Chỉ trong vòng 18 tháng, anh Lê Thanh Trị đã cho ra đời 6 loại máy ứng dụng vào kỹ thuật vườn ươm, được nông dân đánh giá cao và đang phổ biến tại nhiều khu sản xuất ở Lâm Đồng.
Bạn bè anh không thể ngờ chỉ trong 18 tháng, những loại máy móc liên tiếp gối đầu nhau ra đời, đều là những sản phẩm tiện ích và có thể ứng dụng rộng rãi cho các khu vườn. Đặc biệt hơn, các dạng
máy đã gần như hoàn thiện một quy trình làm việc tại các vườn ươm.
Trình làng loại máy đầu tiên là máy ép giá thể vào vỉ xốp sau 6 tháng nghiên cứu, tháng 3.2009, loại máy này được vườn ươm Thức (Đức Trọng) ứng dụng đầu tiên và giảm được 5 lần số lao động hoạt động. Thành công đầu tiên như níu giữ anh ở lại với Lâm Đồng - một mảnh đất anh có rất nhiều thiện cảm. Để rồi sau đó, nếu tính trung bình thì cứ 3 tháng anh lại cho ra đời một loại máy mới.
Máy gieo hạt cải tiến từ máy của Australia, có sự khác biệt ở bộ phận định vị gieo hạt đúng tâm. Đây là loại máy trước đó cùng đã được nông dân cải tiến theo dạng máy cơ chạy bằng nhông, riêng máy của Lê Thanh Trị chạy bằng hơi. Máy đã tự động thông kim trong quá trình gieo hạt của mỗi chu kỳ gieo và giá thành chỉ còn là 30 triệu đồng so với máy của Austrlia giá 10.000 USD và các dạng máy khác giá trung bình 50 triệu đồng.
Kế tiếp, máy xay giá thể ra đời đã có thể lựa chọn vật cứng trước khi xay và thổi sản phẩm ra xa khoảng 7m, tiết kiệm công lao động vận chuyển và tiện ích khi xay giá thể trồng hồng môn, hoa địa lan…Máy sàng biến tầng điều chỉnh độ rung tiếp tục là một loại máy ấn định tính kỹ thuật trong sản xuất, với sự hỗ trợ của máy, nông dân có thể lựa chọn chế độ rung với tần suất hợp lý.
Sau quá trình chế tạo các dạng máy đơn lẻ, Lê Thanh Trị cho ra đời máy liên hợp với 3 chức năng là xay, sàng, chuyển tải. Máy đã có tính chất tổng hợp cả quá trình sản xuất, gắn kết lại rất toàn diện mà vẫn rất linh động với các bộ phận riêng. Cả 5 dạng máy này đều là nhu cầu bức xúc của người dân.
Ông Trần Huy Đường - Giám đốc Langbiang Farm, Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt sau khi biết đến các dạng máy này đã ứng dụng vào 2 trang trại của Langbiang Farm. Theo ông tính toán, máy gieo hạt có công suất gấp 6 lần so với sử dụng lao động như thông thường. Máy còn có ý nghĩa hơn khi thay thế sức người vào những thời gian cao điểm không thể thuê hàng chục lao động mỗi ngày. Chính vì tính năng nổi trội, Langbiang Farm đã liên tục sử dụng các loại máy mới của Lê Thanh Trị chế tạo...
Nếu như ở 5 loại máy đầu tiên, anh Lê Thanh Trị đáp ứng nhu cầu hiện tại của vườn ươm thì với loại máy thứ 6 - máy rửa và nhúng vỉ tự động, anh đã đón đầu xu hướng tương lai của người sử dụng. Loại máy này được các cơ sở có quy mô lớn như trang trại Phong Thúy (Đức Trọng), Thiên Sinh (Đơn Dương), Langbiang Farm (Đà Lạt)... sử dụng hiệu quả. Tại nhiều nước trên thế giới, vỉ xốp chỉ sử dụng duy nhất một lần còn các vườn ươm trong nước hiện tái sử dụng các vỉ xốp cho các chu kỳ sản xuất về sau. Để diệt trừ mầm bệnh, máy rửa vỉ xốp có cấu tạo thực hiện cả quy trình rửa sạch, nhúng tấm vỉ vào hóa chất thân thiện với môi trường và thu hồi vỉ xốp với công suất 1.200 vỉ mỗi giờ. Sản phẩm này thay thế cho hình ảnh những công nhân ngồi hàng giờ để rửa vỉ xốp.
Đã từng là một cán bộ đoàn, là Giám đốc Xí nghiệp Thực phẩm Bến Tre, từng là một ông chủ đồn điền cao su ở Bình Phước, một chủ thầu xây dựng tại TPHCM... Lê Thanh Trị nhận mình là con người khá lang bạt. Tính cách ấy đã đưa anh đến với Lâm Đồng, anh mở một cơ sở thiết kế, gia công, chế tạo máy tại Liên Nghĩa, Đức Trọng và truyền nghề cho các học viên đến học. Có thể đây chưa phải là nơi anh dừng chân nhưng là nơi anh đang miệt mài, hăng say với những cỗ máy mới đầy tính ứng dụng đối với nông dân Lâm Đồng.