Năm 2011, ngành Tài nguyên môi trường cần tiếp tục quản lý chặt chẽ, nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên đất nước và tăng cường bảo vệ môi trường đến ứng phó biến đổi khí hậu.
Năm 2011, ngành Tài nguyên môi trường cần tiếp tục quản lý chặt chẽ, nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên đất nước và tăng cường bảo vệ môi trường đến ứng phó biến đổi khí hậu.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Chinhphu.vn |
“Những chính sách nổi bật, được xã hội quan tâm ủng hộ như các Nghị định 69, 88 đã tháo gỡ rất nhiều vấn đề tồn tại. Nhiều công trình trọng điểm, trong đó Thủy điện Sơn La về đích trước 2 năm cũng nhờ nhiều vào việc kịp thời sửa đổi, tháo gỡ công tác đền bù, tái định cư”, Phó Thủ tướng nói.
Trong lĩnh vực tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, ngành cũng tạo được những dấu ấn mới trong việc sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, quản lý các nguồn tài nguyên, quy hoạch phát triển các lưu vực sông có ý nghĩa quan trọng đối với bài toán an ninh năng lượng, an ninh lương thực của đất nước. Đặc biệt, năm 2010 cũng là năm sôi động về vấn đề bảo vệ môi trường, tạo sự chuyển biến quan trọng trong nhận thức của người dân, trong ý thức và trách nhiệm của các doanh nghiệp, dự án đối với công cuộc bảo vệ môi trường.
Tán thành với các định hướng, ý kiến tham luận của các đại biểu trong ngành từ các lĩnh vực, các địa phương, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo nhiệm vụ của ngành Tài nguyên môi trường trong năm 2011 cũng như các năm tiếp theo là tiếp tục thay đổi nhận thức trong quản lý, sử dụng, tạo các nguồn lực phát triển trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường, làm sao để sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả cao nhất các nguồn tài nguyên có hạn của đất nước.
Từ đó, Bộ TNMT tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về đất đai, đề xuất các cơ chế sửa đổi, bổ sung phù hợp, phát huy được nguồn lực từ đất đai cho phát triển KTXH, tháo gỡ hiệu quả các vướng mắc hiện nay. Tương tự, tiếp tục “gióng lên hồi chuông báo động” về những thách thức trong tình trạng “nghèo” tài nguyên nước nói riêng cũng như nhiều tài nguyên khác để quản lý, sử dụng hiệu quả, hợp lý .
Ngành cũng cần chú trọng hơn trong tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử phạt nghiêm các hành vi ô nhiễm môi trường, phải chuẩn bị tốt công tác chuẩn bị dự án để kêu gọi, triển khai các dự án cần thiết để cứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu về cải cách hành chính, coi đây là ưu tiên quan trọng của ngành. “Năm 2011 là năm cần đưa ra các tiêu chí, lượng hóa các thủ tục, thi đua, đánh giá để quản lý khoa học hơn. Nếu nói cắt gọn còn 10 thủ tục mà trong đó có 1 thủ tục mất 6 tháng thì cải cách thủ tục hành chính không có ý nghĩa”, Phó Thủ tướng kết luận.
Đẩy mạnh kinh tế hóa ngành Tài nguyên môi trường
Năm 2010, ngành Tài nguyên môi trường được đánh giá là tiếp tục đóng góp tích cực vào việc duy trì sự ổn định kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bước sang triển khai nhiệm vụ năm 2011, ngành Tài nguyên môi trường xác định phương hướng tập trung vào một số mục tiêu, giải pháp như đẩy mạnh kinh tế hóa ngành Tài nguyên môi trường trên cơ sở đổi mới cơ chế quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Phương hướng này bao trùm lên các nhóm nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch về quản lý TNMT; tăng cường công tác điều tra cơ bản nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý hiệu quả và sử dụng bền vững tài nguyên; tăng cường hợp tác quốc tế và hội nhập kinh tế quốc tế; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra nhằm bảo đảm quản lý sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.
* Nhân dịp này, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành trao thưởng các danh hiệu Bằng khen, Cờ luân lưu cho một số tập thể, cá nhân trong ngành có thành tích hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên môi trường trong năm 2010./.
Website Chính phủ