Bốn mươi sáu năm trở lại

06:07, 21/07/2022
Đêm giao lưu giữa tuổi trẻ huyện Đạ Tẻh với các cựu TNXP Hà Lâm
Đêm giao lưu giữa tuổi trẻ huyện Đạ Tẻh với các cựu TNXP Hà Lâm
 
Với chủ đề “46 năm trở lại”, sáng ngày 14/7/2022, trên 100 cựu cán bộ, đội viên thanh niên xung phong (TNXP) của thành phố Đà Lạt đã xuôi về huyện Đạ Tẻh thăm lại chiến trường xưa một thời gian khổ. Nơi mà những ông nội, bà ngoại bây giờ, ngày ấy chỉ mới vừa mười tám, đôi mươi căng đầy nhựa sống đã bỏ lại thành phố sau lưng, hăm hở lên đường luồn rừng, lội suối, vượt sông đến nông trường Hà Lâm - cách Đà Lạt gần 200 cây số để sản xuất lương thực, góp phần giải quyết khó khăn của tỉnh trong những ngày đầu giải phóng và được vũ trang để bảo vệ địa bàn, chống lại các hoạt động của Fulro đang mon men trổi dậy. Họ, những chàng trai, cô gái thanh niên xung phong ngày ấy phần lớn là học sinh vừa hoàn tất trung học phổ thông, là sinh viên đang dở dang đại học, là lao động thành thị và cả một số sĩ quan, binh lính chế độ cũ, có những gia đình có tới 3, thậm chí 4 anh chị em đăng ký tham gia lực lượng. Tất cả họ đều hào hứng đón nhận cuộc sống TNXP một cách vô tư và đầy tự hào của tuổi trẻ. Theo yêu cầu của lãnh đạo tỉnh, liên tiếp những tháng cuối năm 1976 đến đầu năm 1977 là những cuộc vận động của Thành Đoàn Đà Lạt và những đợt đăng ký của tuổi trẻ thành phố. Đợt ra quân đầu tiên là của 120 TNXP vào ngày 3/8/1976, đến tháng 12 có trên 500 thanh niên xung kích (TNXK) lên đường và ngày 10/2/1977 đúng ngày 23 tháng Chạp, ngày Ông Táo về trời, gần 200 TNXP tiếp tục đổ quân về vùng 3 nơi có nông trường Hà Lâm thuộc huyện Đạ Tẻh bây giờ. Tất cả 3 đợt đã có trên 800 quân đổ về vùng 3. Tết năm đó, cả Ban Chấp hành Thành Đoàn Đà Lạt đều xuống ăn tết cùng TNXP, TNXK, bao nhiêu bánh mứt gom góp được đều chở hết về Hà Lâm. Một cái tết xa nhà, xa thành phố, ở tận rừng sâu nhưng thắm thiết tình đồng đội, lãng mạn và thú vị vô cùng. Các chương trình văn nghệ, thi đấu thể thao diễn ra sôi nổi suốt 3 ngày tết.
 
Đã quyết ra đi dấn thân vào nơi gian khổ, khó khăn, thiếu thốn và cả bệnh tật, hiểm nguy vì vùng 3 thời ấy cũng là một trọng điểm của sốt rét, và lực lương Fulro cũng đang có những hoạt động quấy rối khắp nơi, tuổi trẻ Đà Lạt ngày ấy đã chấp nhận tất cả để thực hiện một nhiệm vụ chính trị quan trọng trong những ngày tháng khó khăn đầu tiên của xã hội mới, và họ đã hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài sản xuất lương thực, họ còn phải làm thủy lợi để dẫn nước vào đồng ruộng, làm cầu, làm đường để vận chuyện phân bón, sản phẩm thu hoạch... Với một vùng đất mà đường sá chỉ là vài con đường đất được làm thủ công của thời kháng chiến để lại, nước thì chủ yếu là dùng nước suối và tự đào giếng, ánh sáng thì đèn dầu và thắp đuốc... Đêm đến chỉ còn nghe tiếng giun dế, côn trùng rền rĩ râm ran quanh lán trại và tiếng cú rúc trong rừng, một vùng đất gần như hoang vu. Tôi còn nhớ mãi lần đón 500 TNXK, khoảng trên chục chiếc xe ca đổ quân xuống bến sông Đạ Huoai mà nhiều người gọi là sông Kwai chỉ thiếu chiếc cầu nữa là đúng như tên phim “Trận chiến cầu sông Kwai” giữa quân đội Đồng minh và quân Nhật trong Thế chiến II. Thời đó chưa có cầu Đạ Huoai, các đợt khác thì do quân ít hơn nên dù nước chảy xiết, đơn vị vẫn đưa quân qua sông nhanh gọn. Hôm ấy quân đông, hoàng hôn đã xuống, trời càng lúc càng tối dần, xung quanh là rừng núi âm u, nước sông tuy không sâu nhưng dòng chảy rất xiết, người yếu có thể bị đẩy trôi đi, ban chỉ huy nhanh chóng chọn ra vài chục đội viên nam khỏe mạnh, xuống sông nắm tay nhau đứng giăng hàng ngang từ bờ bên này qua bờ bên kia cho các đội viên khác, nhất là nữ, bám vào hàng rào người đó mà vượt sông, ai cũng balo, túi xách nặng trĩu nên các đội viên nam phải mang bớt giúp cho các bạn nữ. Đưa hết 500 quân qua sông thì đã gần 8 giờ tối, vừa đói vừa mệt, trời tối đen như mực, cứ người sau bám balo người trước bước đi trên con đường ngoằn ngoèo hầu như chỉ vừa cho một người đi, hai bên là rừng cây mịt mù. Đoạn đường từ bến sông Đạ Huoai vào đến B2 và B5 nơi đóng quân của đơn vị, nay thuộc xã An Nhơn, có lẽ cũng trên dưới 20 cây số đường rừng, quân đi rơi rụng dần, đến khoảng 11 giờ đêm điểm quân lại còn thiếu khoảng vài chục người. Các đồng chí chỉ huy từ trung đội, đại đội phải đốt đuốc ngược trở ra đi tìm đồng đội.Thì ra, quá mệt, anh em đã chui vào rừng ngủ từng tốp từng nhóm, kêu mãi có vài người bước ra còn thì vẫn im lìm. Bỗng có người hét to “cọp, có cọp anh em ơi” thế là mấy chục người từ 2 bên cánh rừng vừa la hét vừa ào ào chạy ra tập trung đông đủ rồi cùng nhau theo ánh đuốc tìm về đơn vị. Đó là một vài mẩu chuyện nhỏ của 46 năm trước cho thấy vùng đất một thời ít người, nhiều muỗi, hoang sơ của khu căn cứ kháng chiến cũ.
 
46 năm sau trở lại, từ ngã ba Đạ Huoai vào, giờ đây đã là con đường trải nhựa rộng dài, xe ô tô có thể chạy với tốc độ 50-60 km/h, xóm làng hai bên đường đông vui, cầu sông Đạ Huoai bằng bê - tông vững chãi, xe qua cầu, tôi dừng lại nhìn xuống dòng sông năm nào mong tìm lại kỷ niệm xưa, nhưng có lẽ do cây rừng phía đầu nguồn đã thưa đi nhiều, lại vừa qua mấy trận mưa lớn nên nước sông dâng cao, đục ngầu và cuồn cuộn chảy về hướng Tây. Thị trấn Đạ Tẻh sầm uất, nhà cửa khang trang, đường sá ngang dọc đi về các nơi và hầu hết được thảm nhựa; các giao lộ đã có đèn xanh, đèn đỏ vì xe cộ ngược xuôi khá nhiều, toàn huyện đã có trên 1.000 người có ô tô, bao gồm cả xe con, xe tải, xe khách và gần 70% dân có xe máy, hầu như nhà nào cũng có ít nhất một xe máy. Điện lưới đã phủ kín huyện, có tới 99,8% hộ dân có điện; chợ, siêu thị và hàng quán phát triển, kinh doanh, mua bán nhộn nhịp; mạng lưới giáo dục và y tế phát triển với 37 trường cho 11.752 học sinh; một Trung tâm Y tế và 9 trạm xá cho 8 xã và một thị trấn. Dân số Đạ Tẻh ngày nay đã trên dưới 53.000 người, thu nhập bình quân đầu người suýt soát 50 triệu đồng trên năm. Một vài con số đã nói lên sự chuyển mình của một vùng đất mà ngày xưa những anh chị em TNXP Đà Lạt lặn lội ở đây đã từng mơ ước nhiều lắm cho tương lai cũng không thể tưởng tượng ra một thành quả có được như ngày nay. Thành quả đó thuộc về Nhân dân Đạ Tẻh, dưới sự lãnh đạo của 8 nhiệm kỳ cấp ủy, đứng đầu là 6 đồng chí Bí thư Huyện ủy kể từ ngày thành lập huyện, trong đó có một Bí thư Huyện ủy xuất thân từ TNXP Đà Lạt. Anh Đỗ Phú Quới từ một Trung đội trưởng TNXP lên Liên đoàn phó rồi Liên đoàn trưởng được bố trí đi chỉ huy nhiều đơn vị khác nhau. Ra quân, anh ở lại huyện tham gia công tác và trở thành Bí thư Huyện ủy 2 nhiệm kỳ VI và VII.
 
Kết thúc bài viết này, tôi muốn bày tỏ sự tâm đắc của mình với lời tâm sự của anh Võ Thanh Tú - nguyên chính trị viên và anh Nguyễn Văn Hoàn - nguyên Liên đoàn trưởng TNXP Hà Lâm rằng: “Bốn mươi sáu năm trở lại, chúng ta tự hào chứng kiến những thay đổi lớn lao, sự phát triển tốt đẹp, trù phú của huyện Đạ Tẻh và chúng ta cũng tự hào vì bản thân đã có những đóng góp ban đầu nho nhỏ cho sự phát triển của ngày hôm nay”.
 
NGUYỄN TRỌNG HOÀNG