Hai năm trước, trong một chuyến về miền Tây đang giữa mùa hè nắng khát; song, tôi chợt thấy lòng mát rượi khi được bềnh bồng trên chuyến phà giữa dòng sông Hậu mênh mông trời nước, từ trung tâm thành phố Long Xuyên xuôi bến Ô Môi để về thăm quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng...
Ngôi nhà lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã sống lúc niên thiếu |
•
QUÊ HƯƠNG HÌNH THÀNH MỘT NHÂN CÁCH LỚN
Đặt từng bước chân lên vùng đất ngọt ngào cây trái - nơi mà thuở khai thiên lập địa của tổ tiên trên vùng đất phương Nam có tên gọi “Cù lao Ông Hổ” (nay thuộc xã Mỹ Hòa Hưng - TP Long Xuyên - An Giang), quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng tôi cứ thấy bồi hồi. Đường đi lối lại trong xã được trải nhựa thoáng, rộng, uốn lượn và ôm lấy xóm làng, những vườn cây ăn trái bạt ngàn. Từ bến phà Ô Môi đi thêm hơn 1 km nữa thì tới Di tích Quốc gia đặc biệt - Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Tư liệu ghi lại, hơn 200 năm về trước vùng đất cuối cùng Tây Nam Bộ được Chúa Nguyễn xác lập chủ quyền, trong đó có vùng Châu Đốc Đạo, Tân Châu Đạo, Đông Khẩu Đạo. Nằm giữa dòng sông Hậu, sát bên tỉnh lỵ Long Xuyên, xưa có một cồn đất nổi lên được người dân Nam Bộ gọi là “cù lao”. Đất đai ở cù lao này rất màu mở và cứ “phình” dần ra do phù sa sông Hậu bồi đắp... “Cù lao Ông Hổ” gắn với các câu chuyện truyền thuyết theo tín ngưỡng dân gian thời kỳ mở đất. Trên cù lao này, người dân đã phát triển thành một miền quê trù phú hôm nay. Chính trên mỏm đất nhỏ được phù sa bồi lắng giữa dòng Hậu Giang, 133 năm về trước đã sinh ra một người con ưu tú làm rạng danh đất nước và niềm tự hào quê hương An Giang - Chủ tịch Tôn Đức Thắng!
Về Cù lao Ông Hổ, du khách không thể không đến thăm Khu di tích lịch sử lưu niệm Thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH,TT,DL) công nhận năm 1984. Đó là ngôi nhà sàn bằng gỗ kiểu Nam Bộ được thiết kế khá đẹp, tọa lạc trên phần đất hương hỏa của họ Tôn, (diện tích ngôi nhà và sân vườn chừng 3.000 m2). Ngôi nhà được song thân Bác Tôn xây dựng vào năm 1887. Ngày 20/8/1888, trong ngôi nhà sàn gỗ này, Tôn Đức Thắng - con trai đầu của đôi vợ chồng nông dân Tôn Văn Đề và Nguyễn Thị Dị ra đời. Sau đó, song thân Bác Tôn sinh thêm người con trai kế là Tôn Đức Nhung và 2 người con gái (Tôn Thị Kiệm, Tôn Thị Én).
Suốt thời niên thiếu, “Hai Thắng” sống trong tình thương, chăm sóc của gia đình và tình cảm của Nhân dân xóm làng. Vùng đất cù lao cây xanh trái ngọt chan chứa tình người và những năm tháng lao động cực khổ để sinh tồn là “trường học đầu tiên” đã hình thành nhân cách sống giản dị, cương trực, thủy chung, trọn vẹn nghĩa tình của Bác Tôn sau này. Năm lên 8 tuổi (1896), nhận thấy thiên hướng và tư chất thông minh của con trai, song thân đã đưa Hai Thắng sang vùng Cái Sơn, Long Xuyên (quê ngoại) để theo học chữ nho của thầy giáo Nguyễn Thượng Khách (một nhà nho yêu nước lúc bấy giờ). Những năm theo học chữ nho, tiếp xúc với phong trào đấu tranh của các sĩ phu yêu nước, nhất là những sĩ phu ở các tỉnh thành Nam Bộ như: Trương Định (ở Gò Công), Thiên Hộ Dương, Đốc Bình Kiều (Đồng Tháp); Trần Văn Thành (An Giang); Nguyễn Trung Trực, Phan Tồn, Phan Liêm (Bến Tre)... đã hun đúc tấm lòng yêu nước, căm thù giặc ngoại xâm sớm hình thành trong tư tưởng của chàng thiếu niên này. Để sau đó, người thanh niên yêu nước Tôn Đức Thắng dấn thân vào con đường tranh đấu cho lý tưởng cao đẹp, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc...
•
NHỮNG GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, VĂN HÓA ĐẶC BIỆT
Đất nước Việt Nam tự hào đã sản sinh ra những người anh hùng làm rạng danh sông núi; Nhân dân An Giang vô cùng tự hào đã sinh ra Chủ tịch Tôn Đức Thắng! Cù lao Ông Hổ ngày xưa đã trở thành một địa danh lịch sử, địa chỉ văn hóa, nơi giáo dục lòng yêu nước cho bao nhiêu thế hệ người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ.
Sau khi ngôi nhà tại ấp Mỹ An được công nhận Khu di tích lưu niệm Thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng; Từ năm 1988 đến nay, ngôi nhà này được Bảo tàng An Giang quản lý, gìn giữ để phục vụ tham quan, nghiên cứu. Đặc biệt, từ những giá trị lịch sử và văn hóa của khu lưu niệm, ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định xếp hạng Khu di tích lịch sử lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng là Di tích Quốc gia đặc biệt. Hiện nay, toàn bộ khuôn viên (ngôi nhà và sân vườn, cây cảnh...) được bảo tồn, tôn tạo. Đây là một kiến trúc vững chắc nhưng hết sức mộc mạc, giản dị, ít chạm trổ cầu kỳ theo kiểu nhà Nam Bộ. Trong ngôi nhà vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật gốc như: 2 tấm ảnh bán thân của song thân Bác Tôn, một bộ ngựa gõ mà Bác Tôn thường nằm lúc còn niên thiếu, một tủ thờ cẩn ốc xà cừ, các tấm liễn đối cẩn ốc, một tấm ảnh Bác Tôn chụp năm 18 tuổi, một tấm ảnh Bác Tôn chụp ở Chiến khu Việt Bắc lúc Bác đang làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt gửi về tặng gia đình, phía sau tấm ảnh có bút tích của Bác Tôn: “Kính biếu mẹ già và mấy em, ngày 24/7/1951”...
Dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Bác Tôn (1988), lãnh đạo tỉnh An Giang đã tiến hành trùng tu ngôi nhà di tích và xây dựng nhiều công trình văn hóa. Mười năm sau (năm 1998), lãnh đạo tỉnh này tiếp tục mở rộng thêm diện tích Khu di tích với 6 ha và đầu tư xây dựng thêm các hạng mục công trình phục vụ du lịch, tham quan, nghiên cứu như: Nhà trưng bày giới thiệu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Tôn, công viên cây xanh, đền thờ tưởng niệm Bác Tôn, rạch cảnh, cầu kiều, quảng trường, khu nhà làm việc của Bác Tôn ở An toàn khu (ATK) - tỉnh Tuyên Quang được phục chế và một số vật dụng gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Tôn như: Chiếc canô đã chở Tôn Đức Thắng từ Côn Đảo về đất liền năm 1945; chiếc máy bay YAK-40 số 452 do Liên Xô tặng, Chuyên cơ này đã chở Tôn Đức Thắng từ Hà Nội vào Sài Gòn để dự lễ mittinh kỷ niệm chiến thắng ngày 30/4/1975; tàu Giang Cảnh đã đưa Bác Tôn về thăm quê nhà, viếng mộ song thân (tháng 10/1975)...
Về An Giang, thăm Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng thêm yêu vùng đất Nam Bộ mênh mông sông nước, ngọt ngào cây trái và thêm yêu những con người mộc mạc, nhân hậu mà kiên trung, bất khuất, son sắc, thủy chung...
THANH DƯƠNG HỒNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin