Di tích lịch sử Khu VI anh hùng

05:10, 20/10/2022
Khu VI là vùng đất thuộc duyên hải cực Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên, đây là địa bàn đặc biệt quan trọng, có vị trí chiến lược trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. 
 
Một số hình ảnh được trưng bày tại Nhà truyền thống Khu VI
Một số hình ảnh được trưng bày tại Nhà truyền thống Khu VI
 
Tháng 5/1961, Khu VI được thành lập gồm các tỉnh: Đắk Lắk, Tuyên Đức, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Bộ Chính trị quyết định thành lập Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân Khu VI trực thuộc Trung ương Cục miền Nam để lãnh đạo, chỉ huy phong trào cách mạng, lực lượng vũ trang địa phương và làm nhiệm vụ xây dựng căn cứ, mở đường hành lang chiến lược nam Tây Nguyên tiếp nhận sự chi viện của Trung ương cho chiến trường Nam Bộ do đồng chí Trần Lê làm Bí thư Khu ủy. Sau đó, do yêu cầu, Khu VI tiếp tục trải qua nhiều lần thay đổi về địa bàn. Đến cuối năm 1974 Khu VI bao gồm các tỉnh: Quảng Đức, Lâm Đồng, Tuyên Đức, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Tuy. Khu VI có địa bàn rất rộng lớn, lại thường xuyên bị địch đánh phá ác liệt, địa bàn kiểm soát luôn trong thế “cài răng lược”, vì vậy hình thái quân khu luôn thay đổi linh hoạt cho phù hợp với tình hình chiến sự. 
 
Trong điều kiện khó khăn thiếu thốn cả về lương thực và vũ khí, phương tiện chiến tranh, quân và dân Khu VI đã biết dựa vào “thế trận lòng dân”, tận dụng địa hình rừng núi để sáng tạo ra cách đánh, tạo ra những loại vũ khí vô cùng lợi hại khiến kẻ thù khiếp sợ. Các chiến sĩ Khu VI cùng với Nhân dân các dân tộc như Mạ, Raglay, K'Ho, Xtiêng... tạo ra những vũ khí từ thân gỗ, tre, nứa tuy rất thô sơ nhưng vô cùng hiệu quả với tính sát thương cao. Tiêu biểu trong số đó là: “Xoa đưa” (cầu gai dùng dây treo), xoa ngã, bẫy sập, bẫy đá, bàn chông, lao, ná tự động... Bên cạnh những vũ khí được trang bị, những vũ khí thô sơ này đã góp phần quan trọng ngăn bước quân thù, bảo vệ Khu ủy trong một thời gian dài...
 
Trong kháng chiến chống Mỹ, quân và dân Khu VI cũng đã nổi dậy và tấn công trong chiến dịch Mậu Thân 1968, gây cho địch những tổn thất nặng nề. Đợt I Xuân Mậu Thân năm 1968 sử dụng 4 đội biệt động, các trung đoàn, tiểu đoàn tấn công 2 lần vào Đà Lạt chiếm lĩnh và làm chủ có thời gian nhiều ty, sở và khu vực quan trọng, kiên cường đánh trả nhiều đợt phản kích của địch. Đặc biệt, ta đã chiếm lĩnh và làm chủ hơn 1 tuần 7 khu phố trong tổng 10 khu phố của Đà Lạt. Sau đó chuyển qua tấn công địch ở nông thôn, tập kích đánh quân địch giải tỏa Tùng Nghĩa, Phú Hội. Tại Phan Thiết tập kích 2 lần, mỗi lần chiếm giữ 2-3 ngày, chiếm lĩnh có thời gian nhiều vị trí, khu phố trong thị xã. Sau đó, bước 2 chuyển ra đánh địch ở vùng ven giải tỏa Phú Long Kim, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề.
 
Vượt qua muôn trùng khó khăn, thiếu thốn, các chiến sĩ của Khu VI đã phải dùng chính những mảnh dù pháo sáng của địch làm tấm đắp, làm mùng ngăn muỗi, hay lấy chính những chiếc ca, chiếc bi đông... là chiến lợi phẩm thu được của địch để làm vật dụng trang bị cho mình.
 
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, tình hình chiến sự đã thay đổi về cục diện có lợi cho phong trào đấu tranh cách mạng. Quân và dân Khu VI lãnh đạo các địa phương vùng lên giành chính quyền, phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực thực hiện 2 đợt tấn công mùa khô năm 1974-1975 giải phóng huyện Hoài Đức - Tánh Linh và 2 tỉnh Lâm Đồng, Tuyên Đức... Ta đã giành thắng lợi to lớn dồn dập, giải phóng Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng... toàn bộ khu V và từ Khu VI đến Khu IX, lực lượng của địch bị tiêu diệt và tan rã nhanh chóng. Tháng 4/1975, tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hoàn toàn giải phóng. 
 
Quân và dân Khu VI cùng với Nhân dân cả nước tham gia cuộc tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, với những thành tích đáng tự hào, có nhiều đóng góp khi mở một cửa ngõ tiến về Sài Gòn. Đúng 11h30’ ngày 30/4/1975 cánh cửa Dinh Độc Lập bị húc đổ, chế độ chính quyền Sài Gòn tan rã, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. 
 
Ngày nay, Khu VI đã trở thành địa danh lịch sử, các đô thị nghèo xác xơ, các cánh rừng cháy xém vì bom đạn năm xưa cũng không còn nữa, những vết thương chiến tranh đang dần được hàn gắn... Các thị xã của Khu VI xưa kia nay đã chuyển mình thành những đô thị hiện đại, năng động. Những cánh rừng cháy trụi bởi bom đạn kẻ thù nay đã xanh ngắt bởi những cánh rừng cao su, những đồi chè, cà phê... đem lại đời sống ấm no cho Nhân dân Khu VI.
 
Khu vực huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng ngày nay là một trong những căn cứ quan trọng của Khu ủy Khu VI trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tại Nhà truyền thống Khu VI (Thôn 5, xã Đức Phổ, huyện Cát Tiên) trưng bày hơn 200 hiện vật giới thiệu về bối cảnh lịch sử của chiến trường miền Nam Việt Nam giai đoạn 1960-1961 dẫn đến sự hình thành chiến trường Khu VI như: Bản đồ hình thái quân Khu VI giữa năm 1965; hình ảnh, hiện vật và tư liệu của các đồng chí lãnh đạo của Khu ủy, Quân khu và một số cơ quan, các ban Đảng của Khu VI trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ nói chung và tại căn cứ nói riêng.
 
Tượng đài chiến thắng Khu VI, biểu tượng cho tinh thần đại đoàn kết dân tộc, thể hiện khí chất anh hùng và tinh thần quyết chiến quyết thắng, là chứng tích lịch sử ghi đậm những chiến công hiển hách của quân và dân Khu VI...
 
Khu di tích lịch sử căn cứ kháng chiến Khu VI đã được xếp loại cấp Quốc gia, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay. Những hiện vật, tư liệu, hình ảnh lịch sử được lưu giữ tại tại đây không còn là của riêng ai mà đã trở thành những chứng tích ghi đậm những chiến công hiển hách của quân và dân Khu VI. Những giá trị thiêng liêng về một thời oanh liệt cùng với những hy sinh mất mát sẽ trở thành niềm kiêu hãnh, biểu tượng vững bền cho lòng yêu nước, ý chí chiến đấu quật cường cho độc lập tự do của cả dân tộc Việt Nam nói chung và quân dân Khu VI nói riêng.
 
HỒNG VĨNH