Đồng chí Trường Chinh với công tác tư tưởng – văn hóa

06:12, 02/12/2022
Giống như nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước ta, trước khi là cán bộ cách mạng chuyên nghiệp, đồng chí Trường Chinh đã dùng báo chí là phương tiện hữu hiệu để thể hiện tâm nguyện đời mình là “dùng cán bút làm đòn xoay chế độ”. 
 
Đồng chí Trường Chinh trò chuyện với các thành viên Ban Soạn thảo văn kiện Đại hội VI, tháng 11-1986
Đồng chí Trường Chinh trò chuyện với các thành viên Ban Soạn thảo văn kiện Đại hội VI, tháng 11-1986
 
Theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cương vị làm Tổng Bí thư 3 khóa, đồng chí Trường Chinh nhận thức sâu sắc đội quân báo chí, văn nghệ là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng- văn hóa; là lực lượng “đi trước, mở đường” cho toàn bộ các hoạt động lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta. Chính vì vậy, tôi thật sự tâm đắc và cảm phục khi đọc các bài viết của ông trong tác phẩm “Về văn hóa và nghệ thuật” (gồm 2 tập), do Nhà xuất bản Văn học tuyển chọn và phát hành vào năm 1986. Trong 2 tập sách, ông đề cập nhiều vấn đề căn cốt trong hoạt động tư tưởng và nghệ thuật. Trong phạm vi bài viết này, tôi xin phép tóm lược những quan điểm cơ bản của ông về báo chí, một lực lượng xung kích của xung kích trên mặt trận tư tưởng và văn hóa.
 
Đồng chí Trường Chinh với các đại biểu tỉnh Bến Tre và thành phố Hồ Chí Minh dự Đại hội VI của Đảng (tháng 12, năm 1986). Ảnh | TL
Đồng chí Trường Chinh với các đại biểu tỉnh Bến Tre và thành phố Hồ Chí Minh dự Đại hội VI của Đảng (tháng 12, năm 1986). Ảnh | TL
 
1. Nhà lãnh đạo luôn coi báo chí là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng- văn hóa
 
Trong quá trình hoạt động cách mạng, Trường Chinh là hiện tượng điển hình về sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nhiều “nhà”: nhà chính trị, nhà tư tưởng, nhà lý luận, nhà văn hóa, nhà báo, nhà thơ…; trong đó hoạt động báo chí là một trong những nét nổi bật nhất của một lãnh tụ trong suốt cuộc đời cách mạng. Kể từ khi tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1928 cho đến lúc đảm nhiệm cương vị Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ vào giữa năm 1940, ông đã làm chủ bút và trực tiếp viết báo ở hàng chục tờ báo và tạp chí, như Dân cày, Búa liềm, Con đường sáng, Đuốc Việt Nam… Bị địch bắt vào tù, ông vẫn viết cho các tờ Suối reo, Lao tù… Từ năm 1942, trên cương vị Tổng Bí thư, ngoài việc chỉ đạo các hoạt động hằng ngày của Đảng, ông trực tiếp phụ trách báo Cờ giải phóng và cũng là người viết bài chủ yếu. Ngày 12/3/1945, Trường Chinh viết “Chỉ thị Nhật- Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Năm 1947, ông trực tiếp chỉ đạo Ban Tuyên truyền và báo Sự Thật (dưới danh nghĩa là cơ quan tuyên truyền và cổ động của Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương). Cần nhấn mạnh một sự kiện mang tầm tổng kết lý luận và thực tiễn sâu sắc- đó là vào năm 1943, trước khi Đảng ta giành chính quyền, ông đã trực tiếp khởi thảo Đề cương văn hóa, đặt nền tảng cho những quan điểm có tính định hướng về xây dựng và phát triển nền văn hóa của dân tộc ta sau này, với ba phương châm là dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa.
 
Sau Đại hội lần thứ III của Đảng (9/1960), trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, ông thường xuyên đọc báo, nghe đài, góp ý kiến cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động báo chí. Khi cần thiết, ông trực tiếp viết một số bài xã luận quan trọng về đối nội, đối ngoại cho báo Đảng. Kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn cách mạng sôi động, ông cùng đội quân viết báo chuyên nghiệp và không chuyên đã biến báo chí thành vũ khí sắc bén, thật sự là lực lượng xung kích trong công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối của Đảng; đồng thời tập hợp, hướng dẫn quần chúng nhân dân ủng hộ, thực thi các nhiệm vụ cách mạng do Đảng đề ra. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945- đó là Đảng ta đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo có hiệu quả công tác tuyên truyền và công tác báo chí.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp sau phiên họp Hội đồng Chính phủ tại đèo De, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang (năm 1950). Ảnh Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp sau phiên họp Hội đồng Chính phủ tại đèo De, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang (năm 1950). Ảnh Tư liệu
 
2. Mối quan hệ giữa biểu dương và phê phán
 
Là nhà lý luận xuất sắc của Đảng, Trường Chinh rất coi trọng việc nắm bắt thực tiễn đời sống, thường xuyên lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân. Tại Đại hội II, Hội Nhà báo Việt Nam họp tại Hà Nội ngày 16/4/1959, ông có cuộc đối thoại cởi mở với các đại biểu chung quanh các vấn đề cơ bản nảy sinh trong thực tiễn hoạt động báo chí, trong đó ông dành nhiều thời gian đề cập, lý giải mối quan hệ giữa biểu dương và phê phán trên báo chí. Ông nhắc lại quan điểm của Bộ Chính trị trong Nghị quyết ngày 8/12/1958: “…Trong sự thật ở miền Bắc nước ta hiện nay, cái tốt là chủ yếu, là căn bản, nhưng không phải không còn cái xấu. Không nên ngại vạch cái xấu, không nên tránh nói khó khăn, khuyết điểm… Nói khó khăn, khuyết điểm cốt để giáo dục cán bộ, đảng viên và quần chúng ra sức tìm cách phấn đấu, tìm cách vượt qua để giành thắng lợi, chứ không phải để làm nản lòng quần chúng”. Ông chỉ rõ, cùng với những mặt tốt của phong trào cách mạng, vẫn đang tồn tại những tàn tích của tư tưởng, tác phong, tập quán lạc hậu và hủ bại của chế độ cũ; những thói xấu như lười biếng, tham ô, lãng phí, quan liêu, bảo thủ, tự do chủ nghĩa, vô tổ chức, vô kỷ luật… đang cản trở đà tiến lên của xã hội mới. Ông cho rằng, hiện nay, báo chí thường hay biểu dương thành tích và ưu điểm quá mức và một chiều, ít nói những khuyết điểm và khó khăn, làm cho người xem sinh ra chủ quan, tự mãn. Ông cũng lưu ý hiện tượng có một số người lợi dụng phê phán trên báo chí để bôi đen chế độ, đả kích sự lãnh đạo của Đảng, làm cho quần chúng phân tâm và hoang mang- điều đó cần được báo chí phân tích, đấu tranh để bảo vệ đường lối đúng đắn của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ông nhấn mạnh nhiệm vụ của báo chí là “xây” và “chống”, nhưng phải coi việc xây dựng, biểu dương những nhân tố mới, người mới, việc mới là chính.
 
Ông căn dặn, báo chí cần thực hiện tốt việc phê bình và tự phê bình trên báo chí. “Hiện tại, có nơi quần chúng chưa coi tờ báo như cơm ăn, nước uống, thiếu tờ báo thì nhớ và thèm. Họ chưa thật sự coi tờ báo như người bạn, người đồng chí, người cố vấn, người thầy; chưa thấy rõ tờ báo là cái cầu tinh thần giữa mình với lãnh đạo. Vì thế tác dụng của tờ báo đối với mọi mặt công tác ở cơ sở còn bị hạn chế nhiều”. Ông ghi nhận sự cố gắng lớn lao của báo chí trong việc phát hiện những điển hình về người mới, việc mới để đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, như các phong trào Duyên hải, Đại phong, Thành công, Ba nhất, Hai tốt… Nhưng theo ông, nếu ta viết hay hơn, làm cho tờ báo đến tay quần chúng nhanh và đều hơn thì tác dụng tích cực của báo chí được lan tỏa rộng. Theo ông, để đạt được mục đích ấy, nội dung tờ báo phải đề cập thiết thực, sinh động và phong phú hơn, hợp với trình độ quần chúng hơn; phải cải tiến việc phát hành báo chí và coi trọng việc nâng cao trình độ văn hóa đọc cho quần chúng.
 
Tại hội nghị này, ông cũng làm rõ nhiệm vụ phải tăng cường tính đảng của báo chí. Ông khẳng định: “Tất cả những tờ báo của chế độ ta, bất cứ là báo Đảng hay không, đều phải có tính đảng vô sản, thể hiện ở việc tuyên truyền, cổ động kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng; tuyệt đối phục tùng sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành đúng những chỉ thị của Đảng và Chính phủ, chống mọi sự gièm pha, xuyên tạc và đả kích của kẻ địch, đấu tranh bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin; củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước”…
 
Để nâng cao chất lượng mọi mặt của báo chí, ông chân tình chỉ ra mấy nhiệm vụ của cán bộ, phóng viên: trước hết, phải nghiên cứu, nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước; không ngừng học tập nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, chuyên môn; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của báo chí tiên tiến trên thế giới. Ông nhắc nhở: Mỗi người làm báo, nhất là các tổng biên tập và ban lãnh đạo báo, phải gần gũi quần chúng, đi sâu vào phong trào quần chúng, gương mẫu rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, có tinh thần hy sinh, phấn đấu vì độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Cùng với nhiệm vụ quan trọng đó, mỗi cơ quan báo chí cần xây dựng đội ngũ cộng tác viên về mọi lĩnh vực, chú ý nghiên cứu trích đăng hoặc trả lời thư bạn đọc- đây là một kênh quan trọng phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
 
Thiết nghĩ, những lời căn dặn trên đây vẫn còn nguyên giá trị thời sự đến hôm nay. Theo hướng đó, chúng ta đã và đang triển khai thực hiện 12 tiêu chí về văn hóa báo chí trong các cơ quan báo chí (gồm sáu điều cho cơ quan báo chí và sáu điều cho cá nhân làm báo) nhằm thực hiện có hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021.
 
Hà Nội, 25/11/2022
 
(Theo tuyengiao.vn)