Sinh thời, dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian thăm, chỉ đạo xây dựng Hải quân Nhân dân Việt Nam. Người đã ba lần về thăm Bộ đội Hải quân vào những năm 1959, 1961 và 1962.
Bác Hồ thăm Bộ đội Hải quân ở vùng Đông Bắc Tổ quốc năm 1959. Ảnh tư liệu |
•
LẦN ĐẦU TIÊN ĐÓN BÁC VỀ THĂM
Ngày 30/3/1959, trời đẹp, nắng ấm, đúng tám giờ sáng, đoàn xe của Bác dừng tại cổng Trường Huấn luyện bờ bể (sau đổi tên Trường Sĩ quan chỉ huy Kỹ thuật Hải quân, nay là Học viện Hải quân). Cán bộ, chiến sĩ đều bất ngờ khi nhìn thấy Bác Hồ bước ra. Bác đội mũ cát trắng, mặc bộ quần áo bà ba màu gụ, chân đi dép cao su giản dị. Những tiếng reo hò vang dậy. “Bác Hồ! Bác Hồ! Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Nhiều đồng chí xúc động, rưng rưng nước mắt, lần đầu được gặp Bác. Như Người cha lâu ngày về gặp gỡ đàn con, Bác ân cần hỏi thăm sức khỏe mọi người. Ở mỗi nơi đến thăm, Người luôn quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội. Bác nhắc nhở: “Cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên phải coi trọng công tác lãnh đạo, chỉ huy, phục vụ tốt chăm lo cải thiện đời sống tinh thần, vật chất của đơn vị; giáo viên, học viên của trường thực hiện dạy tốt, học tốt, nâng cao chất lượng trong tiếp thu kỹ thuật tàu thuyền”. Bác còn căn dặn mọi người dù ở cương vị nào cũng phải thường xuyên rèn luyện, phấn đấu không ngừng để bản thân tiến bộ và xây dựng Hải quân mau chóng trưởng thành. Thăm nơi ở, bếp ăn, Bác nhắc nhở: “Nuôi quân là quan trọng lắm, quân có khỏe thì mới học tập được”. Tàu 254 thuộc Đại đội 3 được giao nhiệm vụ đưa Bác và các đồng chí cán bộ cao cấp đi thăm và kiểm tra một số đơn vị trên vùng biển Hạ Long. Bác đã truyền lại kinh nghiệm đi biển cho các cán bộ, chiến sĩ trên tàu, từ cách chống sào, cuộn dây mồi sao cho đẹp, cho chặt mới ném đi được xa và cả những động tác của người thủy thủ khi tàu rời bến, cập bến. Trên đường đi, Bác đã nói nhiều về việc xây dựng lực lượng Hải quân, cũng như công tác giảng dạy của Trường Huấn luyện bờ biển. Người nhấn mạnh: “Thời chống Pháp, ta chưa có lực lượng Hải quân, bây giờ các chú được đi học tập ở nước ngoài về để xây dựng và phát triển lực lượng. Muốn xây dựng lực lượng Hải quân làm tốt công tác bảo vệ biển, đảo và thềm lục địa, phải nghiên cứu làm sao cho phù hợp với vùng biển Việt Nam”. Khi Bác quay về, các học viên của Trường tặng Bác bông hoa đá, Người nhắc nhở nhẹ nhàng: “Hoa đá đẹp mà không ăn được. Giá các chú biếu Bác quả bầu, quả bí trồng được để Bác mang về nấu canh, rồi mời các đồng chí trong Trung ương cùng ăn thì Bác càng vui hơn”. Lời nhắc nhở của Bác thật tinh tế, nhẹ nhàng, là một bài học sâu sắc về tính thực tế cho đơn vị.
•
BÁC HỒ VỀ THĂM BỘ ĐỘI HẢI QUÂN LẦN THỨ HAI
Ngày 15/3/1961, một ngày mãi đi vào lịch sử của Hải quân nhân dân Việt Nam. Ðúng giờ, đoàn xe Bác đến. Tiếng reo mừng vang dậy: Bác Hồ! Bác Hồ đến thăm đơn vị! Hồ Chủ tịch muôn năm! Bác bước ra, ung dung, tươi cười vẫy chào bộ đội. Người ân cần hỏi thăm sức khỏe từng người như người cha đi xa lâu ngày trở về. Sau khi nghe đồng chí Ðại tá Nguyễn Bá Phát - Phó Cục trưởng Cục Hải quân báo cáo một số thành tích, sự tiến bộ của Bộ đội Hải quân trong mấy năm qua, những khó khăn, khuyết điểm còn tồn tại và lời hứa quyết tâm của Bộ đội Hải quân giữ vững an ninh, trật tự trên biển. Bác chăm chú nghe, khen ngợi: “Các chú có nhiều cố gắng thế là tốt. Hiện giờ tàu bè, vũ khí ta chưa nhiều, ta phải từng bước, từng bước xây dựng. Trước hết phải giữ gìn tốt các thứ sẵn có để có thể đánh địch khi cần thiết”. Nghe lời dạy của Bác, mọi người đều hiểu, Bác nhấn mạnh hai chữ "từng bước, từng bước" với mong muốn phải xây dựng một lực lượng Hải quân từng bước lớn mạnh và vững chắc. Làm việc với cơ quan Cục xong, Bác đi thăm biển. Từ sông Cấm, chiếc tàu đưa Bác ra vùng biển Ðông Bắc. Khi đi trên sông Bạch Ðằng, Bác xúc động nói: “Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên những truyền thống đánh giặc xưa kia của tổ tiên. Các chú phải nhớ xây dựng Hải quân của Nhân dân Việt Nam, chứ không phải hải quân của thế giới”. Tàu cập bến, đưa Bác đi thăm hang Ðầu Gỗ, nơi xưa kia Trần Hưng Ðạo dựng công trường làm cọc cắm trên sông Bạch Ðằng đánh tan giặc Nguyên Mông, Bác xúc động nói: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Câu nói đó mãi mãi khắc ghi trong lòng mỗi thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân, luôn tiếp thêm sức mạnh trên con đường xây dựng lực lượng, chiến đấu, trưởng thành và giành nhiều chiến công vang dội.
•
ĐÓN BÁC VỀ THĂM LẦN THỨ 3 VÀ NHẬN THƯ KHEN NGỢI CỦA NGƯỜI
Ngày 13/11/1962, Bác Hồ đến thăm bộ đội Hải quân lần thứ ba. Sau khi thăm nơi ăn, ở của bộ đội trên đảo, tại căn cứ Vạn Hoa, Người căn dặn: “Là chiến sĩ Hải quân, các chú phải biết yêu quý đảo như nhà mình, chịu khó cải tạo xây dựng thành những mảnh đất vừa giàu, vừa đẹp, vừa có lợi cho mình, vừa có ích cho đất nước”. Người còn khuyên bộ đội trên đảo nên tích cực tăng gia sản xuất trồng rau, trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ, học tập Nhân dân đánh bắt cá để cải thiện đời sống, nâng cao sức khỏe, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Về thăm lần này, Bác mừng vì Hải quân đã có sự phát triển nhanh chóng. Trên tàu Hải Lâm, Người đội chiếc mũ Hải quân, đưa anh hùng vũ trụ Liên Xô Gherman Titov đi thăm vịnh Hạ Long. Hình ảnh đó mãi khắc sâu trong tâm trí các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân. Ngày 11/8/1965, nhân dịp Hải quân Nhân dân Việt Nam vừa tròn 10 tuổi, Bác gửi thư cho cán bộ và chiến sĩ Hải quân. Trong thư, Người khen ngợi thành tích của Hải quân: “Tuy còn non trẻ, nhưng nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự tin yêu, giúp đỡ của Nhân dân, sự cố gắng không ngừng của mình, Hải quân ta đã anh dũng chiến đấu, tích cực diệt địch, bắn rơi máy bay và đánh đuổi tàu chiến Mỹ, đoàn kết lập công, bảo vệ Nhân dân, bảo vệ vùng trời và vùng biển của Tổ quốc. Các chú đã nêu cao truyền thống anh hùng của dân tộc ta”. Đồng thời, Người cũng nhắc nhở: “Các chú hãy ra sức phát huy ưu điểm, sửa chữa nhược điểm, khó không nản, thắng không kiêu, cùng với đơn vị bạn và Nhân dân quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, ủng hộ cách mạng giải phóng miền Nam, tiến tới hoà bình thống nhất nước nhà”.
Hơn 60 năm trôi qua, lời dạy của Bác trên vùng biển Hạ Long năm xưa vẫn vẹn nguyên giá trị, bởi mỗi lời dạy là một nhiệm vụ thiêng liêng - là mệnh lệnh của Tổ quốc! Vâng lời Bác dạy, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã nối tiếp nhau xây đắp lên truyền thống vẻ vang: “Chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết chiến quyết thắng”. Mỗi người lính luôn giữ trọn, khắc ghi “lời thề giữ biển”, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
NGUYỄN XUÂN TÌNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin