Ngày 2/7/1976, Quốc hội khóa VI (nhiệm kỳ 1976 - 1981) Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã quyết định đổi tên nước thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam...
Ngày 2/7/1976, Quốc hội khóa VI (nhiệm kỳ 1976 - 1981) Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH) đã quyết định đổi tên nước thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam. Sau 45 năm đổi Quốc hiệu (tên chính thức của nước), Việt Nam đã đạt những thành tựu rất đáng tự hào trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước...
|
Quốc huy và quốc hiệu của nước ta từ ngày 2/7/1976 đến nay |
Quốc hiệu Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, Việt Nam đã nhiều lần thay đổi quốc hiệu: Văn Lang là quốc hiệu đầu tiên của Việt Nam; Kinh đô đặt ở Phong Châu. Âu Lạc được dựng lên từ sự liên kết các bộ lạc: Văn Lang và Âu Việt. Vạn Xuân: Là quốc hiệu của Việt Nam trong thời kỳ độc lập dưới sự lãnh đạo của Lý Nam Đế, tồn tại từ năm 544 đến năm 602. Đại Cồ Việt: Quốc hiệu của Việt Nam từ thời nhà Đinh đến đầu thời nhà Lý, do Đinh Tiên Hoàng đặt năm 968, tồn tại 86 năm. Đại Việt: Từ thời nhà Lý năm 1054, khi vua Lý Thánh Tông lên ngôi, thời gian tồn tại không liên tục (gián đoạn 7 năm thời nhà Hồ và 20 năm thời thuộc Minh), trải qua các vương triều Lý, Trần, Lê, Mạc và Tây Sơn, khoảng 743 năm. Đại Ngu: Quốc hiệu của Việt Nam thời nhà Hồ, từ năm 1400. Chữ “Ngu” có nghĩa là "sự yên vui, hòa bình"...
Việt Nam: Xuất hiện vào thời nhà Nguyễn. Vua Gia Long đề nghị nhà Thanh công nhận quốc hiệu là “Nam Việt”. Song, Nam Việt trùng với quốc hiệu của quốc gia cổ Nam Việt thời nhà Triệu (Trung Hoa) nên Nhà Thanh yêu cầu nhà Nguyễn đổi ngược lại thành “Việt Nam”. Quốc hiệu này được tuyên phong vào năm 1804.
Tuy nhiên, tên gọi Việt Nam có thể xuất hiện sớm hơn. Cuối thế kỷ 14, đã có một bộ sách nhan đề Việt Nam và đầu thế kỷ 15 trong cuốn "Dư địa chí" đã nhiều lần nhắc đến hai chữ “Việt Nam”. Điều này còn được đề cập trong các tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Người ta cũng tìm thấy hai chữ “Việt Nam” trên một số bia khắc từ thế kỷ 16 -17 như bia Chùa Bảo Lâm (1558) ở Hải Dương, bia Chùa Cam Lộ (1590) ở Hà Nội, bia Chùa Phúc Thánh (1664) ở Bắc Ninh... Đặc biệt, bia Thủy Môn Đình (1670) ở biên giới Lạng Sơn có câu đầu: “Việt Nam hầu thiệt, trấn Bắc ải quan” (đây là cửa ngõ yết hầu của nước Việt Nam và là tiền đồn trấn giữ phương Bắc).
Việt Nam DCCH: Là tên gọi của nước Việt Nam từ 1945 đến 1954. Nhà nước được thành lập vào ngày 2/9/1945 (ngày Quốc khánh của Việt Nam ngày nay). Sau đó, do can thiệp của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ nên đất nước ta bị chia cắt và các chế độ ngụy quyền đã đặt ra các chính quyền mang các tên khác: “Quốc gia Việt Nam” do Bảo Đại ký với Pháp ngày 8/3/1949. Năm 1955 Ngô Đình Diệm phế truất Bảo Đại và thành lập cái gọi “Chính quyền Việt Nam Cộng hòa”.
Để góp phần thống nhất đất nước, Nhân dân miền Nam thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975 thống nhất đất nước, ngày 2/7/1976, Quốc hội khóa VI Việt Nam DCCH đã quyết định đổi tên nước ta thành Cộng hòa XHCN Việt Nam. Quy định Quốc kỳ là cờ đỏ sao vàng, Quốc huy có dòng chữ “Cộng hòa XHCN Việt Nam”, Quốc ca là bài “Tiến quân ca”; đổi tên TP Sài Gòn - Gia Định là TP Hồ Chí Minh; quy định Thủ đô của nước Việt Nam là Hà Nội.
Thành tựu sau 45 năm đổi Quốc hiệu
CHXHCN Việt Nam không chỉ là tên nước mà là mục tiêu XHCN đã hình thành và phát triển trong thực tiễn, được ghi trong Hiến pháp năm 2013 và trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Từ nhận thức lý luận đến hoạt động thực tiễn của Nhà nước và Nhân dân ta về một nền cộng hòa XHCN đã thể hiện rõ nét tính dân tộc, tính nhân dân, coi lợi ích quốc gia - dân tộc là cốt lõi, là mục tiêu hàng đầu trong sự nghiệp phát triển đất nước, vừa đúng quy luật, vừa hợp lòng dân và xu thế phát triển của thời đại.
Tại Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục xác định mục tiêu: “Đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN”; với “khát vọng phát triển đất nước” và 5 quan điểm trong hệ quan điểm chỉ đạo của Đại hội. Đây là những điểm mới chủ đề Đại hội và trong cách tiếp cận xác định mục tiêu tại Đại hội XIII.
Phát biểu khai mạc Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Thực tiễn 45 năm qua, Việt Nam đã giành được những thành tựu vượt bậc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Trong đó, giai đoạn 10 năm đầu sau khi đất nước thống nhất, cả nước đã nỗ lực vượt qua muôn vàn khó khăn khắc phục hậu quả chiến tranh và 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Việt Nam đã đạt những kết quả to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN…
Sau 45 năm đổi Quốc hiệu, hệ thống các cơ quan nhà nước của Việt Nam đã khẳng định vai trò, vị trí trong quản lý, điều hành đất nước. Quốc hội - cơ quan lập pháp cao nhất của Nhà nước Việt Nam đã tạo dựng nền tảng pháp lý với hàng loạt luật, bộ luật, Hiến pháp nhằm điều chỉnh các hành vi xã hội trên hầu hết các lĩnh vực. Chính phủ Việt Nam đã điều hành đất nước vượt qua khó khăn, thách thức; tiến hành sự nghiệp đổi mới theo đường lối lãnh đạo của Đảng; xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; hội nhập và tạo dựng vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Ngành Tư pháp Việt Nam đã khẳng định vị trí trong đời sống xã hội; đã và đang phản ánh tính thống nhất quyền lực Nhà nước và mối liên hệ chặt chẽ của ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; lấy lợi ích của Nhân dân và dân tộc làm mục tiêu; quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật.
Đến nay, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam đã khẳng định trên trường quốc tế. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189 nước, trong đó có 5 nước thành viên Hội đồng bảo an Liên Hiệp quốc (HĐBA LHQ); thành viên của nhiều tổ chức quốc tế và khu vực; ký kết 500 hiệp định song và đa phương; có quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hóa với trên 230 thị trường các nước và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, Việt Nam đã 2 lần làm Chủ tịch HĐBA LHQ (tháng 1/2020 và tháng 4/2021)…
Những thành tựu này đã tạo tiền đề quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn mới; khẳng định đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng là đúng đắn; con đường đi lên CNXH của Việt Nam phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử.
Mới đây, trong bài viết: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thêm một lần nữa khẳng định: “Ngay khi mới ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn khẳng định: CNXH là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và Nhân dân Việt Nam; đi lên CNXH là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam”. Tổng Bí thư cũng đã viết “Trong chế độ chính trị XHCN, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của Nhân dân, lấy hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu…”.
76 năm thành lập nước (1945 - 2021); đặc biệt, 45 năm đổi thành Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, nước ta đã có bước tiến dài với những thành tựu vượt bậc. Từ một quốc gia bị chia cắt 2 miền, bị chiến tranh khốc liệt, kinh tế lạc hậu, bị bao vây, cấm vận… Việt Nam đã vươn lên trở thành nước phát triển trung bình, khát vọng trở thành một quốc gia phát triển, thu nhập cao (vào năm 2045).
THANH DƯƠNG HỒNG