốc địa đồ) xuất bản năm 1908 bằng tiếng Anh vẽ tổng thể toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc và 22 bản đồ các tỉnh của Trung Quốc, do Phái bộ truyền giáo Trung Hoa biên soạn và phát hành; “Complete Atlas of China” (Trung Quốc toàn đồ) xuất bản năm 1917 do Phái bộ Trung Hoa lục địa xuất bản; “Postal Atlas of China” (Trung Hoa bưu chính dư đồ) do Tổng cục Bưu chính thuộc Bộ Giao thông của Trung Hoa Dân Quốc xuất bản tại Nam Kinh năm 1919, được in bằng 3 thứ tiếng Trung - Anh - Pháp, gồm 1 bản đồ tổng thể toàn bộ lãnh thổ Trung Hoa và 46 bản đồ các tỉnh của Trung Quốc; “Postal Atlas of China” (Trung Hoa bưu chính dư đồ) do Tổng cục bưu chính thuộc Bộ Giao thông Trung Hoa Dân Quốc tái bản tại Nam Kinh vào năm 1933, cũng in bằng ba thứ tiếng, vẽ toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc và 29 bản đồ các tỉnh, kể cả Tây Tạng và Nội Mông đều không có Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam xuất hiện.
 
Bản đồ Trung Quốc năm 1910 không có Hoàng Sa và Trường Sa
Bản đồ Trung Quốc năm 1910 không có Hoàng Sa và Trường Sa
 
4 atlas kể trên là sản phẩm của chương trình thiết lập bản đồ bưu chính do nhà Thanh vạch ra vào năm 1906, được chính phủ Trung Hoa Dân Quốc kế tục vào các năm sau đó. Các bản đồ được lập chi tiết ở từng tỉnh, thể hiện rõ các con đường vận chuyển thư từ, công văn trong các tỉnh, thành của Trung Quốc. Nơi nào không thuộc lãnh thổ Trung Quốc thì không được thể hiện trên các bản đồ trong 4 atlas này.
 
Điều thống nhất giữa các atlas này là lãnh thổ cực nam của Trung Quốc chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam (lúc này thuộc tỉnh Quảng Đông) mà không hề đả động đến Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, trong khi các đảo Bành Hồ, Mã Tổ, Đài Loan... trong vùng Biển Đông đều được ghi nhận là những phần lãnh thổ Trung Quốc. Thêm một phần đáng chú ý là từ atlas xuất bản đầu tiên cho đến các atlas tái bản sau này, những phần thuộc lãnh thổ Trung Quốc, kể cả Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông là những phần lãnh thổ Trung Quốc thâu tóm sau này, đều được thể hiện trong đường biên giới của lãnh thổ Trung Quốc với cách thể hiện màu sắc phân biệt rất rõ ràng với lãnh thổ các quốc gia lân bang. Và chưa bao giờ hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam được thể hiện trong phần lãnh thổ Trung Quốc.
 
Đặc biệt phần Index của cả 4 atlas này đã liệt kê tất cả các địa danh thuộc lãnh thổ Trung Quốc, từ đất liền tới hải đảo, nhưng không hề có địa danh Xisha (Tây Sa, tức Hoàng Sa) và Nansha (tức Trường Sa) theo cách gọi của Trung Quốc. Tất cả tư liệu kể trên, dù do phương Tây hay do chính Trung Quốc xuất bản từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XX đã chính thức thừa nhận hai quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa không hề thuộc về Trung Quốc như những tuyên bố phi pháp, trắng trợn của Trung Quốc hiện nay. 
 

 

 

Cảnh sinh hoạt đời thường của cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo Trường Sa
Cảnh sinh hoạt đời thường của cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo Trường Sa
LAM ANH