Đồng chí Nguyễn Lam - Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn đầu tiên

11:03, 25/03/2021

Đồng chí Nguyễn Lam nhận trách nhiệm trước Đảng, trực tiếp lãnh đạo công tác thanh niên khi vẫn còn ở trong độ tuổi Đoàn...

Đồng chí Nguyễn Lam nhận trách nhiệm trước Đảng, trực tiếp lãnh đạo công tác thanh niên khi vẫn còn ở trong độ tuổi Đoàn. Tinh thần kiên trung và bề dày kinh nghiệm là cơ sở để Trung ương Đảng đặt lòng tin tưởng và giao trách nhiệm quan trọng cho đồng chí Bí thư trẻ tuổi. Nói về những thành tích, cống hiến của tuổi trẻ Việt Nam không thể không nhắc đến vai trò lãnh đạo, dẫn dắt của người “thủ lĩnh” trẻ tuổi nhưng dày dạn bản lĩnh chính trị và có tầm trí tuệ sâu sắc Nguyễn Lam. 
 
Đồng chí Nguyễn Lam trong một chuyến đi công tác ở Việt Bắc năm 1950. (Ảnh tư liệu gia đình cung cấp)
Đồng chí Nguyễn Lam trong một chuyến đi công tác ở Việt Bắc năm 1950. (Ảnh tư liệu gia đình cung cấp)
 
Người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi
 
Đồng chí Nguyễn Lam tên thật là Lê Hữu Vỵ, sinh ngày 31-12-1921, tại thôn Đại Cầu, xã Tiên Tân (huyện Duy Tiên, Hà Nam). Tên Nguyễn Lam do ông chọn để đi làm cách mạng trong thời kỳ còn hoạt động bí mật. Nguyễn để tránh họ thật là Lê, Lam là để nhớ về quê hương, thời đó là xã Lam Cầu Thượng, thuộc tổng Lam Cầu, tỉnh Hà Nam.
 
Từ làng quê Đại Cầu yên ả, kế thừa những nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương, nhận được sự giáo dục từ gia phong nhân văn và nghiêm cẩn của gia đình, cậu học sinh Lê Hữu Vỵ lớn lên với một ý chí ham học hỏi, một tinh thần yêu chuộng công lý, công bằng và một bầu nhiệt huyết sôi nổi của tuổi thanh niên muốn cống hiến cho những giá trị tốt đẹp. 
 
Từ một người yêu nước, từng bước một anh thanh niên Lê Hữu Vỵ nhanh chóng tiếp xúc với lý tưởng đấu tranh của những người cộng sản. Năm 1939, đồng chí Nguyễn Lam tham gia Đoàn Thanh niên phản đế. Trong thực tiễn nóng bỏng, đồng chí được rèn luyện bản lĩnh cách mạng và trưởng thành. Cuối năm 1939, đồng chí Nguyễn Lam bị bắt, bị kết án 12 năm tù và đẩu năm 1940 bị đày lên nhà ngục Sơn La. 
 
Trong tù, đồng chí hăng hái tham gia những hoạt động đấu tranh, kiên cường trước những cam go thử thách. Chi bộ nhà tù đã kết nạp đồng chí Nguyễn Lam vào Đảng năm 1943. Đồng chí đã chính thức trở thành một chiến sĩ cộng sản giữa ngục tù đế quốc khi chưa tròn 22 tuổi.
 
Đồng chí Nguyễn Lam (ngoài cùng bên trái) và Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ II (ngày 2-11-1956) (Ảnh tư liệu)
Đồng chí Nguyễn Lam (ngoài cùng bên trái) và Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ II (ngày 2-11-1956) (Ảnh tư liệu)
 
Người “thủ lĩnh” thanh niên nhiệt huyết, tận tâm, sâu sát chỉ đạo phong trào 
 
Tháng 9-1949, đồng chí Nguyễn Lam nhận trách nhiệm trước Đảng, trực tiếp lãnh đạo công tác thanh niên. Đồng chí trở thành người “thủ lĩnh” thanh niên trong quá trình kiện toàn lại tổ chức và nâng cao vị thế của thanh niên và Đoàn Thanh niên cứu quốc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Thực hiện chủ trương của Đảng về thống nhất phong trào và cả hệ thống tổ chức thanh niên trong cả nước, đồng chí Nguyễn Lam đã tích cực tham gia công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cứu quốc toàn quốc chỉ trong thời gian gấp rút. 
 
Ngày 7-2-1950, tại huyện Đại Từ (Thái Nguyên), hơn 400 đại biểu đại diện cho cán bộ, đoàn viên thanh niên khắp các vùng miền đã về họp Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên cứu quốc toàn quốc lần thứ nhất. Đây là Đại hội đầu tiên của Đoàn, là Đại hội khẳng định vị trí và vai trò của Đoàn, tinh thần và ý chí cách mạng của tuổi trẻ Việt Nam, đồng thời là Đại hội củng cố và thống nhất về tổ chức của lực lượng thanh niên. 
 
Đồng chí Nguyễn Lam, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc, đã trình bày trước Đại hội bản Báo cáo chính trị “Chiến đấu và xây dựng tương lai”. Trong điều kiện thời gian chuẩn bị khẩn trương và những điều kiện vật chất còn rất thiếu thốn trong kháng chiến, đồng chí Nguyễn Lam đã dành nhiều tâm huyết để cùng với Thường vụ Trung ương Đoàn hoàn thiện bản Báo cáo Chính trị quan trọng này. Tiêu đề của báo cáo xúc tích, ngắn gọn nhưng cũng đủ nói lên định hướng tâm huyết và nguyện vọng của đoàn viên và tuổi trẻ Việt Nam.
 
Tháng 6-1950, Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch biên giới thu - đông. Đồng chí Nguyễn Lam, Bí thư Trung ương Đoàn được mời dự một cuộc họp quan trọng của Bộ Tổng chỉ huy và được truyền đạt ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc phát huy tinh thần hăng hái đi đầu của thanh niên và thành lập một lực lượng hỗ trợ cho chiến dịch, tổ chức thành những đội tập trung. 
 
Ngày 15-7-1950, Đảng - Đoàn thanh vận Trung ương quyết định giao cho Thường vụ Trung ương Đoàn thành lập “Đội thanh niên xung phong công tác trung ương” đầu tiên để phục vụ Chiến dịch biên giới. Đây là dấu mốc mở đầu lịch sử xây dựng, trưởng thành và cống hiến của Thanh niên xung phong - lực lượng đã góp nhiều công sức và xương máu trong tất cả các cuộc chiến đấu chống ngoại xâm của dân tộc trong suốt thế kỷ 20. Lịch sử Thanh niên xung phong Việt Nam cũng ghi danh đồng chí Nguyễn Lam, Bí thư Trung ương Đoàn - “người anh” đầy trách nhiệm và tình cảm đã dành tất cả nhiệt tình và trách nhiệm trực tiếp phụ trách Thanh niên xung phong từ những ngày đầu tiên.
 
Thực hiện Nghị quyết của Đảng giao phó sứ mệnh lịch sử cho tuổi trẻ theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ III (tháng 9-1960), đồng chí Nguyễn Lam đã cùng với Ban Bí thư, tập thể Trung ương Đoàn khẩn trương bắt tay vào việc chuẩn bị mọi mặt về chính trị và tổ chức để triệu tập, tiến hành Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ III tại Hà Nội (từ ngày 23 đến ngày 25-3-1961). Đại hội đã xác định nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới của Đoàn là: “Đoàn kết thanh niên, tổ chức mọi lực lượng, giáo dục thanh niên trong cả nước tiến lên dưới ngọn cờ của Đảng, cống hiến hết sức mình hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ mà Đảng đề ra” (1). 
 
Đại hội Đoàn lần thứ III đã quyết định lấy ngày 26-3-1931 là ngày thành lập Đoàn. Kể từ năm 1962, ngày 26-3 hằng năm đã trở thành ngày truyền thống của Đoàn. Đây là dịp trọng thể để toàn Đoàn, từng cơ sở Đoàn và mỗi đoàn viên ôn lại truyền thống đáng tự hào, để thấy rõ hơn vinh dự và trách nhiệm của mình với tương lai chung cũng như với chặng đường phấn đấu trước mắt của bản thân. 
 
Cho đến khi được Đảng giao trọng trách khác, trên cương vị mới là Bí thư Thành ủy Hà Nội (tháng 4-1962), đồng chí Nguyễn Lam đã trải qua 13 năm gắn bó với tuổi trẻ và Đoàn Thanh niên qua các công việc củng cố tổ chức, gây dựng phong trào đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng của từng giai đoạn cụ thể. 
 
Đồng chí đã góp công sức lớn qua ba kỳ Đại hội của Đoàn, ba lần được tín nhiệm bầu là Bí thư, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn. Với tất cả trí tuệ và sức lực, đồng chí đã góp công sức không nhỏ cùng tập thể lãnh đạo đưa tổ chức Đoàn và những hoạt động của Đoàn, của phong trào thanh niên Việt Nam trở nên xứng tầm và có những đóng góp thật xứng đáng với sự nghiệp kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 
 
Chân dung đồng chí Nguyễn Lam (1921 - 1990)
Chân dung đồng chí Nguyễn Lam (1921 - 1990)
 
Người khai sinh, Chủ nhiệm đầu tiên tờ báo của Đoàn 
 
Với kinh nghiệm từ những năm còn hoạt động bí mật rồi những năm rèn luyện, đấu tranh ở nhà tù Sơn La, được cùng làm báo Suối reo với các “cây đại thụ” của làng báo cách mạng như Xuân Thủy, Trần Huy Liệu, Hoàng Tùng…, từ khi chuyển sang làm công tác thanh niên, lãnh đạo Đoàn, đồng chí Nguyễn Lam đã trăn trở về việc tổ chức một tờ báo riêng là cơ quan ngôn luận của Đoàn. 
 
Khi chọn tên cho tờ báo, đồng chí Nguyễn Lam quyết định chọn tên Tiền phong cho hợp với tinh thần xung phong và vị trí tiên phong của lực lượng thanh niên trong các phong trào cách mạng. Đồng chí Nguyễn Lam trực tiếp làm Chủ nhiệm chính trị (như Tổng biên tập ngày nay) của tờ báo. 
 
Học tập phong cách làm báo của Bác Hồ, đồng chí Nguyễn Lam thường mời những đồng chí trẻ tuổi đóng góp ý kiến cho tờ báo và rất chú ý lắng nghe rồi trao đổi cụ thể từng điểm. Đồng chí muốn như vậy vì xác định rõ những người sẽ đọc báo, tham gia với báo và góp ý cho báo chủ yếu là những lớp thanh niên với cách nghĩ, cách làm năng động của tuổi trẻ. Tờ báo dành cho giới trẻ cần có hơi thở cuộc sống, suy nghĩ của tuổi trẻ. 
 
Cho đến tận hôm nay, những người từng tham gia công tác từ những ngày đầu của tờ báo là cơ quan ngôn luận của Đoàn, luôn nhìn lại chặng đường gian lao đó với lòng tự hào và cảm động nhớ người Chủ nhiệm chính trị đầu tiên nhạy bén, sáng suốt, chân tình và rất gần gũi anh em. 
 
Từ sự khởi đầu gian khổ và vẻ vang đó, với sự chỉ đạo sát sao của đồng chí Nguyễn Lam, báo Tiền phong ngày càng trưởng thành, có thêm nhiều ấn phẩm, phụ san như báo Tiền phong Thiếu niên (sau trở thành Tuần báo Thiếu niên tiền phong).
 
Bên cạnh đó, Đoàn còn có Tạp chí Sinh viên dành cho đối tượng bạn đọc là sinh viên. Kể từ những ngày đầu tiên đó đến nay, những tờ báo và tạp chí của giới học sinh, sinh viên Việt Nam luôn bám sát định hướng đó, thực hiện đúng tôn chỉ mục đích và luôn đồng hành với những bước phát triển của thời đại, của đất nước, của tuổi trẻ Việt Nam. 
 
Người để lại những ký ức tốt đẹp
 
Trong công việc, đồng chí Nguyễn Lam là một người thủ trưởng luôn chỉ đạo sát sao với yêu cầu hoàn thành ở mức cao nhất, nhưng đồng thời trong sinh hoạt đồng chí cũng là một người anh lớn thân thương, giàu tình cảm và đầy quý mến. 
 
Những hình ảnh của đồng chí Nguyễn Lam vẫn còn đậm nét trong ký ức của những người thân trong công việc, trong gia đình. Đó là một con người tận tụy trong công tác, luôn đề cao và tuân thủ kỷ luật trong mỗi công việc nhưng luôn chan hòa tình cảm với đồng chí, đồng nghiệp. Một người luôn nghiêm khắc với những khuyết điểm nhưng đồng thời cũng lại rất nhân ái, giản dị, tiết kiệm và luôn chia sẻ yêu thương. Đó là một nhân cách đáng kính.
 
Đoạn trích Điếu văn: “Đồng chí Nguyễn Lam, người học trò gương mẫu của Bác Hồ, người chiến sĩ cách mạng kiên cường, người đảng viên cộng sản trung kiên, người cán bộ thân thiết của thanh niên và nhân dân ta” là lời tổng kết có thể thâu tóm những đường nét đậm nhất, sâu nhất của một chiến sĩ cách mạng đã dành trọn cuộc đời mình đấu tranh cho lý tưởng cao đẹp.
 
Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận những đóng góp cống hiến của đồng chí Nguyễn Lam. Ngày 10-4-2007, đồng chí Nguyễn Lam đã được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng Huân chương Sao Vàng. Năm 2018, Theo quyết định số 8984/QĐ-UBND của Thành phố Hà Nội, tên đồng chí Nguyễn Lam đã được đặt cho một phố thuộc quận Long Biên tại Thủ đô Hà Nội.
 
(1) Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam (1961) - Văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ III - Nxb Thanh niên, tr. 22 - Dẫn lại từ sách Lịch sử Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh 1925 - 1999 - Nxb Thanh niên, tr. 259 
 
(Theo nhandan.com.vn)