Nước thải Chợ nông sản gây ô nhiễm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp

09:01, 12/01/2011

Gần như toàn bộ diện tích canh tác nông nghiệp trong khu phố, phường 11 đều bị ảnh hưởng do nguồn nước thải của chợ chưa được xử lý, đổ trực tiếp xuống suối.

(LĐ online) - Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, tại khu phố 1, phường 11, Tp. Đà Lạt hiện có 150 ha đất sản xuất nông nghiệp, chuyên canh các loại cây trồng như actisô, khoai tây và các loại rau ăn lá… Từ ngày dựng làng, lập ấp đến nay, 84 hộ nông dân trong khu phố đều sử dụng nguồn nước từ con suối dài khoảng 5 km trong phường để tưới tiêu cho cây trồng.

Tháng 4 năm 2009 khi Chợ đầu mối nông sản Đà Lạt chính thức đi vào hoạt động tại phường 11, bên cạnh niềm vui có nơi trao đổi, mua bán nông sản thuận tiện hơn trước, thì lại gây ra một nỗi lo - gần như toàn bộ diện tích canh tác nông nghiệp trong khu phố 1 đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng do nguồn nước thải của chợ chưa được xử lý, đổ trực tiếp xuống suối. Không chỉ bị ô nhiễm nặng, nguồn nước nơi đây còn bốc mùi rất khó chịu cho những người dân địa phương trong phường.

Nguồn nước thải của chợ rau đổ trực tiếp ra con suối thuộc khu phố 1, phường 11, Đà Lạt gây ô nhiễm môi trường nước.
Nguồn nước thải của chợ rau đổ trực tiếp ra con suối thuộc khu phố 1, phường 11, Đà Lạt gây ô nhiễm môi trường nước.
Với một địa bàn đang từng bước chuyển sang sản xuất canh tác nông nghiệp theo hướng công nghệ cao như phường 11, đây chính là vấn đề gây nhiều khó khăn cho nông dân. Việc nước thải của Chợ đầu mối nông sản Đà Lạt chưa được xử lý đổ trực tiếp xuống suối đã gây khó khăn về nguồn nước phục vụ canh tác nông nghiệp cho bà con trong khu phố. Nếu như trước đây, nguồn nước sản xuất khá dồi dào và ổn định vào các mùa trong năm, thì hơn 1 năm qua, nhà nào cũng phải lo đào giếng hoặc đào hồ lắng lấy nước sạch phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhiều gia đình có diện tích trồng rau hoa trong nhà kính, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất đang phải dở khóc dở cười với nguồn nước do Chợ đầu mối nông sản Đà Lạt thải ra. Để có nguồn nước sản xuất, nhiều gia đình  phải đầu tư không dưới 30 triệu đồng để đào giếng, làm hồ lắng để lấy nước sạch chăm sóc cây trồng.

Anh Huỳnh Ngọc Sang, khu phố 1, phường 11, Đà Lạt bức xúc: “Trước kia nước suối ở đây rất trong, phần lớn bà con trong khu phố lấy nước để tưới tiêu cho cây trồng. Từ khi Chợ đầu mối nông sản Đà Lạt di dời xuống đây thì nguồn nước thải của chợ đã gây ô nhiễm cho dòng suối này, làm nhiều diện tích cây trồng của bà con không có nguồn nước sạch để tưới. Giờ gia đình nào cũng lo đào giếng, làm hồ lắng để lấy nguồn nước sạch cho cây trồng. Hiện bà con chúng tôi rất bức xúc và mong muốn các cấp ngành trong thành phố cần nhanh chóng tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm này càng sớm càng tốt”.

Các hộ dân bị ảnh hưởng từ nguồn nước bị ô nhiễm nói trên cũng đã phản ánh và kiến nghị UBND phường cần phối hợp với các ban ngành liên quan kiểm tra và có giải pháp khắc phục, nhằm trả lại nguồn nước trong sạch để nông dân sản xuất. Tuy nhiên, hơn 1 năm qua, vẫn chưa có gì cải thiện.

Mặc dù đang họat động chưa hết công suất thiết kế, nhưng bình quân mỗi ngày, Chợ Nông sản đầu mối Đà Lạt đã thải ra không dưới 15 m3 nước. Vào những ngày mưa, nhờ nguồn nước từ các nơi đổ về nên mức độ ô nhiễm dòng suối ở khu phố 1 có phần giảm đi. Nhưng, vào những ngày nắng nóng, mùi hôi thối và nguồn nước ô nhiễm rất nặng.

Để giúp người dân khu phố 1, phường 11 yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống, hạn chế những tác động xấu đến môi trường khu vực ven đô, các ngành chức năng thành phố cần sớm vào cuộc để tìm ra những giải pháp xử lý có hiệu quả cho nguồn nước thải tại Chợ đầu mối nông sản Đà Lạt để người dân có nước sạch phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Hải Phong