[links()]
Từ thực tế khảo sát những địa điểm phát hiện hiện vật và trống đồng Đông Sơn ở Lâm Đồng, chúng tôi đã có sự trao đổi thông tin với các đồng nghiệp trong “Câu lạc bộ Bảo tàng các tỉnh Tây Nguyên” và thật sự ấn tượng với sưu tập trống đồng của Bảo tàng Đắk Lắk. Tỉnh Đắk Lắk cũng là nơi phát hiện được nhiều trống đồng Đông Sơn nhất ở Tây Nguyên.
Bí ẩn “Nghĩa địa trống đồng” và chuyện kể của người trong cuộc
|
Lục lạc trong bộ sưu tập hiện vật văn hóa Đông Sơn phát hiện tại Lâm Đồng |
Qua trao đổi, chuyện trò với các đồng nghiệp: TS Lương Thanh Sơn, nguyên Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk và Ths Trần Quang Năm, Phó Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk là những người trực tiếp tham gia trong đoàn khảo sát những địa điểm phát hiện trống đồng, chúng tôi được biết ở Đắk Lắk từ 1984 đến nay đã phát hiện được 16 trống đồng Đông Sơn. Hiện nay Bảo tàng Đắk Lắk đang lưu giữ và trưng bày 14 trống. Trong đó có một số trống ngoài hoa văn truyền thống thường thấy trên trống đồng Đông Sơn như: ngôi sao, chim hạc, tượng cóc, còn có hình voi, bông hoa, cá, sóng nước, con chim thân to, cổ ngắn, có mỏ giống mỏ vịt,... Đây có thể là loại trống có niên đại muộn (?) và mang sắc thái địa phương rất độc đáo và rõ nét thể hiện qua mô típ trang trí trên trống đồng. Khu vực trống phát hiện nhiều nhất là ở hai huyện K’rông Năng và K’rông Pắc, nơi đã bị người dân khai quật trái phép. Ông Năm và bà Sơn còn cho biết, vào tháng 5/2007, sau khi nhận được tin báo của Phòng Văn hóa Thông tin của 2 huyện K’rông Năng và K’rông Pắc đã cử cán bộ nghiệp vụ xuống địa bàn khảo sát nắm tình hình. Đồng thời, Bảo tàng Đắk Lắk cũng làm văn bản báo cáo cấp trên tham mưu cho tỉnh lập đoàn liên ngành xuống khảo sát xác định khu vực có di chỉ để tạm thời bảo vệ. Sau đó đã thông báo với Viện Khảo cổ học Hà Nội cử cán bộ vào phối hợp với Bảo tàng Đắk Lắk cùng khảo sát, thám sát các khu vực nói trên, nhưng thật đáng tiếc những địa điểm này đã bị đào bới tàn phá gần hết. Đăc biệt là vùng giáp ranh giữa hai xã Ea Hồ và xã Phú Xuân thuộc huyện K’rông Năng. Khu vực này cách thị trấn K’rông Năng chừng 3 km về hướng Tây Nam. Địa điểm phân bố nhiều nhất là trên đỉnh của một quả đồi khoảng chừng 10 ha thuộc thôn Xuân Vĩnh, xã Phú Xuân. Tập trung ở trong vườn, rẫy cà phê của 4 hộ dân xã Phú Xuân và 2 hộ ở xã Ea Hồ. Khi đoàn xuống khảo sát thấy có tới 19 hố bị khai quật và đã lấp đất lại nhưng trên mặt đất xung quanh còn vương vãi những mảnh xương cốt, mảnh đồng (trống đồng) đã bị ô xi hóa và nhiều mảnh gốm vỡ. Trong quá trình khảo sát, đoàn đã cho thu gom chôn lại số xương cốt vào vị trí cũ tại các hố đã bị khai quật trước đó, chỉ mang các hiện vật về Bảo tàng để phục vụ nghiên cứu. Hiện vật thu được tại hiện trường trên các hố bị khai quật gồm có 618 mảnh gốm các loại, 136 mảnh đồng (trống đồng) đã bị oxy hóa và vòng đồng trang sức do người dân đào trộm vứt bỏ lại. Tương tự như ở K’rông Năng, ở huyện K’rông Pắc các điểm người dân phát hiện trống đồng cũng bị tàn phá nghiêm trọng, khi đoàn khảo sát tới chỉ thu được trên bề mặt các hố (có 5 hố) bị khai quật trước đó 70 mảnh gốm vỡ, 20 mảnh đồng đã bị phong hóa lớp ngoài và một số mảnh xương. Đoàn đã cho chôn lại số xương vào vị trí cũ và mang các mảnh gốm và đồng về Bảo tàng để lưu giữ và nghiên cứu. Thật đáng tiếc di chỉ khảo cổ nơi đây đã bị tàn phá cùng với nhiều trống đồng đã bị lấy mất bởi những người dân khai quật trái phép.
Qua những tư liệu điều tra, khảo sát tại thực địa, số trống đồng phát hiện cùng với hiện vật thu được trên hiện trường, chúng tôi cho rằng phải chăng đây là một “nghĩa địa của người xưa” (?). Bởi vị trí địa lý của di chỉ cũng như mật độ phân bố dày đặc của các hố chôn trống đồng; cách thức táng tụng và xương cốt cùng các đồ tùy táng tìm thấy trong lòng trống đồng. Điều đó còn cho thấy trống đồng trong tâm thức người Thượng không những là nhạc cụ mà còn được dùng làm “quan tài sang quí” cho người quá cố?
Việc phát hiện các hiện vật mang dấu ấn văn hóa Đông Sơn, đặc biệt là trống đồng của người Việt cổ và nhiều di vật khác có trong các di chỉ, di tích khảo cổ học có tiếng như như di chỉ Lung Leng, di tích khảo cổ học Cát Tiên, tháp Chăm,… ở Tây Nguyên đã góp phần làm thay đổi cách nghĩ, nhìn nhận chưa rõ ràng về một Tây Nguyên trước đây. Nghĩa là Tây Nguyên không phải là một vùng cao, biệt lập mà ngay từ thời tiền sử các cư dân ở đây đã có đời sống văn hóa xã hội phát triển không thua kém các vùng miền khác ở Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Từ thời tiền sử, sơ sử và các giai đoạn tiếp nối sau đó họ đã sớm có sự giao lưu văn hóa, kinh tế rộng rãi với các cư dân nhiều vùng, miền khác ở trong nước và ngoài nước.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin