Nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Ấn Độ Shuvo Roy cùng nhóm các nhà nghiên cứu do ông đứng đầu thuộc trường Đại học California, Mỹ vừa chế tạo thành công thận nhân tạo có thể cấy ghép đầu tiên trên thế giới.
Nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Ấn Độ Shuvo Roy. |
Thận nhân tạo với kích thước không lớn hơn một tách càphê, có thể thực hiện những chức năng chủ yếu của thận trong cơ thể người như lọc chất độc khỏi máu, điều tiết huyết áp và sản xuất các loại vitamin D cần thiết cho cơ thể.
Thận nhân tạo này đã được thử nghiệm cấy ghép thành công trên một số động vật như lợn, chuột, và dự kiến sẽ được thử nghiệm cấy ghép cho con người trong vòng năm năm tới.
Nhà nghiên cứu Shuvo Roy cho biết thận nhân tạo nói trên có một khoang lọc chất độc cho máu và một khoang chia thành nhiều ô nhỏ để thực hiện các chức năng khác của thận. Đặc biệt là loại thận này rất bền, có thể hoạt động liên tục vài chục năm mà không cần thiết bị bơm hay pin cung cấp năng lượng.
Ngoài ra, người được ghép thận này cũng sẽ không phải uống thuốc chống đào thải như trong các trường hợp ghép thận hiến tặng bởi thận nhân tạo không có các mô tự nhiên dễ bị hệ miễn dịch của cơ thể tấn công.
Theo các nhà nghiên cứu, nếu các thử nghiệm ở người thành công, loại thận nhân tạo mới sẽ giúp các bệnh nhân mắc bệnh bại thận thoát khỏi việc phải chạy thận nhân tạo để lọc máu định kỳ.