Cần ngăn chặn nạn xả rác xuống hồ chứa nước sinh hoạt Đan Kia

03:12, 30/12/2010

Sau mỗi trận mưa, nhà máy nước Suối Vàng lại phải cử tới 10 người bơi thuyền ra hồ vớt rác nhưng giải pháp này đã không đủ để ngăn rác tràn vào bịt kín ống hút nước thô...

Hồ Đan Kia (cung cấp nguồn nước thô cho nhà mày nước Suối Vàng, Đà Lạt) không chỉ là một thắng cảnh của tỉnh mà quan trọng hơn còn là hồ chứa cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho hơn 250.000 nhân khẩu thuộc thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương. Tuy nhiên, hơn 3 năm qua,  việc giữ gìn nguồn nước này bị xem nhẹ. Tất cả các nguồn rác nông nghiệp, rác sinh hoạt..., đang bị người dân xả bừa bãi xuống hồ không ngăn nổi.
 
Ông Nguyễn Văn Dũng nhặt lên những chai thuốc sâu còn vướng lại bên bờ suối.
Ông Nguyễn Văn Dũng nhặt lên những chai thuốc sâu còn vướng lại bên bờ suối.

Một ngày cuối tháng 12/2010, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Giám đốc nhà mày nước Suối Vàng (trực thuộc Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Lâm Đồng) dẫn đi “mục kích” rác bừa bãi, ngập tràn vùng hồ. Trên mặt nước và hai bên bờ dòng suối dài hơn 4 km cấp nước vào hồ Đan Kia, hàng loạt chai, lọ thuốc trừ sâu; nhiều bao bì đựng rác không xác định được có gì bên trong; đủ thứ rác thải từ những vùng sản xuất nông nghiệp phía thượng nguồn; cả những bộ xương trâu, lợn..., trôi liên tục và vương vất hai bên bờ.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, tình trạng rác đổ về hồ Đan Kia đã kéo dài từ năm 2008 đến nay. Cuối năm 2008, Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Lâm Đồng phải tự đối phó bằng một giải pháp tình thế: ngăn đập, ép dòng suối đổ về hướng khác nhưng lượng rác cũng chỉ giảm bớt chút ít trong mùa khô. Vào mùa mưa, có khi kéo dài hơn 6 tháng mỗi năm, con đập nắn dòng suối không còn tác dụng, rác lại dồn dập đổ về lòng hồ. Sau mỗi trận mưa, nhà máy nước Suối Vàng lại phải cử tới 10 cán bộ, nhân viên bơi thuyền ra hồ vớt rác. Nhưng giải pháp này đã không đủ sức để ngăn rác tràn vào bịt kín ống hút nước thô (nước từ hồ, chưa qua xử lý lọc - PV).

Công nhân Lê Tấn Thanh Vũ, người thường xuyên phải chèo thuyền đi vớt rác trên hồ Đan Kia cho biết: “Có những ngày mưa lớn, cả 10 anh em công nhân phải chèo thuyền ra vớt nửa ngày mới giảm được rác. Ai cũng sợ nguồn nước sẽ bị ô nhiễm”. Để đề phòng “nỗi sợ ô nhiễm” của những người như anh Vũ, Trung tâm Phân tích thuộc Viện nghiên cứu hạt nhân (Đà Lạt) và Trung Tâm Y tế dự phòng Lâm Đồng đã phải thường xuyên đến hồ Đan Kia lấy mẫu nước để kiểm nghiệm. Nhưng nói như ông Nguyễn Văn Dũng: “công tác kiểm nghiệm chỉ nhằm để phát hiện kịp thời nguy cơ mà thôi, lâu dài nếu không chặn được nguồn rác xả bừa bãi như thế thì chắc chắn nguồn nước sẽ bị ô nhiễm!”.
   
Tình trạng xả rác xuống hồ Đan Kia đã kéo dài. Cơ quan chức năng cũng đã xác định rõ, nguồn rác được xả xuống từ hai khu dân cư xã Lát (huyện Lạc Dương) và khu vực Phước Thành (phường 7 - thành phố Đà Lạt). Nhưng công tác tuyên truyền cho người dân có ý thức giữ gìn nguồn nước sinh hoạt phục vụ hàng trăm nghìn nhân khẩu được triển khai từ lâu đã không có tác dụng. Nếu cứ để trữ lượng hơn 10 triệu mét khối của hồ chứa Đan Kia tiếp tục bị xả thải rác bừa bãi thì hậu quả thật khôn lường.
                                                         
Sơn  Tùng