Chi phí dành cho khôi phục sau thảm họa bao giờ cũng cao hơn rất nhiều chi phí phòng tránh. Vì vậy, việc cần xác định được dữ liệu của mình đang được bảo vệ an toàn tới mức nào, sẽ giúp các công ty khôi phục nhanh và ít bị tác động tới hoạt động kinh doanh khi có sự cố bất thường xảy ra.
Lũ lụt, động đất hoặc bất cứ thảm họa nào do con người gây ra có thể diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, và những gì từng xảy ra trước đây đã làm dấy lên sự cần thiết phải có một kế hoạch phục hồi thảm họa toàn diện cho các doanh nghiệp. Tuy vậy, các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ hiện nay thường mắc sai lầm khi không dành đủ nguồn lực và thời gian để đánh giá tác động của sự ngừng trệ đối với dịch vụ và hệ thống CNTT của họ. Kết quả là các thiệt hại thường gây ra tác động kép: thiệt hại về tài chính do hệ thống bị ngừng trệ, và thiệt hại về lòng tin của khách hàng – yếu tố có thể phá hủy cả danh tiếng của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp cần phải ưu tiên triển khai kế hoạch phục hồi hệ thống sau thảm họa một cách hiệu quả và toàn diện. Nguy cơ thảm họa luôn thường trực và việc khôi phục sau thảm họa càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết trong thế giới kinh doanh hiện nay do mức độ phụ thuộc ngày càng nhiều vào CNTT để vận hành các ứng dụng quan trọng. Đổ vỡ hệ thống, thảm họa thiên nhiên, và thậm chí cả lỗi người dùng cũng có thể khiến cho hoạt động bị ngừng trệ và tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc dành thời gian cho kế hoạch đối phó với thảm họa, sự kiện hoặc các cuộc khủng hoảng có thể cho thấy sự khác biệt giữa thành công và thất bại sau khi hoạt động kinh doanh bị đình trệ.
Một kế hoạch khôi phục sau thảm họa hiệu quả không chỉ giúp giải quyết việc bảo vệ và phục hồi công nghệ, mà còn cần có những yếu tố cần thiết như con người, quy trình và thủ tục để tạo nên thành công thực sự. Nó còn cho phép người dùng cuối quản lý nguy cơ doanh nghiệp, phản ứng với các rủi ro đình trệ hệ thống, và hoàn tất các giao dịch kinh doanh mới, trong khi vẫn bảo vệ được các giao dịch truyền thống có vai trò tối quan trọng với doanh nghiệp.
Nâng cao khả năng thành công
Để cải thiện sức mạnh và tính hiệu quả của kế hoạch khôi phục sau thảm họa rất cần tới sự quan tâm và ý thức của tầng lớp quản lý và điều hành CNTT. Thực tế cho thấy, sự tham gia của những người điều hành cấp càng cao bao nhiêu thì tỉ lệ thành công của kế hoạch phôi phục sau thảm họa càng lớn bấy nhiêu.
Ngoài ra, cũng cần phải có những kiểm định thường xuyên nhằm đảm bảo rằng kế hoạch khôi phục sau thảm họa sẽ hoạt động trơn tru, và nhân viên biết mình cần làm gì trong trường hợp xảy ra khủng hoảng thực sự. Mặt khác, việc kiểm định cũng cho phép doanh nghiệp điều chỉnh hợp lý và tùy biến kế hoạch của họ dựa trên các nhu cầu cụ thể. Các doanh nghiệp cần ý thức được một số điểm mấu chốt như: họ phải mất bao lâu mới khôi phục được bản sao lưu (backup) máy chủ; biết cách truy cập dữ liệu nếu họ không thể tới văn phòng; và biết nơi truy cập những bản sao phần mềm còn nguyên vẹn trong trường hợp mã độc đã lây nhiễm vào hệ thống CNTT. Dành thời gian cho khâu kiểm định và điều chỉnh các lựa chọn phục hồi này sẽ đảm bảo cho doanh nghiệp có thể khôi phục dễ dàng về sau này.
Tự động hóa là một trong những nhân tố then chốt của thành công. Đối với nhiều doanh nghiệp, phục hồi hệ thống là quá trình được thực hiện thủ công và tốn nhiều thời gian. Trong khi đó, quy trình xử lý tự động có thể khôi phục hệ thống trong vòng ít phút khi sự cố xảy ra, giúp loại bỏ thời gian ngừng trệ và lỗi con người. Sự cần thiết phải có giải pháp tự động là bởi khi xảy ra sự cố, không phải lúc nào quản trị CNTT cũng có thể tiếp cận vật lý đối với hệ thống bị lây nhiễm, do vậy sẽ có một số tác vụ nhất định buộc phải thực hiện từ xa.
Thay đổi bản chất khôi phục sau thảm họa
Ảo hóa máy chủ đã trở thành công nghệ chính trong các trung tâm dữ liệu mà máy chủ là trung tâm hiện nay. Nó giúp triển khai công nghệ máy ảo để chạy nhiều hệ điều hành trên một máy chủ đơn, và các hệ điều hành có thể hoạt động hoàn toàn độc lập với nhau. Nghiên cứu về khôi phục sau thảm họa của Symantec chỉ ra rằng, 52% các tổ chức doanh nghiệp châu Á-TBD và Nhật Bản buộc phải đánh giá lại kế hoạch khôi phục thảm họa của họ, do triển khai ảo hóa máy chủ. Ngoài ra, 37% máy chủ ảo hóa không được đề cập tới trong kế hoạch khôi phục sau thảm họa của các doanh nghiệp này; và chỉ có 38% doanh nghiệp sao lưu khoảng trên 90% hệ thống ảo hóa của họ.
Khi doanh nghiệp triển khai ngày càng nhiều công nghệ ảo hóa, thì nhu cầu đảm bảo cho sự an toàn và sẵn sàng của các tài sản và thông tin ảo ngày càng tăng lên.
Dữ liệu của bạn an toàn tới mức nào?
Trong bối cảnh kinh doanh phụ thuộc khá nhiều vào CNTT như hiện nay, thì việc hoạch định khôi phục sau thảm họa là thực sự cần thiết cho một chiến lược kinh doanh thành công. Điều quan trọng là luôn duy trì kế hoạch khôi phục sau thảm họa cập nhật thường xuyên, tuân thủ các chính sách luật định, các xu hướng công nghệ và bất cứ thay đổi nào trong môi trường doanh nghiệp.
Không có doanh nghiệp nào có thể đảm bảo khả năng phục hồi 100%, thế nhưng việc có những bước đi thích hợp được hoạch định cẩn trọng sẽ giúp họ khôi phục nhanh hơn, ít bị tác động tới hoạt động kinh doanh hơn nếu xảy ra sự cố đình trệ hệ thống - có thể là do thảm họa thiên nhiên, lỗi con người hay trục trặc hệ thống.