Quân và dân Bảo Lâm trong những ngày tháng tư lịch sử

07:04, 30/04/2022
11 giờ 30 ngày 30/4/1975, cờ Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, thời khắc báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng. Trước đó, quân và dân Bảo Lâm cũng đã hoàn toàn làm chủ tỉnh lỵ Lâm Đồng cũ, ngày 28/3, mở đường giải phóng Đà Lạt - Tuyên Đức, ngày 3/4, góp phần làm nên Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
 
Sơ đồ trận đánh trên sông Đạ Riam (xã Lộc An, huyện Bảo Lâm) trong kháng chiến chống Mỹ của quân và dân Bảo Lâm
Sơ đồ trận đánh trên sông Đạ Riam (xã Lộc An, huyện Bảo Lâm) trong kháng chiến chống Mỹ của quân và dân Bảo Lâm
 
Theo tư liệu của Đảng bộ huyện Bảo Lâm, thượng tuần tháng 3/1975, Khu ủy và Quân Khu ủy đã triệu tập các ông: Trần Tấn Công (thường gọi là Sáu Công, Tỉnh đội phó, Tham mưu trưởng Tỉnh đội Lâm Đồng cũ thời đó), Trần Như Khuôn (thường gọi là Năm Lực, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cũ) và Nguyễn Xuân Du (thường gọi là Tám Cảnh, Phó Bí thư, Phụ trách Chính trị viên Tỉnh đội Lâm Đồng cũ) về sông Đồng Nai gặp Quân khu nhận nhiệm vụ phối hợp giải phóng Bảo Lộc (cả Bảo Lâm), chuẩn bị cho Chiến dịch Tây Nguyên. Chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, Huyện ủy K1 (phía Bắc đường 20) và Huyện ủy K5 (phía Nam đường 20) đã huy động hơn 4.000 dân công mở 2 tuyến đường, gồm tuyến đường kéo pháo qua dốc Con Ó, từ Đạ Tẻh lên buôn B’Trú (Lộc Bắc) và tuyến đường chuyển vũ khí, lương thực bằng xe thồ, từ buôn Đạ R’Mich (Đạ Tẻh) lên ngã 3 xóm Mới (Lộc Tân). Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn (8 ngày), lực lượng này đã khai thông gần 30 km đường. Trên chiến trường, Tỉnh đội Lâm Đồng cũ điều động 10 cán bộ thông thạo địa hình, địa mạo thị xã Bảo Lộc (cả Bảo Lâm) và Tiểu khu Lâm Đồng thám báo tình hình, lực lượng của địch, đồng thời, dẫn đường cho Sư đoàn 7 tiến vào các vị trí trọng yếu chờ lệnh đánh chiếm thị xã Bảo Lộc.
 
Qua thám báo, trên chiến trường Lâm Đồng lúc bấy giờ, địch lúc này có khoảng 12.000 tên. Tuy quân số còn khá đông, nhưng sau khi thất thủ ở Buôn Ma Thuột, quân địch hoàn toàn rơi vào thế bị động, không còn khả năng tái chiếm những vùng đất đang được Quân giải phóng kiểm soát. Thêm nữa, ở Long Khánh, bộ đội chủ lực miền Nam đã đánh chiếm Chi Khu địch ở Định Quán. Quân địch ở Lâm Đồng bị cô lập vì chia cắt. Quân ta bắt đầu phát triển ra xung quanh thị xã Bảo Lộc, sẵn sàng đánh địch tiếp viện và áp sát sân bay Nhơn Cơ (Quảng Đức). Ngày 20/3/1975, quân ta đánh chiếm huyện Kiến Đức (K6), tỉnh Lâm Đồng cũ. Quân địch ở Gia Nghĩa (nay là tỉnh Đắk Nông) không còn lối thoát. Chúng hoang mang dao động, dùng máy bay vận tải đưa vợ, con di tản. Số sĩ quan, binh lính còn kẹt lại, tháo chạy theo đường 8 qua bến phà Kìng Đạ để về Di Linh. Đơn vị C742, B14 và du kích Xã 4 (nay là xã Lộc Lâm và xã Lộc Phú), Xã 5 (nay là xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh) và Xã 6 (nay là xã Lộc Phú, Tổ 22 - thị trấn Lộc Thắng và xã B’Lá) chặn đánh, diệt nhiều tên địch. Chúng bỏ xe, pháo liều chết vượt sông, cắt rừng chạy về tập trung tại Tân Rai (Lộc Thắng).
 
47 năm sau ngày giải phóng, diện mạo huyện Bảo Lâm ngày càng phát triển giàu mạnh
47 năm sau ngày giải phóng, diện mạo huyện Bảo Lâm ngày càng phát triển giàu mạnh
 
Ngày 23/3/1975, quân ta giải phóng hoàn toàn thị xã Gia Nghĩa (nay thuộc tỉnh Đắk Nông). Thời điểm này, quân địch ở Lâm Đồng cũ có khoảng 12.000 tên, cộng thêm trên 1.000 tàn quân địch ở Gia Nghĩa chạy sang. Quân số đông như vậy, nhưng tinh thần sĩ quan, binh lính thì hoảng loạn do trải qua nhiều thất bại trên các chiến trường, lại trong tình thế bị cô lập. Ngày 27/3/1975, cấp trên lệnh chiến dịch giải phóng Lâm Đồng bắt đầu, các hướng tiếp cận mục tiêu. Đúng 14 giờ 30 ngày 27/3/1975, lực lượng bộ binh của ta có xe tăng dẫn đầu tiến công tiêu diệt đồn Madagui, rồi phát triển lên đánh chiếm chi khu Đạ Huoai và các đồn bốt dọc theo trục lộ 20. Khoảng 4 giờ sáng ngày 28/3/1975, quân ta đánh chiếm cầu Đại Lào (vị trí chờ đợi), từ đó phối hợp với các hướng đánh chiếm tỉnh lỵ Lâm Đồng. 5 giờ sáng ngày 28/3/1975, pháo 130 ly từ đồi B’Trú (Lộc Bắc và Lộc Bảo) bắn dồn dập vào các mục tiêu chủ yếu của địch như: Dinh Tỉnh trưởng, tiểu khu, sân bay Kô Hin Đa... Các cánh quân hợp đồng nổ súng tấn công đồng loạt đánh diệt các mục tiêu án ngữ bên ngoài, phát triển đánh chiếm các mục tiêu trong thị xã Bảo Lộc. Hơn 10 giờ sáng ngày 28/3/1975, quân ta hoàn toàn làm chủ tỉnh lỵ Lâm Đồng cũ, cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam phấp phới tung bay trên Dinh Tỉnh trưởng ngụy, cùng nhiều nơi trong thị xã Bảo Lộc và nhiều nơi khác dọc 2 phía Nam - Bắc đường 20. Chiến thắng đó đã tạo thời cơ giải phóng huyện Di Linh, giải phóng hoàn toàn tỉnh Lâm Đồng cũ và mở đường tiến công giải phóng Đà Lạt - Tuyên Đức.
 
Với những thành tích nổi bật trong kháng chiến chống Mỹ, góp phần quan trọng cùng quân và dân miền Nam Việt Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước, ngày 6/11/1978, xã Lộc Lâm (nay là xã Lộc Lâm và xã Lộc Phú) vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân do Chủ tịch nước tặng; tiếp đó, ngày 20/12/1994, xã Lộc Bắc (nay là xã Lộc Bắc và Lộc Bảo) lại vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân của Chủ tịch nước tặng.
 
TRỊNH CHU