Giới chuyên môn nhận định, 2011 sẽ là năm dịch vụ Internet băng rộng ADSL của các doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn trong việc tìm kiếm khách hàng, giành thị phần. Một tương lai không mấy sáng sủa này đòi hỏi đơn vị cung cấp phải có bài toán kinh doanh thực sự hiệu quả và hấp dẫn người dùng.
Thuê bao phát triển không còn nóng
Nếu cách đây một vài năm, dịch vụ Internet băng rộng ADSL là sự lựa chọn số một của người dùng Internet, kể cả các khu đô thị lớn, thành phố, thị xã, nhu cầu lắp đặt lên cao tới mức có những thời điểm, doanh nghiệp không đủ cổng (DSLAM) để cung cấp dịch vụ thì nay, ADSL đang bị đe doạ bởi khá nhiều đối thủ mới như Internet băng rộng di động 3G và cáp quang FTTH.
Dù chưa được đánh giá là một xu hướng tiêu dùng chủ đạo trong năm 2011, nhưng việc có thêm các công nghệ cung cấp dịch vụ Internet mới cũng là một cảnh báo cho các doanh nghiệp hiện đang cung cấp dịch vụ Internet băng rộng. Thị phần Internet băng rộng giờ không phải chỉ có ADSL nữa mà đã san sẻ phần nào cho các công nghệ mới.
Kết thúc năm 2010, theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng số thuê bao băng rộng đạt 3,68 triệu thuê bao, đạt đạt mật độ 4,2%. Hiện tại, thị phần dịch vụ của VNPT lớn nhất với khoảng 70% với 2,6 triệu thuê bao trong tay.
Cạnh tranh vị trí số hai và ba trên thị trường vẫn là hai doanh nghiệp FPT Telecom và Viettel với khoảng ngót 1 triệu thuê bao cho cả hai. Ngoài ra còn một số doanh nghiệp khác cũng cung cấp dịch vụ, nhưng thị phần quá ít. Con số này được đánh giá, vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng của dịch vụ cũng như khả năng cung cấp của doanh nghiệp.
Cần thêm chiến lược kinh doanh mới
Một số chuyên gia nhận định, dù lượng người dùng vẫn chưa nhiều nhưng đã có dấu hiệu manh nha vào giai đoạn thoái trào của dịch vụ ADSL. Chưa thực sự cận kề trước mắt, chưa phải là ngay năm 2011, song chắc chắn, tương lai, dịch vụ cáp quang và Internet băng rộng không dây sẽ là mối đe doạ không thể phủ nhận của dịch vụ.
Trên thực tế, các doanh nghiệp ADSL cũng đã nắm bắt được xu thế cũng như mối đe doạ đó của mình. Chính bởi vậy, ba nhà cung cấp dịch vụ ADSL có thị phần lớn nhất trên thị trường là VNPT/VDC, FPT Telecom, Viettel đều đang ngầm đẩy mạnh nhiều chính sách như hoàn chỉnh gói cước, tập trung cho chất lượng dịch vụ hay khuyến mãi hấp dẫn nhằm hút khách hàng.
Với riêng VNPT/VDC, đại diện của doanh nghiệp cũng thừa nhận, dù chưa đạt được số lượng thuê bao như trong muốn trong năm 2010 vừa qua, song mảnh đất thành thị giờ cũng đã không còn màu mỡ nữa. Giám đốc VDC Vũ Hoàng Liên không ngần ngại chia sẻ, giờ, ngoài việc duy trì ổn định lượng khách hàng đã có, mục tiêu doanh nghiệp hướng đến là người dùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Trong khi các doanh nghiệp khác chỉ tập trung vào các thị trường “ngon ăn”, không phải đầu tư nhiều thì với chiến lược của VDC thêm một lần nữa khẳng định vai trò doanh nghiệp nhà nước hàng đầu này. Kinh doanh tất yếu phải hướng tới lợi nhuận, nhưng đó cũng chưa phải là tất cả.
VDC vẫn nhất quán với quan điểm tạo điều kiện để nhiều người dân được tiếp cận với dịch vụ Internet hơn nữa, đặc biệt là ở vùng nông thôn. Hiện giờ, dù phải chịu áp lực cạnh tranh với công nghệ mới, song ưu thế của Internet băng rộng ADSL vẫn là giá thành thấp hơn hẳn, và sẽ còn tiếp tục được điều chỉnh hợp lý trong thời gian tới.
Và đây đang là một lợi thế lớn của dịch vụ. Chỉ cần có vài chục ngàn đồng, thuê bao Internet ADSL đã có thể lướt net, vào mạng mỗi tháng. Song với các dịch vụ Internet băng rộng công nghệ khác, số tiền bỏ ra phải lên tới vài trăm ngàn, thậm chí tiền triệu.
“Túi tiền” của người dân, đặc biệt là người dân nông thôn hiện nay chưa thực sự sung túc, đó tiếp tục là cơ hội cho ADSL có thêm thị phần. Nhưng nguy cơ thoái trào vẫn phải tính tới, để doanh nghiệp có những chính sách phát triển hợp lý hơn tránh kết cục không như mong muốn vốn đã được báo trước.