Lý giải về nguyên nhân iPad 2 có giá cạnh tranh

08:03, 09/03/2011

Hãng công nghệ Apple vừa trình làng thế hệ máy tính bảng mới nhất iPad 2 với một số tính năng hơn hẳn so với thế hệ trước. Tuy nhiên, đặc điểm hấp dẫn nhất của iPad 2 không phải là các tính năng kỹ thuật, mà là mức giá cạnh tranh của nó.

Hãng công nghệ Apple vừa trình làng thế hệ máy tính bảng mới nhất iPad 2 với một số tính năng hơn hẳn so với thế hệ trước. Tuy nhiên, đặc điểm hấp dẫn nhất của iPad 2 không phải là các tính năng kỹ thuật, mà là mức giá cạnh tranh của nó.

 

Không chỉ so với iPad, giá bán công bố của iPad 2 còn được cho là “vô đối” khi so sánh với các sản phẩm của các hãng đối thủ. Giá phiên bản thấp nhất của iPad 2 là 499 USD, không tăng so với người anh của nó.

Apple cho biết kể từ khi được tung ra thị trường tháng 4 năm ngoái, iPad đã tiêu thụ được 15 triệu chiếc, mang lại doanh thu 9,5 tỷ USD. Các nhà phân tích nói rằng đây chỉ là khởi đầu của một thị trường đầy hấp dẫn cho máy tính bảng, được dự đoán sẽ đạt tổng doanh thu tới 35 tỷ USD vào năm 2012.

Các máy tính bảng Xoom của Motorola và Galaxy Tab của Samsung tung ra gần đây được giới phê bình đánh giá nhìn chung là tích cực, nhưng cả hai đều có giá khởi điểm cao hơn iPad 2 nhiều.

Một loạt tập đoàn công nghệ khác cũng đang đổ xô vào thị trường máy tính bảng đầy hấp dẫn, hứa hẹn những mẫu “hàng khủng” sẽ được giới thiệu trong năm nay như TouchPad của Hewlett-Packard, Flyer của HTC, G-Slate của LG và PlayBook của BlackBerry.

Giá bán của chúng vẫn được giấu kín, nhưng các chuyên gia trong ngành cho rằng các đối thủ mới sẽ khó cạnh tranh được với iPad 2 về mặt này.

Toni Sacconaghi, phân tích gia tại công ty Sanford C. Bernstein nói: “Đã có gần 100 loại máy tính bảng ra đời sau iPad. Nhưng dường như không sản phẩm nào vượt qua, thậm chí đuổi kịp Apple về giá.”

Giới phân tích đưa ra một số lý do. Thứ nhất, tiềm lực tài chính khổng lồ của Apple - gần 60 tỷ USD vốn lưu động - cho phép tập đoàn này bắt tay chiến lược với các nhà cung cấp để nhập thiết bị với số lượng lớn, chẳng hạn bộ nhớ trong. Bằng cách này, “Quả táo” đảm bảo chi phí đầu vào thấp, giúp giảm giá bán.

Thứ hai, Apple đã khôn khéo “né” các chi phí về bản quyền công nghệ đối với một số thiết bị đắt đỏ dùng trong iPad, như chip xử lý A4 hay A5. Các linh kiện này đều do Apple tự sản xuất, sau khi... mua lại công ty đẻ ra chúng.

Ngoài ra, App Store - gian hàng chuyên cung cấp các ứng dụng cho các sản phẩm của “quả táo cắn dở” - mỗi năm mang lại cho Apple hơn 1 tỷ USD. Nhờ đó, Apple có thể không cần bán iPad với tỷ lệ lợi nhuận cao như bán iPhone (được cho là tới 50%).

Một lợi thế nữa là Apple có một mạng lưới cửa hàng trên khắp thế giới và trên Internet của riêng mình, đồng nghĩa với việc khách hàng không phải trả thêm tiền cho các nhà phân phối trung gian.

Mặc dù các đối thủ cũng đều có những ưu thế kể trên, nhưng không ai có được tất cả như iPad.

Chẳng hạn, Samsung giảm chi phí cho Galaxy Tab bằng cách tự phát triển và sản xuất nhiều linh kiện. Samsung cũng sử dụng hệ điều hành Android miễn phí do Google cung cấp. Thế nhưng một chiếc Galaxy Tab bán lẻ vẫn có giá tới 549 USD.

Một thách thức lớn nhất đối với Samsung là phải phụ thuộc vào một trung gian, như BestBuy, để đưa sản phẩm ra thị trường.

Tương tự, bỏ ra hàng tỷ USD để xây dựng mạng lưới bán lẻ hoặc đầu tư phát triển một con chíp xử lý “khủng” không phải là một lựa chọn thông minh đối với các hãng nhỏ hơn như Motorola.

Chính vì thế, giá bán lẻ của một chiếc máy tính bảng Xoom màn hình 10 inch, chíp đôi, hai camera của Motorola lên tới 800 USD.

Steven Jobs, Tổng giám đốc điều hành Apple, khi thông báo iPad 2 với báo giới hôm 3/3 vừa qua đã không kiêng nể khi nói rằng có thể năm 2011 sẽ là năm có nhiều máy tính bảng khác ra đời, nhưng “hầu hết chúng thậm chí còn không theo kịp iPad thế hệ đầu của chúng tôi.”

Các chuyên gia cho rằng giá bán ngày càng trở thành yếu tố quan trọng trong thị trường máy tính bảng. Bởi khi càng có nhiều sản phẩm rẻ tiền ra đời, người tiêu dùng càng không muốn trả nhiều tiền, dù là cho một thiết bị có cấu hình “siêu khủng”./.

(Vietnam+)