Lợi dụng tâm lý cả tin của người tham gia mua bán trực tuyến qua mạng, Hoàng Thế Anh, từng là sinh viên khoa tin trường trung cấp luyện kim Thái Nguyên, đã lừa đảo trên các sàn thương mại điện tử nội địa. Phải mất 8 tháng, cơ quan điều tra mới “tóm” được gã tin tặc này.
Phương thức không mới
Theo đội Chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Đội 14), phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC 45), sau khi nhận được thông tin từ Ban quản trị Chodientu.vn và nganluong.vn về một số vụ lừa đảo xảy ra trên trang này trong thời gian gần đây. Đội 14 đã lập chuyên án điều tra, áp dụng công nghệ tin học giải mã các vụ án liên quan đến tội phạm công nghệ cao cùng nguồn tin của cổng giao dịch chodientu.vn cung cấp, nhưng sau hơn 8 tháng, gã tin tặc “sinh viên” mới bị tóm. Hoàng Thế Anh sinh năm 1987, có hộ khẩu thường trú tại Xóm Mới, Hà Châu, Phú Bình, Thái Nguyên, hiện trú tại Cổ nhuế, Từ Liêm, Hà Nội, từng có một tiền án tội trộm cắp tài sản.
Qua đấu tranh khai thác Hoàng Thế Anh đã thừa nhận, trong quá trình lướt mạng, Thế Anh nhận thấy kẽ hở trong các giao dịch mua bán, đấu giá trên mạng internet, lợi dụng vai trò trung gian giữa người mua và người bán có thể lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nên đã nảy ra ý định đen tối. Bước đầu PC45 xác minh,Thế Anh đã gây ra bốn vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng internet trong khoảng thời gian từ đầu năm 2010. Lợi dụng kẽ hở này, Thế Anh đã lừa đảo, chiếm đoạt hàng chục triệu đồng từ các sàn thương mại điện tử nội địa. Cơ quan điều tra sẽ tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành truy tố với Viện Kiểm Soát theo khoản 2, điều 139 Bộ luật hình sự.
Theo đó, khoảng tháng 8/2010, Thế Anh lập nick shopzinzin với hòm thư shopzinzin@yahoo.com.vn trên trang web chodientu, đồng thời lập tiếp một nick thuonggianet và hòm thư thuonggianet@yahoo.com.vn với tên là Nguyễn Đức Kiên. Sau đó Thế Anh vào nick shopzinzin đăng đấu giá sản phẩm laptop Apple Macbook, đồng thời dùng nick thuonggianet vào tham gia đấu giá với giá 16 triệu đồng và dùng nick này đăng bán lại sản phẩm. Chị Nguyễn Thị Hương (trú tại 92 trần Bình Trọng, P. Thành Công, TP Buôn Mê Thuột, Đắclak), có hòm thư huongnt_92@yahoo.com.vn đã mua lại sản phẩm này. Tuy nhiên, Thế Anh đã yêu cầu chị Hương chuyển tiền vào tài khoản Nguyễn Đức Kiên, STK : 0106850220 tại ngân hàng Đông á. Chị Hương tin tưởng đã chuyển tiền vào tài khoản này và bị Thế Anh chiếm đoạt.
Với chiêu thức tương tự trong tháng 9 và tháng 10, Thế Anh đã tiếp tục lừa thêm ba vụ nữa với số tiền khoảng 37 triệu đồng. Lợi dụng kẽ hở đấu giá sản phẩm trên website chodientu.vn, Thế Anh đã lập nhiều hòm thư để lừa đảo người dùng cả tin trên mạng.
Nhưng thói quen người dùng tiếp tay cho tội phạm
Theo đại diện từ Đội Chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Đội 14), mặc dù thủ đoạn này không mới nhưng chiêu thức lừa đảo của các đối tượng này ngày càng tinh vi hơn. Đối tượng sử dụng kẽ hở từ tâm lý mua bán nhẹ dạ, cả tin và thói quen online mua hàng nhưng thích thanh toán bằng tiền mặt của người dân khi tham gia mua bán trên mạng.
Các hoạt động lừa đảo tương tự thường diễn ra tại nhiều sàn giao dịch thương mại khác nhau. Vấn đề là không phải sàn giao dịch hay các website mua bán trên mạng nào, cũng có các biện pháp bảo vệ người mua và chủ động phối hợp với cơ quan chức năng để tóm kẻ lừa đảo như chodientu.vn hay nganluong.vn. Đa phần tâm lý mọi người thường im lặng cho qua khi bị lừa. Vì họ không biết kêu ai và thực tế cũng khó mà được bảo vệ.
Cũng theo vị đại diện này, mua bán trên mạng bên cạnh sự nhanh chóng, tiện lợi, còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, ngoài những nguy cơ từ sản phẩm, thì thanh toán là rào cản lớn nhất đối với người mua hàng online. Đã có quá nhiều bài học từ các vụ lừa đảo liên quan đến thanh toán khi mua hàng qua mạng. Do đó, người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình bằng cách chọn mua sản phẩm tại các website có tích hợp cổng thanh toán trực tuyến và chọn chế độ thanh toán tạm giữ để bảo đảm tiền sẽ được đóng băng tại cổng thanh toán này, đến tận khi nhận được hàng đúng theo yêu cầu mới chuyển tiền. Bản thân các doanh nghiệp, người kinh doanh nhỏ lẻ hiện nay cũng chủ động liên kết và tích hợp các công cụ thanh toán trực tuyến tại website của mình nhằm bảo vệ tối quyền lợi và sự an toàn của khách hàng.
Một số kinh nghiệm khi mua hàng trên mạng: - Chỉ nên tham gia vào các sàn giao dịch uy tín, đảm bảo quyền lợi cho người mua, hỗ trợ người dùng khi có sự cố xảy ra. - Tìm kiếm thông tin về mặt hàng (các đặc tính kỹ thuật, hình ảnh ở nhiều góc độ,…). - Lựa chọn người bán đảm bảo, có uy tín (dựa trên phản hồi của những người đã mua trước đó hoặc dựa vào chứng nhận Người bán đảm bảo của Nganluong.vn,...). - Kiểm tra thông tin về công ty, người bán hàng trực tuyến (tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc, email…), có thể sử dụng cách tìm kiếm trên Google để kiểm tra. - Tìm hiểu chính sách mua bán, quy định, bảo hành… - Chọn lựa hình thức thanh toán an toàn (Chọn phương thức thanh toán có độ an toàn cao, kèm các chính sách hoàn trả lại tiền khi gặp rủi ro…) -Nên sử dụng phương thức thanh toán tạm giữ để đảm bảo được bồi hoàn tiền khi có sự cố xảy ra. |