Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Intel Paul Otellini hôm nay, 29-10 đã chính thức cắt băng khánh thành nhà máy Lắp ráp và Kiểm định chip lớn nhất trong mạng lưới sản xuất của Intel tại TP Hồ Chí Minh.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Intel Paul Otellini trong lễ khánh thành nhà máy. |
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Intel Paul Otellini hôm nay, 29-10 đã chính thức cắt băng khánh thành nhà máy Lắp ráp và Kiểm định chip lớn nhất trong mạng lưới sản xuất của Intel tại TP Hồ Chí Minh.
Nhà máy Intel Việt Nam được đặt tại Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Tháng 1-2006, Intel công bố dự án đầu tư 300 triệu USD để xây dựng cơ sở mới, bao gồm nhà máy kiểm định lắp ráp, tại Việt Nam. Đến tháng 11-2006, Intel công bố tăng quy mô nhà máy lắp ráp và kiểm định chip từ 14.000 m2 lên 46.000 m2, đồng thời nâng tổng mức đầu tư lên 1 tỷ USD.
Nhà máy Intel tại Việt Nam được khởi công từ tháng 3-2007. Vào thời cao điểm, có tới hơn 2.300 công nhân xây dựng làm việc tại công trình. Tòa nhà văn phòng rộng 24.000 m2 và nhà kho tích hợp rộng 7.000 m2 được hoàn thành vào tháng 6-2009. Tiếp sau đó, nhà máy rộng 46.000 m2 cũng đã được hoàn thiện và bắt đầu tiến hành lắp đặt công cụ sản xuất từ tháng 12-2009.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, Nhà máy Lắp ráp và kiểm định chip của Intel với số vốn đầu tư nước ngoài lên tới 1 tỷ USD đã tạo một điển hình cho các công ty đa quốc gia có ý định đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao. Chính phủ Việt Nam xem đây là một dự án quan trọng, có ý nghĩa tích cực góp phần giúp Việt Nam thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về phát triển CNTT đến năm 2020.
“Khi chúng tôi công bố đầu tư bốn năm trước đây, đó là dự án đầu tư vào công nghệ có trị giá 1 tỷ USD đầu tiên của Việt Nam và là dự án đầu tư lớn nhất từ trước tới giờ của Mỹ vào Việt Nam”, ông Paul Otellini nói. Đầu tư của Intel đã đưa Việt Nam vào bản đồ các quốc gia có đầu tư công nghệ cao và đã giúp Việt Nam thu hút được những dự án đầu tư to lớn từ các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như FoxConn, Compal.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân, trong quá trình triển khai dự án, mặc dù chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, Intel đã phải tái cấu trúc và đóng cửa một số nhà máy trên thế giới, nhưng tập đoàn Intel vẫn tiếp tục thể hiện quyết tâm triển khai dự án tại Khu CNC TP Hồ Chí Minh. Đến nay, sau hơn hai tháng đi vào hoạt động, nhà máy đã xuất khẩu những lô sản phẩm chipset đầu tiên mang thương hiệu “Sản xuất tại Việt Nam”.
Ông Rick Howarth, Giám đốc Công ty Intel Việt Nam cho biết, đây là Nhà máy lắp ráp và kiểm định có phòng sạch lớn nhất của Intel trên toàn cầu. Diện tích hơn 46.000 m2 đủ lớn để chứa gần sáu sân bóng đá chuẩn quốc tế. Nhà máy lớn thứ hai của Intel là nhà máy KM4 được đặt tại Kulim, Malaysia, với diện tích chỉ ở mức 23.000 m2. Khi toàn bộ nhà máy đi vào hoạt động, sẽ góp phần tăng gấp đôi năng lực lắp ráp và kiểm định chipset của toàn tập đoàn. Các sản phẩm được sản xuất ra tại nhà máy này sẽ được phân phối cho khách hàng của Intel trên toàn cầu, từ đó đem lại khoản thu đáng kể cho kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Quan trọng hơn cả, Intel Việt Nam sẽ tạo ra hàng nghìn việc làm mới trong lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam.
“Điều hấp dẫn chúng tôi khi đầu tư vào Việt Nam chính là một lực lượng lao động luôn tràn đầy nhiệt huyết và có tay nghề cao, và đóng góp có giá trị vào hoạt động kinh doanh toàn cầu của Intel”, ông Rick Howarth, Giám đốc Intel Products Việt Nam nói. Cho đến thời điểm hiện tại, có 400 nhân viên mới là người Việt đã gia nhập Intel.
Lắp ráp và kiểm định được coi là một khâu quan trọng của quá trình sản xuất chip bán dẫn của Intel. Đây là khâu cuối cùng trong quá trình sản xuất các sản phẩm silicon của Intel, trước khi những sản phẩm này được sẵn sàng đưa đến tay người tiêu dùng trên toàn thế giới. Nhà máy tại Việt Nam đã bắt đầu sản xuất những chipset di động mới nhất của Intel dùng cho máy tính xách tay và các thiết bị di động. Nhà máy tại Việt Nam cũng có khả năng sẽ sản xuất những bộ vi xử lý trong tương lai.