Điện toán đám mây: Xu hướng công nghệ cho tương lai

10:12, 30/12/2010

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực IT, giải pháp công nghệ này sẽ là một xu hướng trong tương lai bởi nó mang lại nhiều lợi ích cho các tổ chức và cơ quan chính phủ, đặc biệt là với mô hình của doanh nghiệp Việt Nam.

 
Điện toán đám mây (Cloud Computing) là một thuật ngữ được nhắc đến khá nhiều trong giới công nghệ thời gian gần đây. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực IT, giải pháp công nghệ này sẽ là một xu hướngtrong tương lai bởi nó mang lại nhiều lợi ích cho các tổ chức và cơ quan chính phủ, đặc biệt là với mô hình của doanh nghiệp Việt Nam.


Tại hội nghị Thúc đẩy tiềm năng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương 2010 tại Singapore hồi trung tuần tháng 12 vừa qua, ông Orlando Ayala, Chủ tịch khối thị trường mới nổi của Tập đoàn Microsoft đã chia sẻ về lợi ích mà giải pháp điện toán đám mây có thể đem lại cho doanh nghiệp và người dùng.

Ông Orlando nhấn mạnh, “Sự phát triển của điện toán đám mây trong vòng 15 năm trở lại đây đã mang đến những cơ hội tốt cho những quốc gia giúp chuyển đổi nền kinh tế thông qua việc loại bỏ những rào cản cho sự phát triển kinh doanh, cho phép trao đổi thông tin nhanh chóng hơn, thúc đẩy cải tiến công nghệ, giảm thiểu chi phí và hỗ trợ tiết kiệm năng lượng cho các hoạt động doanh nghiệp. Ngoài ra, điện toán đám mây còn cho phép các chính phủ cung cấp các dịch cụ thông tin hiệu quả hơn”.

Giải pháp điện toán đám mây có thể được coi là một bài toán lý tưởng giải quyết, khắc phục các điểm yếu hay các vấn đề mà nhiều doanh nghiệp hiện đang gặp phải như thiếu năng lực CNTT, chi phí đầu tư ban đầu hạn chế… Doanh nghiệp sẽ không cần phải có cơ sở hạ tầng nội bộ, triển khai nhanh chóng mà không phụ thuộc nhiều vào các ứng dụng trên máy, tiết giảm chi phí nâng cấp ứng dụng, lượng tài nguyên sử dụng lớn, không cần tới bộ máy nhân sự cồng kềnh hay yêu cầu về nhận sự kỹ thuật trình độ cao thấp, mô hình trả thuê bao và có thể dễ dàng thay đổi qui mô khi cần thiết. Rõ ràng, đây là những lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan chính phủ cần quan tâm và cân nhắc.

Theo ước tính của nhiều chuyên gia thì, từ năm 2011 tới, ít nhất 35% doanh nghiệp cỡ vừa của Mỹ sẽ sử dụng các giải pháp điện toán đám mây và 40% doanh nghiệp vừa và nhỏ trên thế giới sẽ sử dụng các ứng dụng dựa trên các giải pháp điện toán đám mây. Theo nghiên cứu của Gartner về “Quyền và trách nhiệm đối với người dùng của điện toán đám mây” được phát hành vào tháng 10/2010 vừa qua, hiện hãng phần mềm khổng lồ Microsoft được định vị là một trong những nhà cung cấp “những dịch vụ điện toán đám mây phù hợp với doanh nghiệp nhất và tiêu biểu nhất”.

Hiện tại các quốc gia lớn như Mỹ, Anh, Canada, Brazil, Ấn Độ đều đang sử dụng các dịch vụ của nhà cung cấp này. Một lãnh đạo cấp cao Microsoft tiết lộ, đã có hơn 7000 doanh nghiệp sử dụng giải pháp điện toán đám mây của họ như hãng thông tấn AP, Dell, Ebay, Coca Cola, Siemens...

Các hãng này đã cho thấy phản hồi khá tốt về giải pháp mà hãng phần mềm đưa ra. Doanh nghiệp Coca Cola đã tìm được giải pháp thống nhất thông qua điện toán đám mây của Microsoft để quản trị lực lượng lao động hơn 70.000 nhân sự từ 431 cơ sở toàn cầu. Sử dụng Microsoft Live Meeting, Microsoft SharePoint online, Microsoft Exchange online và các dịch vụ đám mây khác, doanh nghiệp Coca Cola có thể tiết kiệm chi phí đi lại, tăng năng suất và tạo ra nhiều thời gian hơn cho nhân viên bán hàng có thể tiếp cận được với khách hàng. Còn hãng thông tấn AP thì cho biết, nhờ có giải pháp điện toán đám mây của Microsoft, tin tức toàn cầu có thể được truyền tải dễ dàng hơn và tiếp cận tới nhiều độc giả hơn.

Chủ tịch mảng Kinh doanh Máy chủ và Công cụ, tập đoàn Microsoft, ông Bob Muglia đã từng nhấn mạnh tại hội nghị đối tác toàn cầu hồi tháng 7 vừa qua, ông nói “Microsoft là công ty đầu tiên và duy nhất đưa ra dịch vụ điện toán đám mây với đầy đủ các tính năng và tính linh hoạt để triển khai đến nơi mà các doanh nghiệp có nhu cầu.Và nhu cầu này dù xuất phát từ nhà cung cấp dịch vụ, tại mộ trung tâm dữ liệu hay khách hàng, thậm chí là sự kết hợp của cả ba yếu tố trên đều có thể có các giải pháp phù hợp”.

Tại Việt Nam, hồi tháng 5 vừa qua, tập đoàn FPT và Microsoft đã cùng nhau đánh dấu mốc về thỏa thuận sẽ cùng hợp tác, nghiên cứu về các cơ hội của điện toán đám mây tại Việt Nam và triển khai các mô hình thương mại thử nghiệm nhân chuyến thăm và làm việc của CEO tập đoàn Steve Ballmer tại Việt Nam.

Không chỉ có FPT, nhiều doanh nghiệp Việt cũng rất quan tâm và mong muốn triển khai điện toán đám mây. Ông Lê Việt Hùng, giám đốc chiến lược của ngân hàng Techcombank cho biết, việc nắm bắt được dữ liệu và xử lý nhanh nhạy là yếu tố tiên quyết trong việc điều hành thành công doanh nghiệp. Chính bởi vậy, mô hình điện toán đám mây, đã trở thành mô hình thời thượng, được đánh giá cao nhờ ở khả năng linh hoạt trong xử lý dữ liệu, và hiệu quả khi triển khai cả ở các tổ chức lớn hay doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Với mô hình chủ đạo là các doanh nghiệp có chi nhánh trải rộng trên nhiều tỉnh thành, Việt Nam sẽ thu được nhiều lợi ích lớn khi triển khai mô hình điện toán đám mây…”, ông Hùng nhấn mạnh.
 
(Theo Vnmedia)