Việt Nam có nguồn tài nguyên đất hiếm lanthanid quý giá

09:10, 23/10/2010

Trữ lượng các mỏ đất hiếm ở Việt Nam khoảng 7 - 8 tỉ tấn, điều kiện khai thác thuận lợi. Là nguồn nguyên liệu dồi dào cho phát triển ngành công nghiệp điện tử, thủy tinh, luyện kim...

Khi ưu thế sản xuất các nguyên tố đất hiếm chuyển từ Mountain Pass của Hoa Kỳ sang Bayan Obo của Trung Quốc trong các năm đầu thập niên 1990 thì các ngành công nghệ cao phương Tây biết rằng đã đến lúc phải sống chung với châu Á, trong đó có Việt Nam, để bảo đảm nguồn cung yttrium và 15 nguyên tố lanthanid vốn là nguyên liệu chìa khóa cho hàng ngàn ứng dụng kỹ thuật cao.

Việc khai thác công nghiệp các quặng đất hiếm lần lượt bắt đầu từ các năm 1950, đến nay, trải qua 4 thời kỳ: Trước hết là thời kỳ khai thác monazit sa khoáng trên các bãi biển; nhưng khoáng vật phosphat đất hiếm này chứa nhiều thorium có tính phóng xạ, nên từ năm 1965  bắt đầu thời kỳ mới khai thác carbonat đất hiếm bastnasit nơi các mạch đá vùng núi Pass bang Colorado (Mỹ). Từ năm 1983, đất hiếm Hoa Kỳ mất thế độc tôn do việc mở ra nhiều mỏ đất hiếm ở các nước khác nhau. Đến năm 1991 thì ưu thế lại nghiêng về phía Trung Quốc với sự phát hiện các mỏ đất hiếm ngoại sinh giàu yttrium, dễ khai thác, dễ chế biến, bao gồm hai loại quặng sắt đất hiếm và quặng laterit đất hiếm. Năm 2005 vùng mỏ Bayan Obo (Bạch Vân Ngạc Bác) của Trung Quốc cung cấp phần lớn nguyên liệu cho việc sản xuất 98.000 tấn trong tổng số 105.000 tấn đất hiếm của thế giới.

Nguyên liệu chính của công nghệ cao

Suốt 4 thập kỷ qua, các tính năng vật lý và hóa học đặc biệt của các nguyên liệu đất hiếm là trung tâm của các nghiên cứu, sáng tạo, phát minh với rất nhiều ứng dụng kỹ thuật từ macro đến micro và nano cho nhiều ngành công nghiệp khác nhau: xúc tác hóa học trong ngành lọc dầu, kiểm tra ô nhiễm trong ngành xe hơi, gốm lót cho các động cơ phản lực, nam châm vĩnh cửu cho các ứng dụng từ tính… và dĩ nhiên trong các ngành chiếu sáng, luyện kim, điện tử, trong các kỹ thuật quân sự từ màn hình radar đến tia laser và hệ thống điều khiển tên lửa. Thật hiếm có loại nguyên liệu nào như đất hiếm, vừa có tính ứng dụng phổ quát, vừa có tính kỹ thuật cao, lại vừa có nhiều triển vọng áp dụng cho tương lai, ví như sản xuất các thùng chứa và ống dẫn hydrogen nhiên liệu cho thời kỳ thế giới cạn kiệt dầu mỏ.

Giá các kim loại đất hiếm, sau nhiều lần điều chỉnh nhờ phát hiện các trữ lượng bổ sung và cải tiến công nghệ sản xuất, cho đến nay vẫn còn rất cao và vì thế còn hạn chế nhiều phạm vi ứng dụng. Giá bán mỗi ký kim loại lanthanum và cerium năm 2003 lần lượt là 25 và 30 USD, gadolinium và yttrium là 78 và 96 USD, erbium và ytterbium là 180 và 484 USD, đặc biệt lên đến 1.600 USD, 3.000 USD và 4.000 USD đối với europium, thullium và lutetium! Nhưng, do tính chất không độc hại và các tính năng hóa lý không thể thay thế nên các nguyên tố đất hiếm vẫn chiếm thế độc tôn trong rất nhiều ứng dụng công nghệ cao: Nhóm Y, La, Ce, Eu, Gd và Tb cho kỹ nghệ huỳnh quang, đặc biệt, các màn hình tinh thể lỏng; nhóm Nd, Sm, Gd, Dy và Pr cho kỹ thuật nam châm vĩnh cửu trong các thiết bị điện, điện tử, phương tiện nghe nhìn, các máy vi tính và các loại dĩa multi-gigabyte hiện nay; đặc biệt Er trong sản xuất cáp quang và nhóm Gd, Tb, Dy, Ho, Er, Tm có moment từ cực mạnh khả dĩ phát triển kỹ thuật làm lạnh từ tính thay thế phương pháp làm lạnh truyền thống bằng khí ép như hiện nay.

Nguồn tài nguyên đất hiếm Việt Nam
 
Theo Tổng cục địa chất, trữ lượng các mỏ đất hiếm ở Việt Nam khoảng 7 - 8 tỉ tấn, điều kiện khai thác thuận lợi. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào cho phát triển ngành công nghiệp điện tử, thủy tinh, luyện kim...

Mỏ đất hiếm Đông Pao nằm trên địa phận xã Bản Hon, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu do Công ty TNHH nhà nước một thành viên khoáng sản 3 quản lý khai thác. Mỏ đất hiếm Đông Pao bao gồm trên 30 thân quặng lớn nhỏ đã được tìm kiếm tỉ mỉ với tài nguyên trữ lượng đạt trên 10,6 triệu tấn R2O3; 34,7 triệu tấn CaF2; 66,7 triệu tấn BaSO4. Riêng 2 thân quặng F.3 và F.7 do Tổng công ty khoáng sản Việt Nam quản lý khai thác đã được thăm dò trữ lượng. Hiện tại, mới chỉ tiến hành khai thác quặng fluorit với sản lượng hàng năm khoảng 1.000 tấn CaF2 hàm lượng 75 - 80%, cung cấp cho luyện kim.