Cao Đình Hùng với đột phá mới trong sản xuất giống cây trồng

03:02, 16/02/2011

Lần đầu tiên trên thế giới, nghiên cứu sinh ở Úc Cao Đình Hùng đã sáng chế ra các hạt nhân tạo “Kiểu mới” để sản xuất các giống cây than gỗ cứng nhiệt đới. Đây là công trình khoa học mang tính đột phá trong 30 năm qua, đem đến tiềm năng to lớn cho công nghiệp và môi trường.

Lần đầu tiên trên thế giới, nghiên cứu sinh ở Úc Cao Đình Hùng đã sáng chế ra các hạt nhân tạo “Kiểu mới” để sản xuất các giống cây than gỗ cứng nhiệt đới. Đây là công trình khoa học mang tính đột phá trong 30 năm qua, đem đến tiềm năng to lớn cho công nghiệp và môi trường.

Cao Đình Hùng trong khuôn viên thuộc Khoa Science của Trường Đại học USC, Australia.
Cao Đình Hùng trong khuôn viên thuộc Khoa Science của Trường Đại học USC, Úc.

Thật tình cờ tôi gặp nghiên cứu sinh Cao Đình Hùng trong những ngày đầu xuân Tân Mão khi anh từ Úc trở về Đà Lạt ăn tết. Hùng cho rằng nguyên nhân đột phá trong công trình nghiên cứu của mình là do hấp thu được lối tư duy logic của các nhà khoa học phương Tây trong suốt những năm học ở Úc, còn nguyên nhân sâu xa là do kết hợp với khả năng sáng tạo vốn có của người Việt Nam. Anh tâm sự: Tôi muốn hoàn thành luận án tiến sĩ của mình trong lĩnh vực phát triển trồng cây gỗ cứng để khai thác sử dụng tại Úc và Việt Nam. Tôi cũng muốn góp phần giảm thiểu việc phá rừng bằng việc tăng cường trồng rừng tại hai nước.
 
Theo Phó Giáo sư Stephen Trueman chuyên ngành thực vật học của Trường Đại học Sunshine Coast (USC – Úc) thì bước đột phá trong việc nhân giống loại cây gỗ cứng nhiệt đới đã giải quyết được vấn đề tái sinh cây mà các phương pháp nhân bản vô tính thực vật đang gặp khó khăn hoặc không hiệu quả hoặc khó ứng dụng vào thực tế do lúc nào cũng phải thực hiện trong phòng thí nghiệm. Đây là phương pháp nhân giống dễ và nhanh hơn nhiều. Thông thường với một hạt chỉ có thể nhân ra 100 cây trong một năm nhưng với phương pháp mới này có thể nhân giống 10 triệu cây một năm trong khi giảm một nửa quy trình xử lý trong phòng thí nghiệm và chăm sóc sau khi nhân giống. Các ưu điểm của việc nhân bản vô tính thực vật bằng hạt nhân tạo “Kiểu mới” là ứng dụng vào thực tế dễ dàng, thiết lập các cánh rừng mới một cách hiệu quả, đồng thời có thể chuyển giao sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Công nghệ hạt nhân tạo “Kiểu mới” của Cao Đình Hùng cho phép mỗi năm sản xuất được khoảng 10 triệu hạt nhân tạo bạch đàn lai và 6 triệu hạt nhân tạo cây gụ từ một hạt thật ban đầu của mỗi loại cây, để có thể đem gieo trồng trực tiếp tại vườn ươm hoặc lâm trường, nhằm phục vụ cho việc chọn dòng ưu việt, mở ra một tiềm năng to lớn cho ngành lâm nghiệp và môi trường. Cách làm này đáp ứng được nhu cầu trồng rừng và chọn dòng tăng trưởng tốt, hấp thu lượng CO2 trong không khí được nhiều, chống chịu giá rét tốt…


Hùng nghiên cứu tiến sĩ về đề tài sản xuất hạt giống cây gỗ bạch đàn và gụ để phục vụ công tác gây dựng và bảo vệ rừng ở hai nước Việt Nam và Úc. Bạch đàn là cây bản xứ của Úc, còn gụ là cây bản xứ của châu Phi đang có nguy cơ tuyệt chủng do khu phân bố bị thu hẹp dần và nạn khai thác gỗ quá mức. Hai loại cây này đang được Úc ưa chuộng và có tiềm năng lớn trong việc trồng rừng ở Việt Nam, cũng như mở ra nhiều cơ hội hợp tác có lợi sau này giữa hai chính phủ. Anh cho biết, nếu áp dụng kết quả nghiên cứu này tại Việt Nam thì sẽ làm giảm áp lực rừng tự nhiên và giúp cân bằng sinh thái. Ước tính trong khoảng 4 - 5 năm (từ khi trồng cây con) là có thể phủ xanh đất trống, đồi trọc và trong vòng 8 - 10 năm là có thể thu hoạch được gỗ. Trước đây, Cao Đình Hùng cũng đã nghiên cứu giá trị dược liệu trên cây wasabi có nguồn gốc từ Nhật Bản nhằm phục vụ cho công nghệ thực phẩm và chữa bệnh ung thư. Công trình này cũng chính là luận án thạc sĩ của Hùng được được xếp hạng nhất tại Đại học Công nghệ Sydney năm 2007.

 
Cao Đình Hùng đang giới thiệu phương pháp mới cho sinh viên tại Phòng thí nghiệm của Trường Đại học USC, Australia.
Cao Đình Hùng đang giới thiệu phương pháp mới cho sinh viên tại Phòng thí nghiệm của Trường Đại học USC, Úc.


Tiến sỹ Truman, người cộng tác với Hùng đã phát biểu trên tờ Tạp chí thực vật  Úc rằng Hùng là nhà nghiên cứu nổi tiếng. Kết quả sẽ sớm có khi anh đã gửi mẻ giống tới vườn ươm để ương mầm và trồng theo phương pháp công nghiệp.

Cao Đình Hùng sinh năm 1974 tại Thừa Thiên Huế. Tốt nghiệp Đại học khoa học Huế đạt loại giỏi năm 1996, cũng đồng thời tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế năm 1997. Năm 1998, với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, Hùng chọn Đà Lạt làm quê hương thứ hai để cống hiến, công tác tại Phân Viện Sinh học Đà Lạt, nay là Viện Sinh học Tây Nguyên. Năm 2004 Hùng tự tìm học bổng sang Úc du học tại Trường Đại học Công nghệ Sydney. Sau đó, anh tìm được học bổng để học lên tiến sĩ tại Trường Đại học Sunshine Coast - một trong những trường danh tiếng hàng đầu của Úc và sẽ hoàn tất chương trình tiến sĩ vào giữa năm 2011.  Mặc dù có rất nhiều trường danh tiếng ở Anh mời làm tiến sĩ nhưng anh quyết định ở lại Úc để tiếp tục thực hiện đề tài nghiên cứu của mình. Được biết, Trung tâm Tiểu sử Quốc tế “Who’s who” ở Anh Quốc (UK) liệt kê Hùng vào danh sách 1 trong 2000 nhà khoa học, đồng thời cũng là 1 trong 2000 nhà tri thức xuất sắc của thế kỷ 21. Cao Đình Hùng tâm sự: Sau khi lấy bằng tiến sĩ xong, anh tiếp tục tìm kiếm nguồn kinh phí để theo đuổi nghiên cứu sau tiến sĩ để có thêm nhiều kiến thức trở về công hiến cho đất nước Việt Nam, đem hết tâm huyết và tài năng để làm giàu cho quê hương của mình.

HỒ LAN