Sản phẩm thi Nhân tài Đất Việt có nhiều ý tưởng mới lạ

10:11, 21/11/2010

Đó là nhận định chung của Hội đồng cuộc thi Nhân tài Đất Việt năm nay. Theo đó, các sản phẩm dự thi có hàm lượng nghiên cứu khoa học khá cao và có những ý tưởng táo bạo trong việc đưa ra những nền tảng và áp dụng ứng dụng tương lai tại Việt Nam.

Trình diễn sản phẩm hệ thống số hoá tư duy con người.
Trình diễn sản phẩm hệ thống số hoá tư duy con người.
Đó là nhận định chung của Hội đồng cuộc thi Nhân tài Đất Việt năm nay. Theo đó, các sản phẩm dự thi có hàm lượng nghiên cứu khoa học khá cao và có những ý tưởng táo bạo trong việc đưa ra những nền tảng và áp dụng ứng dụng tương lai tại Việt Nam.

Lọt vào Chung khảo cuộc thi NTĐV năm nay là các tác phẩm của 18 tác giả và nhóm tác giả, được chia thành 2 hệ thống giải: sản phẩm đã ứng dụng trong thực tế và sản phẩm có tiềm năng ứng dụng. Trong số này, sản phẩm có tiềm năng ứng dụng chiếm đa số (12/18) và được ban giám khảo đánh giá rất cao.
 
Theo Tiến sĩ Nguyễn Long - đại diện hội đồng chấm Chung khảo, các nhóm tiềm năng hiện nay thường đi theo hai xu hướng, thứ nhất là theo hướng khoa học công nghệ, và hướng thứ hai là cố gắng biến những ý tưởng từ nhu cầu để có thể ứng dụng rộng rãi. Nhìn chung, các sản phẩm có tiềm năng ứng dụng đoạt giải năm nay đều là những sản phẩm có ý tưởng mới lạ.
 
Cũng theo ông Long, hội đồng chấm giải luôn mong muốn có một lượng giải có giá trị để các bạn trẻ, những người đang đam mê đưa ứng dụng CNTT vào trong cuộc sống, sẽ tích cực tham gia nhiều hơn nữa vào Giải thưởng uy tín này. Thực tế cho thấy trải qua các kỳ NTĐV trước đây, các sản phẩm được lựa chọn đều có giá trị thực tế và tiềm năng ứng dụng rất cao về sau này.
 
Thật khó có thể đánh giá được sự hơn kém về mặt công nghệ giữa sản phẩm lọt vào Chung kết năm nay so với năm ngoái. Các sản phẩm phần cứng mang tính ứng dụng khá ít mà chủ yếu là phần mềm. Chính vì vậ, việc đánh giá các phần mềm ứng dụng cũng được thực hiện khắt khe hơn. Theo ông Long, để được đánh giá cao, các phần mềm ứng dụng ngoài việc được thị trường, cộng đồng, cơ quan,… công nhận, thì chúng còn cần phải đáp ứng được xu thế công nghệ của thời đại.
 
Trong nhóm các sản phẩm tiềm năng, các bạn sinh viên, các bạn trẻ yêu CNTT vẫn rất say mê sáng tạo. Tuy nhiên, theo nhận định của BGK, điều quan trọng là kế hoạch phát triển sản phẩm tiếp theo sẽ như thế nào, chứ không dừng ở những sản phẩm đầu tiên. Đối với bài toán kinh doanh của những người làm tin học, thì việc sáng tạo ra sản phẩm cần đi đôi với bài toán phát triển, để từ đó sản phẩm mới có thể đi vào cuộc sống một cách vững mạnh hơn.
 
Lời khuyên của ông Long đối với các bạn trẻ yêu thích CNTT rằng đôi khi những ý tưởng tuy rất đơn giản nhưng lại mang lại lợi ích lớn, và trên hết việc đưa CNTT vào ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống là điều mà BGK luôn kỳ vọng. Mong muốn lớn nhất của hội đồng giám khảo là cố gắng để những sản phẩm này có thể đi tiếp những bước đi vững chắc, và để chúng thực sự có tiềm năng ứng dụng trong thực tế. Để làm được điều đó, các tác giả cần phải tìm môi trường ứng dụng thích hợp để “ươm trồng” thành quả của mình.

“Những công cụ rất đỗi bình thường cũng có thể làm ra sản phẩm để phát triển rất tốt. Ở Việt Nam, chúng tôi mong muốn hàm lượng công nghệ mới, những sáng tạo mang tính chất khoa học sẽ được áp dụng vào cuộc sống hàng ngày. Chúng tôi ủng hộ những ý tưởng, đề tài khoa học có giá trị cao mặc dù chúng chưa được vận hành trong thực tế”, ông Long chia sẻ.
 
(Theo Vnmedia)