Để có ngày thống nhất đất nước 30/4/1975 không thể không nhắc đến những ân tình sâu đậm từ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế...
[links()]
Thống nhất đất nước: thành quả từ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế
Để có ngày thống nhất đất nước 30/4/1975 không thể không nhắc đến những ân tình sâu đậm từ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Rất nhiều các nhà lãnh đạo trên thế giới đã lên tiếng tố cáo những tội ác mà người Mỹ gây ra ở Việt Nam và kêu gọi Mỹ ngồi vào bàn đàm phán; các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh, kêu gọi thiết lập hòa bình diễn ra rầm rộ ở tất cả các nơi trên thế giới...
|
Sinh viên Mỹ biểu tình phản đối Chính phủ Mỹ đưa quân tham chiến tại Việt Nam. Ảnh tư liệu |
Đầu tháng 3/1968, Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc U.Thant kêu gọi Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc và coi đây là điều kiện để tổ chức đàm phán. Ngày 14/5/1968, trong bài phát biểu tại Trường Đại học Alberta (Canada) ngài U. Thant - Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc đã “tỏ rõ lập trường ủng hộ quan điểm của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ thực hiện một cuộc ngưng oanh tạc toàn diện vô điều kiện miền Bắc”. Lãnh đạo nhiều nước trên thế giới bằng cách này hay cách khác bày tỏ sự ủng hộ đối với Việt Nam từ Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Tư, Anlgéri, Tanzania... Trong Hồi ký của mình, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris cho biết khi bà tới thăm Ấn Độ theo lời mời của Thủ tướng Ấn Độ, Lãnh sự của chính quyền Sài Gòn ở Ấn Độ đã phản đối. Chính phủ Ấn Độ trả lời chính thức “Mời ai là quyền của chúng tôi”.
Độc lập chủ quyền, thống nhất quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ là thiêng liêng nên khi những tiếng nói chính nghĩa cất lên sẽ đánh thức lương tri nhân loại, trong đó có lòng yêu hòa bình, công lý của người dân Mỹ. Cộng đồng người Việt đông đảo ở nước ngoài đã ủng hộ hết mình cho cuộc kháng chiến của người dân trong nước. Trong suốt thời gian đàm phán Paris, cả hai đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã được Đảng Cộng sản Pháp và bà con người Việt sinh sống, học tập tại Pháp giúp đỡ tận tình. Nhiều nhà báo tiến bộ trên thế giới đã chấp nhận hy sinh, đi vào vùng giải phóng để phản ánh rõ nhất cuộc chiến tranh của Nhân dân Việt Nam như Madeleine Riffaud (Pháp), Wilfred Burche (Úc), Dimitrova (Bulgary), Vanessa (Ba Lan). Nhà báo Pháp Madeleine Riffaud đã thốt lên một câu tự đáy lòng “Việt Nam là một phần của cuộc đời tôi”.
Những phóng viên dũng cảm của báo New York Times như Seymour Hersh, Don Luce đã giúp đưa ra ánh sáng và công luận quốc tế vụ thảm sát Mỹ Lai, “chuồng cọp Côn Đảo" v.v... Nhờ sự dũng cảm của Seymour Hersh, phóng viên báo New York Times mà thế giới đã biết tới thảm sát Mỹ Lai. Cũng vậy, nhờ nhà báo Don Luce mà sáng 2/7/1970, cả thế giới đã chấn động khi thiên phóng sự điều tra "Tố cáo vụ chuồng cọp Côn Đảo" xuất hiện đồng loạt trên Báo Tin sáng Sài Gòn và Tạp chí Time. Lần đầu tiên, sự thật “rùng mình” về nơi đày ải, giam cầm tù nhân dã man, phi nhân tính đã bị bóc trần trên mặt báo, cái mà chính phủ Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã không ngớt che đậy và bưng bít. Những hình ảnh ghê rợn của các nhục hình tra tấn tù nhân ở Nhà tù Côn Đảo đã làm không chỉ người dân trên thế giới, trong đó có người dân Mỹ kinh tởm bộ mặt thật của cuộc chiến tranh mà còn làm cho chính giới Mỹ một phen rúng động.
Những dân biểu dũng cảm trong Hạ viện Hoa Kỳ là ông Williamm R. Anderson và ông August Hawkins đã ra Côn Đảo điều tra về "Vụ chuồng cọp Côn Đảo" và trình lên Hạ nghị viện. "Vụ chuồng cọp Côn Đảo" sau đó đã bị đem ra chất vấn ở Hạ nghị viện Mỹ cũng như bị tố cáo trên các tờ báo lớn gây ra một làn sóng phản đối chiến tranh ở Việt Nam trên toàn thế giới.
Nhà báo Lý Quý Chung trong Hồi ký không tên cho biết ông cùng đoàn chế độ Sài Gòn do Trung tướng Trần Văn Đôn dẫn đầu đi thăm các nước với ý định của nhà cầm quyền để “giải độc” cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Đến nước Anh, Công đảng (đảng cầm quyền khi ấy ở nước Anh tiếp đoàn) tại Westminster, trụ sở Quốc hội Anh. Ngoài các lãnh tụ của đảng có hai đại diện Đoàn thanh niên Công đảng. Chủ nhà phát biểu xong, đến đoàn Sài Gòn chưa kịp phát biểu đã bị một trong hai thanh niên đứng dậy phủ nhận tính cách đại diện của đoàn Việt Nam Cộng hòa và khẳng định: “Đại diện hợp pháp duy nhất của miền Nam Việt Nam là Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam”. Trên ngực cả hai thanh niên đều đeo huy hiệu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Cả hai thanh niên Công đảng Anh đã đồng loạt đứng dậy hô to khẩu hiệu phản đối đoàn chế độ Sài Gòn và hoan hô Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Thống nhất đất nước 30/4, dân tộc Việt Nam không quên những người Mỹ yêu chuộng tự do, hòa bình đã tự thiêu để phản đối chiến tranh, phản đối quân đội Mỹ gây tội ác ở Việt Nam như: Norman Morrison, Roger Allen LaPorte, cụ bà Alice Herz v.v... Phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam không chỉ diễn ra sôi nổi trong lòng nước Mỹ mà những con người yêu chuộng hòa bình từ nước Mỹ đã lên đường sang tận Việt Nam để bày tỏ sự ủng hộ. Đã có những bức thư bày tỏ sự thông cảm với cuộc chiến đấu của Nhân dân Việt Nam chứa chan tình hữu ái: “Gửi Nhân dân Việt Nam, những người phải chờ đợi hòa bình quá lâu, gửi tất cả người Mỹ ở Việt Nam, gửi nhân dân toàn thế giới. Chúng tôi là những người Mỹ đến Việt Nam để phản đối sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ. Chúng tôi yêu cầu người Mỹ ngưng ngay việc sát hại người Việt Nam”. Đó là lời mở đầu “Bức tâm thư gửi đến Nhân dân Việt Nam” của Đoàn đại biểu nhân dân phản chiến Mỹ do mục sư M.J. Muste 81 tuổi dẫn đầu và lần đầu đến Việt Nam. Khi sang Việt Nam, mục sư Muste phát biểu: “Chúng tôi rất thán phục và đồng thời cũng cảm thấy xót xa cho dân tộc các bạn bị bó buộc phải tiến hành một cuộc chiến đấu sống còn chống lại những kẻ xâm lược hùng mạnh nhất thế giới”. Và, “...đến bây giờ họ vẫn thủy chung với sự nghiệp đấu tranh của Việt Nam... Những người bạn quốc tế ấy là những người sống có lý tưởng, hạnh phúc của họ là được làm theo lý tưởng”.
Nhớ, nghĩ về ân tình sâu đậm và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, khi ấy là Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã xúc động ghi trong hồi ký của mình rằng khi đặt bút ký hiệp định lịch sử này bà đã vô cùng xúc động, nghĩ đến “đồng bào, đồng chí, đến bạn bè ở cả hai miền Nam Bắc... (...) là ân tình sâu đậm mà cả thế giới dành cho cuộc chiến đấu anh dũng của Nhân dân ta”.
HỒNG PHÚC