Để vén mở bức màn bí mật của một nền văn hóa cổ xưa từ một “Thánh địa tôn giáo” từng bị chôn vùi và lãng quên trong lòng đất giữa đại ngàn Tây Nguyên hàng ngàn năm cùng vị chủ nhân chưa hề được ghi chép trong sử sách là một công việc khó khăn nhưng đầy lý thú và đã gây ra không ít tranh cãi giữa các nhà khoa học, đặc biệt là trong giới khảo cổ. Một số nghiên cứu gần đây cũng đang dần hé lộ...
|
Một số ảnh hiện vật vàng có thể hiện tiểu tượng các vị thần và văn khắc phát hiện tại Di tích khảo cổ Cát Tiên. (Ảnh tư liệu Bảo tàng Lâm Đồng) |
Gần 40 năm kể từ khi được phát hiện (năm 1985), Di tích Khảo cổ Cát Tiên đã trải qua nhiều cuộc điều tra, thám sát và 9 cuộc khai quật quy mô lớn. Các nhà khảo cổ học đã khám phá ra nơi đây là một “Khu thánh địa” gồm nhiều phế tích kiến trúc đền tháp, mộ tháp với quy mô lớn và hoành tráng kéo dài 15 km dọc theo tả ngạn sông Đồng Nai (thuộc huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng). Hàng ngàn hiện vật có giá trị lịch sử - văn hóa khá đặc biệt thu được nơi đây đã đem đến cho nhân loại nhiều thông tin quý báu của một nền văn minh cổ xưa bị lãng quên và chôn vùi trong lòng đất trên cả ngàn năm. Song chủ nhân của nơi này là ai và những ảnh hưởng của nền văn hóa cổ này đối với nền văn hóa láng giềng, cũng như sự giao thoa với các nền văn minh cùng thời trong khu vực vẫn còn là dấu hỏi chấm.
Bí ẩn nằm sau khu thánh địa huyền bí và vị chủ nhân chưa từng được ghi chép trong các thư tịch, sử ký là vấn đề nan giải nhưng không kém phần kỳ thú cho các nhà khoa học, đặc biệt là giới khảo cổ. Ngoài việc nghiên cứu các phế tích kiến trúc và các di vật thu được tại hiện trường khai quật, họ còn phải tập trung nghiên cứu tìm hiểu về văn tự, ký tự được khắc miết (vẽ nét) bằng chữ Phạn (chữ Ấn Độ cổ) trên những mảnh vàng, kết hợp với hình ảnh tham chiếu của các tiểu tượng được thể hiện trên hiện vật được chế tác bằng kim loại vàng tương tự được phát hiện tại di tích. Đây là công việc rất khó khăn vì hiếm người biết và nghiên cứu sâu về dạng chữ cổ này. Thời gian qua, nhiều công trình nghiên cứu công phu của các nhà khoa học, chuyên gia khảo cổ trong và ngoài nước về Di tích Cát Tiên đã góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề lớn của lịch sử khảo cổ miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả chỉ xin được đề cập tới một số kết quả nghiên cứu về văn khắc và tiểu tượng trên những lá vàng tại Di tích Cát Tiên mà các nhà khoa học đã giải mã được. Tuy nhiên, các nghiên cứu này chưa thể nói là thỏa đáng vì công tác phiên dịch còn gặp khó do thiếu chuyên gia chuyên sâu về lĩnh vực này nên chưa thể chú trọng những yếu tố ngôn ngữ địa phương.
Trước hết, về phần văn khắc và ký tự, qua kết quả nghiên cứu tham chiếu của các nhà khoa học, trong đó có công trình của chung của TS. Lê Thị Liên và GS, TS. Michael Witzel (Đại học Harvad, Hoa Kỳ) cho thấy chữ viết trên các lá vàng ở Cát Tiên gần với kiểu chữ Pllava ở miền Nam Ấn Độ vào thế kỷ IV - thế kỷ VI, nhưng một số nét lại có vẻ muộn hơn có thể ở thế kỷ VII-VIII. Xét về văn bản học thì các văn khắc trên những lá vàng Cát Tiên lại được viết bằng chữ Brahmi (chữ Ấn Độ cổ) thời kỳ sau này và có phong cách gần gũi với các văn khắc thuộc các triều đại Calukya và Pallava, “đặc biệt là văn khắc Kadamba vào thế kỷ V-VII. Tuy nhiên, những thay đổi về âm tiết hoặc lối viết khác thường trong một số trường hợp cho thấy phong cách địa phương của việc đọc và viết các từ của ngôn ngữ Sanskris” (1). Về dịch nghĩa, vẫn còn nhiều văn khắc và chữ đơn lẻ trên nhiều mảnh vàng chưa giải nghĩa được, một số trong đó có thể là những câu nói của chủ nhân dâng cúng lễ vật cho vị thần mà họ tôn thờ, tên các vị thần được nhắc đến cụ thể như: Visnu, Indra, Pasupati (Siva), A(ga)stya hay nội dung hình vẽ trên lá vàng. Ngoài ra, trên lá vàng còn khắc câu dâng cúng liên quan đến hình vẽ, giống như văn khắc đã dịch nghĩa được ở một hiện vật có dạng lá vàng dát mỏng phát hiện ở gò 1A, trên bề mặt thể hiện hình bò thần Nadin (vật cưỡi của thần Shiva - vị thần của sự sáng tạo và hủy diệt). Bò thần được thể hiện trong tư thế nằm quay về bên trái, đầu hơi ngẩng nhìn với vẻ thần phục cùng 2 dòng chữ được khắc nét (khắc miết) ở phía dưới có thể được đọc phiên âm như sau:
“Na ra de vo nã ma Brã hma nah da nam A(ga)styah”
Câu này có nghĩa là: “Nara, một người theo đạo Bà-la-môn, dâng tặng lễ vật cho thần A(ga)stya” (tên gọi khác của thần Shiva). Trong nhóm di vật phát hiện tại kiến trúc gò 6B của Di tích Cát Tiên có 10 hiên vật vàng (lá vàng dát mỏng) có văn khắc Brahmi với nét chữ viết rõ ràng và đã được các nhà nghiên cứu, chuyên gia về ngôn ngữ và chữ viết giải nghĩa được. Đó là các vị thần phương hướng “Dikpalakas” thường thấy trong văn hóa Ấn Độ. Điều lý thú là ở đây xuất hiện hầu như đầy đủ các vị thần phương hướng với tên thần được viết bằng ngôn ngữ Sanskit (Ấn Độ). Có thể phiên âm chữ viết trên những lá vàng đó như sau: “Brah(a)ma” - có nghĩa là thần Brahma ngụ ở trung tâm - khu vực chính hay khu thiêng của ngôi đền Hindu giáo. Tiếp đến là các vị thần trấn giữ 4 hướng chính và 4 hướng xen kẽ: Indra - Thần Indra (ngụ ở hướng Đông ; Agni - Thần Agni (ngụ ở hướng Đông Nam); Yama - Thần Yama (ngụ ở hướng Nam; Varuna - Thần Varuna (ngụ ở hướng Tây; I’sana - Thần I’sana (ngụ ở hướng Đông Bắc); Niriti - Thần Niriti (hay Surya) (ngụ ở hướng Tây Nam); Vayavya - Thần Gió Vayu (cai quản hướng Tây Bắc); Vai... (Sravana) - Thần Vai’saravana - tên gọi khác của thần Kubera (ngụ ở hướng Bắc) và cuối cùng là một mảnh vàng có chữ: Vedi - Bệ dâng cúng. Thường những lá vàng có văn khắc tên các vị thần phương hướng này thường được đặt ở những vị trí trấn ngự ở 4 hướng chính và hướng xen kẽ thay cho những lá vàng thể hiện hình ảnh khắc vẽ dập nổi của thần phương hướng đặt ở “hộp thiêng” hay còn gọi là “kho thiêng” dưới đáy trụ giới linh thiêng trong lòng đền tháp (ngôi nhà của thần linh).
Trên những mảnh vàng khác có chữ viết trong sưu tập hiện vật phát hiện tại Cát Tiên phần lớn là các chữ đơn lẻ, số lượng chữ viết trên mỗi mảnh rất ít và cũng đã được các nhà nghiên cứu phiên âm nhưng chưa giải nghĩa được và vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu. Tuy nhiên, qua kết quả so sánh đối chiếu cho thấy có một số yếu tố gần với tự dạng Pallava Nam Ấn (dạng chữ viết Ấn Độ cổ) thế kỷ VI-VII.
Về tiểu tượng học, khi nghiên cứu các hình vẽ trên sưu tập hiện vật vàng phát hiện tại Di tích Cát Tiên, các nhà khoa học, chuyên gia về lĩnh vực này bước đầu đã có những phát hiện hết sức thú vị. Đó là hình tượng thần Shiva (vị thần quyền lực tối cao của sự sáng tạo, bảo vệ và hủy diệt). Vị thần chủ này có mặt gần như hầu hết trong các ngôi đền ở đây dưới dạng biểu tượng thờ Linga. Hình ảnh thần trên những mảnh vàng phát hiện tại Di tích Cát Tiên được thể hiện với nhiều hình dạng khác nhau. Có khi thần Shiva được thể hiện có 5 đầu, 6 tay, 6 chân. Hai chân trước xếp bằng trong tư thế ngồi yoga nhưng các chân khác duỗi ra rất thoải mái. Một tay đặt lên đùi, một tay bắt ấn, còn các tay khác cầm vật. Ở một mảnh vàng khác thể hiện thần Shiva với cái bụng phệ, đeo hoa tai hình tròn, ngồi giữa 2 bà vợ là Parvati và Bhu; hoặc ngồi trên bệ hình núi Meru, tay cầm quyền trượng hay ngọn lửa. Một hình khác lại thể hiện thần ngồi trên xe trong tư thế Tripurantakamurti mô tả một hình ảnh liên quan đến tình tiết trong câu chuyện thần phá 3 tòa thành của quỷ Asuras, giống như một số hình ảnh tương tự về câu chuyện này thường thấy ở hang Da’savatara trong khu đền Kailasa và đền Conjeevaram, Ấn Độ (2). Hay cảnh thần đang ngồi trên bệ với tư thế và vật cầm gợi nhớ tới câu chuyện thần Shiva giết voi được gọi là Gajasurasamhara murti trong ngôi đền Kailasa hay đền Virupakasha ở Pattadakal của Ấn Độ (3). Ngoài thần Shiva, còn có thần Vishnu (thần bảo vệ) và các hóa thân của thần trên những lá vàng ở Di tích Cát Tiên với hình thức thể hiện mới về nhận dạng của vị thần này rõ và hoàn chỉnh: Thần đang cưỡi trên lưng chim thần Garuda, với “đặc điểm đáng chú ý là mặt và cơ thể Garuda được thể hiện rõ nét với hai tay ôm lấy chân của thần chủ. Hình ảnh Vishnu cưỡi trên Garuda dưới hình thức nhận dạng hoàn chỉnh là một bước phát triển mới của chủ đề này ở Cát Tiên” (4). Ngoài ra, còn thấy sự có mặt của một số vị thần khác như thần Brahma (thần sáng tạo) thể hiện ngồi trên bệ hoa sen, tay trái cầm nụ sen và tay phải cầm chuỗi hạt, đầu đội mũ ống cao. Một hình khác, thần được thể hiện có 4 mặt như trong truyền thuyết Ấn Độ về thần. Vị thần này cũng được nhận diện bởi con vật cưỡi của ngài là ngỗng thần Hamsa. Các vị thần khác như Surya (thần mặt trời), Kubera, Gannea, Kartikeya, đặc biệt là các nữ thần cũng xuất hiện với nhiều hình thức rất độc đáo, trong đó có cả thần sông. Nữ thần Lakshmi (nữ thần giàu có và may mắn) được thể hiện nhiều hơn cả với vẻ đẹp rất nữ tính, một số có phong cách thường thấy trên các điêu khắc Ấn Độ. Ngoài còn có một số mảnh vàng thể hiện thần phương hướng, nhóm các vi thần có số lượng từ 4-12 vị thần trong tư thế ngồi rất thoải mái, …
Như vậy, qua việc phát hiện sự có mặt đầy đủ của các vị thần phương hướng trên cả văn khắc và tiểu tượng; nội dung một số văn khắc đã cho thấy các đền, tháp ở Thánh địa Cát Tiên được xây dựng theo một chuẩn tắc nghiêm ngặt của Ấn giáo với đầy đủ các nghi lễ xây dựng của ngôi đền Hindu giáo. Các nội dung và hình tượng tôn giáo “thể hiện những câu chuyện thần thoại về các vị thần và nữ thần, theo tiêu chí tiểu tượng được chuẩn hóa của nghệ thuật Ấn Độ. Có thể thấy về tiểu tượng học, đây là nguồn tư liệu giàu có bậc nhất ở Việt Nam cũng như trong khu vực vào thời kỳ trước thế kỷ X”. “Văn khắc được viết bằng chữ Brahmi muộn và gần gũi về phong cách với các văn khắc của các triều đại Calukya và Pallava ở miền Nam Ấn Độ, đặc biệt là văn khắc Kadamba vào các thế kỷ V- VII” (Lê Thị Liên - Viện Khảo cổ học và Michael Witzel - Đại học Harvard, Hoa Kỳ, Góp phần nghiên cứu về các hiện vật vàng ở Cát Tiên - Lâm Đồng, Hội nghị khoa học Cát Tiên lần thứ 2, năm 2008).
Càng đi sâu vào nghiên cứu càng cho thấy giá trị của Di tích khảo cổ Cát Tiên không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ của một vùng, miền, địa phương mà còn có sự giao lưu, tiếp biến văn hóa rộng rãi với các nền văn hóa, văn minh láng giềng và trong khu vực.
ĐOÀN BÍCH NGỌ