Để không mất "tiền oan" khi mua sắm trực tuyến

10:11, 26/11/2010

Phương thức mua sắm trực tuyến đang ngày càng phát triển nở rộ và mang lại cho nhiều người sự tiện lợi, đặc biệt là dân công sở. Tuy nhiên, môi trường này cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và buộc người dùng phải tỉnh táo để không mất tiền “oan”.

Phương thức mua sắm trực tuyến đang ngày càng phát triển nở rộ và mang lại cho nhiều người sự tiện lợi, đặc biệt là dân công sở. Tuy nhiên, môi trường này cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và buộc người dùng phải hết sức “tỉnh táo” và đề cao cảnh giác nếu không muốn mất "tiền oan”.
 
Mua sắm online – tiện lợi nhưng …rủi ro
 
Giao dịch trực tuyến chính là sự lựa chọn hữu hiệu nhất đối với người tiêu dùng khi nhu cầu mua sắm ngày càng nhiều nhưng lại eo hẹp về thời gian. Mua sắm trực tuyến không chỉ giúp người dùng tiết kiệm thời gian, công sức, mà còn dễ dàng lựa chọn các sản phẩm ưa thích.
 
Đa dạng các sản phẩm trên website mua bán trực tuyến.
Đa dạng các sản phẩm trên website mua bán trực tuyến.
 
Theo chị Mỹ Lan, nhân viên văn phòng của công ty Fsoft cho biết, hiện nay có rất nhiều các trang web mua bán trực tuyến với nhiều loại sản phẩm khác nhau. Chẳng hạn như enbac.com, ebay.vn,… Do bận bịu việc gia đình, không có thời gian đi mua sắm nên buổi trưa, chị thường  tranh thủ lướt qua các trang mua sắm trực tuyến để chọn lựa sản phẩm. Chị chia sẻ, “chỉ cần vài thao tác đơn giản là mình có thể lựa được sản phẩm ứng ý với mức giá hợp lý”.

Cũng là dân nghiện mua sắm như chị Lan, Lê Thu Hiền nhân viên Viện Công nghệ cho biết, bây giờ cô chủ yếu mua hàng trên mạng, cần mặt hàng nào chỉ cần lên Google gõ và tìm tới một vài địa chỉ thấy tin cậy trên đó để mua. Tuy là một người sành sỏi với việc mua sắm trên mạng nhưng Hiền cũng phải thừa nhận rằng, không ít lần cô mua phải hàng có chất lượng không như người bán đăng trên trang.

Việc mua hàng có chất lượng không giống như mô tả của người bán đăng trên website mua sắm được coi là rủi ro mà người mua dễ gặp phải nhất.

Bạn Trương Lan Hương ( ĐH Kinh doanh & Công nghệ) cho biết, “qua enbac.com, mình và cô bạn đặt mua hai chiếc váy, chất liệu 100% cotton với giá tương đối rẻ 250.000 VNĐ. Tuy nhiên, khi nhận hàng, chất liệu vải không giống như mô tả,  kiểu dáng và đường may cũng không được đẹp như hàng mẫu”.

Cũng gặp trường hợp tương tự, Lan Anh, kế toán chi nhánh Dược Hậu Giang tại Hà Nội cho biết, qua muare.vn, cô đặt mua một lọ nước hoa Elizabeth Arden, hàng xách tay và mới nguyên với giá gần 1 triệu, hàng được xuất từ Sài Gòn, thế nhưng khi nhận hàng thì không phải mới nguyên, và là hàng để lâu không dùng.

Đối với những trường hợp này, người mua thường phải chấp nhận lấy hàng vì tiền đã thanh toán trước rồi nên không thể lấy lại được.

Hiện nay, phương thức mua sắm trực tuyến đã phát triển rất mạnh mẽ và người dùng không chỉ mua hàng trong nước mà còn có thể mua từ các website nước ngoài. Hơn nữa, do không phải chịu các chi phí cơ sở hạ tầng nên các website bán hàng trực tuyến liên tục tung khuyến mãi lớn để thu hút khách hàng. Do đó, đôi khi giá sản phẩm bán trực tuyến sẽ rẻ hơn giá trên thị trường.
 
Tuy nhiên, song hành với sự phát triển mạnh mẽ của hình thức này chính là sự nở rộ của tội phạm mạng. Với những hình thức lừa đảo tinh vi hơn, lợi dụng sự cả tin của người mua để lừa đảo, trục lợi. Đây chính là một rào cản lớn khiến không ít người dùng e dè trước hình thức mua sắm thuận tiện này.

Mua sắm an toàn không khó

Để mua sắm an toàn trên mạng không phải là khó, nhưng đổi lại người dùng cần bỏ ra nhiều thời gian tìm hiểu hơn. Điều đầu tiên, người mua nên chọn các website uy tín, có thương hiệu để mua sắm. Các website càng lớn thì độ uy tín càng cao. Hơn nữa khi trong giao dịch có xảy ra tranh chấp, các website lớn cũng sẽ không bao giờ bỏ mặc khách hàng của mình.
 
Bên cạnh đó, các nhà mạng cũng khuyến cáo bạn không nên truy cập vào trang web mua sắm thông qua đường link trong email hoặc trong bất cứ tài liệu nào. Bởi vì giới tội phạm có thể mạo danh địa chỉ trang web đó để chuyển hướng người dùng tới trang web giả mạo khác nhằm lừa đảo, lấy cắp số thẻ tín dụng, mật khẩu,…

Ngoài ra, người mua nên tìm hiểu kỹ thông tin về người bán trước khi mua hàng. Trên các website mua bán trực tuyến hiện nay, có rất nhiều cách thức để người mua nhận biết một người bán uy tín. Chẳng hạn như, dựa trên phản hồi của các khách hàng giao dịch trước đó; dựa vào việc tìm hiểu uy tín công ty, hoặc lựa chọn người bán trên website có gắn nhãn “người bán đảm bảo” như dưới đây.

Vì đó là những người bán đã được Cổng thanh toán điện tử nganluong.vn thẩm định và gắn nhãn an toàn cho người mua. Theo đó, khi người mua hàng trên các website mua sắm có gắn nhãn “người bán đảm bảo” của Ngân Lượng, nếu không nhận được hàng hoặc hàng hóa sai khác mô tả trên trang bán sẽ được bồi thường lại 100% giá trị thiệt hại. Như vậy, trong trường hợp chị Hương hay chị Lan Anh ở trên sẽ được bồi thường lại 100% số tiền đã thành toán mà không phải “cắn răng” nhận hàng không đúng mô tả.

Như vậy, rủi ro mua sắm trực tuyến là hoàn toàn có thể khắc phục được nếu người mua biết tự trang bị cho mình những kỹ năng, kinh nghiệm mua sắm trực tuyến; hoặc ngày càng có nhiều cổng thanh toán điện tử dám đứng ra đảm bảo giá trị sản phẩm cho người mua hơn nữa.
 
(Theo Vnmedia)