Lồng ghép REDD+ vào quy hoạch phát triển Tây Nguyên

10:05, 26/05/2011

(LĐ online) -Lồng ghép REDD+ vào quy hoạch phát triển tại Tây Nguyên là cơ hội để bảo vệ rừng tốt hơn, nhưng cũng còn nhiều thách thức, rủi ro trong quá trình triển khai.

(LĐ online) - Ngày 25/5, tại TP. Đà Lạt, Hội thảo “Lồng ghép biến đổi khí hậu (BĐKH) và REDD + vào quy hoạch phát triển tại Tây Nguyên” do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT đồng tổ chức với sự tham dự của các nhà khoa học, các chuyên gia Việt Nam, nước ngoài, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, ngành chức năng 5 tỉnh Tây Nguyên và 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Thuận.

Nhiệt độ trung bình mỗi năm ở Tây Nguyên tăng từ 0,5 đến 0,7 độ C

Đối với các nước Đông Nam Á, số liệu của Ngân hàng phát triển Châu Á cho thấy, mức thiệt hại trung bình do BĐKH gây ra đối với 4 nước Indonesia, Philipine, Thái Lan và Việt Nam tương đương 6,7% tổng giá trị GDP hàng năm của các nước này vào năm 2100, tức gấp đôi mức thiệt hại trung bình trên thế giới. Nếu không cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu thì nhiệt độ trung bình tại khu vực Đông Nam Á sẽ tăng thêm 4,8 0C trong thời gian từ năm 1990 đến năm 2100, khiến mực nước biển dân cao thêm 0,7 m và hậu quả sản lượng lúa của 4 nước trên có thể giảm tới 50%; một diện tích rừng lớn chuyển thành đất hoang.

Ở Tây Nguyên trong 30 năm qua (1980-2009), nhiệt độ trung bình tăng lên từ 0,50C-0,70 C; lượng mưa giảm khoảng 2%, sự khắc nghiệt của thời tiết gia tăng với biên độ giãn cách đột ngột chưa từng thấy.
Đối với vùng Tây Nguyên, theo TS Nguyễn Khắc Hiếu, Ban Chỉ đạo thực hiện UNFCCC (Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu) và Nghị định thư Kyoto thuộc Bộ TN&MT:“Trong 30 năm qua (1980-2009) nhiệt độ trung bình tăng lên từ 0,50C-0,70 C mỗi năm; lượng mưa giảm khoảng 2%, sự khắc nghiệt của thời tiết gia tăng với biên độ giãn cách đột ngột chưa từng thấy.

Năm 2009 và 2010, nhiệt độ cao hơn các năm trước, nắng nóng kéo dài làm khô hạn rất nhiều nơi trên khu vực Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng. Mực nước ngầm tại một số nơi ở ĐăkLăk, Đăk Nông, Gia Lai… đang đứng trước tình trạng suy giảm nghiêm trọng, giảm từ 3-5 m so với trước đây”. Tây Nguyên cũng đang hứng chịu tần suất thiên tai ngày càng nhiều với cường độ mạnh và khó dự đoán, nhất là lũ lụt. Theo đó, diện tích rừng bị thu hẹp, đất Tây Nguyên đã bị xuống cấp, chua hóa, hàm lượng chất dinh dưỡng bị suy thoái, hiện tượng rửa trôi và xói mòn ngày càng trầm trọng.

Sự tác động của BĐKH ở Tây Nguyên đã kéo theo năng suất cây trồng và vật nuôi bị giảm, trong đó tình trạng di dân là một trong các nguyên nhân làm tăng nhanh tác động này.       

Lồng ghép REDD+ vào quy hoạch phát triển: Cơ hội và thách thức

REDD là tên viết tắt từ tiếng Anh, có nghĩa là nhằm phát thải khí gây ra hiệu ứng nhà kính (GHG) do mất rừng và suy thoái rừng tại các nước đang phát triển. Từ cách hiểu này, REDD+ còn là vai trò của quản lý rừng bền vững, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các-bon của rừng.

Thông 3 lá là một trong những loài thuận lợi cho trồng rừng phòng hộ.jpg
Rừng thông 3 lá ở lâm Đồng.
Theo ông Johan Kieft - cố vấn Dự án phát triển bền vững và BĐKH, lồng ghép phải đạt được mục tiêu đồng lợi ích, trong đó trao quyền lợi kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời cung cấp cho chính quyền địa phương các nguồn lực; các dịch vụ môi trường. Không nên tách rời với REED + mà gắn liền với sự phát triển của các-bon. Muốn giữ được nhiệt độ giảm dưới 20C thì các-bon là yếu tố chính. Trong ngành lâm nghiệp, REDD là một lựa chọn khả thi.

TS Phạm Mạnh Cường - Chánh Văn phòng REDD+ Việt Nam khẳng định: “Không có nơi nào còn diện tích rừng lớn như ở Tây Nguyên, nhưng cũng không có nơi nào mất rừng nhiều như ở Tây Nguyên, do đó, giảm phát thải ở Tây Nguyên là trọng điểm của Việt Nam”. Ông cũng lưu ý đến vấn đề liên doanh, liên kết trồng, bảo vệ rừng và kinh doanh tín chỉ các-bon. “Nếu rừng của nhà nước, chủ rừng nhận quản lý, bảo vệ mà ký kết giao dịch thương mại các-bon là không phù hợp về pháp lý”. 

Tây Nguyên cũng đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức, trước hết là áp lực về tăng dân số cơ học. Nếu năm 1976, toàn Tây Nguyên mới có khoảng 1,2 triệu người thì nay đã lên đến trên 5 triệu người.
Ông Nguyễn Khắc Hiếu cũng cảnh báo, cần cân nhắc kỹ lưỡng đối với việc xây dựng thủy điện, nhất là những dự án lớn có tác động nhiều đến dòng chảy, bởi ở đây sẽ nảy sinh vấn đề xây dựng hồ chứa, di dân, tái định cư… Theo ông, “Những vấn đề liên quan đến sinh kế của người dân cần hết sức cân nhắc, đặc biệt ở Tây Nguyên”

Đối với tỉnh Lâm Đồng, 1 trong 2 tỉnh đang triển khai lồng ghép REDD+, ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn-Giám đốc Trung tâm khuyến nông, khuyến lâm (Sở NN&PTNT Lâm Đồng) cho biết kết quả hoạt động tại các huyện Lâm Hà, Di Linh, Cát Tiên, Bảo Lâm, Đà Lạt và Lạc Dương:

Sau khi có kế hoạch sử dụng đất, tỉnh và huyện đã xây dựng bản đồ, đánh giá diễn biến, nguyên nhân mất rừng, suy thoái rừng; tập huấn nâng cao nhận thức; xây dựng hệ thống giám sát trữ lượng các-bon có sự tham gia, hệ thống chi trả, chia sẽ lợi ích công bằng và minh bạch; dự án vì người nghèo…

Tại huyện Cát Tiên, thành lập tổ công tác kỹ thuật gồm 11 thành viên; tuyên truyền BĐKH ở 4 xã và 15 thôn; tập huấn về đo tính và giám sát các-bon cho 75 người. Xây dựng mô hình REDD của Winrock với 3.167 ha rừng tại các xã Đạ Sar, Đa Nhim, Đạ Chais, thị trấn Lạc Dương (Lạc Dương) và Xuân Trường, Xuân Thọ (Đà Lạt). Năm 2011, Lâm Đồng chọn 2 xã Phú Sơn (Lâm Hà) và Bảo Thuận (Di Linh) thực hiện mô hình thí điểm lồng ghép…

Theo ông Sơn,  cần có sự quan tâm của các cấp trung ương và địa phương vì lồng ghép REDD+ vào quy hoạch là vấn đề còn mới.
   
Lồng ghép REDD+ vào quy hoạch phát triển tại Tây Nguyên là cơ hội để bảo vệ rừng tốt hơn, nhưng cũng còn nhiều thách thức, rủi ro trong quá trình triển khai. Nhiều ý kiến thống nhất rằng, REDD+ đang là quá trình tiếp cận, đây không phải là mục tiêu mà là một trong những giải pháp bảo vệ rừng.

Minh Đạo