Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lê Thanh Nghị (6/3/1911- 6/3/2021) - kỳ cuối

06:03, 04/03/2021

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lê Thanh Nghị (6/3/1911- 6/3/2021) - kỳ cuối

[links()]
 
II. ĐỒNG CHÍ LÊ THANH NGHỊ - NGƯỜI HỌC TRÒ GƯƠNG MẪU CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
 
1. Tấm gương mẫu mực, trung với Đảng, hiếu với dân
 
Gần 60 năm kiên trung phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và cách mạng Việt Nam, đồng chí Lê Thanh Nghị đã nêu tấm gương sáng của người đảng viên Cộng sản, suốt đời trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng.
 
Từ người yêu nước trở thành người chiến sĩ cộng sản, đồng chí Lê Thanh Nghị suốt đời phấn đấu cho mục tiêu là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, luôn chấp hành sự phân công của Đảng, đem hết trí tuệ, tài năng và tìm cách hoàn thiện năng lực bản thân để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ Đảng giao trên nhiều cương vị khác nhau.
 
Đồng chí Lê Thanh Nghị hai lần bị thực dân Pháp bắt, bị tra tấn và đày ải tại những nhà tù của chế độ thực dân. Nhưng cả hai lần, đồng chí đều giữ vững khí tiết của người chiến sỹ cộng sản kiên trung, bất khuất.
 
Ba mươi năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc, đồng chí cũng luôn chấp hành kỷ luật của Đảng, sự phân công, điều động của tổ chức và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao với tinh thần đặt lợi ích của Đảng và dân tộc lên trên hết. Trong hoàn cảnh đất nước nghèo nàn lại bị chiến tranh tàn phá và trong bối cảnh hết sức phức tạp của quan hệ quốc tế, đồng chí Lê Thanh Nghị đã đem hết nhiệt huyết và khả năng để hoàn thành nhiệm vụ, góp phần củng cố hậu phương miền Bắc vững chắc, nâng cao đời sống đem lại niềm tin cho Nhân dân về chế độ mới và tăng cường tiềm lực cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.
 
Khi đất nước thống nhất, cả nước bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng chí Lê Thanh Nghị luôn trăn trở, tiến hành nghiên cứu và tổng kết thực tiễn trong xây dựng chủ nghĩa xã hội từ một nước lạc hậu lại bị chiến tranh tàn phá. Đồng chí đã góp phần quan trọng vào bước đầu đổi mới kinh tế trong nông nghiệp. Là người có nhiều đóng góp trong việc xây dựng, hoàn thiện luật pháp về quản lý kinh tế, xã hội khi tham gia công tác của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước.
 
Dù trên cương vị nào, đồng chí Lê Thanh Nghị không chỉ nêu tấm gương “Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng” có hiệu quả mà còn luôn đặt lợi ích của Đảng và của Nhân dân lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân; hết lòng phục vụ Nhân dân, vì Đảng, vì Nhân dân mà đấu tranh, gương mẫu trong mọi việc.
 
2. Tấm gương không ngừng học tập, sáng tạo, đổi mới
 
Xuất thân là một công nhân, với trình độ văn hóa tiểu học, đồng chí luôn tìm tòi, học hỏi để trở thành một cán bộ có trình độ, một cán bộ lãnh đạo chiến lược, vững vàng, kiên định. Thời kỳ hoạt động ở Hải Phòng, đồng chí đã học anh em đồng nghiệp, tự học thêm văn hóa, ngoại ngữ để có thể đọc được tài liệu. Trong ngục tù đế quốc, đồng chí đã cùng các chiến sỹ cộng sản biến “nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng” tổ chức học văn hóa, ngoại ngữ, lý luận, lịch sử, tác phẩm kinh điển Mác - Lênin, học qua tấm gương của các chiến sỹ cộng sản.
 
Mỗi khi được phân công thêm nhiệm vụ mới, đồng chí lại học hỏi thêm để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhất là khi được giao phụ trách công tác thi đua - khen thưởng, đồng chí đã đọc và tìm hiểu thêm kinh nghiệm tổ chức phong trào thi đua của các địa phương trên cả nước. Khi được giao đi đàm phán viện trợ kinh tế, đồng chí đã nghiên cứu, tìm hiểu khả năng kinh tế, khoa học, công nghệ của các nước để đưa ra yêu cầu phù hợp với từng nước và để xin viện trợ phù hợp...
 
3. Tấm gương về phong cách lãnh đạo tập thể, dân chủ, quần chúng
 
Đối với đồng chí Lê Thanh Nghị, trong bất cứ hoàn cảnh nào, đồng chí luôn giữ vững nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Trong các cuộc họp của Bộ Chính trị, đồng chí chuẩn bị báo cáo ngắn gọn, nêu các vấn đề cơ bản để Bộ Chính trị cho ý kiến, trên cơ sở ý kiến Bộ Chính trị, đồng chí tiếp tục đưa ra bàn trong tập thể lãnh đạo, tạo nên sự đồng thuận, đoàn kết trong lãnh đạo, từ đó xây dựng kế hoạch triển khai.
 
Đồng chí có phong cách làm việc dân chủ, cởi mở, biết lắng nghe, biết lựa chọn nhiều ý kiến khác nhau để đưa ra những ý kiến khả thi nhất. Đồng chí luôn bình tĩnh, thận trọng, thẳng thắn đi liền với ý thức tổ chức kỷ luật cao. Chính phong cách làm việc đó đã mang lại sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, mang lại nhiều thành quả trong công tác.
 
Trong công tác cán bộ, đồng chí luôn công tâm, khách quan, biết quý trọng mọi tài năng, dùng người đúng việc, không có thành kiến, thiên vị, giúp cán bộ biết phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu. Về đề bạt cán bộ, căn cứ vào hiệu quả công việc, vào việc chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, vào việc giữ vững kỷ luật, phẩm chất đạo đức cách mạng, vào đoàn kết nội bộ mà đề bạt, cất nhắc cán bộ.
 
Đồng chí có phong cách lãnh đạo quần chúng, luôn đặt lợi ích quần chúng lên trên, lên trước, sẵn sàng hy sinh lợi ích của cá nhân, chăm lo cho quần chúng cả về vật chất và tinh thần, luôn đi sâu, đi sát với quần chúng. Đồng chí luôn nêu gương trong mọi công việc, nói ít làm nhiều, nói đi đôi với làm. Làm bất cứ việc gì, đồng chí không nghĩ đến mình trước mà luôn nghĩ tới đồng bào, đồng chí. Đồng chí luôn quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, thường có những chuyến đi khảo sát thực tiễn đến các nhà máy, các địa phương, vùng biên giới, thăm hỏi, động viên anh chị em công nhân, bà con nông dân, khuyến khích, động viên Nhân dân phấn đấu thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao.
 
4. Tấm gương cần, kiệm, liêm, chính, khiêm tốn, giản dị
 
Trên cơ sở tiếp thu truyền thống đạo đức của dân tộc, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Thanh Nghị đã thấm nhuần các chuẩn mực đạo đức của người cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Trong kháng chiến gian khổ, khốc liệt, cũng như trong thời bình, đồng chí vẫn giữ nếp sống giản dị, trong sạch, trung thực, liêm khiết, gắn bó với Nhân dân, với cán bộ.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước đã tin tưởng trao cho đồng chí Lê Thanh Nghị chịu trách nhiệm chính về các vấn đề kinh tế của đất nước, bao gồm nhiệm vụ bảo đảm đời sống của Nhân dân, phát triển kinh tế ở miền Bắc, cũng như kinh tế quân sự (vũ khí, quân trang, quân dụng, khí tài thông tin liên lạc, vận tải..) cho cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc và chi viện cho miền Nam. Bên cạnh đó, với bản lĩnh kiên định, bình tĩnh, đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng cử làm người thay mặt Đảng, Nhà nước làm công tác kinh tế đối ngoại và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.
 
Đồng chí Lê Thanh Nghị là tấm gương tiêu biểu của một người cộng sản ưu tú, trọn đời tận tụy, cần kiệm, liêm chính, khiêm tốn, giản dị, gần gũi với đồng bào, đồng chí, là một tấm gương tiêu biểu cho các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo. Đồng chí đã để lại cho Đảng ta, Nhân dân ta và quân đội ta một tấm gương về tinh thần tận tụy hy sinh vì cách mạng, vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về phẩm chất cách mạng cao quý, về lối sống giản dị, về đức tính đôn hậu và tình thương yêu cán bộ, đồng chí đã sống trọn tình nghĩa thủy chung.
 
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lê Thanh Nghị, là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và tôn vinh công lao, cống hiến to lớn của đồng chí đối với Đảng và đất nước; qua đó giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; cổ vũ, động viên các tầng lớp Nhân dân tích cực thi đua học tập, lao động, công tác và chiến đấu góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.
 
TS (theo Ban Tuyên giáo Trung ương - Tỉnh ủy Hải Dương)