Triều Nguyễn và đại lễ Vu Lan báo hiếu qua Di sản Mộc bản

04:08, 11/08/2022
Đại lễ Vu Lan (Vu Lan bồn) là một trong những lễ hội văn hóa tâm linh lớn của hàng triệu Phật tử trên toàn thế giới. Đây là lễ của nhà Phật được tổ chức vào ngày 15 tháng 7 Âm lịch hằng năm. Dưới triều Nguyễn, lễ Vu Lan rất được các vua coi trọng và tổ chức trang nghiêm. Qua ghi chép của Mộc bản triều Nguyễn - Di sản Tư liệu thế giới để thấy được lễ Vu Lan dưới triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam được tổ chức như thế nào?
 
Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 11, mặt khắc 13 ghi việc vua Lê Thái Tông xá tội cho 50 tên tội nhẹ vào ngày lễ Vu lan, năm 1434. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 11, mặt khắc 13 ghi việc vua Lê Thái Tông xá tội cho 50 tên tội nhẹ vào ngày lễ Vu lan, năm 1434. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
 
Về sự tích lễ Vu Lan, Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 16 có ghi lại rằng: “Hội Vu Lan: Kinh Phật chép rằng: Mục Liên có mẹ phải sống trong ngục Ngạ Quỷ. Phật bảo Mục Liên làm hội Vu Lan bồn vào ngày rằm tháng Bảy, dùng bách vị ngũ quả đựng trong bồn để cúng dường chư Phật mười phương, rồi sau mẹ của Mục Liên mới ăn uống được. Thích thị yếu lãm chép rằng: “Vu Lan, là tiếng Phạn, cũng như Hoa văn nói là cứu đảo huyền”. Sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 11, cũng ghi: “Hội Vu Lan bồn của nhà Phật tổ chức vào ngày 15 tháng 7 Âm lịch hằng năm. Theo Phật thoại, mẹ của Mục Liên vào địa ngục, hễ ăn gì đều hóa thành lửa. Phật liền dùng chiếc bồn lớn, đựng hàng trăm thức ăn để cúng dường các Phật, giải thoát cho mẹ Mục Liên. Sau này, lễ Vu Lan bồn là để cúng thí bọn quỷ đói, giải thoát mọi khổ ải cho chúng sinh”.
 
Lễ Vu Lan bắt đầu tổ chức vào thời gian nào, không thấy sử sách nói đến. Chỉ biết rằng, qua ghi chép của bộ Đại Việt sử ký toàn thư, thì lễ Vu Lan ở Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên vào năm Mậu Tuất (1118), dưới triều vua Lý Nhân Tông. Đó là vào ngày 15 tháng 7 Âm lịch, vua Lý Nhân Tông đã tổ chức lễ cầu siêu cho Linh Nhân hoàng thái hậu. Dân chúng các nơi cũng tụ về rất đông để dự lễ. Đến năm Mậu Thân (1128), vua Lý Thần Tông thực hiện nghi lễ cầu siêu cho vua Lý Nhân Tông vào ngày Vu Lan. Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 3, mặt khắc 31, 32 ghi rằng: “Mùa thu, tháng 7, tiết Trung nguyên, vua ngự điện Thiên An, các quan dâng biểu mừng. Vì (hôm ấy) là ngày lễ Vu Lan bồn, cầu siêu cho Nhân Tông nên không đặt lễ yến”.
 
Và kể từ năm Mậu Thân (1128), cứ theo lệ, vào ngày tiết Trung nguyên (tức rằm tháng 7), các triều đại đều tổ chức lễ Vu Lan. Năm Giáp Dần (1434), vua Lê Thái Tông, đã xá tội cho 50 tên có tội trạng nhẹ. Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 11, mặt khắc 13 ghi rằng: “Ngày 15, mở hội Vu Lan, tha cho 50 tên tù tội nhẹ, ban cho các sư tụng kinh 220 quan tiền”.
 
Trải qua thăng trầm của lịch sử, đến triều Nguyễn, cùng với sự phát triển của Phật giáo, lễ Vu Lan rất được các vua Nguyễn hết sức coi trọng. Với quan điểm: “Nhà Phật dùng thần đạo để dạy đời, đạo Khổng tử chỉ dạy luân thường là món dùng hằng ngày, song tóm lại, chung quy đều dạy người ta làm điều thiện mà thôi. Kể ra người ta sinh ở trong vòng trời đất, nên làm điều thiện, nên tránh điều ác. Đối với đạo Phật dạy người bằng thuyết hoạ phúc, báo ứng, ta không nên nhất khái cho là dị đoan. Một việc khuyên người làm việc thiện của nhà Phật, dẫu thánh nhân sống lại, cũng không thể đổi bỏ đi được”, trước đó, để chuẩn bị cho mùa lễ Vu Lan năm Ất Mùi (1835), vua Minh Mạng đã chuẩn cho bộ Lễ: “Tết rằm tháng 7 năm nay, đặt một đàn chay thuỷ bộ ở chùa Thiên Mụ để siêu độ cho vong linh các quan quân chết trận ở các đạo quân Bắc Kỳ mới được 7 ngày. Nay chuẩn cho bày thêm bài vị, tiếp tục làm chay siêu độ cho các tướng biền, binh lính vì đánh dẹp Phiên An mà chết trận, chết bệnh. Lại ra lệnh cho quan tỉnh Gia Định sắm nhiều bò, lợn, giấy tiền, mọi thứ lễ phẩm, ban 1 đàn tế để tỏ đạo trung hậu”. Vua lại ra chơi xem làm chay ở chùa Thiên Mụ”.
 
Năm Bính Thân (1836), vua Minh Mạng hạ lệnh chuẩn bị cỗ bàn, bày mũ áo đai xiêm bằng đồ mã, vàng giấy, bạc giấy để đến ngày lễ Vu Lan dâng cúng ở các miếu và điện Phụng Tiên. Còn ở chùa, vua truyền cho các sư chùa tập họp ở chùa Thiên Mụ lập đàn tràng thuỷ lục 21 ngày để siêu độ vong hồn những quan quân đã chết vì việc nước. 
 
Lễ Vu Lan dưới triều vua Minh Mạng sẽ trở nên đặc biệt hơn khi năm đó trùng với lễ khánh tiết của nhà vua. Năm Canh Tý (1840), gặp tiết chính thọ ngũ tuần của vua, để cầu sống lâu, ban phúc cho dân chúng. Vị vua thứ 2 triều Nguyễn đã chọn ra 20 nhà sư ở các chùa trong Kinh và 10 người ở thự Hòa Thanh đến chùa núi Phật Tích (chùa của thần tăng Từ Đạo Hạnh), lập đàn chay, tụng kinh làm phúc 21 ngày đêm. Vua ban dụ xuống: “Bắt đầu từ ngày mồng 9 tháng 7 này khai kinh, đến ngày 15 vừa gặp tiết Lan bồn, thì lấy đêm ấy phát chẩn cứu tế. Lại tiếp tục làm theo 2 tuần 7 nữa, để cho thiện duyên tròn vẹn, phúc khắp mọi loài, để mong cho người khoẻ, vật thịnh, sóng sông yên ổn, lúa thóc được mùa để hả lòng trẫm vì dân cầu phúc. Những lễ phẩm đàn chay cần dùng đến và các thứ nhân công vật liệu, do quan tỉnh lấy tiền kho mà làm không được dùng đến công sức tiền tài của dân”. Đến triều vua Thiệu Trị, vào năm Tân Sửu (1841), để chuẩn bị cho đại lễ Vu Lan, trước đó, vua hạ lệnh cho các chùa lớn ở trong Kinh cũng như ngoài tỉnh, dựng lễ đài lớn, trang trí chùa thật đẹp. Các điện đài đều được kết hoa, trang hoàng lộng lẫy. Các chùa lớn như Thiên Mụ, Giác Hoàng, chùa Khải Tường đều lập đàn chay trọng thể, mỗi nơi tụng kinh 7 ngày. Sau đại lễ, vua đều ban thưởng cho các đổng lý đến thợ làm, tăng cương, tăng đồ thứ bậc khác nhau. Mùa Vu lan, năm Giáp Thìn (1844), ở chùa Diệu Đế, vị vua thứ 3 triều Nguyễn đã cho đặt đàn chay, ngoài ra, còn đặt đàn phổ độ để “xá tội cho vong nhân”. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tam kỷ, quyển 40, mặt khắc 1, 2 ghi: “Đặt đàn chay trọng thể ở chùa Diệu Đế, sai Thống chế Tôn Thất Nghị, Tham tri Lý Văn Phức đốc thúc công việc này... Lại đặt đàn phổ độ cho vong nhân để rộng thiện duyên”.
 
Đến năm Đinh Mùi (1847), gặp tiết Trung nguyên, vua Thiệu Trị tiếp tục chuẩn cho đặt một đàn chay lớn ở chùa Thiên Mụ để tụng kinh. Ngày hôm đó, vua sai Hoàng tử, hoàng thân, tôn thất và các quan lần lượt đến làm lễ, vua cũng đích thân đến xem. 
 
Nối tiếp truyền thống của các đời vua trước, các triều vua sau như Tự Đức, Kiến Phúc, Thành Thái, Khải Định... đều tổ chức lễ Vu Lan báo hiếu. Năm Tân Dậu (1861), vua Tự Đức đã cho đặt 3 đàn tế, sắm đủ lễ phẩm để chuẩn bị cho ngày Vu Lan. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ, quyển 25, mặt khắc 3 ghi như sau: “Vua nghĩ đến các trận vong tướng sĩ chết vì việc nước, nên hậu gia ơn điển, để thỏa vong hồn người trung nghĩa. Sai bộ Lễ hội đồng với phủ thần Thừa Thiên chọn nơi sạch sẽ cao ráo ở ngoại thành lập làm 3 đàn: 1 đàn tế tướng sĩ chết trận ở quân thứ Quảng Nam, 1 đàn tế tướng sĩ chết trận ở quân thứ Gia Định, 1 đàn tế những tướng sĩ đi phòng tiễu bọn ác Man, các toán giặc ở nước Thanh tràn sang mà bị chết trận từ năm Tự Đức thứ 1 đến nay. Mỗi đàn chia làm 3 bậc: bậc trên đặt thần vị thờ các đại viên, bậc giữa đặt thần vị thờ các viên quản suất, bậc dưới đặt thần vị thờ các biền binh dân dõng. Nhưng do quan có trách nhiệm sắm đủ lễ phẩm trong sạch, định đến ngày Trung nguyên tháng này sẽ phái cho ấn quan bộ Lễ, bộ Binh và phủ Thừa Thiên mỗi nơi đều một viên chia đi khâm mệnh đến tế một tuần”.
 
Dưới triều vua Thành Thái, vào năm Quý Tỵ ((1893), Kỷ Hợi (1899), vua Thành Thái cho đặt đàn chay tụng kinh 3 ngày 3 đêm ở chùa Thiên Mụ. Điều 919, quyển 11, sách Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên ghi như sau: “Đặt đàn chay ở chùa Thiên Mụ. Lúc đầu vâng ý chỉ của Từ dũ Bác huệ Khang thọ Thái Thái Hoàng thái hậu vì gặp lễ cửu tuần đại khánh tiết ban tiền trong kho cung Gia Thọ 1.300 đồng (lại ban vải vóc vật liệu trong kho làm bảo tháp Phúc Duyên và cúng một tòa tháp vàng, ba tòa tháp bạc), đặt đàn chay tụng kinh ba ngày (ngày 15 bắt đầu, ngày 19 viên mãn), lấy Tham tri bộ Binh Nguyễn Văn Thịnh sung làm Đổng lý”. Năm Tân Sửu (1901), năm Đinh Mùi (1907), vào ngày lễ Vu Lan, vua Thành Thái đều cho đặt đàn chay ở chùa Thiên Mụ, tụng kinh 7 ngày, 7 đêm: “Đặt đàn chay ở chùa Thiên Mụ, tụng kinh bảy ngày bảy đêm. Sai Tham tri bộ Binh Nguyễn Văn Thịnh sung Đổng lý, Thống chế Nguyễn Viết Hữu làm Phó”. 
 
Có thể nói, lễ Vu Lan là một trong những đại lễ quan trọng của Phật giáo, bên cạnh lễ Phật đản và lễ Thành đạo. Lễ Vu Lan báo hiếu đã trở thành một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa mãnh liệt nhất trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam. Ngoài ý nghĩa là dịp con cháu trong gia đình thể hiện lòng thành kính, hiếu thảo, đền đáp lại công ơn sinh thành, dưỡng dục đối với ông bà, cha mẹ, tổ tiên, lễ Vu Lan còn mang ý nghĩa thiêng liêng nhắc nhở đệ tử Phật không ngừng nỗ lực tu tập, sống “tốt đời đẹp đạo”.
 
THƠM QUANG