Về An Giang thăm Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng

06:09, 05/09/2022
Tọa lạc tại cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang), Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một điểm đến văn hóa lịch sử giúp du khách hiểu rõ hơn về thân thế, sự nghiệp cách mạng của Bác Tôn, cũng như vẻ đẹp vùng đất và con người xứ cù lao bình dị, hồn hậu, hào hiệp, mến khách này.
 
Khu lưu niệm chủ tịch Tôn Đức Thắng. Ảnh: internet
Khu lưu niệm chủ tịch Tôn Đức Thắng. Ảnh: internet
 
Chị Lê Thị Cẩm Trinh, thuyết minh viên tại Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, chia sẻ rằng, Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng được khởi công xây dựng vào năm 1988. Sau đó, chính quyền địa phương tiếp tục tôn tạo, mở rộng đầu tư thêm một số công trình và các công trình phụ trợ khác trên tổng diện tích hơn 3.000 m2. Năm 1984, Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử và Chủ tịch nước công nhận Khu lưu niệm này là Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2012.
 
Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng có 4 điểm tham quan chính, bao gồm: Đền tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Nhà trưng bày giới thiệu về thân thế - sự nghiệp Bác Tôn, Nhà lưu niệm thời niên thiếu Chủ tịch Tôn Đức Thắng và Phòng trưng bày chuyên đề 15 năm Bác Tôn bị tù khổ sai ở Côn Đảo. Ngoài ra, nơi đây còn trưng bày chiếc máy bay YAK 40 - chuyên cơ chở Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ Hà Nội vào Sài Gòn dự lễ mít tinh mừng chiến thắng 30/4/1975, mô hình nhà lán của Bác Tôn ở ATK Thái Nguyên, chiếc xe đưa đón Bác Tôn đi làm việc ở Hà Nội... được thiết kế lồng ghép với hệ thống đường nội bộ, khuôn viên, cây xanh, những con rạch nhỏ... 
 
Điểm nhấn đầu tiên, là Đền tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, khởi công xây dựng năm 1997, khánh thành năm 1998, nhân dịp Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Bác Tôn (20/8/1998), với lối kiến trúc đặc trưng của kiến trúc đền thờ cổ Việt Nam. Đền được thiết kế kiểu mái nhị cấp, lợp ngói đại ống đỏ, bờ nóc đắp bộ tượng lưỡng long tranh châu, 4 phía đắp tượng 4 con rồng. Phía trong chính điện ở giữa là bức tượng bán thân Chủ tịch Tôn Đức Thắng đúc bằng đồng, nặng 310 kg. Phía trên bức tượng, tên Chủ tịch Tôn Đức Thắng khắc theo lối chữ giả cổ, mặt chữ mạ vàng. Chung quanh đền tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng được trang trí rất công phu, với các biểu tượng ngũ phúc (phúc, lộc, thọ, khang, ninh). Phía sau bức tượng Chủ tịch Tôn Đức Thắng là hình mặt trống đồng Ngọc Lũ chạm nổi. Đền tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng là nơi tổ chức các buổi lễ kỷ niệm ngày sinh và ngày mất của Bác Tôn, cũng là nơi tổ chức lễ báo công, tiếp các đoàn khách đến thăm viếng Chủ tịch Tôn Đức Thắng. 
 
Chiếc xe đạp do nhà máy sản xuất xe đạp ở Đức tặng nhân dịp Chủ tịch Tôn Đức Thắng sang thăm nước Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1955 đang được lưu giữ cẩn thận.
Chiếc xe đạp do nhà máy sản xuất xe đạp ở Đức tặng nhân dịp Chủ tịch Tôn Đức Thắng sang thăm nước Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1955 đang được lưu giữ cẩn thận
 
Điểm nhấn tiếp theo, là Nhà trưng bày thân thế và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Nơi đây trưng bày, giới thiệu hơn 100 hình ảnh, tư liệu, hiện vật quý giá về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Bác Tôn. Đó là hình ảnh bến đò Ô Môi in dấu chân cậu bé Tôn Đức Thắng mỗi ngày đến trường thuở thiếu thời, đó là hình ảnh chàng thanh niên Tôn Đức Thắng làm thợ tại xưởng máy Ba Son, đó là hình ảnh người thanh niên yêu nước Tôn Đức Thắng kéo cao lá cờ đỏ trên cột chiến hạm France ủng hộ nước Nga Xô viết, đó còn là hiện vật chiếc xe đạp hiệu Diamant do nhà máy sản xuất xe đạp ở Đức tặng nhân dịp Chủ tịch Tôn Đức Thắng sang thăm nước Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1955 và cả những hình ảnh Bác Tôn tham gia cách mạng rồi bị thực dân Pháp kết án 20 năm tù và lưu đày tại Nhà tù Côn Đảo... Trong khi đó, Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng lại giúp du khách hiểu rõ hơn về con người, chí hướng cách mạng của Bác Tôn. Ngôi nhà do cụ ông Tôn Văn Đề - thân sinh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, xây dựng năm 1887. Ngôi nhà mang phong cách kiến trúc Nam Bộ, với diện tích 156 m 2. Đây là nơi Chủ tịch Tôn Đức Thắng ra đời, sống những tháng ngày thơ ấu, từ 1888 đến 1906.
 
Chia sẻ với báo chí khi về thăm Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, PGS-TS-Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học Nghệ thuật Trung ương, nói rằng: “Tôi đến từ quê hương Bác Hồ, hôm nay lại về thăm quê hương Bác Tôn. Giữa Bác Hồ và Bác Tôn là tình đồng chí của người cộng sản kiên trung, bất khuất, suốt đời phấn đấu vì độc lập, vì dân tộc. Hai nhà lãnh đạo của đất nước đều có đức tính khiêm nhường, hi sinh cả cuộc đời cho đất nước. Nói đến Bác Hồ và Bác Tôn là nói đến tình đồng chí, tình bạn, tình anh em, biểu tượng nghĩa tình Bắc - Nam. Thời kỳ đất nước chia cắt, hình ảnh Bác Hồ và Bác Tôn là nguồn cảm hứng, thôi thúc đồng bào, đồng chí cố gắng vươn lên, chiến đấu, sản xuất, sẵn sàng hi sinh để cho đất nước được thống nhất”.
 
Theo chị Lê Thị Cẩm Trinh, từ khi xây dựng cho đến nay, Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng luôn là địa chỉ đỏ, nơi giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc đối với mọi tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
 
 
- Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ngày 20/8/1888 tại cù lao Ông Hổ, làng An Hòa, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên, nay thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang.
 
- Năm 1900, vào Trường Tiểu học Long Xuyên; đến năm 1906 tốt nghiệp tiểu học rời quê hương lên Sài Gòn học việc.
- Từ năm 1909 đến năm 1912, tổ chức và tham gia các cuộc đấu tranh của công nhân xưởng Kroff, xưởng Ba Sơn - Trường Bá Nghệ Sài Gòn.
 
- Ngày 1/3/1915, vào học lớp điện và ô tô tại Trường Bá Nghệ Sài Gòn, đến ngày 9/10/1916, làm thợ máy trên chiến hạm France của Hải quân Pháp.
 
- Ngày 20/4/1919, Chủ tịch Tôn Đức Thắng tham gia cuộc phản chiến của binh sĩ Pháp ở Biển Đen, kéo cờ đỏ trên chiến hạm France để ủng hộ cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga.
 
- Từ năm 1919 đến năm 1920, ra khỏi Hải quân Pháp về Sài Gòn làm công nhân sửa chữa xe hơi ở Phú Nhuận.
 
- Năm 1921, thành lập và lãnh đạo Công hội bí mật ở Sài Gòn, đây là tổ chức công hội đầu tiên ở Việt Nam.
 
- Tháng 8/1925, tổ chức và lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân Ba Son, cuộc đấu tranh này đánh dấu sự trưởng thành của giai cấp công nhân Việt Nam từ “tự phát” sang “tự giác”.
 
- Năm 1927, tham gia Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội, làm Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ Nam kỳ và trực tiếp lãnh đạo Phong trào Công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn.
 
- Tháng 7/1929, bị thực dân Pháp bắt ở Sài Gòn.
 
- Tháng 7/1930, bị đày ra Côn Đảo với án tù 20 năm khổ sai.
 
- Ngày 23/9/1945, rời Côn Đảo về đất liền tiếp tục hoạt động cách mạng.
 
- Ngày 6/1/1946, được bầu vào Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
 
- Năm 1946, ra Hà Nội lần đầu tiên gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
- Tháng 2/1951, Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng bầu đồng chí vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
 
- Tháng 3/1951, được bầu làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt.
 
- Tháng 9/1955, được bầu làm Trưởng Ban Thường trực Quốc hội.
 
- Ngày 20/8/1958, là người đầu tiên được tặng Huân chương Sao vàng, huân chương cao nhất của Nhà nước ta.
- Tháng 7/1960, được cử giữ chức vụ Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
 
- Ngày 27/9/1969, được cử giữ chức vụ Chủ tịch Nước, kế vị Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa từ trần.
 
- Ngày 3/7/1976, tại Kỳ họp đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và giữ chức vụ này cho đến khi qua đời.
 
- Ngày 30/3/1980, qua đời tại Hà Nội, hưởng thọ 92 tuổi.
 
 
TRỊNH CHU