Các nhà khoa học phát hiện 145 loài mới xung quanh sông Mekong ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có cá răng nanh, cây bắt mồi và tắc kè môi đỏ.
Các nhà khoa học phát hiện 145 loài mới xung quanh sông Mekong ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có cá răng nanh, cây bắt mồi và tắc kè môi đỏ.
Quỹ Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) vừa công bố danh sách những loài mới được tìm thấy gần sông Mekong trong một báo cáo mang tên "New Blood: Greater Mekong New Species Discoveries 2009" vào ngày 6/10. Theo báo cáo này, cứ mỗi tuần các nhà khoa học lại phát hiện ba loài sinh vật mới tại Tiểu vùng sông Mekong (bao gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc).
AFP cho biết, với hai chiếc răng nanh và đôi mắt lồi, cá dracula minnow là một trong những loài đáng chú ý nhất được tìm thấy trong Tiểu vùng sông Mekong. Các nhà khoa học nhìn thấy chúng trong một dòng suối nhỏ tại Myanmar. Cơ thể chúng trong mờ và đạt chiều dài khoảng 1,7 cm. Hiện các chuyên gia chưa rõ chúng là loài đặc hữu của Myanmar hay phân bố khắp vùng Đông Nam Á.
Những loài thú vị khác bao gồm: tắc kè môi đỏ, chim hói đầu (miền trung Lào), cây bắt mồi Nepenthes bokorensis cao tới 7 m (Campuchia), rắn không răng, ếch có tiếng kêu như loài dế, cá bám đá, dơi mũi ống.
"Tốc độ phát hiện loài mới tại Tiểu vùng sông Mekong hầu như lớn hơn mọi nơi khác trên thế giới. Đó là do khu vực này có mức độ đa dạng lớn về địa chất và khí hậu. Rõ ràng khu vực này là một trong những nơi có mức độ da dạng sinh học lớn nhất, đồng thời cũng bị đe dọa nhiều nhất", AFP dẫn lời ông tuart Chapman, giám đốc WWF tại Tiểu vùng sông Mekong.
Tiểu vùng sông Mekong là khu vực có nhiều loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng như hổ, voi châu Á, cá heo sông Mekong, cá da trơn khổng lồ. Mới đây WWF cảnh báo cá da trơn khổng lồ có thể tuyệt chủng nếu các dự án đập thủy điện trên sông Mekong được thực hiện. Sự hiện diện của những đập thủy điện khiến chúng không thể tới nơi sinh sản.