Kỷ niệm chiến thắng 30-4 biết bao điều cảm xúc và suy ngẫm

06:04, 27/04/2021

(LĐ online) - Tuy vẫn chừng ấy những sự kiện và khoảnh khắc; chừng ấy nội dung, ý nghĩa, bài học và những tư liệu lịch sử sống động, hay những thước phim quay trong mưa bom bão đạn...

(LĐ online) - Tuy vẫn chừng ấy những sự kiện và khoảnh khắc; chừng ấy nội dung, ý nghĩa, bài học và những tư liệu lịch sử sống động, hay những thước phim quay trong mưa bom bão đạn, quay trong niềm vui vỡ òa, phố phường rực rỡ cờ hoa của ngày chiến thắng…, nhưng hàng năm cứ đến dịp kỷ niệm Chiến thắng 30-4, trong ta lại trào lên biết bao cảm xúc, bao điều suy ngẫm và nhắc nhở chúng ta phải nâng niu, trân trọng giá trị của hoà bình.
 
Trước hết, ngày 30-4-1975 đã để lại dấu ấn trong lịch sử thế giới vì lần đầu tiên một dân tộc nhỏ bé với đường lối lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chiến thắng một cường quốc, đế quốc mạnh nhất thế giới; đồng thời đánh dấu sự kiện Việt Nam đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Vì vậy, đối với dân tộc Việt Nam, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đỉnh cao Chiến thắng 30-4, là một trong những chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, là bản thiên anh hùng ca bất hủ của chiến tranh nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh; là một trong những trang vàng chói lọi trong lịch sử đấu tranh của nhân dân thế giới vì độc lập, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội. Chính vì tầm vóc to lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà 46 năm qua, cứ đến dịp kỷ niệm ngày Chiến thắng 30-4, mặc dù vẫn chừng ấy những sự kiện và khoảnh khắc; chừng ấy ý nghĩa, nội dung, bài học và cũng chừng ấy những tư liệu sống động, hay những thước phim quay trong mưa bom bão đạn, quay trong rực rỡ cờ hoa của ngày chiến thắng… nhưng mỗi khi nhắc đến, trong ta lại trào lên một niềm bâng khuâng khó tả, hay những cảm xúc mới lạ. 
 
Thứ hai, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đỉnh cao là Chiến thắng 30-4 đã được bè bạn quốc tế ghi nhận, đánh giá cao và xem đó như một biểu tượng của tinh thần quả cảm, không chịu khuất phục và yêu chuộng hòa bình. Thế nhưng “không hiểu sao” cho đến nay vẫn còn những kẻ cố tình phủ nhận, bôi nhọ, thậm chí đổ lỗi cho ta… nhằm xuyên tạc, bóp méo giá trị lịch sử của ngày chiến thắng; cho dù điều đó cũng không thể phủ nhận và làm lu mờ chiến thắng hết sức to lớn và tự hào của dân tộc ta. Bởi, ngay chính phía bên kia chiến tuyến, một số người Mỹ kể cả chính khách nước Mỹ cũng đã công khai thừa nhận sự thực lịch sử đó. Trong cuốn hồi ký “Nhìn lại quá khứ: Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam”, do Nhà xuất bản Random House (Mỹ) cho ra mắt tháng 4-1975, Mắc Namara - cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thời kỳ chiến tranh Việt Nam đã công khai thừa nhận: “Chúng tôi đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp”. Đây là lời thú nhận thất bại chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ. 
 
Thứ ba, mặc dù đã 46 năm trôi qua nhưng câu chuyện hòa hợp dân tộc vẫn còn day dứt trong tâm thức của không ít người, thậm chí có lúc, có nơi còn nặng nề, gay gắt và đầy định kiến. Sự thật về vấn đề này là từ năm 1972 trong lúc chiến tranh còn đang nóng bỏng, đồng chí Lê Duẩn trong bữa cơm với các cán bộ tuyến lửa Vĩnh Linh đã hỏi chuyện mọi người về dự kiến ngày thống nhất non sông “việc gì là lớn nhất” và đồng chí đã trả lời: “đó là hòa hợp dân tộc”. Câu hỏi và trả lời của người đứng đầu Đảng ta thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng và đầy tính nhân văn cao cả, đậm bản sắc truyền thống Việt Nam - một dân tộc từng phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh mà kẻ thù luôn dùng mọi thủ đoạn thâm độc, đen tối hòng chia rẽ sự đoàn kết thống nhất của một quốc gia có nhiều dân tộc anh em, có truyền thống đoàn kết lâu đời trong quá trình dựng nước và giữ nước. Vì vậy, nếu không làm tốt công việc hòa hợp dân tộc sau ngày chiến tranh kết thúc, thì sẽ dễ nẩy sinh mâu thuẫn giữa các giai tầng, dân tộc, đúng như quỷ kế của kẻ thù. Và thực tế sau chiến tranh, Việt Nam đã làm tốt công việc hòa hợp-hòa giải dân tộc không chỉ đối với đồng bào hai miền Nam-Bắc, mà với cả hơn 4 triệu người Việt Nam định cư ở hơn 100 quốc gia trên thế giới. 
 
Mặc dù là vậy, nhưng cứ đến dịp cả nước kỷ niệm ngày Chiến thắng 30-4 thì trên nhiều trang mạng, đài phát thanh tiếng Việt cực đoan ở nước ngoài lại cứ rêu rao, gào lên giọng điệu chính quyền Việt Nam thiếu thiện chí trong vấn đề hòa hợp dân tộc, phân biệt đối xử, mặc cảm với người Việt ở nước ngoài; họ thường xuyên tìm cách chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc,…Thực ra không phải tất cả, mà chỉ một bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài, cùng với những kẻ cơ hội, bất mạn, phản bội Tổ quốc, những kẻ suy thoái về tư tưởng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”,… có ý đồ đen tối, nuôi trong lòng hận thù, cố chấp không muốn thực hiện việc hoà giải, hoà hợp dân tộc; không muốn “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, nhằm mục đích chống phá đất nước chúng ta. Hơn ai hết, những người Việt Nam sống ở nước ngoài chắc họ cũng đọc và hiểu lịch sử của đất nước họ đang sống. Ở đó, người ta cũng phải trải qua những cuộc chiến tranh khốc liệt để thống nhất đất nước, nhưng rồi họ cũng đã bỏ qua quá khứ để hoà hợp cùng nhau xây dựng đất nước.
 
Thứ tư, sự thật lịch sử đã chỉ ra rằng, nhân dân Việt Nam giành được thắng lợi trong cuộc chiến tranh khốc liệt và tàn ác do đế quốc Mỹ gây ra không phải dễ dàng mà phải chịu nhiều đau thương, mất mát, hơn 3 triệu đồng bào, chiến sĩ của ta đã ngã xuống; hàng ngàn làng mạc, thành phố đã bị san phẳng; đến nay nhiều di chứng của cuộc chiến tranh vẫn tồn tại dai dẳng chưa thể khắc phục xong… Vì vậy, chiến thắng 30-4-1975 là niềm mong đợi cả mấy chục năm trời, niềm vui vỡ òa không sao kể xiết...; 30-4 vừa là điều kiện, vừa là dịp để một đất nước bị dầy xéo, băm vằm, chia năm xẻ bẩy, con người bị chia rẽ, các dân tộc anh em sống kỳ thị với nhau, trong nghèo nàn lạc hậu do chiến tranh, từ đó được hợp lại, xóa bỏ những gì đã bị chia cắt, những định kiến của một thời, để nối lại vòng tay nhân ái của cả dân tộc. Điều này, càng khiến cho ngày Chiến thắng 30-4 mãi mãi trở thành niềm vui lớn, niềm tự hào dân tộc và là  ngày hòa hợp dân tộc; đồng thời nhắc nhở chúng ta phải biết nâng niu, trân trọng giá trị của hoà bình.
 
Thứ năm, thời gian đằng đẳng trôi đi, giới trẻ sinh ra sau ngày giải phóng Miền Nam 1975 có thể sẽ ngày càng ít quan tâm hơn đến sự kiện 30-4 nếu chúng ta không làm tốt công tuyên truyền, giáo dục. Bởi trong giới trẻ hôm nay, mấy ai biết và hiểu rõ ý nghĩa to lớn và niềm vui vỡ òa của cả dân tộc trong ngày Chiến thắng 30-4-1975, khi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi thông báo: Sài Gòn đã được giải phóng, miền Nam được giải phóng. Họ đâu được sống trong những ngày hai miền Nam-Bắc đánh Mỹ và khắc khoải hàng chục năm trời chờ đợi ngày thống nhất non sông, Nam-Bắc sum họp một nhà; họ cũng đâu chứng kiến được ngày 30-4-1975 người dân hồ hởi, phấn khởi đổ tràn ra đường reo hò ăn mừng ngày đại thắng và cờ đỏ sao vàng bay rợp khắp phố phường,…. Hơn nữa, trong guồng quay của cuộc sống tất bật, xô bồ hiện nay, khi người lớn đang lo bươn trải vì nhu cầu cuộc sống ngày càng cao, vì khát vọng làm giàu…; còn trẻ em thì lại quay cuồng lo cho việc học ở trường, học thêm ở nhà, thậm chí đắm say vào các trò chơi trên mạng…, để rồi ít quan tâm và thậm chí dần dần quên đi việc tìm hiểu ý nghĩa của các sự kiện, các ngày trọng đại trong lịch sự dân tộc, kể cả ngày Giải phóng miền Nam 30-4-1975, có chăng họ chỉ quan tâm dịp đó được nghỉ mấy ngày, đi đâu và làm gì v.v và v.v. Từ đó, đặt ra yêu cầu phải quan tâm nhiều hơn đến việc tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc; tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm các sự kiện, các ngày lễ lớn của đất nước, trong đó có ngày chiến thắng 30-4.
 
Chiến tranh đã lùi xa 46 năm, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam với truyền thống nhân nghĩa, yêu chuộng hòa bình nên đã sẵn sàng khép lại quá khứ để hướng tới tương lai. Nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta quên đi quá khứ; quên đi sự tàn bạo, phi nhân tính, tội ác của kẻ thù đã gây ra cho nhân dân Việt Nam và càng không cho phép bất cứ ai, với danh nghĩa gì để xuyên tạc, bóp méo giá trị của chiến thắng lịch sử này. Từ đó, một mặt chúng ta phải khẳng định mạnh mẽ giá trị, ý nghĩa và tầm vóc lịch sử của Chiến thắng 30-4-1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc; mặt khác kiên quyết đấu tranh, phê phán những kẻ xuyên tạc với mưu đồ đen tối, thâm độc và những ngộ nhận, mơ hồ trong sự nhìn nhận, đánh giá sự thật lịch sử này. 
 
Kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước diễn ra trong bối cảnh Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vừa thành công rất tốt đẹp và cả nước đang tích cực  chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Chúng ta càng tự hào về chiến thắng 30-4, về Đảng, Bác Hồ, Tổ quốc và nhân dân ta bao nhiêu, chúng ta càng phải nỗ lực vượt qua mọi thử thách, không chịu lùi bước, tụt hậu, phấn đấu hoàn thành mục tiêu Đại hội lần thứ XIII của Đảng là xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, đến năm 2045 trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao; đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu như điều Bác Hồ mong muốn.
 
KHÁNH LINH