Ngày bước chân vào ngành Thủy lợi, chúng tôi được nghe lời giáo huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việt Nam ta có hai tiếng Tổ quốc, ta cũng gọi Tổ quốc là đất nước. Có đất có nước mới thành Tổ quốc. Có đất lại có nước thì dân giàu, nước mạnh. Nước cũng có thể làm lợi nhưng cũng có thể làm hại, nhiều nước quá thì úng lụt, ít nước quá thì hạn hán. Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho đất với nước điều hòa với nhau, để nâng cao đời sống Nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Câu nói ấy đã ăn sâu vào tiềm thức của những người làm công tác thủy lợi và được xem là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của ngành.
|
Chuyên gia Việt Nam (đ/c Mai Nam Dương - Giám đốc XN thiết kế) theo dõi người dân XeamReap đào kênh thủy lợi . |
Sau ngày thống nhất đất nước, chúng tôi được phân công thực hiện nhiệm vụ chủ yếu của ngành về công tác thủy lợi trong toàn tỉnh Lâm Đồng. Bước chân của những cán bộ, công nhân khảo sát, thiết kế thủy lợi đi đến đâu là nước về đến đấy. Nhìn những cánh đồng xanh tươi trên những vùng đất mới trong toàn tỉnh, chúng tôi không khỏi tự hào mình đã góp phần xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp.
Năm 1986, thực hiện chủ trương giúp nước bạn, trong tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Campuchia, tỉnh Lâm Đồng đã kết nghĩa với tỉnh Xiêm Riệp, đây là tiền đề để chúng tôi được lên đường mang màu xanh cho ruộng đồng, giúp nước bạn phục hồi kinh tế sau ngày đất nước khỏi ách diệt chủng của Pôn Pốt - Iêng Sơ ri.
Chúng tôi, những chuyên gia kỹ thuật được tỉnh Lâm Đồng chọn (gồm 3 kỹ sư thủy lợi, 6 cán bộ kỹ thuật là: Mai Nam Dương, Lương Văn Ngự, Lê Văn Mưu, Ngô Hoàng Phúc, Lê Công Quảng, Trần Xuân Lan, Trần Đình Hà, Lê Công Nam và Phạm Văn Vĩnh) lên đường làm nhiệm vụ quốc tế; do đồng chí Giám đốc Xí nghiệp Mai Nam Dương là người tình nguyện dẫn anh em sang làm công tác thủy lợi tại tỉnh Xiêm Riệp.
Trước đó, năm 1986, ngành Thủy lợi đã cử đồng chí Cù Tuấn Hải - Phó Giám đốc sở, và các đồng chí Phan Duy Trừ, Lương Văn Ngự, Lê Công Quảng đi tiền trạmcùng với các ngành Khí tượng Thủy Văn, Xây dựng, Giao thông.
Tháng 4 năm 1987, Đoàn khảo sát thiết kế chúng tôi nhận lệnh lên đường, dự kiến ban đầu chúng tôi đi bằng phương tiện máy bay từ Tân Sơn Nhất (Việt Nam) sang Xiêm Riệp (Camphuchia). Nhưng do tình hình lúc bấy giờ Mặt trận 479 không sắp xếp được, chúng tôi phải đi đường bộ qua cửa khẩu Mộc Bài, đến thủ đô Phnôm Pênh qua Bat Tam Bang trong niềm hân hoan, háo hức và tự hào là được góp một phần công sức nhỏ bé của mình giúp nước bạn phục hồi kinh tế thời hậu chiến. Một kỷ niệm mà chúng tôi còn nhớ mãi khi dừng chân nghỉ qua đêm ở Phnôm Pênh, chúng tôi được lệnh chờ xe của quân đội tình nguyện để tiếp tục cuộc hành trình lên Xiêm Riệp. Sáng hôm sau, đúng hẹn, chúng tôi đến điểm tập kết, nhưng đoàn quân của bộ đội ta đã xuất phát từ sáng sớm (có lẽ do an ninh trong việc chuyển quân); thế là chúng tôi đành phải ở lại Phnôm Pênh gần nửa tháng, chờ liên hệ với các cấp chính quyền để có phương tiện lên Xiêm Riệp. Một điều may mắn cho chúng tôi, chuyến xe bộ đội ta khởi hành ngày hôm ấy đã gặp phải tàn quân của địch và phải chiến đấu ác liệt để bảo toàn quân số. Trong trận này, không ít bộ đội ta bị thương vong... Nếu như hôm ấy không trễ hẹn, thì số phận chúng tôi, những chuyên gia dân sự không biết sẽ ra sao giữa đạn bom.
Chúng tôi, tiền hết, lương thực cũng không còn vì phải chờ đợi dài ngày tại Phnôm Pênh, rất may được các anh bộ đội của Mặt trận 479 và A40 giúp đỡ về thức ăn, nước uống bố trí đi đường hàng không lên Xiêm Riệp. Chúng tôi được đồng chí Phan Duy Trừ đón tại sân bay Xiêm Riệp và đưa về trụ sở Đoàn chuyên gia lưu trú.
Tại đây, nhiệm vụ chúng tôi ngày ngày đi đo đạc, khảo sát nắm bắt các số liệu phục vụ cho việc thiết kế, phục hồi hệ thống kênh dẫn nước từ hồ Baray về tưới cho cánh đồng lúa của Trại giống lúa Tuek Vil. Hồ Baray là hồ lớn nhất tại tỉnh Xiêm Riệp nằm ngay phía Tây của thành Angkor Thom có hình chữ nhật kích thước khoảng 8 km x 2 km, qua chiến tranh và điều kiện kinh tế của nước bạn, nhất là hệ thống kênh bị vùi lấp theo thời gian, hồ chưa phát huy hết khả năng cấp nước trong khu vực. Những ngày đi khảo sát, chúng tôi cứ lội xuống ruộng nước mà đi... Có lúc đồng chí trưởng đoàn thắc mắc hỏi, tại sao chuyên gia thủy lợi cứ đi dưới nước... Chúng tôi cười trả lời vui: - Báo cáo đồng chí, dân thủy lợi thích nước lắm. Đi như thế người ta mới biết mình là chuyên gia thủy lợi! ... Nhưng thật lòng, chúng tôi thầm bảo nhau, đi dưới nước sẽ an toàn hơn, ít bị mìn “cóc” của địch cài lại.
Thời gian qua mau, đồ án thiết kế đã được duyệt. Lãnh đạo và nhân dân Campuchia tại tỉnh nhà đã phát động công tác thủy lợi trong toàn tỉnh, từng đoàn thanh niên, phụ nữ và dân công tham gia đào kênh dẫn nước. Những tuyến kênh do chúng tôi thiết kế đã dẫn nước về đến từng mảnh ruộng khô cằn mà bao năm thiếu nước. Người dân Campuchia tại địa phương reo hò khi nước về đến khu ruộng của họ, đặc biệt cánh đồng lúa Tuek Vil ngày càng xanh tươi. Dòng kênh xanh của chúng tôi mang một dòng nước mát lành, đã tưới lên tình hữu nghị giữa hai tỉnh Lâm Đồng - Xiêm Riệp nói riêng và của cả hai dân tộc Việt Nam - Campuchia. Câu khẩu hiệu ngày nào ghi trên bức tường tại Đoàn chuyên gia chúng tôi: “Tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia đời đời bền vững” lại vang lên trong mỗi chúng tôi, những chuyên gia Việt Nam tại Xiêm Riệp ngày ấy.
MƯU LÊ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin