Thứ 6, 04/04/2025, 05:25

Lâm Đồng có 11 loài dược liệu quý, hiếm, đặc hữu

19:55, 06/01/2023

(LĐ online) - Chiều 6/1, Tiến sĩ Lương Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu, Trường Đại học Đà Lạt, cho biết, trong số Danh mục loài, chủng loại dược liệu quý, hiếm và đặc hữu phải kiểm soát vừa được Bộ Y tế công bố tại Thông tư số 16/2022 ngày 30/12/2022 tỉnh Lâm Đồng có đến 11 loài. 

 

Sâm Lang bian
Sâm Lang bian

 

Cụ thể trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng 11 loài gồm: cẩu tích (Cibotium barometz), cốt toái bổ (Drynaria fortune), đẳng sâm (Codonopsis javanica), hoàng đằng (Fibraurea recisa), hoàng liên ô rô (Mahonia nepalensis), na rừng (Kadsura coccinea), sâm Lang Bian (Panax vietnamensis var. langbianensis), tắc kè đá (Drynaria bonii), thạch tùng răng cưa (Huperzia serrate), thông đỏ lá dài (Taxus wallichiana) và vàng đắng (Coscinium fenestratum). 

 

12 loài còn lại khác phân bố các vùng khác ở Việt Nam gồm: bách hợp, bát giác liên, bảy lá một hoa, bình vôi, hoàng tinh hoa đỏ, hoàng tinh hoa trắng, nam hoàng liên, sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh, tế tân, thổ hoàng liên và thông đỏ lá ngắn. 

 

Sản phẩm Đẳng sâm
Sản phẩm Đẳng sâm

 

23 loài, chủng loại dược liệu quý, hiếm và đặc hữu nêu tại Danh mục được sử dụng một hoặc hai trong các bộ phận (tùy từng loài) để làm dược liệu như thân củ, thân rễ, rễ, rễ và thân, thân, thân và rễ, thân rễ và rễ, toàn thân, rễ và thân rễ, cành non và lá. 

 

Thông tư cũng quy định, cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng Danh mục này và các văn bản pháp luật về tiếp cận nguồn gen để được cấp phép xuất khẩu theo quy định tại Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược; không được xuất khẩu dược liệu khai thác tự nhiên thuộc Danh mục đã ban hành này. Mặt khác, trường hợp xuất khẩu dược liệu thuộc Danh mục ban hành tại Thông tư này không vì mục đích thương mại thực hiện theo quy định của pháp luật về tiếp cận nguồn gen và đa dạng sinh học.

 

Hoàng liên ô rô
Hoàng liên ô rô

 

Dược liệu được lựa chọn đưa vào Danh mục là dược liệu thuộc danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được ban hành kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp và Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và yêu cầu quản lý nhà nước về dược liệu trong giai đoạn hiện nay. Dược liệu không đáp ứng các tiêu chí trên sẽ được xem xét đưa ra khỏi danh mục.

 

 PHAN MINH ĐẠO