Sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế: Nhân tố quan trọng làm nên chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"

04:12, 21/12/2022
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (19/12/1972) là một trong những chiến công oanh liệt, là bản hùng ca vĩ đại trong thế kỷ XX; mãi đi vào lịch sử dụng nước và giữ nước của dân tộc ta như những “Chi Lăng”, “Hàm Tử”, “Đống Đa”, trở thành biểu tượng của ý chí, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Chúng ta chiến thắng vì đã phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc và thời đại, trong đó “sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới”(1) là một nhân tố quan trọng làm nên chiến thắng lịch sử này.
 
Tự vệ Nhà máy Y Hà Nội ngày đêm nêu cao tinh thần cảnh giác, luyện tập sẵn sàng chiến đấu, bắn rơi máy bay Mỹ gây tội ác ở Thủ đô trong 12 ngày đêm tháng 12/1972. Ảnh: TTXVN
Tự vệ Nhà máy Y Hà Nội ngày đêm nêu cao tinh thần cảnh giác, luyện tập sẵn sàng chiến đấu, bắn rơi máy bay Mỹ gây tội ác ở Thủ đô trong 12 ngày đêm tháng 12/1972. Ảnh: TTXVN
 
SỰ ĐỒNG TÌNH ỦNG HỘ, GIÚP ĐỠ CỦA BẠN BÈ VÀ NHÂN DÂN TIẾN BỘ TRÊN TOÀN THẾ GIỚI
 
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã ghi vào lịch sử dân tộc như một trong những chiến công chói lọi nhất, oanh liệt nhất của quân và dân ta. Đây là dấu son lịch sử mà muôn đời sau chúng ta còn ghi nhớ. Chúng ta chiến thắng vì đã huy động được sức mạnh tổng hợp dân tộc và thời đại, trong đó yếu tố giữ vai trò then chốt, quyết định nhất chính là sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, tài tình, sáng tạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh; quân và dân ta đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, quyết đánh, biết đánh và quyết thắng kẻ thù. Trung tướng Victor Ivanovich Filippov, cựu chuyên gia quân sự Liên Xô, từng công tác tại Trung đoàn 263, Sư đoàn 4, Quân khu 4 và mặt trận ngoại thành Hà Nội năm 1972 đã khẳng định: “Việt Nam là một dân tộc anh hùng… không có bất kỳ một yếu tố bên ngoài nào đóng vai trò quyết định trong chiến thắng này, mà chính là nhân dân Việt Nam đã anh dũng bảo vệ đất nước của mình”. Tuy nhiên, chúng ta sẽ còn ghi nhớ và mãi mãi biết ơn sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới đối với nhân dân ta trong cuộc chiến khốc liệt này. Đó là sức mạnh từ tình đoàn kết quốc tế cao cả đã góp phần quan trọng làm nên 12 ngày đêm lịch sử của dân tộc, thể hiện trên một số nội dung sau:
 
Thứ nhất, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình Mỹ và bạn bè quốc tế
 
Đây là một động lực quan trọng, tiếp thêm niềm tin và sức mạnh để chúng ta chiến đấu và chiến thắng. Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam là mưu đồ của những kẻ “diều hâu”, hiếu chiến trong chính quyền Mỹ, không phải là ý chí chung của toàn thể nhân dân Mỹ. Vì vậy, mặc dù chính quyền Mỹ đã dùng mọi cách tuyên truyền, xuyên tạc, bưng bít sự thật, nhưng nhân dân yêu chuộng hòa bình Mỹ vẫn thấu hiểu và dành sự ủng hộ to lớn đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến này. Suốt cuộc chiến tranh, hàng chục cuộc biểu tình lớn phản đối Mỹ đưa quân xâm lược Việt Nam đã diễn ra trên đất Mỹ, nhiều người đã có những hành động quyết liệt để phản đối chiến tranh như hành động tự thiêu của Morixơn trước Lầu Năm góc. Sự phản ứng đó đã tạo ra sức ép lớn đối với chính quyền Mỹ trong cuộc chiến xâm lược Việt Nam.
 
Khi chính quyền của Tổng thống Nichxơn quyết định ném bom hủy diệt Hà Nội bằng B-52, với mưu đồ “đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”, sự phản ứng của nhân dân Mỹ đã lên cao đỉnh điểm. Tại Mỹ, Tổng thống Nichxơn bị chỉ trích là “điên rồ”. Nhiều người trước đó đã từng ủng hộ Mỹ xâm lược Việt Nam cũng cảm thấy ghê sợ về sự tàn bạo của chiến dịch này, quay lại phản đối chính quyền Mỹ. Thượng viện và Hạ viện Mỹ cũng đã gây sức ép lớn, buộc Tổng thống Nichxơn phải tuyên bố ngừng ném bom Hà Nội ngày 30 tháng 12 năm 1972.
 
Cùng với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới, nhân dân Mỹ cũng đã thấu hiểu và dành cho Việt Nam sự ủng hộ to lớn về tinh thần trong cuộc chiến chống xâm lược Mỹ, đặc biệt là trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối năm 1972. Sự phản đối kịch liệt của nhân dân Mỹ là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất buộc chính quyền của Tổng thống Nichxơn phải dừng lại chiến dịch ném bom tàn bạo này. Tinh thần ấy cũng lan tỏa đến nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, làm cho nhiều nước nhận diện đúng sự thật, phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và ủng hộ, giúp đỡ cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân ta.
 
Sự đồng tình ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam đã góp phần tạo nên sức ép lớn trên trường quốc tế, buộc Mỹ phải dừng cuộc tập kích bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã trên miền Bắc.
 
Chiến dịch ném bom tàn bạo, mang tính hủy diệt của đế quốc Mỹ đối với Việt Nam 12 ngày đêm cuối năm 1972 đã vấp phải những phản ứng dữ dội từ dư luận quốc tế. Khắp nơi trên thế giới, nhân dân yêu chuộng hòa bình đã bằng nhiều cách khác nhau bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, lên tiếng đòi Mỹ phải dừng ngay chiến dịch dã man này.
 
Các nước xã hội chủ nghĩa gây áp lực để yêu cầu chính phủ của mình chính thức lên án các cuộc ném bom. Trung Quốc và Liên Xô đều đặn thể hiện sự bất bình trước việc tái ném bom trước công luận quốc tế. Tiếng nói của các nước này đã góp phần quan trọng giúp nhân dân thế giới hiểu rõ hơn về mục đích cũng như tính chất tàn bạo của chiến dịch mà Mỹ đang tiến hành đối với Việt Nam, qua đó tăng thêm sự đồng cảm và ủng hộ của nhân loại yêu chuộng hòa bình đối với Việt Nam.
 
Không chỉ có các nước xã hội chủ nghĩa anh em, nhân dân và chính phủ của nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ nói chung và trong cuộc chiến chống B-52 ném bom miền Bắc nói riêng. Thụy Điển là một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ nhất cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam. Cựu Thủ tướng Olof Palme từng đích thân xuống đường, đến một cửa hàng bách hóa tổng hợp để lấy chữ ký phản đối Mỹ ném bom Việt Nam. Ngày 23 tháng 12 năm 1972, ông đọc diễn văn trên đài phát thanh quốc gia, so sánh hành động ném bom Hà Nội của Mỹ với những cuộc tàn sát nổi tiếng trong lịch sử. Việc này làm chính quyền Mỹ giận dữ và đóng băng quan hệ ngoại giao với Thụy Điển trong suốt một năm. Tại Pari, báo Le Monde so sánh với cuộc ném bom Guernica, cuộc ném bom hủy diệt Guernica do phát xít Đức thực hiện trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Tờ báo lớn nhất của Anh, the Daily Mirror, bình luận: “Việc Mỹ quay lại ném bom Bắc Việt Nam đã làm cho cả thế giới lùi lại vì ghê sợ”. Các chính phủ Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland Anh, Ý cũng lên tiếng phản đối Mỹ trong chiến dịch này. Bên cạnh đó, hàng chục cuộc biểu tình lớn nhỏ phản đối Mỹ tái ném bom xuống Việt Nam đã được tổ chức trên khắp thế giới.
 
Sự đồng tình ủng hộ của bạn bè quốc tế đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho quân và dân ta trong chiến dịch lịch sử này. Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam là một cuộc chiến tranh chính nghĩa, là đại diện của lương tri nhân loại chống lại chủ nghĩa đế quốc, giương cao lá cờ độc lập, tự do. Chúng ta không đơn độc trong cuộc kháng chiến vĩ đại này mà luôn nhận được sự đồng tình ủng hộ to lớn của nhân nhân yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới. Với sự đồng tình ủng hộ đó, chúng ta đã củng cố niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của chiến dịch.
 
Thứ hai, sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô và bạn bè quốc tế về vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật và cố vấn quân sự
 
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, chúng ta thường xuyên nhận được sự giúp đỡ chí tình của bạn bè quốc tế, đặc biệt là các nước xã hội chủ nghĩa về vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật và chuyên gia quân sự. Phải đương đầu với đế quốc Mỹ hùng mạnh, với vũ khí tối tân, nếu chúng ta không nhận được những sự giúp đỡ này thì chắc chắn sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Đặc biệt là trong chiến dịch 12 ngày đêm năm 1972, Mỹ đã sử dụng máy bay ném bom chiến lược B-52 với mưu đồ khuất phục bằng được ý chí của nhân dân ta. Đây là loại máy bay ném bom tối tân nhất trên thế giới lúc bấy giờ, được Mỹ coi như là con bài chiến lược để đối phó với sức mạnh quân sự của Liên Xô - đối trọng lớn nhất của Mỹ. Sử dụng chúng trong cuộc chiến với một đất nước nhỏ bé, với tiềm lực khoa học quân sự nghèo nàn như Việt Nam, các sĩ quan chỉ huy của Mỹ đã ngạo mạn cho rằng, các phi công B-52 của họ bay vào Hà Nội, ném bom rồi bay về căn cứ giống như “một cuộc dạo chơi”. Theo tính toán của Mỹ, hệ thống phòng không của miền Bắc Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng sẽ không thể chạm được tới “siêu pháo đài bay B-52” của chúng.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã sớm dự báo nhất định Mỹ sẽ đem B-52 đến ném bom Hà Nội, ta đã có sự chuẩn bị từ trước. Trong đó, Liên Xô đã dành cho chúng ta sự giúp đỡ to lớn cả về vũ khí, trang thiết bị và con người. Ngày 27/3/1965, Liên Xô đã ký hiệp nghị viện trợ quân sự với Việt Nam dân chủ cộng hòa; trong đó, viện trợ cho Việt Nam 4,5 cơ số tên lửa CA.75M mà Phương Tây gọi là SAM-2 gồm 54 quả cùng toàn bộ khí tài, trang bị kỹ thuật kèm theo để thành lập 2 trung đoàn tên lửa phòng không đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là loại tên lửa hiện đại, có tầm vươn cao tới 27km và tầm bắn tới 35km, hoàn toàn có khả năng tiêu diệt được B-52 của Mỹ. Sau đó, Liên Xô còn tiếp tục hỗ trợ để Việt Nam không ngừng tăng cường khả năng phòng không, sẵn sàng đối phó khi Mỹ đưa B-52 đến bầu trời Hà Nội. Tuy nhiên, B-52 là máy bay ném bom chiến lược của Mỹ, được trang bị hệ thống gây nhiễu hiện đại và còn được bảo vệ bởi nhiều máy bay chiến thuật khác. Do đó, không dễ để có thể bắn hạ B-52. Để giúp cho bộ đội tên lửa của ta có thể làm chủ vũ khí, đồng thời nghiên cứu cách đánh B-52, Liên Xô còn gửi sang Việt Nam nhiều chuyên gia quân sự giỏi. Sự giúp đỡ của các chuyên gia quân sự Liên Xô trong lĩnh vực tên lửa phòng không có vai trò rất quan trọng làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Ngay từ tháng 4/1965, các chuyên gia quân sự thuộc Binh chủng Tên lửa phòng không của Liên Xô đã tới Việt Nam để huấn luyện kỹ thuật cho bộ đội tên lửa Việt Nam. Nội dung huấn luyện gồm: Cấu tạo, tính năng, cách vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa tên lửa; huấn luyện trắc thủ, tổ chức khẩu đội chiến đấu… Đầu tháng 7/1965, sau khi tiếp nhận đầy đủ vũ khí, khí tài tên lửa và được huấn luyện thuần thục, hai Tiểu đoàn 63 và 64 thuộc Trung đoàn Tên lửa phòng không 236 (Trung đoàn tên lửa phòng không đầu tiên của quân đội ta) đã đủ điều kiện để sẵn sàng chiến đấu. Tiếp theo, các chuyên gia quân sự Liên Xô tiếp tục giúp ta huấn luyện Trung đoàn Tên lửa phòng không 238, Trung đoàn Tên lửa phòng không 285, Trung đoàn Tên lửa phòng không 263… Năm 1968, Liên Xô còn đưa các chuyên gia về lĩnh vực rađa sang giúp bộ đội Việt Nam nghiên cứu, đưa ra những biện pháp nâng cao hiệu quả tác chiến của tên lửa trong điều kiện địch sử dụng các biện pháp gây nhiễu mới.
 
Theo dự tính của Mỹ, để có thể làm chủ được các vũ khí, trang thiết bị quân sự hiện đại mà Liên Xô viện trợ cho ta, bộ đội tên lửa của ta sẽ phải mất ít nhất 1 năm học tập. Tuy nhiên, nhờ sự nhanh trí và sáng tạo, đồng thời nhờ có sự giúp đỡ, chỉ bảo tận tình của các chuyên gia Liên Xô, các chiến sĩ tên lửa của chúng ta chỉ mất 2, 3 tháng là đã có thể làm chủ vũ khí, khí tài phòng không hiện đại, kịp thời tham gia chiến đấu với giặc Mỹ, bảo vệ miền Bắc và Hà Nội. Tên lửa SAM-2 nhanh chóng được đưa vào chiến đấu đạt hiệu quả cao. Bộ đội tên lửa với vũ khí SAM-2 đã trở thành một trong những lực lượng nòng cốt bảo vệ bầu trời Tổ quốc.
 
Trong những ngày ác liệt nhất của chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, dưới làn mưa bom của giặc Mỹ, nhiều chuyên gia quân sự Liên Xô vẫn không quản ngại hiểm nguy, gian khổ, kiên trì bám trụ cùng quân dân Hà Nội để không ngừng cải tiến cách đánh B-52, góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử này. Trong sự giúp đỡ, ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam góp phần làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không” thì sự giúp đỡ của nhân dân và quân đội Liên Xô đối với quân và dân ta về con người và vũ khí trang bị là đặc biệt quan trọng.
 
PHÁT HUY BÀI HỌC CỦA CHIẾN THẮNG “HÀ NỘI – ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG” Ở NƯỚC TA HIỆN NAY
 
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung và trong chiến dịch 12 ngày đêm nói riêng, quân và dân ta đã luôn nhận được sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ to lớn cả về vật chất và tinh thần của bạn bè quốc tế, của nhân loại yêu chuộng hòa bình. Đó là một trong những yếu tố quan trọng không thể thiếu góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt - không những của quân và dân ta, mà còn là chiến thắng của chính nghĩa, hòa bình trên thế giới. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc (khi là Thủ tướng Chính phủ) đã nhấn mạnh: “Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” còn có ý nghĩa quan trọng đối với phong trào đấu tranh vì hoà bình của nhân dân thế giới; đem lại lòng tin cho hàng triệu triệu người trên Trái đất đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Cùng với những chiến thắng Chi Lăng, Bạch Đằng, Vạn Kiếp, Đống Đa, Điện Biên Phủ..., “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” mãi mãi trở thành một dấu son chói lọi, viết tiếp thêm một trang sử vẻ vang trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Từ chiến thắng này, chúng ta đã có nhiều bài học kinh nghiệm quý báu mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị, cần được vận dụng sáng tạo trong điều kiện mới”(2). Trong đó, có “bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại; bài học về sự sáng tạo, tự chủ, tự lực, tự cường; bài học về sự giúp đỡ thủy chung, trong sáng của bạn bè quốc tế và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới”(3). Cụ thể là:
 
Một là, làm cho thế giới có cái nhìn khách quan, đúng đắn về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam cũng như những thành quả của sự nghiệp đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta
 
Trong Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không”, sở dĩ chúng ta nhận được sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ to lớn của bạn bè quốc tế là do nhân dân Mỹ và nhân loại ưa chuộng hòa bình trên thế giới nhận rõ được tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến, của truyền thống yêu nước, quyết đánh, biết đánh và biết thắng của quân và dân ta, mặc cho bọn “diều hâu” lừa phỉnh, cố tình xuyên tạc, che giấu. Hiện nay, Việt Nam đã có vị thế xứng đáng, trách nhiệm cao trong các mối quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động cũng không ngừng tuyên truyền, xuyên tạc, làm cho một số tổ chức, cá nhân trên thế giới có cái nhìn phiến diện, chưa đúng về Việt Nam, vu cáo chúng ta vi phạm “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”, nghèo nàn, lạc hậu, chính quyền, cán bộ, đảng viên “tàn ác với nhân dân”, “tàn phá đất nước”. Những điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của nhân loại tiến bộ về một đất nước Việt Nam anh hùng, hòa bình, thân thiện, “ước muốn muôn đời dập tắt chiến tranh”, luôn đứng về lẽ phải, chính nghĩa, lấy con người, sự phát triển toàn diện của con người là mục tiêu, động lực của sự phát triển đất nước. Đây cũng chính là xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đã, đang xây dựng và nhất định thành công. Vì thế, thông qua các phương tiện, các hình thức đối ngoại, giao lưu…, chúng ta không ngừng quảng bá, giới thiệu về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam với thế giới sẽ là cơ sở thuận lợi để tranh thủ tối đa sự đồng tình ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
 
Hai là, quán triệt và thực hiện có hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng, nét đặc sắc của nền ngoại giao “cây tre Việt Nam”
 
Trong Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không”, chúng ta đã kết hợp chặt chẽ, hiệu quả đấu tranh trên cả ba mặt trận: quân sự, chính trị, ngoại giao. Vì thế, chúng ta đã thực hiện tốt phương châm gắn Việt Nam với thế giới, phát huy sức mạnh tổng hợp, kiềm chế, tấn công, bủa vây kẻ địch, gây khó khăn cho chúng ở chiến trường, trên quốc tế và cả trong nước Mỹ, góp phần tạo so sánh lực lượng và thế trận ngày càng có lợi cho ta. Nó khẳng định vai trò rất quan trọng của công tác ngoại giao, để lại bài học quý giá trong thực hiện đường lối đối ngoại ở nước ta hiện nay.
 
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định, mục tiêu của đối ngoại là “bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc”, tức là đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trước hết và trên hết; đồng thời, chỉ ra nguyên tắc chung là phải luôn nỗ lực đạt được lợi ích quốc gia - dân tộc tới mức cao nhất có thể. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc không có nghĩa nước ta theo chủ nghĩa dân tộc vị kỷ. Chúng ta nhấn mạnh thúc đẩy lợi ích quốc gia - dân tộc phải “trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”, cùng phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
 
Trong giai đoạn hiện nay, lợi ích quốc gia - dân tộc cao nhất là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển đất nước; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và nền văn hóa dân tộc. Công tác đối ngoại hiện nay phải thể hiện vị trí, vai trò tiên phong trong “tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”. Các nhiệm vụ này quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó giữ vững hòa bình, ổn định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; phục vụ phát triển đất nước là nhiệm vụ trung tâm; nâng cao vị thế và uy tín đất nước là nhiệm vụ quan trọng.
 
Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, độc lập, tự cường và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc luôn luôn là nguyên tắc bất biến, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong toàn bộ hoạt động của chúng ta. Bên cạnh các cuộc chiến đấu ngoan cường bảo vệ giang sơn, độc lập, chủ quyền của đất nước, ông cha ta đã luôn luôn chú trọng hoạt động đối ngoại, tạo dựng nên những truyền thống và bản sắc riêng, rất độc đáo của nền ngoại giao và hoạt động đối ngoại Việt Nam. Chúng ta dùng đối ngoại để phòng ngừa, ngăn chặn chiến tranh hoặc để sớm kết thúc chiến tranh trong vị thế có lợi nhất; đối ngoại phải luôn luôn phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp đối nội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là những tư tưởng, triết lý vượt thời đại của cha ông ta, mãi mãi vẫn còn nguyên giá trị.
 
Trong bài phát biểu tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc (14/12/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hoá dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển” (“Thân gầy guộc, lá mong manh, mà sao nên luỹ, nên thành tre ơi!”), thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. Đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tuỳ cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”!”(4).
 
Ba là, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa đối tượng và đối tác trong các quan hệ quốc tế
 
Chúng ta giành chiến thắng trong chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là do biết phân biệt rõ ai là bạn, ai là thù, tranh thủ tối đa sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, phân hóa nội bộ kẻ thù, đặc biệt ngay chính trong chính quyền và nhân dân Mỹ. Bài học này được cụ thể hóa trong việc giải quyết hài hòa giữa đối tượng và đối tác trong các quan hệ quốc tế ở nước ta hiện nay.
 
“Đối tác” được hiểu là “đối tác hợp tác”, còn “đối tượng” là “đối tượng đấu tranh”. Dù là “đối tác hợp tác” hay “đối tượng đấu tranh” thì mục tiêu cuối cùng và tối thượng là vì “lợi ích quốc gia - dân tộc”, “giữ vững ổn định an ninh quốc gia, trật tự xã hội, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa”.
 
Đảng ta luôn khẳng định, Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, với tinh thần “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”(5). Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định phương hướng công tác đối ngoại là: “Đẩy mạnh đối ngoại song phương và nâng tầm đối ngoại đa phương... Coi trọng phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị, truyền thống với các nước láng giềng... Đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác, đặc biệt là các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và đối tác quan trọng khác... Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, hành động can thiệp của các thế lực thù địch vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị đất nước”(6).
 
Về “đối tác”, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 17 nước và đối tác toàn diện với 13 nước. Trong số các đối tác, Việt Nam cũng đặt thứ tự ưu tiên với các nước láng giềng, tiếp đó là các đối tác chiến lược và đối tác toàn diện. Về “đối tượng”, đó là những lực lượng có âm mưu, hành động can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị đất nước.
 
Nhận diện “đối tác”, “đối tượng” là quan trọng song giải quyết hài hòa giữa chúng càng quan trọng. Chúng ta cần kiên định nguyên tắc và kiên trì những vấn đề mang tính chiến lược, nhưng khôn khéo và linh hoạt trong sách lược và triển khai thực hiện. “Dĩ bất biến ứng vạn biến” là nét đặc sắc của nền ngoại giao “cây tre Việt Nam”, luôn là phương châm đối ngoại của chúng ta trong mọi hoàn cảnh, với mọi vấn đề, giữa Việt Nam và các “đối tác”, trong mối quan hệ chuyển hóa giữa “đối tác” và “đối tượng”. Đồng thời, chúng ta cũng linh hoạt trong cách nhìn nhận “đối tác” và “đối tượng”. Cần tránh quan điểm “nếu không ủng hộ ta thì là kẻ thù của ta”. Trong thực tiễn hoạt động đối ngoại, một mặt, Việt Nam phải luôn tỉnh táo nhận thức rằng “không có đồng minh vĩnh viễn”; mặt khác, cần biết tranh thủ những mặt xung đột của các “đối tượng” để có lợi cho ta. Trong quan hệ quốc tế, điều căn bản nhất đối với mọi quốc gia chính là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc.
 
Bốn là, phát huy cao độ tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, tự lực cánh sinh trong thực hiện kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại
 
Đây là một trong những yếu tố quan trọng mà bạn bè quốc tế ngưỡng mộ và sẵn lòng giúp đỡ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến nói chung, chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” nói riêng. Sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế sẽ trở lên vô nghĩa và lãng phí nếu chúng ta không tích cực, chủ động, tự lực cánh sinh, mưu trí, sáng tạo, biến sự giúp đỡ ấy thành sức mạnh gấp bội qua bàn tay, trí óc và những hành động phi thường của quân đội anh hùng, dân tộc anh hùng mang tên Việt Nam.
 
Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, phát huy tinh thần 12 ngày đêm năm xưa, chúng ta càng phải vận dụng bài học này hơn bao giờ hết. Sức mạnh nội lực của con người Việt Nam, đất nước Việt Nam, văn hóa Việt Nam đã được khẳng định qua thực tiễn và là điểm tựa cho sự đầu tư, hợp tác, du lịch, học tập, giao lưu của cộng đồng thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam được các tổ chức quốc tế có uy tín vinh danh ở nhiều hạng mục, là địa điểm lý tưởng hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài và khách du lịch. Chúng ta đi lên chủ nghĩa xã hội trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động, trước những biến cố khắc nghiệt của lịch sử nhưng chúng ta vẫn đứng vững và phát triển vì chúng ta luôn độc lập, tự chủ, sáng tạo, tự lực cánh sinh làm cốt của Đảng ta, nhân dân ta. Đây vừa là cội nguồn sức mạnh của dân tộc ta, vừa là cơ sở thuận lợi nhất cho việc tranh thủ sức mạnh thời đại cho sự nghiệp đổi mới.
 
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã trôi qua 50 năm, song những ký ức về trận thắng oai hùng này vẫn còn được nhân dân ta và nhân dân thế giới ghi nhớ mãi. Chiến thắng đó không chỉ là minh chứng cho sức mạnh của lòng yêu nước, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam, mà còn là biểu tượng chiến thắng của tình đoàn kết quốc tế, để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá. Đây sẽ tiếp tục là cơ sở để chúng ta thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại trong tình hình mới, phát huy tinh thần Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
 
(1) Ban Tuyên giáo Trung ương - Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân : Việt Nam: Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 50 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không (12/1972 - 12/2022), tháng 10/2022.
 
(2) (3) Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Quân chủng Phòng không - Không quân, 12/2017.
 
(4) Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc.
 
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2016, tr. 153.
 
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, H, 2021, t.I, tr. 162-163.
 
(Theo tuyengiao.vn)