Việt Nam ủng hộ đề xuất khung về dịch vụ khí hậu

10:05, 27/05/2011

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Geneva trong thời gian tham dự Đại hội lần thứ 16 của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) diễn ra từ ngày 16/5 đến 3/6 ở Geneva (Thụy Sĩ), Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cho biết Việt Nam ủng hộ đề xuất khung toàn cầu về dịch vụ khí hậu (GFCS), được đưa ra tại đại hội.

Biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Geneva trong thời gian tham dự Đại hội lần thứ 16 của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) diễn ra từ ngày 16/5 đến 3/6 ở Geneva (Thụy Sĩ), Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cho biết Việt Nam ủng hộ đề xuất khung toàn cầu về dịch vụ khí hậu (GFCS), được đưa ra tại đại hội.

Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho biết GFCS - một trong những ưu tiên của đại hội lần này, là nhằm nâng cao chất lượng của sản phẩm thông tin, phục vụ nhiều đối tượng khác nhau từ cơ quan nhà nước, cơ quan khí tượng thủy văn, cho tới các doanh nghiệp để khai thác và sử dụng một cách tốt nhất.

Dựa trên nền tảng hiện có, GFCS sẽ tăng cường cơ chế trao đổi ở phạm vi quốc tế, quốc gia và khu vực. GFCS ưu tiên cho các nước chịu ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu và các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Thứ trưởng cho biết biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới Việt Nam và là một nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước.

Nhiệt độ trung bình tăng dẫn đến hiện tượng nước biển dâng gây ra các tác động tiêu cực như ngập lụt, mất đất, nhiễm mặn nguồn nước ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động sản xuất của con người như sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, dịch vụ.

Biến đổi khí hậu có thể làm cho những hiện tượng thời tiết cực đoan như El Nino, La Nina ngày càng có những tác động mạnh mẽ, đặc biệt là bão, lũ và hạn hán trở nên khốc liệt hơn.

Thứ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho rằng khả năng dự báo của Việt Nam đang ở mức khá trong khu vực. Tuy nhiên, điều mà Việt Nam thiếu và cần đầu tư nhiều hơn nữa là một công nghệ dự báo tiên tiến và chắc chắn.
 
(Theo vietnam+)