(LĐ online) - Tính đến ngày 1/4/2021 là tròn 20 năm cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn lìa xa nhân thế, song di sản âm nhạc - di sản tinh thần cùng giá trị văn hóa độc đáo mà ông để lại cho đời vẫn là một thực tế sống động đáng phải suy ngẫm…
(LĐ online) - Tính đến ngày 1/4/2021 là tròn 20 năm cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn lìa xa nhân thế, song di sản âm nhạc - di sản tinh thần cùng giá trị văn hóa độc đáo mà ông để lại cho đời vẫn là một thực tế sống động đáng phải suy ngẫm…
Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn |
Sức mạnh của âm nhạc Trịnh chính là ở chỗ: Ngay trong thời gian thuộc tuổi đời - tuổi sống của riêng nó, hay khi người sản sinh ra nó đã lìa xa nhân thế, bằng cách này hay cách khác vẫn cứ được xướng lên – hát lên như một nhu cầu không thể thiếu vắng. Là bởi vì đó là thứ âm nhạc được chắt lọc từ trái tim nhân hậu, bước ra từ nỗi buồn đau nhân thế, từ bao nỗi niềm chất chứa của quê hương xứ sở… nhưng lại được chuyển tải bằng chuỗi giai điệu không quá cách tân xa lạ mà lớp lớp ca từ lại quá ư diệu kỳ sâu sắc. Nó buộc người nghe phải chìm ngập trong ưu tư phân giải để tìm ra sự tương thích hay đồng điệu nào đó. Sự lí thú và độc đáo ở ngay trong những mối liên tưởng hoặc những dụ ngôn thật khác biệt mà có lẽ chỉ có Trịnh mới nghĩ ra…
Điều gì khiến hàng chục danh ca thành danh của tân nhạc Việt chọn lựa sáng tác Trịnh để thu âm, biểu diễn trong gia tài hoạt động nghệ thuật của riêng mình? Điều gì khiến hàng loạt tiếng hát trẻ trong cũng như ngoài nước vẫn tiếp tục tụng ca gia tài âm nhạc Trịnh sau quãng thời gian 2 thập niên ông đã đi xa? Điều gì mà ngay cả với những gương mặt nổi tiếng trong giới doanh nhân, trí thức, diễn giả, tu sĩ, văn nghệ sĩ, nhà báo... vẫn thường hay chọn lựa tư tưởng Trịnh - tinh thần Trịnh để trích dẫn hoặc liên hệ trong đời sống sinh hoạt của chính mình? Dòng triết luận - dòng tư tưởng nhân bản sâu sắc của Trịnh rõ ràng đã bước ra khỏi lớp vỏ áo chật chội của từng tác phẩm một để nhập vào đời sống thường nhật của nhiều giai tầng khác nhau trong xã hội, rồi cứ thế mặc nhiên trở thành thứ thông ngôn quen thuộc mà người ta có thể vận dụng vào nhiều bối cảnh thích ứng riêng của đời sống.
Nhớ lại ngày Cá tháng Tư cách đây đã 20 năm khi công chúng xôn xao ngỡ ngàng rồi đau buồn luyến thương tiễn đưa vong linh Trịnh về nơi an nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang Gò Dưa… 20 năm như một giấc mơ, 20 năm như một thoáng mộng mà ở trong đó có những Tuổi đá buồn vẫn sống rồi trở thành những Tuổi đời mênh mông, có bao Diễm xưa giờ đã hóa trời Biển nhớ yêu thương. Từ khi mới xuất hiện cho tới lúc phải đi xa, Trịnh Công Sơn vẫn là một hiện tượng văn hóa độc đáo và khác biệt để người đời tiếp tục suy vấn và dõi theo… Trong tư cách là một đứa con của nghệ thuật Việt, ông đã góp phần đáng kể vào sự phong phú, đa dạng của ngôn ngữ Việt mà khi nghiền ngẫm kĩ mỗi chúng ta đều có thể khám phá ra nhiều vẻ mới mẻ lí thú riêng của nó….
Di sản Trịnh đã vượt thoát biên giới không gian lẫn thời gian nghệ thuật để làm nên những hóa thân mới trên môi người già, con trẻ, trong mỗi nỗi hân hoan hay vui buồn của cuộc sống. Đó là thứ âm nhạc của tinh thần chung chia và phụng hiến vì một đời sống an hòa, nhân ái, không hơn thua, chấp nhất. Đương thời, gã hát rong họ Trịnh đã tận tụy miệt mài Ru đời - Ru người - Ru em - Ru tình - Ru mẹ - Ru ai - Ru ta ngậm ngùi - Ru mãi ngàn năm… để rồi giờ đây Đời lại ru Anh, vạn vạn người tình âm nhạc khác lại ru Anh như thể ru mãi những sinh linh không bao giờ lụi tắt.
MINH LÂN